Đời sinh viên - phép thử cuộc đời

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Đời sinh viên - phép thử cuộc đời: Lạc bước phồn hoa (1)



Vừa nhận được giấy báo nhập học, các tân sinh viên hăm hở “Tiến về Sài Gòn” và bắt đầu một chặng đường sống tự do, tự lập nhưng đời sinh viên không phải lúc nào cũng ca hát “ đời sinh viên với cây đàn guitar”…

Kì 1: Lạc bước phồn hoa

Vừa nhận được giấy báo nhập học, các tân sinh viên hăm hở “Tiến về Sài Gòn” và bắt đầu một chặng đường sống tự do, tự lập nhưng đời sinh viên không phải lúc nào cũng ca hát “ đời sinh viên với cây đàn guitar”…

Hai Lúa lên thành

Q.H. (Tiền Giang) vừa đậu ĐH Kinh Tế TPHCM, anh chàng đang hăm hở cụ bị hành trang nặng trĩu lên Sài thành tìm nhà dì ruột ở Gò Vấp xin tá túc những ngày đèn sách.

Một mình một ngựa tìm nhà, H. mệt bở hơi tai vì “Sao đường này xe chạy có một bên vậy ta”. Thì ra chàng ta đi nhằm ngay đường 1 chiều, “tiến thoái lưỡng nan” loay hoay mãi mà chẳng biết thoát ra như thế nào, H. đành ngồi vào quán cà phê ven đường kêu chai trà xanh chờ người thân ra đón.

Đến khi tính tiền, chủ quán ngửi thấy H còn “rặt mùi lúa”, liền chém ngay đòi 40 ngàn. Tái cả mặt nhưng lỡ “uống rồi khó nói” chưa kể thằng con trai bà chủ quán khi tính tiền cứ lườm lườm nên anh chàng phải bấm bụng trả và thề không bao giờ vào quán uống nước lần nào nữa!

V.Tr. cũng khốn đốn không kém. Lên thành phố ở nhà ông anh họ, Tr. rất sợ làm phiền anh nhưng sướng một điều là anh Tr. đi làm suốt, đêm mới về, nên giao chìa khóa cho Tr. giữ nhà.

Ngày thứ 3, Tr. nấu nước ăn mì, sực nhớ là trong nhà chưa có mì liền khóa cửa đi mua. Khổ nỗi, anh chàng bóp khóa mà để chìa trong nhà mà bếp gas nấu nước vẫn còn cháy xanh lè phải nhờ hang xóm phá cửa vào.

Khi đã mở được cửa vào nhà thì cái nồi đã cháy đen, nước cạn khô. Hú hồn, may mà chưa cháy nhà. Tuy ông anh không trách gì cả, nhưng Tr vẫn thấy xấu hổ, muốn bỏ học chạy về quê ngay!

Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều

Vừa lên Sài Gòn, Thanh T. liền xin làm gia sư để kiếm thêm trang trải việc học. Sục sạo trên mạng T thấy trung tâm gia sư ở đường Cộng Hòa (Tân Bình) quảng cáo rất có cánh cần sinh viên dạy kèm với mức lương trong mơ.

Anh chàng tiếp tân tiếp đón T rất nhiệt tình rồi bảo T. phải đưa trước 500 ngàn hoa hồng thì trung tâm mới giới thiệu những địa chỉ ngon. Nghe mát dạ, T. liền hí hửng đóng ngay.

Nhưng hỡi ôi, sau cả tiếng đồng hồ đạp xe bở hơi tai, T tìm được địa chỉ một công ty to vật vã. T đùng đùng phi ngựa quay lại trung tâm thì họ ỡm ờ giới thiệu chỗ khác nhưng toàn địa chỉ ma. Lần thứ n, T đến đòi lại tiền thì cái trung tâm gia sư ấy đã bốc hơi nơi phương trời nào….đành đứt ruột số tiền cơm 10 ngày của mình của mình “cuốn theo chiều gió”.

Đọc được thông báo trên mạng cho mướn nhà giá mềm lại gần trường học, Tấn L liền đến địa chỉ xin đặt một phòng. Bà chủ niềm nỡ dẫn L vào một căn phòng rất đẹp, bảo L nghỉ ngơi cho khỏe. Sau đó bà đòi lấy tiền phòng 500 ngàn trước. Thấy phòng đẹp, giá lại rẻ, L không ngần ngại đóng ngay.

Ngày hôm sau bà chủ dẫn L đến phòng khác, thì ra đó chỉ là trò lừa, phòng thực của L rất tồi tàn, cái cửa chỉ cần đạp một cái là văng ngay. Mái tôn thì lợp thấp, nhà nóng như lò lửa.

Đòi tiền lại thì bà chủ nhà bắt bẻ, nói đã ở rồi thì chỉ trả lại phân nữa số tiền thôi. L đành ngậm ngùi chịu trận một tháng rồi dọn đi nơi khác ở. Thật là một vố nhớ đời.

