"Giàu"

Thoi Gian

Không có tuổi.
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/2/2014
Bài viết
525
200.000đ. Đó là giá một quyển sách mà người phụ nữ nghèo khổ đã bỏ ra để mua cho con.

Số tiền mà bà phải dành dụm trong nhiều tháng trời và có thể sẽ ảnh hưởng đến khoản sinh hoạt phí eo hẹp của gia đình trong thời gian tới. Thế nhưng bà vẫn quyết tâm mua làm quà sinh nhật cho con, bởi bà biết con mình thực sự cần nó.

Ngồi xem phim, khóe mắt con rưng rưng bởi con bắt gặp hình bóng của bố mẹ, của anh chị em con, trong câu chuyện đó.

Nhà mình nghèo, bố mẹ bận rộn mưu sinh, nhưng mỗi lần sinh nhật con cái trong nhà chẳng khi nào bố mẹ quên. Quà tặng có khi là cuốn tập, cây bút mới, chiếc vòng đeo tay… Chị em con vui mừng đi khoe quà với bạn, chúng nó trầm trồ xuýt xoa và khen nhà mình “giàu”.

Cũng có lúc con ngờ ngợ về chữ “giàu” đó.

giau-d15fa.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm cuối cấp I, con đỗ thủ khoa trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Như một thói quen, con lại ngóng đợi, hồi hộp chờ món quà bố mẹ tặng mình. Nhưng khi nhà mình chưa kịp có bữa cơm liên hoan thì bố mẹ phải vội vã về quê vì bà nội ngã bệnh. Thấy bố mẹ xoay xở vay mượn tiền nong chạy chữa cho bà, chị Hai dặn:

- Bố mẹ đang túng, chắc chẳng có tiền mua quà thưởng cho em đâu. Em đừng buồn nhé.

Con gật đầu, trong lòng có chút hụt hẫng. Từ hôm ấy con không còn háo hức, mong chờ nữa. Bỗng dưng một ngày đi học về con nhìn thấy chiếc xe đạp dựng trước cửa nhà. Bố cười, bảo:

- Của con đấy. Chiếc xe đạp này là của người bạn bố tặng. Chú ấy giờ là ông chủ của mấy cửa hàng xe đạp ngoài phố.

Chiều hôm đó, con hớn hở đẩy xe ra ngõ đạp một vòng. Lâu rồi toàn đi chung xe với chị, giờ có được cái xe đạp của riêng mình cảm thấy thật thích thú.

Chị sắp vào đại học, bố mẹ cho cả nhà một chuyến đi chơi xa. Đi bằng tàu hỏa, ở khách sạn và tắm biển là những thứ mà chị em con chưa bao giờ được biết đến. Bài tập làm văn kể về một chuyến đi chơi xa của con viết dày kín bốn mặt giấy chứa chan cảm xúc. Con còn nhớ bên cạnh điểm 9, cô giáo đã phê một dòng mực đỏ: "Cảm ơn em, cô cũng đã có một chuyến đi tuyệt vời từ bài văn của em".

Sau chuyến đi đó, con thấy bố mẹ làm lụng nhiều hơn. Mẹ nhận thêm đồ gia công về nhà may, bố thức khuya hơn để dịch tài liệu. Có lần, dì Tư đến chơi, thấy quá trưa rồi mà mẹ vẫn bận bịu bên đống quần áo liền đùa:

- Ăn chơi nhảy múa về rồi giờ phải cày kéo kiếm tiền, khổ không?

Mẹ cười hiền rồi nhìn sang dì nhỏ nhẹ: “Sống ở đời người ta hơn nhau nhiều khi không phải ở đồng tiền, bát gạo hay manh áo, tấm quần mà ở sự trải nghiệm. Đời mình nghèo rồi, phải để cho con nó “giàu” hơn mình chứ”.

Ngày ấy, con chưa đủ lớn để hiểu ẩn ý của lời mẹ nói. Cũng như mãi về sau con mới biết có những món quà bố mẹ tặng chị em con phải dành dụm mới mua được, chiếc xe đạp không phải được tặng mà là bố mua nợ của một người quen, chuyến đi chơi xa là để chúng con được mở rộng tầm mắt…

Giờ thì con không còn mơ hồ về chữ “giàu” ấy nữa.

Theo phunuonline
 
giàu nhất vẫn là tình thương cha mẹ dành cho con :)
 
×
Quay lại
Top