Đừng dạy trẻ... nói dối

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
- Tả con người bắt buộc phải dùng những ngôn từ, hình ảnh đẹp đẽ; về nhà học thuộc lòng bài tập làm văn làm sẵn để đến lớp viết cho đúng; suy nghĩ, bày tỏ cảm xúc theo... ý của cô giáo; thậm chí phải nói dối, phải tự “hành xác” để làm cho được bài tập làm văn... Đó là một số vấn đề mà những giáo viên “cứng nhắc” trong phương pháp giảng dạy đã sai lầm khi áp đặt với học sinh của mình.

Làm văn phải “nói dối”
Một ngày, bé Ngọc Anh (học sinh một trường tiểu học ở quận nội thành Hà Nội) về nhà hậm hực kể chuyện với bố mẹ: “Hôm nay con phải nói dối thì mới làm xong bài tập làm văn ở lớp”. Bố mẹ chưa kịp hiểu tại sao con lại phải “nói dối” và thật thà “khai nhận” như vậy, thì Ngọc Anh khẳng định thêm lần nữa: “Cô Minh buộc con phải nói dối...”.

Theo lời kể của bé thì cô Minh (giáo viên chủ nhiệm ở lớp) ra đề bài cho học sinh tả về con vật nuôi trong nhà. Cô đã hướng dẫn làm bài cho đủ ý và gợi ý các học sinh nên tả về các con vật quen thuộc như chó, mèo, chim... Bé Ngọc Anh nghĩ ngay đến chú chó “khó tính”- con vật nuôi duy nhất trong nhà trước đây. Bé bắt đầu viết bài tả về chú chó, trong đó nêu những tính cách “bướng bỉnh”, hay sủa linh tinh, cắn cả người nhà, có lần cắn cả bé. Mặc dù nó là một con chó nhỏ, gia đình tiêm phòng đầy đủ, nhưng lần bé bị cắn thì mẹ cũng lo lắng vô cùng. “Chú chó có vẻ không thích em, nên sau này mẹ đã cho một người bạn của mẹ nuôi hộ”- Ngọc Anh kể bé đã viết như vậy trong bài làm. Cuối giờ, cô giáo bảo Ngọc Anh và một số bạn trong lớp ở lại, vì đã không làm bài theo đúng gợi ý của cô. “Cô bảo tả con vật nuôi phải thân thương, gần gũi, phải bày tỏ tình thương với động vật và cũng phải miêu tả con vật yêu quý mình như thế nào. Con và một số bạn không viết được như vậy, bạn Trang còn viết con chó nhà bạn ấy chỉ sủa ầm ĩ mỗi khi bạn ấy đi học về, chứ không vẫy đuôi mừng rối rít như cô bảo phải viết thế mới hay... Nên chúng con phải viết lại bài nộp cô rồi mới được về”- Ngọc Anh buồn buồn kể lại với bố mẹ - “Bà đi đón phải chờ con làm lại bài. Còn con đã phải nói dối về con chó nhà mình để tả con chó theo yêu cầu của cô”.

903863-images662544-image002.jpg

Học sinh tiểu học đã phân biệt được rõ nói dối để làm được bài là không tốt. (ảnh: Thu Ba)
Khác “tình cảnh” làm bài tập làm văn tả con vật của Ngọc Anh, Đức Duy (cũng học sinh tiểu học ở Hà Nội) đã phải làm lại bài tả em bé đang tuổi tập đi tập nói của mình như một em bé “xa lạ”. Vì cô giáo “nhiệt tình” sửa đỏ hơn 1 trang giấy mà em đã viết, với lý do: “Tả em bé như thế không hay, không đẹp. Phải dành những từ ngữ, hình ảnh đẹp đẽ để tả về em của mình”. Đọc phần nội dung bài tập làm văn con mình tự viết và phần sửa đầy bút đỏ từ cô giáo, phụ huynh của bé Đức Duy ngỡ ngàng. Bài văn Đức Duy làm ban đầu tả em bé của mình khi ở tuổi tập nói, tập đi “trông rất đáng yêu”, “thông minh”, “dễ thương”, “ngoan ngoãn”... (những câu từ theo “gợi ý” của cô cho học sinh cả lớp trước khi làm bài tập làm văn). Còn phần bé Đức Duy tả chân thực về em của mình thì bị cô gạch chân, sửa chữa rất nhiều. Chẳng hạn, Đức Duy viết: “Bé Bông nhà em hơi gầy vì thiếu sữa mẹ. Da bé ngăm ngăm đen, nhưng bé có mái tóc xoăn tự nhiên trông rất đáng yêu...”. Cô giáo viết ra lề và đè cả bút đỏ lên chữ viết mực tím của học sinh, sửa lại là: “Bé Bông nhà em đang tuổi bụ sữa, thân hình tròn trịa, nước da trắng ngần. Bé có mái tóc xoăn tự nhiên mềm mại như tơ, đôi má phúng phính ửng hồng... trông rất đáng yêu” (!?). “Cô bảo tả em bé của mình thì phải đẹp đẽ, xúc động. Không được dùng những từ ngữ không đẹp, hay hình ảnh xấu để tả về em bé. Nếu em bé chưa đẹp ở đặc điểm nào, thì khi tả nên tránh đặc điểm đó đi, tập trung nhiều hơn vào những đặc điểm đẹp. Như thế bài văn mới hay và được điểm cao” - Đức Duy khẳng định lại lời của cô giáo.

