Giả thuyết tiến hóa mới: Bộ não con người tăng trưởng là kết quả của sự tuyệt chủng các loài động vật có kích thước lớn

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Một bài báo mới của Tiến sĩ Miki Ben-Dor và Giáo sư Ran Barkai từ Khoa Khảo cổ học Jacob M. Alkow tại Đại học Tel Aviv vừa đề ra một giải thích chung nhất về nguồn gốc sự tiến hóa chức năng sinh lý, hành vi và văn hóa của loài người từ lần đầu tiên xuất hiện khoảng 2 triệu năm trước cho đến cuộc cách mạng nông nghiệp (khoảng 10,000 năm trước Công nguyên).

Minh họa việc săn voi. Ảnh: Dana Ackerfeld

Minh họa việc săn voi. Ảnh: Dana Ackerfeld
Theo bài báo, con người đã trở thành những thợ săn động vật lớn, sau cùng gây ra sự tuyệt chủng của chúng. Khi đã thích nghi với việc săn bắt những con mồi nhỏ và nhanh nhẹn, con người cũng phát triển những khả năng nhận thức cao hơn, bằng chứng là sự thay đổi tiến hóa rõ rệt nhất: sự tăng trưởng của kích thước não bộ từ 650cc lên 1500cc. Cho đến nay, chưa có lời giải thích chung nhất nào được đưa ra cho hiện tượng chính yếu này trong giai đoạn tiền sử của loài người. Giả thuyết mới mẻ này đã được công bố trên tạp chí Quaternary Journal.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều chứng cứ được thu thập cho thấy đại khái con người là nhân tố chính dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động vật lớn, và rồi phải thích nghi với việc săn bắt những loài nhỏ hơn, đầu tiên là ở châu Phi và sau đó là ở mọi khu vực khác trên thế giới. 2.6 triệu năm trước tại châu Phi, khi loài người lần đầu xuất hiện, kích thước trung bình của động vật có vú trên cạn là gần 500kg. Chỉ trước khi nông nghiệp ra đời, con số này đã sụt giảm hơn 90% - xuống còn vài chục kg.

Theo các nhà nghiên cứu, sự suy giảm kích thước của các loài và nhu cầu săn bắt những loài nhỏ và nhanh nhẹn đã buộc con người phải thể hiện sự khéo léo và gan dạ – một quá trình tiến hóa yêu cầu kích thước bộ não tăng lên và từ đó dẫn đến sự hình thành ngôn ngữ giúp trao đổi thông tin về nơi có thể tìm thấy con mồi. Giả thuyết này cho rằng tất cả những điều đó đều phục vụ cho một mục đích: bảo tồn năng lượng cơ thể.


02.jpg
Giáo sư Ran Barkai. Ảnh: Đại học Tel Aviv
Các nhà nghiên cứu cho biết trong suốt hầu hết quá trình tiến hóa, người tiền sử luôn là những kẻ săn mồi vô địch, chuyên săn các loài thú lớn. Đại diện cho hầu hết lượng sinh khối sẵn có cho việc săn bắt, các loài động vật này cung cấp cho con người lượng chất béo cao, một nguồn năng lượng thiết yếu, và giúp tạo ra năng lượng cao hơn các loài nhỏ. Trong quá khứ, sáu loài voi khác nhau đã từng sinh sống tại châu Phi, chiếm quá nửa lượng sinh khối của mọi động vật ăn cỏ bị con người săn bắt. Chứng cứ ban đầu từ Đông Phi chỉ ra rằng homo sapiens chỉ xuất hiện tại khu vực ấy sau sự suy giảm đáng kể số lượng các loài voi trong một số vùng nhất định. So sánh kích thước của các loài động vật được tìm thấy trong các nền văn hóa khảo cổ, đại diện cho các chủng người khác nhau tại Đông Phi, Nam Âu và Israel, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy trong mọi trường hợp đều có sự sụt giảm đáng kể tính phổ biến của các loài nặng trên 200kg, đi cùng với nó là sự gia tăng trong kích thước bộ não con người.

