Em là tân sinh viên muốn nhờ các anh chị tư vấn về cuộc sống sinh viên

phamtranbaotram

Thành viên
Tham gia
16/8/2018
Bài viết
2
Em là sinh viên tỉnh lẻ mới ra TP học, có nhiều điều bỡ ngỡ, có nhiều điều muốn hỏi các anh chị đi trc, em đăng danh sách các câu hỏi mong các anh chị giúp em nhé.

1. Em học chuyên ngành Ngôn ngữ anh, nhưng kỹ năng nghe và nói của em hơi hạn chế. Mọi người có thể tư vấn cho em một số lời khuyên, trang web, tài liệu… giúp em cải thiện được không?


2. Em đang có ý định trong quá trình học đại học em sẽ học thêm chứng chỉ quốc tế IELTS. Các anh chị có thể cho em biết em nên học khi nào là hợp lý nhất, những quyển sách, lời khuyên hữu ích trong quá trình học…. Em xin cảm ơn.(Mách nhỏ: nếu tư vấn sách thì các anh chị vui lòng chụp bìa sách rồi đăng lên giúp em, nếu ebook thì các anh chị cho em link với. Em cảm ơn ạ).


3. Em nghe nhiều anh chị sinh viên đi trước nói rằng khi lên đại học thì chương trình sẽ không giống như chương trình phổ thông, khối lượng kiến thức rất bao la rộng lớn, nếu không biết cách thì sẽ rất dễ bị áp lực, thậm chí nếu học không vào thì sẽ bị nợ môn, thậm chí nặng nề hơn là bị đuổi khỏi trường…Nghe vậy em rất lo sợ. Mọi người có thể cho em một số lời khuyên, mẹo để vượt qua khó khăn này được không ạ?


4. Em nghe nói lên đại học, không những hàng ngày học kiến thức mà ngoài ra còn phải tham gia các hoạt động giao lưu, văn nghệ, cộng đồng,những cuộc thi… đi làm thêm để có thêm kinh nghiệm, mạnh dạn hơn...Nghe như vậy em rất thích nhưng em thực sự không biết làm thế nào, bên cạnh đó em muốn đí làm thêm để sớm tự chủ về tài chính, không phụ thuộc ba mẹ quá nhiều, và em có mục tiêu là phải học được tấm bằng loại giỏi để ra trường nhanh chóng tìm được việc làm. Mọi người có thể cho em cách phân bố thời gian hợp lý để có thể làm được tất cả những việc đó trong 4 năm đại học được không ạ?


5. Mọi người có thể tư vấn cho em một vài lời khuyên, mẹo…giúp cải thiện khả năng gõ bàn phím máy tính 10 ngón được không? Em xin cảm ơn.


6. Em rất thích được thuyết trình trước đám đông nhưng khổ nỗi dù chuẩn bị kỹ càng đến đâu thì lần nào thực hiện em cũng run dẫn đến quên hết hoặc nói hơi nhanh, tay chân cựa quậy không tự nhiên dẫn đến mất tự tin trước đám đông? Em phải làm thế nào để hết “căn bệnh mãn tính” này và cải thiện hơn khả năng thuyết trình trước đám đông ạ?


7. Em đang phân vân không biết nên ở ký túc xá hay ở phòng trọ. Các anh chị nếu biết có thể vui lòng phân tích kỹ cho em những ưu, nhược điểm khi ở phòng trọ và ký túc xá và cho em các giải pháp khắc phục nhược điểm. Em xin cảm ơn!


8. Có anh chị nào từng là sinh viên có thể cho em 1 thời gian biểu trong ngày, cụ thể là nên làm gì lúc mấy giờ trong ngày, ví dụ như dậy sớm tập thể dục lúc mấy giờ là hợp lý nhất, đến buổi tối thì nên dành thời gian làm gì, cụ thể lúc mấy giờ, gọi điện về nhà vào lúc nào, mấy giờ là thích hợp nhất ....Em xin cảm ơn.


9. Em thấy rất nhiều anh chị là sinh viên học ngoài Sài gòn, do mỗi ngày phải đi học, đi làm…khi về nhà không có nhiều thời gian để nấu ăn, để tự chăm sóc sức khỏe bản thân, anh chị nào ở ký túc xá thì ăn ở căn tin, anh chị nào ở phòng trọ thì đành chịu ăn ở ngoài, nhưng thức ăn không đảm bảo vệ sinh dẫn đến rất nhiều bệnh như cảm cúm, tiêu chảy…nghe như vậy em rất lo sợ. các anh chị có thể cho em một số biện pháp để phòng ngừa thì ở ký túc xá hay ở phòng trọ thì nên ăn uống những thực phẩm gì, như thế nào cho an toàn; để khắc phục thì khi có những triệu chứng cảm cúm, tiêu chảy…hay có các vết thương ngoài da thì nên ăn uống như thế nào để khỏi bệnh, chữa trị như thế nào cho an toàn và nhanh khỏi bệnh nhất? em xin cảm ơn.


10. Em đã tìm hiểu về chuyên ngành Ngôn ngữ anh, tức là chuyên ngành mà em sắp theo học, em thấy sau khi ra trường có thể làm được những công việc như sau:

A/ Biên phiên dịch cho các công ty, cơ quan truyền thông, các tổ chức kinh tế, xã hội của Việt nam và quốc tế, dịch thuật cho các nhà xuất bản, trung tâm phát hành sách, báo chí…

B/ Nhân viên truyền thông, marketing, tổ chức sự kiện, thư ký, trợ lý…

C/ kế toán, ngân hàng, hướng dẫn viên du lịch hay nhân viên kinh doanh, chuyên viên tư vấn tại các công ty du lịch, lữ hành, nhà hàng khách sạn;

D/ Giáo viên giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh tại các trường đại học, cao đẳng, THPT, trung tâm ngoại ngữ…

Đối với từng ngành nghề tương ứng với các chữ cái, mọi người vui lòng tư vấn cho em thực trạng, ưu, nhược điểm của từng ngành nghề, những kỹ năng, kiến thức, chứng chỉ, bằng cấp…cần thiết cần có, nghề nghiệp làm thêm phù hợp trong quá trình học đại học để sau này có công việc làm nhanh chóng, ổn định, như ý nhất. Em xin cảm ơn.