Bố của Đức Duy xem bài con mình viết, đã được cô giáo sửa và bắt làm lại mà không khỏi ngạc nhiên: “Thế này thì cô giáo gián tiếp dạy học sinh viết sai sự thật về những gì mà học sinh đã quá biết rõ. Dạy kiểu này rồi một lúc nào đó tích tụ lại, những đứa trẻ có thể sẽ quen nói dối để vừa lòng người lớn”.

Phơi nắng để tả một... cái cây
Phụ huynh của một trường tiểu học ở Hà Nội rất buồn khi kể lại hiện tượng xảy ra ở lớp con gái mình. Các bé học lớp 4 hôm đó được cô giáo cho làm bài tập làm văn tả về một cái cây. Trước đó mấy ngày, cô giáo đứng tuổi đã cẩn thận dặn học sinh cả lớp chú ý quan sát một cái cây nào đó rồi đến lớp tả lại, tốt nhất là tả luôn cây phượng trong sân trường. Giờ làm bài, cả lớp cặm cụi viết, nhưng cuối cùng không phải bạn nào cũng viết được kín 2 mặt giấy kiểm tra theo yêu cầu của cô. Vì nhiều bạn viết sơ sài, nên cô rất bực mình. Các bé sau này kể lại với phụ huynh rằng cô không chấp nhận bài tập làm văn viết sơ sài như thế, cô mắng “Có tả mỗi lá phượng và hoa phượng mà cũng không tả nổi...”.


Bắt học sinh làm tập làm văn theo một “khuôn mẫu” cứng nhắc là làm mất tính chân thật và trong sáng của các em. (ảnh: Thu Ba)
Lúc đó là tháng 3, cây phượng trong trường chưa nở hoa, chỉ có những cành hoa nở tít trên cao, cây phượng lâu năm thì tán lá cao, người lớn quan sát chi tiết lá và hoa từ dưới gốc cây còn khó. Vậy nhưng, đầu giờ chiều, khi thời điểm nắng đang gay gắt, cả lớp đã phải lặng lẽ, trật tự đi xuống sân trường, không được nói chuyện ồn ào làm ảnh hưởng đến các lớp khác đang học... Và cô giáo yêu cầu cả lớp đứng dưới sân, nhìn lên cây phượng để “ngắm” xem lá như thế nào, hoa như thế nào... Ngắm cho đến khi nào có thể tả được về lá phượng, hoa phượng thì quay lại lớp làm bài.

Sau buổi được “ngắm” cây phượng dưới trời nắng chang chang như thế, phụ huynh bức xúc mà chẳng dám nói ra, ngày hôm sau hơn chục học sinh trong lớp có bé thì đau đầu sổ mũi, có bé thì cảm nắng, sốt phải nghỉ học ở nhà. “Cô giáo quá cứng nhắc” - Phụ huynh kể - “Không biết có phải do cô lớn tuổi, sắp về hưu rồi, nên khó tính và bắt bẻ học sinh đến mức ấy?”.

