Đương đầu với stress

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Từ những lớp kỹ năng mềm giá... sinh viên, nhiều bạn trẻ đã bước ra đời tự tin và bản lĩnh hơn. Kỹ năng sống đã có vai trò quan trọng trong việc quyết định thành công của người trẻ.


627847-stress.gif


Áp lực cuộc sống đến từ nhiều phía, nhưng không phải ai cũng biết cách vượt qua. Buổi tọa đàm “Kỹ năng đương đầu với stress” với sự chia sẻ của bác sĩ của Lê Thành Tân và bác sĩ Trương Trọng Hoàng, bộ môn Khoa học hành vi và giáo dục sức khỏe - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã “mách nước” cho bạn trẻ cách vượt qua áp lực ấy.

Lợi và hại

Stress theo định nghĩa khoa học là tình trạng cơ thể phản ứng với những kích thích. Những phản ứng đó có thể có lợi hoặc có hại, tùy theo góc nhìn của mỗi người. Tuy nhiên, đa số lại cho rằng stress là sự bức bối, mệt mỏi về tinh thần và thường mang nghĩa xấu.

Mặt lợi của stress được bác sĩ Trương Trọng Hoàng dí dỏm giải thích qua ví dụ: một người bị một con hổ rượt theo, nếu như không có áp lực (stress) tác động, người đó chắc đã ung dung... để con hổ ăn thịt. Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để stress lợi nhiều hơn hại?

Theo bác sĩ Lê Thành Tân, quá trình hình thành nên stress gồm năm bước. Đầu tiên, những kích thích từ bên ngoài, tức là áp lực xoay quanh các yếu tố: gia đình, công việc, học tập, tình cảm... sẽ tác động lên con người. Sau đó, sẽ xuất hiện những nhận định về kích thích đó: nó gây nên những gì, ảnh hưởng ra sao, hậu quả thế nào... Những nhận định này tác động đến yếu tố tâm lý: nhận định tiêu cực gây nên những lo lắng, bất ổn, tinh thần mệt mỏi, chán nản, mất hứng thú trong mọi việc... và ngược lại, nếu suy nghĩ lạc quan sẽ khiến tinh thần thoải mái hơn. Tác động tâm lý lại ảnh hưởng đến yếu tố sinh lý, tình trạng sức khỏe, thể chất. Nếu tâm lý và sinh lý cùng bất ổn sẽ khiến khả năng ứng phó linh hoạt với hoàn cảnh bị kém đi, dẫn đến stress nặng.

Nhìn vào các bước trên, có thể thấy rằng mấu chốt hình thành nên stress khởi nguồn từ bước bản thân nhìn nhận yếu tố kích thích. Bác sĩ Lê Thành Tân khẳng định: “Stress là thứ lơ lửng giữa lợi và hại. Đẩy nó về phía nào là tùy ở cách nhìn nhận của mỗi người”. Bác sĩ cũng ví von với tình huống khi ly nước đầy bị uống một nửa, có người cho rằng thật may mắn vì ly nước không bị uống hết, trong khi người khác bực bội vì mất nửa ly nước. Cách suy nghĩ khác nhau dẫn đến những kết quả khác biệt.

Trong cuộc sống có vô số sự kiện, hiện tượng diễn ra. Vậy hiện tượng nào có khả năng gây ra stress? Liệu những việc bạn không quan tâm hay nằm ngoài khả năng có khi nào ảnh hưởng đến bạn? Câu trả lời là không! “Những chuyện bản thân nghĩ có thể làm được nhưng thực tế lại không có khả năng thường là nguyên nhân dẫn đến stress, đặc biệt là stress trường diễn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng”, bác sĩ Trương Trọng Hoàng chia sẻ.
Áp lực phải giải quyết những vấn đề xảy ra dồn dập trong cuộc sống đôi khi là một gánh nặng, nhưng nó cũng chính là một nhân tố thiết yếu thúc đẩy bản thân tiến bộ hơn. Có thể nói, không có xã hội nào có thể tồn tại mà thiếu stress.

Phòng hơn chữa

Người xưa có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Ý nghĩa đó cũng được áp dụng với stress. Bác sĩ Trương Trọng Hoàng đã chia sẻ năm nguyên tắc phòng tránh stress cho các bạn trẻ.Đầu tiên, cần giải quyết rốt ráo công việc theo kế hoạch. Điều này sẽ giúp bạn không bị áp lực về thời gian, cũng như không có sự chồng chéo lên nhau. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, luôn bị cuốn vào nhiều công việc, nhiều thú vui. Bởi vậy, quản lý thời gian và sắp xếp công việc hợp lý luôn là cách cân bằng cuộc sống tốt nhất.

Thứ hai, cần thư giãn để cơ thể và tinh thần chùng lại. Tâm lý và cơ thể chúng ta được ví căng như sợi dây đàn khi gặp phải stress. Thư giãn và buông lỏng bản thân là cách tốt để lấy lại bình tĩnh. Ngắm một nụ hoa mới hé nở hay hít thở sâu và đều đặn mỗi lúc gặp căng thẳng, những việc nhỏ như vậy cũng đem lại hiệu quả bất ngờ.

Nghỉ ngơi tích cực. Ngủ hay quanh quẩn trong phòng vào ngày nghỉ không phải là sự lựa chọn tốt cho người bị stress. Tham gia các hoạt động xã hội, tập thể là cách thư giãn tích cực nhất. Đặc biệt với giới trẻ, vừa có cơ hội nghỉ ngơi, lại vừa làm được nhiều việc có ý nghĩa và nhiều bài học quý giá.

Giữ thái độ lạc quan. Bất cứ điều gì xảy đến cũng nên tìm khía cạnh tích cực ở nó. Bác sĩ Lê Thành Tân ví von con người nên có đôi mắt của loài chim ưng, quan sát được toàn diện. Mỗi khi gặp vấn đề nên nhìn tổng quát và suy nghĩ theo hướng tích cực, để có thể tận hưởng cuộc sống theo đúng nghĩa nhất.

Lời khuyên cuối cùng là phải biết chia sẻ. Gánh nặng như vơi đi nếu ta san sẻ với người thân hay bạn bè. Bên cạnh đó, việc chia sẻ giúp ta có cái nhìn đa chiều về vấn đề và đôi khi tìm ra lời giải cho vấn đề đó. Chia sẻ còn giúp bạn bè tin tưởng và đồng điệu với nhau hơn.

Trong một số trường hợp, khi stress đã đi vào giai đoạn nặng, dẫn đến trầm cảm thì cần đi gặp chuyên viên tâm lý để có những phương án thích hợp. Tuy nhiên, quá trình hồi phục đòi hỏi thời gian, công sức và sự kiên nhẫn. Bởi vậy, phương án tối ưu là “phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh”.

Theo Tuoitre
 
×
Quay lại
Top