Giáo dục đại học đang ‘rớt giá’?

Totoro

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/12/2011
Bài viết
5.437
Qua việc giảm mạnh lượng hồ sơ ở hai khu vực phía Bắc và phía Nam trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, nhiều ý kiến cho rằng đó là dấu hiệu khả quan, báo hiệu công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp đã phát huy hiệu quả.

886653-9518e0d0243181-img.jpg

Một mùa thi đại học nữa lại sắp đến gần... (Ảnh minh họa-)

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng đây là dấu hiệu đáng buồn cho thấy một bộ phận người dân hiện đã không còn tin vào chất lượng giáo dục đại học (ĐH).

Tín hiệu buồn?

Theo thống kê của một số sở GD-ĐT, năm nay, lượng hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh giảm mạnh. Cá biệt như Sở GD-ĐT Thanh Hóa giảm tới 16.000 hồ sơ, Sở GD-ĐT Thái Bình giảm khoảng 5.000 hồ sơ...

Đại diện nhiều sở GD-ĐT cho rằng, lý do là TS đã có kinh nghiệm hơn trong việc chọn trường, chọn ngành, không chạy theo số lượng như những năm về trước. Bên cạnh đó cũng là sự giảm số lượng cơ học (do số lượng học sinh tốt nghiệp THPT năm nay ít hơn năm 2012).

Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào nhưng đặt trong xu thế các trường ĐH vẫn không ngừng được thành lập mới, chỉ tiêu tuyển sinh của những trường đang hoạt động vẫn tăng, việc số lượng thí sinh giảm mạnh cho thấy tín hiệu đáng lo ngại của giáo dục ĐH Việt Nam.

Ông Nguyễn Tùng Lâm- Hiệu trưởng THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng cho rằng: Thực tế này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo là một bộ phận người dân không tin vào chất lượng giáo dục ĐH, không còn thấy sự hấp dẫn của mảnh bằng cử nhân, bỏ qua việc học ĐH để đi tìm cho mình một hướng đi phù hợp, một công việc phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình.
"Thí sinh bỏ ra 4 năm trời để học ĐH cùng rất nhiều gánh nặng chi phí nhưng ra trường, không xin được việc, phải đi làm công nhân thì thật đáng buồn", ông Lâm nói.

Cũng theo ông Nguyễn Tùng Lâm, việc giảm lượng hồ sơ đăng ký dự thi như năm nay cũng là tín hiệu cho thấy việc tuyển sinh của các trường (đặc biệt là trường ngoài công lập) sẽ còn khó khăn hơn.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long- Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp- Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho rằng: Hiện nay ở bậc ĐH có nhiều hình thức đào tạo như liên thông, tại chức, từ xa… Các trường bị cuốn vào cuộc đua chạy theo số lượng. Họ được quyền tự xác định chỉ tiêu tính trên số lượng giảng viên hiện có. Do vậy, các trường chỉ quan tâm tới việc đào tạo, còn sau đào tạo, tương lai sinh viên thế nào, đi đâu về đâu thì lại không được quan tâm chú ý. Dẫn đến tình trạng sinh viên thất nghiệp, không xin được việc làm ngày càng tăng.

"Thực tế đáng báo động đó, dẫn đến một bộ phận người dân không còn niềm vui khi con mình đậu ĐH. Bản thân những thí sinh đỗ ĐH cũng không cảm thấy trân trọng thành quả của mình. Xã hội cũng đặt dấu hỏi với những cử nhân có trong tay mảnh bằng ĐH. Đau xót hơn khi hiện nay ở Thanh Hóa có nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp, đi làm công nhân, nhưng phải cố giấu tấm bằng ĐH, hoặc thạc sỹ vì sợ DN không nhận", ông Nguyễn Văn Long than thở.

Yếu kém quy hoạch nguồn nhân lực

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm thì hiện nay Bộ GD-ĐT (cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về giáo dục) đã chưa làm tròn "vai" của mình trong công tác quy hoạch nguồn nhân lực. Hiện nay thí sinh rất thiếu, rất "khát" thông tin về việc xã hội cần bao nhiêu nhân lực cho từng ngành nghề cụ thể. Từ thực tế đó dẫn tới việc chọn ngành, chọn nghề chỉ mang tính chất "may rủi", may thì ra trường có việc, không may thì thất nghiệp. Hệ quả là hiện nay số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ ra trường thất nghiệp phải đi làm công nhân, bán trà đá, sửa xe... ngày càng đông.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Long đặt câu hỏi: Hiện nay tại Thanh Hóa mỗi năm bình quân 20.000 sinh viên đỗ ĐH-CĐ nhưng thị trường địa phương tuyển dụng được bao nhiêu?
"Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng hiện công tác quy hoạch nguồn nhân lực đang thực sự rất yếu kém. Chứng kiến cảnh người dân có cuộc sống cơ cực, nhưng vẫn cố sức để nuôi con học ĐH, để sau 4 năm ra trường thất nghiệp, phải đi làm những công việc giản đơn, mới thấy hết hậu quả của công tác quy hoạch yếu kém", ông Nguyễn Văn Long bức xúc.

"Lâu nay, ta vẫn cứ kêu đào tạo thừa thầy thiếu thợ hay “không theo nhu cầu xã hội” nhưng nói và làm thì cứ chung chung như thế. Cái đáng nói, đáng làm là chỉ rõ ra nhu cầu ấy ở ngành nghề nào, lĩnh vực nào thì cơ quan quản lý lại chưa làm tốt. Hơn bao giờ hết một chiến lược hoạch định lâu dài về nguồn nhân lực sẽ giúp định hướng cả người dạy, người học không còn lạc lối", ông Long nhấn mạnh.

Cũng bàn về vấn đề này, bà Ngô Thị Minh- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hiện công tác quy hoạch nguồn nhân lực của nước ta đang yếu kém.
"Quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải bài bản, bám theo dân số, bám theo địa bàn của các tỉnh, đặc biệt nên chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng miền. Không nên để tình trạng quy hoạch nguồn nhân lực mãi chỉ nằm trên giấy", bà Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh công tác quy hoạch nguồn nhân lực, theo ông Nguyễn Tùng Lâm, bản thân các trường ĐH, CĐ cũng phải đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng sức hút của mình với sinh viên và khẳng định thương hiệu với xã hội. Có như vậy, giá trị của tấm bằng ĐH mới không có nguy cơ bị "rớt giá" như hiện nay.
Theo Xaluan
 
×
Quay lại
Top