11. Em thấy rất nhiều anh chị sinh viên khi học ngoài Sài gòn thì thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển. Các anh chị có thể tư vấn cho em tuyến xe buýt nào chạy qua trường hay ký túc xá trường em sắp theo học (địa chỉ em đã ghi rõ ở câu hỏi số 10), khi đi xe buýt thì cần có những kỹ năng gì, làm thế nào để phòng tránh những sự cố đáng tiếc như ăn trộm, tai nạn…; vào dịp lễ, tết...đi xe buýt về nhà thì nên đặt vé khi nào, ở đâu, cần chuẩn bị những gì khi đi xe buýt, ra bến xe...Em xin cảm ơn.

12. Sắp phải đến học tập, sinh hoạt ở một thành phố đông dân, năng động, có nhiều cơ hội và thử thách như TPHCM, ngoài những điều em lo ngại như trên em còn lo lắng một điều nữa, chính là: những cám dỗ, sa ngã trong tình bạn, tình yêu, vui chơi giải trí, việc làm…,nạn cướp giật, những trò lừa đảo tinh vi như đa cấp, dàn cảnh trộm cắp, đánh vào lòng thương, lòng tham con người nhằm mục đích lợi dụng, trộm cắp tài sản…Em thấy rất nhiều anh chị sinh viên chỉ vì 1 phút bất cẩn, không làm chủ bản thân, không tỉnh táo đã bị thiệt hại tài sản, bị thương tích nặng nề ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng, ảnh hưởng đến cả quãng đời còn lại. Em rất lo ngại về vấn đề này, mong các anh chị đã từng có kinh nghiệm có thể truyền lại cho em một số kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh những cám dỗ, khó khăn vừa rồi. Em xin cảm ơn.


13. Em có 1 người chị họ, là sinh viên năm cuối ngành Quan hệ quốc tế trường đại học Nhân Văn TPHCM, chị ấy học rất giỏi, rất năng động, chị ấy muốn ra trường làm giáo viên dạy Tiếng Anh cho các trung tâm Ngoại ngữ, hiện giờ chị ấy đã có chứng chỉ Sư phạm nhưng có một điều khó hiểu là chị ấy sắp tới có dự định về dạy ở BMT chứ không dạy ở SG. Một người năng động như chị mà còn phải về BMT thì không biết một tân sinh viên như em sau này ra trường thì có cạnh tranh nổi để có việc làm như ý, phù hợp với chuyên ngành ở SG này không? Các anh chị vui lòng cho em giải pháp với ạ.


14. Em nghe các anh chị học ngành Ngôn ngữ anh nói trước khi tốt nghiệp, phần lớn các trường đại học đều bắt buộc sinh viên phải có chứng chỉ một ngoại ngữ khác (không phải Tiếng Anh) thì mới tốt nghiệp ra trường được. Điều này có đúng không ạ, nếu đúng thì các anh chị vui lòng tư vấn cho em nên học ngoại ngữ thứ 2 nào là thích hợp nhất đối với thực trạng hiện nay? Em xin cảm ơn.


15.Khi lên TPHCM sinh hoạt và học tập, dù ở nhà trọ hay ký túc xá thì em cũng phải sống trong 1 tập thể, 1 nhỏ và 1 lớn. Trong quá trình học, em phải làm gì để sống chan hòa với tập thể, không mất lòng ai cả, vì em biết nếu mình sống chan hòa với tập thể thì không những được tập thể yêu quý mà còn được giúp đỡ rất nhiều thứ,v...v...Mọi người vui lòng tư vấn cho em với ạ. Em xin cảm ơn.


16. Em rất thích đọc cuốn sách TONY BUỔI SÁNG- TRÊN ĐƯỜNG BĂNG. Trong cuốn sách này có rất nhiều bài viết về người trẻ khởi nghiệp, về quê sản xuất, sản xuất ra những sản phẩm làm rạng danh nước nhà...như LẼ NÀO KHỔ MIẾT, CÔ GIÁO MIỀN LỤC NGẠN, NÔNG SẢN AN TOÀN VÀ TRÁI TIM NGƯỜI VIỆT...,và họ đã thành công bằng chính sức lực của mình, thậm chí có người làm trái với ngành nghề họ được đào tạo, hay nói cách khác là trái ngành. Đọc thấy như vậy em vui sướng và tự hào vì Việt Nam ta vẫn còn có những người trẻ nhiệt huyết, cần cù, nghị lực phi thường như thế. Là một người trẻ, hơn nữa là 1 tân sinh viên, em rất muốn được noi gương họ để làm rạng danh Tổ quốc. Dẫu là em biết là tùy theo năng lực của từng cá nhân nhưng các anh chị làm ơn hãy tư vấn những câu hỏi như sau: muốn khởi nghiệp thì cần phải có những điều kiện cần và đủ nào, trong quá trình khởi nghiệp thì có thể gặp những khó khăn nào và giải pháp, với chuyên ngành mà em chọn thì em nên chọn khởi nghiệp trong những lĩnh vực nào, như thế nào để phù hợp với xu thế hiện nay...Em xin cảm ơn.


17. Các anh chị làm ơn tư vấn cho em 1 vài quyển sách, tài liệu về kỹ năng sống cho sinh viên, kỹ năng mềm, tư duy tích cực, kỹ năng tìm việc làm, kỹ năng quản lý, khởi nghiệp...Em xin cảm ơn.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Anh không theo chuyên ngành tiếng Anh nên nhiều câu cũng khó trả lời hết cho em được, những câu nào trả lời được anh sẽ trả lời em, những câu khác hy vọng các anh chị nào biết thì có thể trả lời em :D

1. Em học chuyên ngành Ngôn ngữ anh, nhưng kỹ năng nghe và nói của em hơi hạn chế. Mọi người có thể tư vấn cho em một số lời khuyên, trang web, tài liệu… giúp em cải thiện được không?

