Giải quyết khó khăn tâm lý cho HS THPT: Cha mẹ chưa là chỗ dựa

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Học sinh THPT là lứa tuổi đang trong giai đoạn hoàn thiện nhân cách, nhưng thiếu kinh nghiệm và tri thức nên trước nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống, học tập, tu dưỡng, các em thường gặp rất nhiều khó khăn. Điều đáng nói ở đây, người lớn chưa phải là đối tượng để các em chia sẻ tâm tư và tìm kiếm sự giúp đỡ.


Học sinh gặp nhiều khó khăn


Khảo sát trên 600 học sinh lớp 10, 11, 12 tại Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nội của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy, học sinh THPT gặp khó khăn lớn nhất ở lĩnh vực xác định nghề nghiệp trong tương lai (23,4%). Học sinh thường thiếu kiến thức cơ bản về nghề, chưa hiểu rõ những yêu cầu đặc thù của mỗi loại nghề nghiệp, sự phù hợp của bản thân với nghề, khả năng phát triển nghề… Học tập cũng là lĩnh vực nhiều khó khăn đối với các em (19%). Điển hình nhất là khó khăn do học sinh bị áp lực học tập quá nặng.


GDUONG.jpg
Mô hình Phòng Tham vấn tâm lý cho học sinh THPT là rất cần thiết. Ảnh: Bảo Kha

TS Dương Diệu Hoa, Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, vấn đề này bắt nguồn từ tâm lý chung của các bậc cha mẹ. Họ luôn mong muốn con mình học hành thành đạt, được vào trường chuyên, lớp chọn và chính sự kỳ vọng quá mức đã tạo áp lực cho con cái. Từ áp lực về thành tích học tập dẫn đến áp lực về điểm số. Nhiều học sinh đã khẳng định "điểm số là quan trọng nhất", "học vì điểm", bởi cha mẹ thường chỉ căn cứ vào điểm số để đánh giá kết quả học tập của con. Bên cạnh đó, những băn khoăn, vướng mắc về sự phát triển của cơ thể là khó khăn tâm lý xếp ở vị trí thứ ba (15,6%). Các em có nhiều thắc mắc mà không dễ hỏi người lớn, như mặc cảm về hình thể, vóc dáng, chiều cao, cân nặng; lo lắng về những biểu hiện của cơ thể; hoài nghi về sự bình thường của các chức năng giới tính…

Trong mối quan hệ của các em, có tới 13,2% học sinh được hỏi gặp khó khăn trong quan hệ với cha mẹ. Theo các nhà nghiên cứu, sự thiếu hiểu biết của cha mẹ về đặc điểm tâm sinh lý của con chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Chính vì thiếu hiểu biết nên cha mẹ hay áp đặt suy nghĩ của mình cho con thay vì bỏ thời gian để lắng nghe suy nghĩ, tâm tư tình cảm của các em. Quan hệ với thầy cô giáo là lĩnh vực ít gây khó khăn tâm lý nhất so với các quan hệ khác của học sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ 6,8% cũng chưa phải là con số thấp. Ở mối quan hệ này, các mâu thuẫn thường thấy hay nằm trong quan hệ giữa giáo viên và học sinh, ví như giáo viên có định kiến, không công bằng, phân biệt đối xử, không hiểu tâm lý học sinh…

Chỉ 2,3% học sinh tìm đến bố mẹ


Khi gặp khó khăn, học sinh THPT có rất nhiều cách giải quyết, từ cách giải quyết mang tính hướng ngoại như tâm sự với bạn bè, anh chị em, thầy cô giáo hay những cách có tính hướng nội như tìm hiểu vấn đề thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, viết nhật ký để nỗi buồn vợi bớt hoặc tự chịu đựng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 22,3% học sinh tâm sự với bạn bè, 19,7% giữ kín và âm thầm chịu đựng. Tỷ lệ các em chọn phương án tâm sự với cha mẹ rất thấp, chỉ chiếm 2,3%. Điều này cho chúng ta thấy rõ hơn một thực tế đáng buồn là nhiều bậc cha mẹ do quá bận bịu với công việc, không có thời gian chuyện trò với con hoặc thiếu hiểu biết về tâm, sinh lý nên sẽ thiếu đi sự đồng cảm, chia sẻ với con. Vì thế, cách giải quyết của học sinh THPT trước khó khăn hiện nay khiến người lớn cần phải nghiêm túc suy nghĩ. Cách thông thường nhất hiện nay, khi gặp khó khăn các em thường chọn lựa sự giúp đỡ từ bạn bè. Nhưng có rất nhiều vấn đề mà các em băn khoăn, như lựa chọn nghề nghiệp, thắc mắc về sự phát triển của bản thân… lại nằm ngoài khả năng tư vấn, giải quyết của các bạn đồng trang lứa. Vì thế, có tới 31,2% học sinh THPT cho rằng, cách giải quyết vấn đề băn khoăn của mình đang áp dụng hiện nay là không hiệu quả. Cũng theo kết quả nghiên cứu trên, ảnh hưởng của những khó khăn tâm lý đến đời sống và học tập của học sinh là rất lớn. Vì lẽ đó, phần lớn học sinh (55,4%) cho rằng việc tiến hành hoạt động tham vấn tâm lý thường xuyên cho các em là cần thiết.

Theo các nhà nghiên cứu, tham vấn tâm lý cho học sinh THPT có đặc thù riêng nên chỉ có các chuyên gia mới đảm nhiệm được công việc này, bố mẹ và thầy cô giáo không thể làm thay được. Vì thế, ở Hà Nội hiện nay chỉ có một số ít trường có phòng tham vấn tâm lý, còn ở các tỉnh thì hầu như không có. Từ nhu cầu thực tế và nghiên cứu trên, đã đến lúc ngành GD-ĐT cần có những nghiên cứu cụ thể để đưa mô hình phòng tham vấn tâm lý vào trường học. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng nên chủ động trang bị kiến thức về đặc điểm tâm, sinh lý của lứa tuổi này để giúp đỡ các em hiệu quả hơn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục con em mình.
Theo hanoimoi.vn
 
×
Quay lại
Top