Estonia: Trở thành đất nước công nghệ cao từ bàn tay trắng

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
48c855debe2778f7b2604ecd115479f8_XL.jpg

Estonia - Trở thành đất nước công nghệ cao từ bàn tay trắng. (Ảnh: AFP)​


NDĐT - Là một quốc gia nhỏ ở vùng Baltic với dân số gần 1,3 triệu người, nhưng Estonia hiện đang nằm trong số những nước dẫn đầu thế giới về công nghệ. Làm thế nào mà chỉ trong vòng hơn 20 năm, từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, Estonia đã phát triển được một nền công nghiệp công nghệ cao mạnh mẽ như vậy?


Năm 1991, Estonia giành lại được độc lập, chỉ có hơn một nửa dân số của nước này sử dụng điện thoại cố định. Nhưng chỉ sau hơn hai thập kỷ, quốc gia này đã trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về công nghệ. Các kỹ sư phần mềm người Estonia đã viết ra các mã lệnh trong các ứng dụng nổi tiếng như Skype, Hotmail và Kazaa (một mạng chia sẻ dữ liệu ngang hàng trong thời kỳ đầu). Vào năm 2007, Estonia đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép các cử tri bỏ phiếu trực tuyến trong cuộc bầu cử quốc hội.

Estonia cũng là một trong những nước có tốc độ đường truyền băng thông rộng nhanh nhất thế giới và giữ kỷ lục thế giới về số doanh nghiệp trên đầu người. Toàn bộ 1,3 triệu công dân của quốc gia này trả tiền đỗ xe qua điện thoại di động và có các hồ sơ sức khỏe được lưu trữ bằng công nghệ điện toán đám mây. 95% dân số nước này thực hiện việc kê khai hoàn thuế thu nhập hằng năm qua mạng và việc này chỉ mất khoảng năm phút.

Việc đăng ký thành lập một doanh nghiệp cũng chỉ mất có năm phút thao tác qua dịch vụ chính phủ điện tử. Các doanh nhân muốn thành lập một công ty chỉ cần đăng nhập bằng chứng minh thư điện tử của mình và sau vài cú bấm chuột, họ đã nhận được thư xác nhận gửi trả về hộp thư điện tử của mình. Làm thế nào mà một đất nước ở vùng Baltic có thể phát triển được một nền văn hóa công nghệ mạnh mẽ như vậy?

Estonia đã đặt nền móng cho thành công này từ năm 1992, khi nền kinh tế trì trệ của nước này dần được phục hồi dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mart Laar. Chỉ trong chưa đầy hai năm, chính phủ trẻ trung của ông (với các thành viên chính phủ có độ tuổi trung bình 35) đã mang lại cho đất nước Estonia một hệ thống thuế thu nhập ổn định, một nền thương mại tự do, một đồng tiền mạnh và một nền kinh tế tư nhân hóa. Các doanh nghiệp mới có thể được đăng ký một cách nhanh chóng và không gặp nhiều trở ngại. Do hạ tầng cơ sở yếu kém, chính quyền Estonia đã phải bắt đầu từ bàn tay trắng.

Khi nước láng giềng Phần Lan quyết định chuyển sang sử dụng hệ thống điện thoại công nghệ kỹ thuật số, nước này đã tặng không cho Estonia hệ thống điện thoại dùng công nghệ tín hiệu tương tự cổ lỗ sĩ từ những năm 1970 của mình. Nhưng Estonia đã từ chối đề nghị này và xây dựng một hệ thống điện thoại kỹ thuật số của riêng mình. Tương tự như vậy, đất nước này từ chỗ không có một hệ thống đăng ký đất đai đã tiến tới tự phát triển một hệ thống đăng ký qua máy tính không cần sử dụng giấy. Ông Toomas Hendrik Ilves, tổng thống Estonia hồi tưởng: “Chúng tôi đã bỏ qua một số thứ nhất định... khi đó trình duyệt web Mosaic vừa được giới thiệu và tất cả mọi người đều ở trên một sân chơi bình đẳng”. Không phải chịu gánh nặng bởi các công nghệ cũ kỹ, các bộ trưởng trẻ trung của đất nước đã đặt niềm tin của họ vào mạng Internet.

Tiếp theo đó, một dự án trang bị máy tính cho tất cả các phòng học trên toàn quốc đã được triển khai và tới năm 1998, tất cả các trường học của Estonia đã được kết nối mạng Internet. Vào năm 2000, khi chính phủ Estonia tuyên bố việc truy cập Internet là một quyền của con người, kết nối mạng đã được đưa tới những vùng xa xôi nhất của đất nước. Mạng không dây Wi-Fi miễn phí trở nên phổ biến. Các con dấu cao su, giấy than và những dòng người xếp hàng dài đã nhường chỗ cho “chính phủ điện tử”.

Khu vực kinh tế tư nhân cũng theo sát gót: năm 2005 vụ công ty Skype được bán cho tập đoàn eBay với giá 2,6 tỷ USD đã tạo ra một tầng lớp các nhà đầu tư mới của Estonia. Những nhà đầu tư này đã kiếm được hàng chục triệu euro từ các cổ phần của họ và tận dụng tốt kinh nghiệm, vận may của họ. Ngày nay, Tehnopol, một trung tâm kinh doanh ở thủ đô Tallinn, là nơi đóng trụ sở của hơn 150 công ty công nghệ. Ông Taavet Hinrikus, là một trong những nhân viên đầu tiên của Skype cho biết, do thị trường nội địa quá nhỏ bé, các doanh nghiệp mới thành lập buộc phải đặt mục tiêu hướng ra toàn cầu. Ông Hinrikus cũng là đồng sáng lập của TransferWise, một dịch vụ chuyển tiền ngang hàng có khách hàng ở khắp châu Âu và châu Mỹ.

Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ tính riêng trong năm 2011 đã có hơn 14 nghìn công ty mới được đăng ký ở Estonia, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2008. Ngành công nghiệp công nghệ cao giờ đây chiếm tỷ trọng lên tới 15% GDP nước này.

Liệu các quốc gia khác có thể học hỏi kinh nghiệm của Estonia để vươn lên thành một ông lớn về công nghệ? Ông Ilves đã đưa ra câu trả lời là “hãy làm những gì chúng tôi đã làm”. Ông cũng khẳng định rằng thành công của Estonia không hoàn toàn là việc vứt bỏ các công nghệ cũ mà chính là phải vứt bỏ “tư duy kế thừa”. Thí dụ, việc sao chép thủ tục điền bản khai thuế trên máy tính rồi in ra giấy là ổn. Để có một hệ thống khai thuế thành công, cần đưa ra được những bảng biểu đã được điền sẵn, từ đó người dùng chỉ cần kiểm tra lại các phép tính mà thôi.

Việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng rất quan trọng. Năm 2012, một chương trình có tên là ProgeTiiger nhằm dạy các học sinh năm tuổi các kiến thức cơ bản về lập trình đã được triển khai. Ông Hinrikus nói: “Trong những năm 80 tất cả các cậu bé trong trường trung học đều muốn trở thành một ngôi sao nhạc rock. Giờ đây tất cả mọi học sinh trong trường trung học đều muốn trở thành một doanh nhân”.

Theo Business Insider
 
×
Quay lại
Top