Kỹ năng nghe và nói em hoàn toàn có thể cải thiện được, anh biết bộ sách khá hay là “Bộ 4 Cuốn Effortless English - Học Tiếng Anh Như Người Bản Ngữ Cùng Aj Hoge” của Aj Hoge, tác giả có phương pháp hướng dẫn mới mẻ và gần gũi có thể chỉ cho em nên bắt đầu từ đâu và làm thế nào để nghe nói thành thạo.

Link mua sách: https://tiki.vn/author/a-j-hoge.html
Hoặc tải ebook tại: https://www.effortlessenglishclub.vn/download.html


2. Em đang có ý định trong quá trình học đại học em sẽ học thêm chứng chỉ quốc tế IELTS. Các anh chị có thể cho em biết em nên học khi nào là hợp lý nhất, những quyển sách, lời khuyên hữu ích trong quá trình học…. Em xin cảm ơn.(Mách nhỏ: nếu tư vấn sách thì các anh chị vui lòng chụp bìa sách rồi đăng lên giúp em, nếu ebook thì các anh chị cho em link với. Em cảm ơn ạ).

Chứng chỉ quốc tế IELTS chỉ có thời hạn trong vòng 2 năm kể từ thời điểm thi, sau thời điểm đó thì chứng chỉ sẽ không còn giá trị nữa. Cho nên học và ôn để sẵn sàng thi thì em học từ lúc nào cũng được nhưng thi thì khi nào cần hẵng thi, ví dụ chuẩn bị nộp đơn xét học bổng hay sắp ra trường xin việc chẳng hạn. Sách học IELTS thì rất nhiều, nội dung cũng na ná nhau, em cứ dạo ra nhà sách, xem sơ qua thấy cuốn nào mình thích (về văn phong, cách trình bày, hình ảnh minh họa…) thì mua, cuốn mà em thích sẽ đọc dễ vào hơn.

Em tham khảo video chia sẻ này:






3. Em nghe nhiều anh chị sinh viên đi trước nói rằng khi lên đại học thì chương trình sẽ không giống như chương trình phổ thông, khối lượng kiến thức rất bao la rộng lớn, nếu không biết cách thì sẽ rất dễ bị áp lực, thậm chí nếu học không vào thì sẽ bị nợ môn, thậm chí nặng nề hơn là bị đuổi khỏi trường…Nghe vậy em rất lo sợ. Mọi người có thể cho em một số lời khuyên, mẹo để vượt qua khó khăn này được không ạ?


Em cứ đi học đầy đủ là bảo đảm qua hết, không có gì đáng sợ như em nghĩ đâu, các bạn nợ môn kia đa phần là do làm biếng học hoặc lo đi làm thêm, mệt rồi cúp học nhiều mới thế :D

Thường thì các trường ở Việt Nam, năm đầu bắt học các môn đại cương, chính trị như Mác-Lenin, Tư tưởng, Lịch sử Đảng, Quốc phòng… dễ làm nhiều bạn sinh chán, tắt mất đam mê với chuyên ngành mình theo học, từ đó tạo nên thói quen lười học kéo qua hệ lụy cả những năm về sau khi đã vào chuyên ngành.

Nên nếu tốt anh nghĩ những năm đầu, những môn đại cương kia em chỉ cần học để qua được rồi (lên lớp đầy đủ chắc chắn qua), thời gian còn lại em vẫn tự học những kiến thức liên quan đến chuyên ngành mình theo đuổi (luyện giao tiếp, hay ôn các chứng chỉ em hỏi ở trên cũng là một cách), làm những thứ liên quan đến lĩnh vực mình vậy mới không bị tắt đam mê và sa lầy vào những thói quen xấu, ảnh hưởng đến những năm về sau.


4. Em nghe nói lên đại học, không những hàng ngày học kiến thức mà ngoài ra còn phải tham gia các hoạt động giao lưu, văn nghệ, cộng đồng,những cuộc thi… đi làm thêm để có thêm kinh nghiệm, mạnh dạn hơn... Nghe như vậy em rất thích nhưng em thực sự không biết làm thế nào, bên cạnh đó em muốn đí làm thêm để sớm tự chủ về tài chính, không phụ thuộc ba mẹ quá nhiều, và em có mục tiêu là phải học được tấm bằng loại giỏi để ra trường nhanh chóng tìm được việc làm. Mọi người có thể cho em cách phân bố thời gian hợp lý để có thể làm được tất cả những việc đó trong 4 năm đại học được không ạ?


Năm đầu em chưa cần phải đặt nặng chuyện đi làm thêm, nên tìm và tạo cho mình cách học cách sinh hoạt trước đã, vô hè hay qua năm hai bắt đầu cũng chưa muộn. Đi làm thêm có thể em cũng sẽ học được nhiều thứ em không thể học được ở trường, nhưng cũng đánh đổi lại bởi thời gian và sức khỏe của em. Rất nhiều bạn sa đà vào làm thêm kiếm tiền quá (không đề cập đến các bạn hoàn cảnh bắt buộc phải như vậy) xong thiếu ngủ, lên lớp ngủ gật, về chạy đi làm và vòng lặp cứ thế học cũng khó tới nơi tới chốn.

Em cần xác định mục tiêu của mình là gì. Học chỉ để có tấm bằng cho bố mẹ vui thì có thể làm thêm thoải mái, học tàn tàn đủ qua, cuối kỳ tập trung thi qua môn là xong. Học để lên trình độ thì cần giới hạn việc làm thêm ngày không nên quá 4 tiếng, thời gian còn lại để dành cho việc học và phát triển trình độ. Việc hoạt động giao lưu, văn nghệ, cuộc thi cũng thế, tham gia vào thời gian rảnh và vừa đủ được rồi, lớp có tổ chức thì mình tham gia cho vui, hoặc vô hè có thời gian thì tham gia thêm, nói chung vẫn phải xếp sau việc học.