“Chúng tôi liên hệ kích thước não bộ tăng lên của con người với nhu cầu trở thành những kẻ săn mồi thông minh hơn”, Tiến sĩ Ben-Dor giải thích. “Ví dụ như, nhu cầu săn hàng chục con linh dương thay vì một con voi đã tạo ra áp lực tiến hóa kéo dài lên các chức năng não bộ con người, giờ đây họ sử dụng nhiều năng lượng hơn trong quá trình di chuyển và suy nghĩ. Săn các loài động vật nhỏ thường xuyên bị kẻ săn mồi đe dọa và do đó tháo chạy rất nhanh, đòi hỏi chức năng sinh lý phải thích nghi với cuộc đuổi bắt cũng như những công cụ săn bắt tinh xảo hơn. Hoạt động nhận thức cũng tăng lên khi việc theo dấu nhanh đòi hỏi việc ra quyết định cũng phải nhanh dựa trên kinh nghiệm nhận biết hiện tượng với hành vi của động vật – đó là những thông tin cần được lưu trữ trong một bộ nhớ lớn hơn.”

“Sự thích nghi về mặt tiến hóa của con người đã rất thành công”, Tiến sĩ Ben-Dor phát biểu. “Khi kích thước của các loài động vật tiếp tục nhỏ lại, việc phát minh ra cung tên và thuần hóa loài chó đã giúp việc săn bắt động vật cỡ vừa và nhỏ hiệu quả hơn, cho đến khi các quần thể này cũng dần suy giảm. Vào cuối thởi kỳ Đồ Đá, khi động vật ngày càng nhỏ hơn, con người phải dành nhiều năng lượng vào việc săn bắt hơn so với khả năng phục hồi năng lượng. Chính lúc này cuộc cách mạng nông nghiệp đã diễn ra, gồm cả việc thuần hóa vật nuôi và cây trồng. Khi con người chuyển đến các khu định cư lâu dài và làm nông, kích thước bộ não của họ giảm đến mức hiện tại là 1300-1400cc. Điều này xảy ra là bởi với cây trồng và vật nuôi được thuần hóa mà không còn tháo chạy, không cần thiết phải phân bổ các khả năng nhận thức nổi trội cho công cuộc săn bắt nữa.”

Theo Giáo sư Barkai: “Trong khi bộ não của loài vượn vẫn ổn định trong suốt 7 triệu năm, thì bộ não con người đã phát triển gấp 3 lần, đạt được kích thước to nhất vào khoảng 300,000 năm trước. Cùng với kích thước não, áp lực tiến hóa đã khiến con người biết sử dụng ngôn ngữ, lửa và các công cụ tinh xảo như cung tên, tay và vai thích nghi cho hoạt động quăng, ném và cơ thể thích nghi cho những cuộc đuổi bắt kéo dài, cải tiến công cụ đồ đá, thuần hóa loài chó và cuối cùng thuần hóa luôn cả chính cuộc chơi và chuyển sang làm nông nghiệp.”

Giáo sư Barkai nói thêm: “Cần phải hiểu rằng quan điểm của chúng tôi không mang tính quyết định. Chính con người đã tự mang rắc rối này cho bản thân. Bằng cách tập trung vào săn bắt những loài động vật lớn nhất, họ đã gây ra các cuộc tuyệt chủng. Con người xuất hiện ở đâu – dù là homo erectus hay homo sapiens, ta đều thấy không sớm thì muộn, đều có sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài động vật lớn. Sống phụ thuộc vào các loài động vật lớn có cái giá của nó. Con người đã phải cắt giảm sinh kế của mình. Nhưng trong khi các chủng người khác, như người anh em Neanderthals của chúng ta, bị tuyệt chủng khi con mồi lớn của họ biến mất, homo sapiens đã quyết định làm lại từ đầu, lần này là dựa vào nông nghiệp.”

Tài liệu kham thảo: “Sự suy giảm kích thước con mồi là một tác nhân chọn lọc sinh thái chung nhất trong quá trình tiến hóa của con người ở kỷ Băng Hà” của Miki Ben-Dor và Ran Barkai, ngày 19/02/2021, Quaternary Research.

Dịch bởi Kenhsinhvien.net
(Theo SciTechDaily)
 
×
Quay lại
Top