“Hành” học sinh, rồi “hành” cả phụ huynh chỉ để hoàn thành cho bằng được bài học trên lớp, có giáo viên đưa ra phương pháp dạy và học thật “nhàn” bằng cách cho phép học sinh về nhà lên mạng Internet để tìm đọc những bài văn mẫu, những bài văn hay của các bạn ở trường khác để “học hỏi”. “Các em có thể biến bài văn của người ta thành bài văn của mình. Không được chép một cách thô thiển. Nhưng có thể chọn lọc những câu văn hay, những ý hay trong bài của người khác...” - Một giáo viên dặn dò học sinh trước khi làm đề bài tập làm văn trong tuần tới. Học sinh cũng “nghiêm chỉnh” chấp hành, về nhà “yêu cầu” bố mẹ cho được sử dụng máy tính, ipad để “lên mạng”... “tham khảo” văn của người khác. Đáng sợ hơn là cô giáo nói thẳng, học sinh về viết nháp bài văn, bố mẹ sửa lại cho hay, rồi chép sạch đẹp nộp cô để cô sửa lần nữa. Sau đó, cứ những bài văn cô và bố mẹ đã “gia công”, học sinh chép lại và có thể học thuộc lòng để viết ra khi làm bài thi kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ...

Áp đặt học sinh theo phương pháp cứng nhắc của giáo viên, thậm chí “nhào nặn” tư duy của học sinh theo một “khuôn mẫu” nào đó, dù với mục đích để hoàn thành nội dung bài học, bài kiểm tra, hay để đạt mục đích gì đi nữa... thì hậu quả cũng khôn lường.
Nguồn :giaoducthoidai.vn
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
TT - Vì thi đua, vì thành tích trước mắt, những người lớn chúng ta đang tập cho con trẻ sự không trung thực và sống giả dối.




6f9a517d.jpg

Đã bao giờ chúng ta tự hỏi chính những suy nghĩ thực dụng của người lớn sẽ làm hư cả một thế hệ trẻ vốn thật thà, ngây thơ và trong sáng?

Sau lễ chào cờ trang nghiêm là phần thuyết trình những sản phẩm đoạt giải trong “Cuộc thi ý tưởng trẻ thơ” của học sinh khối 4-5 do nhà trường phát động, tiến tới cuộc thi trong phạm vi toàn tỉnh lần thứ hai được tổ chức hằng năm.

Mở đầu là học sinh khối lớp 4. Các em đĩnh đạc với lời giới thiệu: “Em tên là Q.T., bên cạnh em là H. và D., chúng em là nhóm tác giả của sản phẩm chiếc đèn ngủ đa màu. Phần thuyết trình của chúng em xin được phép bắt đầu...”. Các em nêu ý tưởng thiết kế, nguyên liệu làm, quy trình hoạt động một cách rất thành thạo...

Và cứ thế từng nhóm, từng nhóm học sinh lên giới thiệu rồi thuyết trình về sản phẩm sáng tạo kỹ thuật do mình thiết kế... Phía dưới sân chào cờ, học sinh thay vì trật tự lắng nghe thì nhiều tiếng rì rầm, râm ran nổi lên: “Cái đó đâu phải của các bạn ấy, ba của D. làm rồi cho hai bạn đó cùng đứng tên...”. “Còn chiếc bình tưới đa năng kia là của thầy T. làm, thầy cho ba bạn học sinh giỏi đứng tên... Sướng thật! Nhưng đâu phải của mấy bạn làm mà tỏ vẻ ta đây! Nhìn thấy ghét...”.

Đứng gần để giữ trật tự, tôi nghe rõ lời bàn tán, xì xào của đám học trò khối 4 và 5, mặc dù chuyện này tôi đã biết từ trước. Thật tình, tôi cũng không ngờ nhiều em lại có phản ứng như vậy...

Hằng năm, theo quy định từ trên xuống, học sinh khối 4 và 5 ở các trường tiểu học phải nộp sản phẩm tham gia “Cuộc thi ý tưởng trẻ thơ”. Vì thế các trường học đều phát động cuộc thi ở cấp trường để chọn những sản phẩm đoạt giải đi dự thi cấp cao hơn.

Giáo viên chủ nhiệm phổ biến cho học sinh lớp mình từ đầu năm, nhưng phần lớn các em nói: “Có biết làm cái gì đâu!”. Lớp nào may mắn có phụ huynh quan tâm làm giúp thì giáo viên chủ nhiệm khỏe, còn không thì tới gần ngày thi thầy cô phải dốc sức làm ra một cái gì đó để lớp của mình có sản phẩm dự thi. Sản phẩm làm ra rồi, từ việc viết lời thuyết minh, chọn vài em thành lập một nhóm để học thuộc và lên thuyết trình trước ban giám khảo, giáo viên cũng phải làm hết.