5. Mọi người có thể tư vấn cho em một vài lời khuyên, mẹo…giúp cải thiện khả năng gõ bàn phím máy tính 10 ngón được không? Em xin cảm ơn.


Này không quá quan trọng, như anh cũng mới gõ có 4-5 ngón thôi :3 Còn mẹo thì các bàn phím, chữ F và chữ J luôn có gờ nổi lên, để mình mò được và đặt 2 ngón trỏ lên phím đó, các ngón còn lại xếp theo hàng ngang như hình dưới:

go-phim.png

Vị trí chuẩn của 8 ngón sẽ đặt vào 8 vòng tròn màu trắng, mỗi ngón đảm nhiệm các vùng phím như được chia màu, 2 ngón cái sẽ có nhiệm vụ gõ phím cách, sau khi gõ xong các ngón sẽ trở về vị trí ban đầu. Mình đánh nhiều sẽ có cảm nhận phím và không cần nhìn phím nữa, mắt sẽ chỉ nhìn màn hình.

Tập luyện gõ phím 10 ngón thêm tại: https://www.typing.academy/10-finger-typing


6. Em rất thích được thuyết trình trước đám đông nhưng khổ nỗi dù chuẩn bị kỹ càng đến đâu thì lần nào thực hiện em cũng run dẫn đến quên hết hoặc nói hơi nhanh, tay chân cựa quậy không tự nhiên dẫn đến mất tự tin trước đám đông? Em phải làm thế nào để hết “căn bệnh mãn tính” này và cải thiện hơn khả năng thuyết trình trước đám đông ạ?


Ai cũng mãn tính thế thôi em, ngay cả những diễn giả em nhìn họ tự tin vời vợi thì họ vẫn có run đó, nhiều diễn giả trước khi bước ra khán đài họ ngồi trong hít thở sâu, đều, bằng bụng một lúc lâu để bình tâm, thậm chí còn lấy hai tay vỗ vỗ lên mặt nhiều cái để dãn cơ mặt, cơ miệng cho tự tin :D

Em cứ làm nhiều thì mới quen, run kệ run cứ lên nói, coi khán giả ở dưới như tụi nhỏ em mình đang ngồi nghe chị kể chuyện, tập trung vào thứ mình thuyết trình thôi, người ta không phán xét mình nhiều như mình tưởng tượng đâu.


7. Em đang phân vân không biết nên ở ký túc xá hay ở phòng trọ. Các anh chị nếu biết có thể vui lòng phân tích kỹ cho em những ưu, nhược điểm khi ở phòng trọ và ký túc xá và cho em các giải pháp khắc phục nhược điểm. Em xin cảm ơn!


Nếu ở ký túc xá được thì thời gian đầu em nên ở ký túc xá, chỉ sợ không xin được. Xin được thì cứ ở một thời gian cho dạn người xong đủ khả năng tự tìm phòng trọ thì chuyển ra cũng được.

Ở trong KTX thì ưu điểm là chi phí thấp, được ở môi trường với những người cùng là sinh viên trường, môi trường sẽ ít phức tạp hơn ở ngoài, phương tiện tới trường cũng thuận tiện hơn, nhược điểm là không được nấu ăn và giờ giấc cũng có phần hạn chế. Khắc phục thì mình ăn ngoài và sắp xếp giờ giấc cho phù hợp với giờ giấc chung là được.

Ở phòng trọ thì chi phí cao hơn, không chịu được chi phí đôi khi em sẽ phải ở ghép, được bạn bè thì tốt, còn người lạ cũng hên xui, ở trọ thì môi trường đa dạng hơn, phức tạp hơn, mọi người xung quanh có thể đủ ngành nghề, tầng lớp, ưu điểm thì nấu ăn được, giờ giấc cũng tự do hơn. Khắc phục thì nếu có bạn thân từ cấp 3 ở chung được thì sẽ dễ hòa hợp hơn, còn không thì nên kết thân với bạn cùng lớp ở chung sẽ tiện về thời gian, học hành có thể trao đổi, có người đi học cùng vui hơn.


8. Có anh chị nào từng là sinh viên có thể cho em 1 thời gian biểu trong ngày, cụ thể là nên làm gì lúc mấy giờ trong ngày, ví dụ như dậy sớm tập thể dục lúc mấy giờ là hợp lý nhất, đến buổi tối thì nên dành thời gian làm gì, cụ thể lúc mấy giờ, gọi điện về nhà vào lúc nào, mấy giờ là thích hợp nhất ....Em xin cảm ơn.


Vụ này cứ sống một thời gian em tự khắc lập ra được thời gian biểu của riêng mình, nó phụ thuộc vào giờ đi học, giờ đi làm, giờ ngủ… của em chứ không có khuôn mẫu cố định, người khác đưa ra chưa chắc em đã theo được. Còn muốn chuẩn thì cứ bắt đầu từ việc ngủ trước 10h đêm, sáng 6h dậy tập thể dục 30p-1h gì đó, về ăn uống rồi đi học, học xong trưa về ăn uống nghỉ trưa 2-3 tiếng, chiều tự học ở nhà, học thêm, tối ăn uống nghỉ ngơi lên mạng chơi bời, tìm tòi, đọc tin tức, giao lưu :D

Bố mẹ thì khi nào nhớ thì gọi chứ cũng đâu cần lên lịch tối nào cũng gọi, gọi lắm đôi khi bố mẹ cũng nhức đầu :v


9. Em thấy rất nhiều anh chị là sinh viên học ngoài Sài gòn, do mỗi ngày phải đi học, đi làm… khi về nhà không có nhiều thời gian để nấu ăn, để tự chăm sóc sức khỏe bản thân, anh chị nào ở ký túc xá thì ăn ở căn tin, anh chị nào ở phòng trọ thì đành chịu ăn ở ngoài, nhưng thức ăn không đảm bảo vệ sinh dẫn đến rất nhiều bệnh như cảm cúm, tiêu chảy…nghe như vậy em rất lo sợ. các anh chị có thể cho em một số biện pháp để phòng ngừa thì ở ký túc xá hay ở phòng trọ thì nên ăn uống những thực phẩm gì, như thế nào cho an toàn; để khắc phục thì khi có những triệu chứng cảm cúm, tiêu chảy…hay có các vết thương ngoài da thì nên ăn uống như thế nào để khỏi bệnh, chữa trị như thế nào cho an toàn và nhanh khỏi bệnh nhất? em xin cảm ơn.


