Đột quỵ:mối nguy và cách ngăn ngừa

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ là tình trạng mạch máu nuôi dưỡng não bị ngừng đột ngột, khiến cho tế bào não hư hại dẫn đến rối loạn chức năng phần cơ thể do phần não này điều khiển. Mạch máu nuôi dưỡng não bị ngừng có thể do rò rỉ hay vỡ (gây ra đột quỵ do xuất huyết não, gọi nô na là chảy máu não, tức nhiều máu trong hộp sọ, chiếm 15%) hoặc do tắc bởi cục máu đông tại chỗ hoặc từ nơi khác đến (gây ra đột quỵ do thiếu máu cục bộ hay nhồi máu não, gọi nôm na là nhũn não, tức ít máu đến nuôi dưỡng não, chiếm 85%).

Các tên gọi khác là tai biến mạch não, liệt nửa người, bán thân bất toại.



Mối nguy
Thống kê năm 1990 cho thấy đột quỵ gây chết 4,3 triệu người, đứng hàng thứ hai toàn cầu. Dù đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi nhưng 1/3 đột quỵ lại xảy ra ở người dưới 65 tuổi.
Một nửa đột quỵ do xuất huyết não chết trong vòng 48 giờ đầu; 20% đột quỵ chết trong năm đầu.
Thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy: (1) đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật lâu dài và nặng nề và là nguyên nhân chết người thứ ba, sau bệnh tim mạch và ung thư các loại; (2) 1/3 trường hợp đột quỵ sẽ bị lại trong vòng 5 năm; (3) 1/3 người sau đột quỵ bị tàn tật nhẹ, 1/3 bị tàn tật vừa và 1/3 bị tàn tật nặng; (4) 33% người sống sót qua đột quỵ cần người khác giúp mình chăm sóc cơ thể, 20% cần giúp để đi lại, 70% không thể làm việc được như trước đột quỵ và 50% không thể làm bất cứ việc gì sau đột quỵ.
Thống kê của Bộ Y tế Việt Nam các năm 1999, 2001, 2002 và 2003 cho thấy đột quỵ là một trong 10 nguyên nhân gây chết người cao nhất.


Đột quỵ biểu hiện như thế nào?
Triệu chứng xuất hiện đột ngột và diễn tiến phụ thuộc vị trí và mức độ phần não bị hư hại.
Các triệu chứng thường gặp là:
· Yếu một tay hoặc một chân hoặc cả tay và chân cùng bên làm người bệnh đi khó khăn: đi loạng choạng, mất thăng bằng hoặc không phối hợp các động tác được hoặc ngã khuỵu. Rối loạn cảm giác kiểu kiến bò hoặc tê cóng một bên cơ thể.
· Yếu một bên cơ mặt, miệng méo.
· Nói khó khăn: nói đớ, nói không nói trọn câu đơn giản hoặc hoàn toàn không nói được.
· Nhìn khó khăn: mắt mờ hoặc mù một bên hoặc nhìn thấy hình đôi.
· Nhức đầu dữ dội hoặc nhức đầu dị thường kèm theo cứng cổ, nôn.
· Mất ý thức: người bệnh sững sờ, không biết gì, khó đánh thức hoặc hôn mê đột ngột, đôi khi chết ngay.


Đột quỵ có dấu hiệu báo trước không?
Hầu hết đột quỵ không có dấu hiệu báo trước trừ trường hợp cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do gián đoạn tạm thời máu nuôi não, có triệu chứng và dấu hiệu giống như đột quỵ nhưng kéo dài vài phút đến 24 giờ và sau đó biến mất. Một người có thể bị nhiều cơn thiếu máu não thoáng qua và triệu chứng cũng như dấu hiệu mỗi lần có thể giống hoặc khác nhau. Người nào bị thiếu máu não thoáng qua sẽ dễ bị đột quỵ hơn người bình thường. Có 10% người bị cơn thiếu máu não thoáng qua bị đột quỵ trong vòng 3 tháng sau đó.
Khi nào cần đi khám?
Khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng thiếu máu não thoáng qua hay đột quỵ, phải đi khám ngay. Cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ mất đi nhưng là cơ hội để người bệnh điều trị nhằm ngăn chặn đột quỵ.
Nếu thấy ai đó dường như bị đột quỵ thì hãy quan sát họ cẩn thận trong khi chờ xe cấp cứu đến. Cần hành động khi người bị đột quỵ xảy ra:
ü Nếu người bệnh ngưng thở, hãy hô hấp nhân tạo miệng-miệng.
ü Nếu người bệnh nôn, hãy nghiêng đầu họ sang bên nhằm giúp họ không bị ngạt.
ü Không cho ăn hoặc uống bất cứ gì.


Những ai dễ bị đột quỵ?


Bất cứ ai có mạch máu não dễ bị rò rỉ, dễ vỡ hoặc dễ bị tắc thì đều dễ bị đột quỵ.
Thường gặp:
ü Tiền sử gia đình bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc bị cơn thiếu máu não thoáng qua.
ü Tuổi từ 55 trở lên.
ü Bị tăng huyết áp: huyết áp tối đa từ 90 mm Hg trở lên và/hoặc huyết áp tối thiểu từ 90 mm Hg trở lên.
ü Cholesterol máu cao: cholesterol toàn phần từ 200 mg/dL trở lên hoặc từ 5,2 mmol/L trở lên.
ü Hút thuốc lá.
ü Đái tháo đường.
ü Béo phì, chỉ số khối cơ thể từ 25 kg/m2 (tính bằng cách lấy cân nặng đơn vị là kilogam chia cho chiều cao bình phương với đơn vị là mét) trở lên.
ü Bệnh tim mạch như suy tim, dị tật tim, viêm cơ tim, loạn nhịp tim.
ü Trước đây bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua.
ü Dùng thuốc ngừa thai hoặc điều trị bằng nội tiết tố.