Mới đầu, một số em được chọn cũng không thích lắm vì “mình không làm mà tự dưng nhận của mình nên cũng mắc cỡ và sợ bạn bè trêu chọc...”. Nhưng thầy cô động viên, gần như... ép buộc nên không ai dám từ chối, có điều lúc lên thuyết trình về sản phẩm mình đứng tên, không em nào thấy vui và cảm thấy tự tin cả.

Có lẽ do ai cũng hiểu đó hoàn toàn là sản phẩm “vay mượn” nên cho dù nhà trường tổ chức cả một buổi lễ hoành tráng “Giới thiệu sản phẩm đoạt giải cuộc thi ý tưởng trẻ thơ” nhưng nó mất đi sự hấp dẫn, lôi cuốn và ngưỡng mộ lẽ ra phải có từ người tham dự với những nhóm tác giả đoạt giải. Buổi ngoại khóa đã trở nên khiên cưỡng, máy móc và hình thức.

Mớm đáp án

Trong giáo dục, thương không phải là ban ơn, ban phát, biếu cho; và ngược lại, ghét không phải là nghiêm khắc, là trung thực. Kết thúc đợt kiểm tra học kỳ II vừa qua, có hai câu chuyện tôi muốn kể để mọi người cùng ngẫm nghĩ.

Trong xóm tôi vào buổi chiều nọ, một chị đón con đi học về. Quan tâm tới bài kiểm tra của con, chị hỏi: “Con có làm bài được không?”, đứa con đáp nhanh: “Đề kiểm tra dễ ợt mẹ ạ, toàn là câu hỏi trong tám câu đề cương cô cho học trước đó”. Chị hỏi tiếp: “Thế không có môn nào có câu hỏi bên ngoài hay khó hơn sao con?”, cháu bé nhanh nhảu trả lời: “Có chứ mẹ, như môn tiếng Anh, toán, ngữ văn nhiều câu hỏi khó ngoài đề cương lắm, nhưng chúng con làm được hết”. Chị khen con: “Chà, con mẹ giỏi quá”. Cháu bé vội đáp: “Không phải đâu mẹ, vì mỗi lúc gặp câu hỏi không có trong đề cương, các thầy cô tới hướng dẫn cách làm bài, giải thích cặn kẽ, nói cho chúng con câu đó, bài đó giống phần nào đã học, nên bạn nào cũng làm được”. “Ừ ra thế!” - chị quay lưng vội đi như có việc, rồi nói nhỏ với tôi: “Mớm đáp án!”...

Giờ kiểm tra môn sử, môn mà học sinh nhác học bài và rất khó nhớ, phòng thi lớp 7 lại cùng lúc có hai giáo viên đứng tuổi nên có phần dễ dãi, học sinh trong phòng tha hồ quay cóp, giở tài liệu. Hai thầy vì thương học trò, thấy các em đều vất vả mới viết ra được vài chữ nên “thôi thoáng với chúng chút” - một thầy nói. Ai ngờ đám học trò được đà làm tới. Đỉnh điểm là câu nói “Hai thầy coi thi dễ ợt” được tụi nhỏ nói to lên cho các giáo viên khác nghe lúc hết giờ làm bài để khiêu khích và làm một thầy “nóng mặt” với đồng nghiệp khi thầy này “làm căng” lúc mấy phút cuối. “Đắng lòng! Thương chúng mà bị chúng “chơi lại”! Tại mình thương không đúng cách” - một thầy cảm thán rút ra kết luận.

Học trò hiện tại là con của chúng ta, chúng là tương lai của đất nước. Thương phải biết thương đúng cách, hãy nghiêm khắc chừng nào có thể để thế hệ trẻ sau này có tự trọng, cho chúng thấy ta thương hay hại chúng. Mai sau chúng sẽ là người đánh giá việc làm và hành động, những cố gắng hiện tại của chúng ta. Chúng sẽ kết án sự dễ dãi, bất nghiêm của chúng ta, hay cổ vũ và tiếp tục vun đắp thêm những giá trị tốt đẹp mà chúng ta đã gầy dựng cho chúng. Tất cả tùy thuộc vào hành động hiện tại của chính chúng ta.

MINH QUÂN

ĐỖ QUYÊN
 
Dài quá (_ _").
 
×
Quay lại
Top