Nấu ăn được vẫn là tốt nhất, đi chợ mua đồ tươi về rửa sạch sẽ, ăn chín uống sôi thì cũng khá khó bệnh, đau ốm thì cứ ra tiệm kêu bán mấy liều uống là khỏi, dân chúng sống được thì mình cũng không chết đâu mà em lo :D

Còn đi ăn tiệm thì chọn quán nào nhìn sạch sẽ một chút là ổn, đừng ăn ở mấy quán trông bừa bộn mất vệ sinh, không nấu được thì cứ phiên phiến mà ăn thôi, đừng nghĩ quá nhiều, cứ tâm niệm người ta ăn không chết thì mình cũng chưa chết được, có mấy năm sinh viên thôi mà, ráng học giỏi, trình độ cao sau ra đi làm nhiều tiền mua nhà sống thì sẽ hồi phục nguyên khí :v


10. Em đã tìm hiểu về chuyên ngành Ngôn ngữ anh, tức là chuyên ngành mà em sắp theo học, em thấy sau khi ra trường có thể làm được những công việc như sau:

A/ Biên phiên dịch cho các công ty, cơ quan truyền thông, các tổ chức kinh tế, xã hội của Việt nam và quốc tế, dịch thuật cho các nhà xuất bản, trung tâm phát hành sách, báo chí…

B/ Nhân viên truyền thông, marketing, tổ chức sự kiện, thư ký, trợ lý…

C/ Kế toán, ngân hàng, hướng dẫn viên du lịch hay nhân viên kinh doanh, chuyên viên tư vấn tại các công ty du lịch, lữ hành, nhà hàng khách sạn;

D/ Giáo viên giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh tại các trường đại học, cao đẳng, THPT, trung tâm ngoại ngữ…

Đối với từng ngành nghề tương ứng với các chữ cái, mọi người vui lòng tư vấn cho em thực trạng, ưu, nhược điểm của từng ngành nghề, những kỹ năng, kiến thức, chứng chỉ, bằng cấp…cần thiết cần có, nghề nghiệp làm thêm phù hợp trong quá trình học đại học để sau này có công việc làm nhanh chóng, ổn định, như ý nhất. Em xin cảm ơn.



Này không nói trước được, nó có cái duyên, người ta hay bảo là nghề chọn mình chứ mình khó chọn nghề. Đôi khi em thích em muốn theo nghề đó nhưng cuộc sống đẩy đưa em sẽ làm một nghề khác. Cứ thong thả, đừng đặt nặng nghề nghiệp quá, mà tập trung vào tăng trình độ của mình, như em theo ngành Ngôn ngữ Anh thì trước hết ráng đưa mình lên level master tiếng Anh đi rồi tính tiếp, việc làm thêm thì em có thể nhận làm thêm/làm miễn phí dịch phụ đề phim, dịch nhạc, dịch báo… để nâng cao trình độ. Đến khi giỏi rồi em sẽ biết mình phải chọn gì.


11. Em thấy rất nhiều anh chị sinh viên khi học ngoài Sài gòn thì thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển. Các anh chị có thể tư vấn cho em tuyến xe buýt nào chạy qua trường hay ký túc xá trường em sắp theo học (địa chỉ em đã ghi rõ ở câu hỏi số 10), khi đi xe buýt thì cần có những kỹ năng gì, làm thế nào để phòng tránh những sự cố đáng tiếc như ăn trộm, tai nạn…; vào dịp lễ, tết...đi xe buýt về nhà thì nên đặt vé khi nào, ở đâu, cần chuẩn bị những gì khi đi xe buýt, ra bến xe...Em xin cảm ơn.


Chưa thấy địa chỉ :D Nhưng tìm tuyến xe buýt thì cũng đơn giản, em dùng Google Maps cũng được, hoặc hỏi trực tiếp mấy bác tài/lơ xe buýt trạm em đang đứng họ sẽ chỉ cho. Khi đi xe buýt thì tránh ăn mặc hở hang để khỏi bị xàm xỡ, đeo vòng vàng trang sức cũng kín đáo, tiền bạc ví bóp không để đằng sau mà phải đeo đằng trước hoặc để trong tầm mắt để tránh bị rạch hay móc túi, cẩn thận khi nói chuyện với người lạ vì nhiều người làm bán hàng đa cấp hay bắt chuyện, làm quen lôi kéo em vào mạng lưới, hoặc chào mời em mua mấy đồ giả (đồng hồ, mắt kính…). Đi buýt nếu thiếu ghế thì nên nhường cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai, mình thanh niên đứng cũng được, muốn không phải nhường thì xuống ghế cuối ngồi :D

Dùng xe buýt làm phương tiện chính thì em cần mua vé tháng, có thẻ sinh viên thì cầm thẻ sinh viên ra trạm Bến Thành mua tem tháng.


12. Sắp phải đến học tập, sinh hoạt ở một thành phố đông dân, năng động, có nhiều cơ hội và thử thách như TPHCM, ngoài những điều em lo ngại như trên em còn lo lắng một điều nữa, chính là: những cám dỗ, sa ngã trong tình bạn, tình yêu, vui chơi giải trí, việc làm…,nạn cướp giật, những trò lừa đảo tinh vi như đa cấp, dàn cảnh trộm cắp, đánh vào lòng thương, lòng tham con người nhằm mục đích lợi dụng, trộm cắp tài sản…Em thấy rất nhiều anh chị sinh viên chỉ vì 1 phút bất cẩn, không làm chủ bản thân, không tỉnh táo đã bị thiệt hại tài sản, bị thương tích nặng nề ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng, ảnh hưởng đến cả quãng đời còn lại. Em rất lo ngại về vấn đề này, mong các anh chị đã từng có kinh nghiệm có thể truyền lại cho em một số kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh những cám dỗ, khó khăn vừa rồi. Em xin cảm ơn.