Điều trị như thế nào?
Đột quỵ là cấp cứu nội khoa. Điều trị sớm đột quỵ có thể giảm bớt tổn thương và biến chứng. Mạng sống của người bệnh phụ thuộc vào thời gian từ lúc xảy ra đột quỵ cho đến lúc được cấp cứu tại bệnh viện.
Tuỳ loại đột quỵ mà cách điều trị khác nhau: (1) đột quỵ do cục máu đông tại chỗ hoặc nơi khác đến thì dùng aspirin, thuốc tiêu sợi huyết, chọc hút trực tiếp cục máu đông (Prenumbra), bóc lớp trong động mạch cảnh, tạo hình động mạch và đặt stent (giá đỡ nâng lòng động mạch); (2) đột quỵ do mạch máu bị rò rỉ hay bị vỡ thì phẫu thuật kẹp chỗ rò, bít chỗ phình, cắt bỏ khối mạch dị dạng hoặc hút bớt máu trong hộp sọ.
Sau khi qua cơn nguy cấp, tiếp tục chữa trị căn nguyên gây ra đột quỵ (ví dụ tăng huyết áp, rung nhĩ mạn) và tập luyện để phần cơ thể bị liệt phục hồi. Giai đoạn này đòi hỏi người bệnh thật sự kiên trì để cải thiện cái vốn đã rệu rã và tật nguyền.


Làm sao ngăn ngừa đột quỵ?
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của mình và thực thi lối sống khoẻ mạnh là cách thức tốt nhất để ngăn ngừa đột quỵ.
· Điều trị phòng ngừa đột quỵ khi đã bị cơn thiếu máu não thoáng qua.
· Kiểm soát tình trạng tăng huyết áp. Có đến 70% đột quỵ xảy ra ở người bị tăng huyết áp. Nếu đã bị đột quỵ, hạ thấp huyết áp giúp ngăn thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc đột quỵ. Biện pháp kiểm soát huyết áp gồm thay đổi lối sống (tập thể dục, kiểm soát kích xúc tâm thể, giữ cân nặng chuẩn, giảm ăn muối và giảm uống rượu) và dùng thuốc đều đặn hàng ngày như thầy thuốc hướng dẫn.
· Giảm cholesterol và chất béo bão hoà qua ăn uống và đôi khi bằng thuốc nhằm giảm mảng xơ vữa trong lòng động mạch.
· Bỏ hút thuốc hoặc không hút thuốc. Sau bỏ thuốc lá vài năm, người bỏ hút có nguy cơ bị đột quỵ giống như người không hút thuốc.
· Kiểm soát đái tháo đường bằng thay đổi lối sống và bằng thuốc. Kiểm soát đường máu ở mức an toàn sẽ giúp não ít bị thương tổn nếu xảy ra đột quỵ.
· Giữ cân nặng chuẩn. Béo phì ảnh hưởng xấu lên các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tăng huyết áp, bệnh tim mạch và đái tháo đường. Cân nặng chuẩn là ở mức 18,5 – 24,9 kg/m2.
· Tập thể dục điều độ mỗi 30 phút hàng ngày như đi bộ nhanh, chạy chậm, đạp xe, bơi hầu hết các ngày trong tuần.
· Kiểm soát kích xúc tâm thể (stress). Kích xúc tâm thể có thể gây tăng huyết áp tạm thời (mối nguy của đột quỵ do xuất huyết) hoặc gây tăng huyết áp thực sự ngoài ra có thể làm máu dễ đông (gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ). Sống đơn giản, tập thể dục và sử dụng các kỹ thuật thư giãn sẽ giúp kiểm soát được kích xúc tâm thể.
· Uống rượu bia chừng mực. Rượu bia vừa gây đột quỵ vừa có tác dụng ngăn ngừa đột quỵ.Uống quá nhiều hoặc uống rượu mạnh làm huyết áp tăng cao và gây ra đột quỵ do xuất huyết hoặc thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên, uống rượu bia từ ít đến trung bình làm tăng HDL cholesterol (loại cholesterol có lợi) và giảm đông máu.
· Ăn uống lành mạnh. Ăn thêm rau quả vốn có các vi chất như kali, folate và các chất chống oxy hoá có tác dụng chống lại đột quỵ. Ăn nhiều đậu, nhiều thức ăn chứa canxi, sữa đậu nành, thức ăn có nhiều acid béo omega.
· Thuốc dự phòng. Khi đã bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, thầy thuốc sẽ chỉ định thuốc ngăn ngừa máu vón cục để giảm bị thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ.
Đột quỵ gây hậu quả nặng nề, việc điều trị càng khó khăn với thực tế Việt Nam. Vì vậy, ngăn ngừa đột quỵ vẫn là ưu tiên hàng đầu thông qua nỗ lực của cá nhân trong việc thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị các yếu tố nguy cơ và sự trợ giúp của gia đình cũng như khả năng chuyên môn và ưu tiên giáo dục sức khoẻ của thầy thuốc.



(Sưu tầm)





 
×
Quay lại
Top