Giáo dục bắt buộc phản ánh trình độ dân trí đất nước

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Thực hiện giáo dục bắt buộc là cơ sở nâng cao trình độ dân trí của một nước, yếu tố có tính nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.


351fb5c500d1b8.img.jpg
Thực hiện giáo dục bắt buộc là cơ sở nâng cao trình độ dân trí của một nước.

Đồng thời cũng là giải pháp đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục nên nhiều nước đã thực hiện theo chế độ miễn học phí và gọi là giáo dục bắt buộc.

Giáo dục phổ thông chưa đạt yêu cầu của mục tiêu giáo dục

Giáo dục phổ thông là giáo dục nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ.

Trong những năm đổi mới, giáo dục phổ thông đã phát triển mạnh về quy mô, đáp ứng nhu cầu học tập của thế hệ trẻ, chất lượng giáo dục có chuyển biến đáng khích lệ, tuy chưa đạt yêu cầu của mục tiêu giáo dục.

Quy mô và chất lượng giáo dục là hai nội dung không thể tách rời của khái niệm giáo dục. Vì vậy, để được hiệu quả trong phát triển giáo dục về nguyên tắc phát triển qui mô phải gắn liền với điều kiện đảm bảo chất lượng. Vấn đề hiện nay trong phát triển giáo dục cần được ưu tiên tập trung giải quyết chất lượng trên tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Cơ chế, chính sách là đòn bẩy cho sự phát triển, những giải pháp về cơ chế chính sách đối với giáo dục phổ thông cần tập trung cho mục tiêu xây dựng nhà trường đủ điều kiện đảm bảo chất lượng.

Đổi mới chương trình - sách giáo khoa

Tiếp tục đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên nguyên tắc kế thừa và phát triển chương trình hiện nay theo hướng giảm tải tối đa, tinh gọn, cập nhật và khả thi, giải quyết những vấn đề mà chương trình hiện nay chưa giải quyết xong, đó là phương thức thực hiện giáo dục thể chất, giáo dục mỹ học, phân hóa ở cấp THPT, một chương trình, một bộ sách giáo khoa kèm theo văn bản hướng dẫn về yêu cầu đối với các đối tượng học sinh khác nhau hay một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa (2 - 3 bộ).


Thông qua "dạy chữ” để "dạy người”


Đổi mới đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, thực hiện đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên theo định kỳ. Có chính sách chăm lo đời sống của giáo viên và của gia đình họ, để họ có điều kiện tự học, phát triển nghề nghiệp, thực hiện được chức năng của một chuyên gia giáo dục thông qua "dạy chữ” để "dạy người” và bằng chính phẩm chất nhân cách của mình. Vấn đề cốt lõi của đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chính là đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục đào tạo, tạo nên sự chuyển biến cơ bản chất lượng giáo dục phổ thông.

Nên thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm (miễn học phí hoàn toàn ở cấp tiểu học và trung học cơ sở).

Đổi mới chính sách tài chính trên nguyên tắc nguồn tài chính cung cấp cho nhà trường phải đảm bảo cho nhà trường thực hiện được yêu cầu về đảm bảo chất lượng giáo dục. Vấn đề đặt ra cần áp dụng phương pháp hạch toán trong tính chi phí giáo dục. Trên cơ sở đó, Nhà nước có trách nhiệm huy động nguồn tài chính từ ngân sách và từ học phí đảm bảo đủ cho hoạt động giáo dục của nhà trường. Không thể kéo dài mãi tình trạng không đủ tài chính cho chi phí giáo dục và chất lượng giáo dục đạt được đến đâu thì đạt. Đối với giáo dục phổ thông, nguồn tài chính từ ngân sách vẫn là chính, học phí chỉ có tính hỗ trợ.

Thực hiện giáo dục bắt buộc là cơ sở nâng cao trình độ dân trí của một nước, yếu tố có tính nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là giải pháp đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục nên nhiều nước đã thực hiện theo chế độ miễn học phí và gọi là giáo dục bắt buộc. Ở nước ta, thực hiện phổ cập giáo dục 9 năm, miễn học phí ở cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở vẫn thu học phí, đến nay đã hoàn thành phổ cập giáo dục 9 năm trong cả nước. Để tạo cơ sở pháp lí cao hơn, duy trì được chất lượng giáo dục phổ cập và tạo điều kiện cho mọi trẻ em đạt được trình độ phổ cập, nước ta cũng nên chuyển sang chế độ giáo dục bắt buộc 9 năm, do đó chính sách tài chính trong giáo dục cũng nên sớm chuyển theo hướng này.

Đào tạo nguồn nhân lực theo đúng nhu cầu xã hội

Về việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, ở cấp đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp nên để các cơ sở đào tạo được chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo phương châm đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Hiện nay, nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực thì cơ sở đào tạo không thể xác định, còn nhu cầu từ nguyện vọng của người học thì chỉ có thể nhận biết qua số lượng thí sinh đăng kí dự thi. Hơn nữa, trong đào tạo nguồn nhân lực việc quan tâm đến việc làm của người học sau khi tốt nghiệp cũng thể hiện trách nhiệm xã hội của cơ sở đào tạo. Vì vậy, để tránh lãng phí, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về đào tạo nguồn nhân lực cần có sự phối hợp thực hiện công bố dự báo về nguồn lực để định hướng cho người học lựa chọn ngành nghề, cho cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo và kế hoạch tuyển sinh là điều rất cần thiết trong cơ chế thị trường.

Các cơ quan quản lý nhà nước không làm thay việc quản trị của các cơ sở đào tạo trên cơ sở tách bạch công tác quản lý nhà nước về đào tạo với công tác quản lý chuyên môn của cơ sở. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để cơ sở đào tạo thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội, đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch và chịu sự giám sát của các chủ thể trong nhà trường, của nhà nước và xã hội. Hội đồng nhà trường là một thiết chế có quyền lực quyết định các chủ trương, huy động và sử dụng các nguồn lực đảm bảo cho sự phát triển của nhà trường, thực hiện chức năng giám sát công tác quản lý của Hiệu trưởng. Vì vậy, Hiệu trưởng không thể kiêm Chủ tịch Hội đồng nhà trường và ngược lại.

Đổi mới là yêu cầu tự thân của giáo dục

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tập trung cho mục tiêu chất lượng là yêu cầu của bản thân giáo dục nước ta hiện nay, đồng thời cũng là yêu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội và không thể không quan tâm đến đổi mới tư duy của xã hội đối với việc học. Điều này có ý nghĩa thiết thực góp phần tích cực với ngành giáo dục trong việc xây dựng một nền giáo dục thực học đào tạo ra những con người có nhân cách tốt và năng lực nghề nghiệp cao, có uy tín trong xã hội cũng như trên thị trường lao động quốc tế.

Theo Xaluan
 
×
Quay lại
Top