Đừng lo lắng quá, em còn gia đình, người thân, bạn bè, ở những tình huống cụ thể cứ xin họ lời khuyên, họ sẽ cùng em vượt qua, cuộc sống không dễ dàng nhưng không đáng sợ lắm đâu, cứ vui vẻ bước tới mọi chuyện sẽ ổn :D

Em xem thêm mấy video của Thầy Khắc Hiếu, thầy ấy cũng chia sẻ nhiều về cuộc sống của tân sinh viên, chắc em cũng sẽ học được một số kinh nghiệm: https://www.youtube.com/user/NguyenHoangKhacHieu/videos


13. Em có 1 người chị họ, là sinh viên năm cuối ngành Quan hệ quốc tế trường đại học Nhân Văn TPHCM, chị ấy học rất giỏi, rất năng động, chị ấy muốn ra trường làm giáo viên dạy Tiếng Anh cho các trung tâm Ngoại ngữ, hiện giờ chị ấy đã có chứng chỉ Sư phạm nhưng có một điều khó hiểu là chị ấy sắp tới có dự định về dạy ở BMT chứ không dạy ở SG. Một người năng động như chị mà còn phải về BMT thì không biết một tân sinh viên như em sau này ra trường thì có cạnh tranh nổi để có việc làm như ý, phù hợp với chuyên ngành ở SG này không? Các anh chị vui lòng cho em giải pháp với ạ.


Sài Gòn luôn có chỗ cho người giỏi, người giỏi sẽ có nhiều lựa chọn, em đừng lo, việc của mình là biến mình thành người giỏi :D Chị em chọn về quê chưa hẳn vì không cạnh tranh nổi ở Sài Gòn, có khi chị ấy cảm thấy không thích cuộc sống ở đây chăng (xô bồ, chật chội, không khí ô nhiễm…) hoặc muốn được gần gia đình hơn chẳng hạn, nhiều lý do lắm để người ta quyết định lựa chọn, nhưng đó là chuyện của họ chứ không phải của em, sống ở đây 4 năm rồi em sẽ biết chuyện của mình, cảm thấy hợp thì ở, không thì về, lo trước không được :D


14. Em nghe các anh chị học ngành Ngôn ngữ anh nói trước khi tốt nghiệp, phần lớn các trường đại học đều bắt buộc sinh viên phải có chứng chỉ một ngoại ngữ khác (không phải Tiếng Anh) thì mới tốt nghiệp ra trường được. Điều này có đúng không ạ, nếu đúng thì các anh chị vui lòng tư vấn cho em nên học ngoại ngữ thứ 2 nào là thích hợp nhất đối với thực trạng hiện nay? Em xin cảm ơn.


Ngoại ngữ 2 này em mê văn hóa nước nào thì học thôi, nên chọn tiếng Trung, tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn, cơ hội việc làm sẽ cao hơn.


15. Khi lên TPHCM sinh hoạt và học tập, dù ở nhà trọ hay ký túc xá thì em cũng phải sống trong 1 tập thể, 1 nhỏ và 1 lớn. Trong quá trình học, em phải làm gì để sống chan hòa với tập thể, không mất lòng ai cả, vì em biết nếu mình sống chan hòa với tập thể thì không những được tập thể yêu quý mà còn được giúp đỡ rất nhiều thứ,v...v...Mọi người vui lòng tư vấn cho em với ạ. Em xin cảm ơn.


Khó có chuyện được lòng hết tất cả mọi người, kiểu gì cũng sẽ có người không ưa em, đôi khi chỉ nhìn thấy mặt em là họ không ưa rồi chứ chưa cần em làm gì :D Nên cũng không đặt nặng quá việc phải làm hài lòng tất cả mọi người, mình cứ sống với bản sắc của mình, sống vui vẻ, yêu đời, không làm tổn hại, nói xấu người ta, việc gì giúp được thì giúp, không được thì từ chối thẳng thắn lịch sự, đúng thì làm, sai thì sửa vậy được rồi.

Thường thì ở Sài Gòn ở phòng nào biết phòng đấy thôi, người ta cũng chả quan tâm mình và mình cũng thế, duy trì hòa khí trong phòng là tốt rồi. À quan trọng là sống phải gọn gàng, sạch sẽ, vì ở dơ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bị ghét và gây bất hòa trong phòng :D


16. Em rất thích đọc cuốn sách TONY BUỔI SÁNG- TRÊN ĐƯỜNG BĂNG. Trong cuốn sách này có rất nhiều bài viết về người trẻ khởi nghiệp, về quê sản xuất, sản xuất ra những sản phẩm làm rạng danh nước nhà...như LẼ NÀO KHỔ MIẾT, CÔ GIÁO MIỀN LỤC NGẠN, NÔNG SẢN AN TOÀN VÀ TRÁI TIM NGƯỜI VIỆT...,và họ đã thành công bằng chính sức lực của mình, thậm chí có người làm trái với ngành nghề họ được đào tạo, hay nói cách khác là trái ngành. Đọc thấy như vậy em vui sướng và tự hào vì Việt Nam ta vẫn còn có những người trẻ nhiệt huyết, cần cù, nghị lực phi thường như thế. Là một người trẻ, hơn nữa là 1 tân sinh viên, em rất muốn được noi gương họ để làm rạng danh Tổ quốc. Dẫu là em biết là tùy theo năng lực của từng cá nhân nhưng các anh chị làm ơn hãy tư vấn những câu hỏi như sau: muốn khởi nghiệp thì cần phải có những điều kiện cần và đủ nào, trong quá trình khởi nghiệp thì có thể gặp những khó khăn nào và giải pháp, với chuyên ngành mà em chọn thì em nên chọn khởi nghiệp trong những lĩnh vực nào, như thế nào để phù hợp với xu thế hiện nay...Em xin cảm ơn.


Vẫn là cần thật giỏi lĩnh vực em muốn làm. Chỉ em mới trả lời được chứ người khác không trả lời thay em được. Việt Nam mình đang có phong trào khởi nghiệp, thấy người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp, bất chấp khởi nghiệp mà không cần biết mình có đủ trình hay không, sản phẩm mình làm ra người ta có thực sự cần không.

Để khởi nghiệp được cần rất nhiều yếu tố: trình độ chuyên môn với thứ mình theo đuổi, vốn ban đầu để công ty có thể hoạt động trong 1 vài năm nếu sản phẩm chưa sinh lợi nhuận, khả năng quản lý nhân sự, quản lý tài chính, khả năng Marketing, người cùng làm, người đỡ đầu, khách hàng… Khó khăn sẽ vô vàn, nếu chưa tự trả lời được những yếu tố trên trong bối cảnh của mình thì em chưa khởi nghiệp được.

Cũng có thể làm đại, bất chấp nhưng vẫn là nên làm những thứ mình có am hiểu, chứ không chạy theo xu thế. Lĩnh vực CNTT là lĩnh vực có nhiều Startup nhất hiện nay. Em học tiếng Anh, bản thân tiếng Anh nó chỉ mới là một ngôn ngữ, bản thân nó chưa đủ cấu thành nghề. Em sẽ phải luyện nhiều kỹ năng mới có thể khởi nghiệp với nó.

Ví dụ nghiên cứu, sáng tạo ra phương pháp pháp dạy tiếng Anh cho riêng mình rồi mở trung tâm đào tạo, bán sách, bán khóa học chẳng hạn. Hoặc với khả năng ngôn ngữ của mình em có thể ra nước ngoài tìm tòi xem có mô hình nào hay có thể áp dụng với Việt Nam thì mang về Việt Hóa nó, tìm cách triển khai ở Việt Nam, mạnh hơn thì triển khai ở tầm global rồi hẵng mang về Việt Nam vì người Việt hay sính ngoại :D


17. Các anh chị làm ơn tư vấn cho em 1 vài quyển sách, tài liệu về kỹ năng sống cho sinh viên, kỹ năng mềm, tư duy tích cực, kỹ năng tìm việc làm, kỹ năng quản lý, khởi nghiệp...Em xin cảm ơn.

+ Bí mật của sự may mắn
+ Đắc nhân tâm
+ Nguyên lý 80/20
+ 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt
+ 36 Kế cầu người

Nhưng anh khuyên cũng không nên đọc nhiều mấy sách dạng self help này, đọc mấy cuốn kinh điển cho biết được rồi, nhìn tựa đề nó rất hút mình nhưng đọc nhiều dễ bị mụ mị đầu óc, máy móc, sinh ảo tưởng, đôi khi không biết đâu là bản sắc của mình mà chỉ muốn bắt chước những gì đọc được, dễ thành người ở trễn :D

Quan trọng nhất vẫn nên đọc sách về chuyên môn của mình, đọc truyện tiểu thuyết nhiều nữa để mở mang, phong phú đầu óc hơn.
 
@phamtranbaotram
1. Học tiếng anh: nếu em có máy tính thì có thể tham khảo phần mềm Tell me more. Giúp luyện kỹ năng nghe và nói

3. Kiến thức ở bậc đh khối lượng rất nhiều, và giảng viên chỉ mang tính chất hướng dẫn, giới thiệu chứ ko chỉ bảo từng bước như thời phổ thông. Nên quan trọng nhất là em phảicó ý thức tự giác học bài, tìm kiếm tài liệu hàng ngày/tuần. Tốt nhất là em có thể tham gia vào 1 nhóm học tập trong lớp. Lúc đó mọi người sẽ nhắc nhở nhau học tốt hơn.

4. Việc làm thêm gần như chỉ đem lại thu nhập để giảm bớt gánh nặng cho gia đình chứ khí mà tự chủ tài chính đc. Em nên tập trung cho việc học để có thành tích và kiến thức tốt. Từ năm 3 em có thể đi thực tập hoặc làm cộng tác viên cho các công ty rồi.

5. Để gõ tốt: tập gõ mỗi ngày. Phần mềm em có thể tìm trên mạng

7. Ở ký túc xá: chất lượng hên xui, tùy trường. Đông vui náo nhiệt. Không thể chọn bạn cùng phòng. Một số trường sv năm cuối phải dọn đi. Chi phí thấp hơn. Không chủ động trong việc lắm mạng, tv. Không đc nấu ăn. An ninh tốt hơn.
Ở trọ thì ngược lại.

8. Thời gian biểu thì em phải tự lập dựa trên công việc/ lịch học của em. Nhưng em nên dậy từ 5-6h, tập thể dục 30p, ăn sáng đầy đủ. Ngủ trưa 15-30p nếu có điều kiện. Buổi tối đi ngủ trc 10h (hơi khó).

9. Nếu có điều kiện thì em nên nấu ăn cho an toàn. Còn khi bị ốm thì nên đến trạm xá hoặc bệnh viện. Ko nên tự chữa.

10. Hiện tại bản đồ xe buýt đã có sẵn trên mạng. Em có thể tải về và tìm tuyến xe tương ứng từ chỗ ở đến trường. Hoặc em có thể mua bản đồ ở các hiệu sách.
Khi di chuyển nếu mang túi xách thì nên mang trc người. Nếu mang balo thì hạn chế để đồ có giá trị trong đó. Khi đi ngoài đường hạn chế sử dụng điện thoại.

12. Em chỉ cần nhớ 2 điều: không có bữa ăn nào miễn phí phí. Vậy nên bất cứ lời hứa hẹn nào về chuyện kiếm tiền nhanh chóng hay ko cần làm gì cẫn có tiền thì hầu hết đều mang lại rủi ro. Thứ 2 là trước khi làm điều gì vs người khác thì hãy nghĩ xem nếu họ làm như vậy với mình thì mình có vui không.

13. Chỉ cần em giỏi thì có thể làm ở bất cứ đâu. Đặc biệt là những nơi có nhiều việc làm như SG.

14. Em nên học thêm tiếng trung hoặc tiếng nhật

15. Như ý 2 của điều 12

P/s: đang gần đường băng nên mới có thời gian viết dài như này chứ bình thường chả mấy khi viết quá 2 dòng ;))
 
Anh ở trên trả lời đầy đủ rồi nên chị chỉ thêm 1 vài ý nhỏ này thôi.
4. Đừng đặt nặng việc đi làm thêm để tự chủ tài chính trước. Việc đầu tiên em cần nghĩ đến là làm sao để hoà hợp với mỗi trường mới, sau đó mới nghĩ đến chuyện vùng vẫy. 1 khi em còn bỡ ngỡ, rụt rè với môi trường đại học, em sẽ chưa làm tốt được những việc khác đâu. Làm thêm nên làm vào đợt hè nhé, khi vào năm học sẽ biết được khối lượng công việc em làm ntn mà biết cách phân bổ với thời hian họC.

7. Đầu tiên hãy ở KTX, đây là 1 xã hội nhỏ để em tập dượt trước để hoà mình vào môi trường đại học. Hơn nữa những quy định của KTX cũng rất tốt cho người mới, khi mà các em vừa mới đuọce "thả cửa"

16. Cá nhân chị không thích Tony buổi sáng lắm vì chị thấy nó giống dạng "nước tăng lực" ấy, đôi khi còn thấy xàm xàm.
Muốn khởi nghiệp cần có các điều kiện sau: tài chính, kiến thức, thất bại, may mắn.
Bán hàng online là 1 kiểu khởi nghiệp đơn giản nhất, hãy thử khi mới bắt đầu có ý định khởi nghiệp khi mà tất cả các điều kiện trên em đều thiếu.

17.
Bộ tiểu thuyết của murakami
Hạt giống tâm hồn
Tập truyện của Nguyễn Nhật Ánh
Rất nhiều sách hay nên đọc.

Em gái ạ, bước vào 1 môi trường mới rất nhiều thứ phải lo, em biết cách phân tích mức độ quan trọng, thứ tự giải quyết "nỗi lo" nào trước cũng đã là 1 thành công rồi đấy. Không thể hoàn thành tốt quá nhiều việc cùng 1 lúc được đâu em.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Tiếng Anh thì 10 người hết 9 là đến các trung tâm anh ngữ luyện, các trung tâm tốt như ACET, ILI, BC, VUS, hoặc trung tâm ĐH SP, ngoài ra phải kết hợp thực hành trên kênh CNN, xem phim tiếng Anh thường xuyên.
còn về tuyến xe buýt bạn nói nêu trong mục số 10 mà mình đọc đi đọc hoài vẫn không thấy để tư vấn. Thiệt 4 năm ĐH mình toàn đi xe buýt nên rành lắm mà không biết trường bạn thì có như mò kim đấy biển.
 
Hãy dùng cái đầu và học tập nhiều hơn. Không biết thì nên hỏi goole rồi làm theo từng bước. nên tham khảo nhiều ý kiến. rồi lựa cho mình 1 lối đi, 1 cách nghĩ, 1 cách làm phù hợp với mình nhất. các anh chị khuyên cũng là ý kiếm tham khảo thôi. Em vẫn là quan trọng nhất
Chúc e có một cuộc sống sinh viên đúng nghĩa. Nhớ like và sub kênh ủng hộ anh nhé. Thanks all


 
@phamtranbaotram
3. Đừng lo lắng quá, chỉ cần đi học đầy đủ, nghe giảng bài kỹ là có thể qua môn rồi.
4. Nên tập trung vào việc học, học mới là việc chính, còn làm thêm chỉ là phụ thôi, vào học tầm 2 tháng rồi hẳn quyết định có đi làm thêm không.
6. Thường thì khi thuyết trình, đa số các bạn ở dưới đều lo lướt điện thoại thôi, chẳng ai quan tâm đến mình đâu. Em cứ nghĩ như thế rồi tự tin thuyết trình thôi.
7. Em cứ đăng ký vào ở ký túc xá trước thử xem ở được không. Ở ký túc xá thì có cái khó là phòng đông người nên em phải biết tranh thủ, như lúc nhà tắm chưa có ai thì tranh thủ đi tắm trước, giặt đồ cũng vậy. Lúc mới vào chưa biết tính cách bạn cùng phòng thì nên cẩn thận giữ đồ mình thật kỹ, nếu có lỡ mất thì cũng k nên đổ lỗi lung tung.
8. Nếu ở ký túc xá thì cứ sinh hoạt phù hợp với giờ giấc trong đó tương tự các bạn. Ở nhà trọ thì sinh hoạt như trước kia lúc còn ở nhà.
12. Tránh không nói chuyện với người lạ ngoài đường tự nhiên bắt chuyện với mình. Không tham gia mấy trò tệ nạn xã hội.
15. Cố gắng nhẫn nhịn, tránh nổi nóng với bạn. Trong việc chia chát này kia nếu có người phải chịu thiệt thòi một chút thì nên nhận phần thiệt về mình. Biết chia sẻ đồ ăn, đồ dùng với bạn, giúp đỡ bạn khi cần. Tiền bạc thì phải sòng phẳng, ví dụ như bạn bè góp tiền mua đồ ăn, nếu muốn ăn thì phải góp chung luôn, mượn tiền bạn thì mượn 1k hay 2k thôi cũng phải trả (nhưng bạn mượn vài ngàn thì không nên đòi). Không xâm phạm mấy cái riêng tư của bạn. Không dạy đời mấy bạn mà mình k thân.
 
nhớ lại thời sinh viên toàn trốn học đi la lê đường phố
 
Ở kí túc xá Đại học, đừng bao giờ trở thành kẻ lên giường đắp chăn cuối cùng, bởi e sẽ bị tụi cùng phòng sai việc này việc kia như một con cún đấy.
 
×
Quay lại
Top