Bến xe buýt cũng là nơi trộm cướp hoành hành dữ dội, mới tuần rồi chị H.K sinh viên ĐH Luật của tớ khi đi xe buýt đến trường bị đạo chích lĩnh mất 2 triệu đồng mang theo để đóng học phí năm học mới cùng 1 chiếc điện thoại.

SAM_2324.jpg

Cám dỗ đất Sài thành

Vừa hay tin đậu ĐH Hồng Bàng, KN háo hức chia tay bạn bè Cần Thơ lên Sài Thành là kiếm việc làm đỡ đần khoản học phí. Bố mẹ hay bạn bè hỏi, bạn nói làm tiếp thị thời vụ cho hãng mỹ phẩm nọ thu nhập khá nhưng thực chất bạn bưng bê cho quán cà phê ở khu chung cư Miếu Nổi (Bình Thạnh).

Công việc phục vụ giúp N tiếp xúc với nhiều “hắc mã hoàng tử”, ban đầu cô nàng tân sinh viên còn ngại ngại sau này quen dần trở nên dạn dĩ hẳn ra.

Chưa hết một học kì, nghe lời mật ngọt, N say đắm một anh chàng đẹp trai sành điệu học dở nhưng rất có tài tán gái hay đến nổi cô nàng tin tưởng dâng cả “cái ngàn vàng”.

Sau đó, chàng quất ngựa truy phong còn N sốc nặng đến mức phải xin trường lưu điểm về quê trị chứng mất ngủ kinh niên.

Q.Tr. lại là một trường hợp khác, vốn là một cậu ấm ở tỉnh Tiền Giang học hành làng nhàng nhưng cũng thi đậu vào một trường Cao Đẳng.

Vừa lên Sài Gòn xong, thoát khỏi vòng kiểm soát của bố mẹ, Tr. sa vào những trận overnight mút mùa. Phần bị bạn bè khích, phần thích chứng tỏ mình, Tr. “cắn” ma túy lúc nào cũng không hay khiến bao nhiêu tiền bố mẹ gửi lên cũng không đủ. Mãi đến khi qua lời của bạn bè biết Tr bị đuổi học từ lâu thì gia đình mới bàng hoàng nhưng quá muộn….

Đừng ham tự do lơ là cảnh giác

Với các tân sinh viên, bước vào cuộc sống tự lập không hề dễ dàng chút nào, nhất là ở thành phố lại càng khó khăn hơn nữa. Các bạn lúc nào cũng nên tụng câu thần chú “Cẩn thận, cẩn thận nữa, cẩn thận mãi”. Đừng vì ham sự tự do mà lơ là cảnh giác.

Ý thức bản thân khi sống tự lập cũng vô cùng quan trọng. Sài thành nhiều cám dỗ, nhưng nó chỉ nguy hiểm với những bạn thích đua đòi, se sua. Còn nếu bạn có ý chí cầu tiến, biết cần kiệm giữ mình, Sài Gòn luôn là một đô thành hiền hòa hào phóng sẵn sàng đón nhận bạn.

Và có lẽ phải sau một thời gian bươn chãi ở nơi đất khách quê người, khi đã cọ xát với cuộc đời, thậm chí bị gai của “hoa đời” làm cho tóe máu, thì bạn mới hiểu ra rằng Sài thành phồn hoa nhưng đầy rẫy cạm bẫy với những con nai vàng ngơ ngác.

“Đời phải trải qua giông tố, nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”. Tặng bạn câu châm ngôn mà tôi rất tâm đắc.

Đời sinh viên là phép thử đầu tiên trên đoạn đường đời, hi vọng chúng ta sẽ luôn luôn ngẩng cao đầu đạp lên khó khăn bước qua cơn giông bão đầu đời để đến đích thành công bạn nhé!

Theo Mực Tím
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Kì 2: Đại học “học đại”?

Được khoác áo tân sinh viên là mơ ước của biết bao cô câu học trò phải nhọc nhằn đèn sách nhưng coi chừng bạn “binh lủng”. Tại sao?

Đậu đại học chưa phải là tất cả. Tình trạng thừa thãi nhân lực, nạn thất nghiệp tràn lan khắp các tỉnh thành cả nước đã đến mức báo động đỏ.

Nhiều tân sinh viên cứ ngỡ đậu ĐH và có được tấm bằng ĐH là nghiễm nhiên sẽ có tương lai rộng mở nhưng….

Bằng cử nhân treo giàn bếp…

Cái ngày Hoàng Kh (Bến Tre) đậu ĐH Luật Đà Lạt và ĐH Nông Lâm TPHCM là cái ngày xóm nhỏ cù lao của chàng vui như mở hội vì đâu là lần đầu tiên có người đỗ đạt cao như thế…

Nghĩ tới xứ sở sương mù mây giăng giăng khắp lối vô cùng lãng mạn, Hoàng Kh hăm hở vác ba lô lên đường nhập học mặc cho bố mẹ vốn yêu nghề nông hết lời khuyên răn cậu con trai út nên chọn Nông Lâm vì nước ta là nước nông lâm nghiệp.

Những ngày ngây ngất cùng mây trời phố núi rồi cũng qua, hết năm 1, anh chàng bắt đầu thấy nhớ nhà. Mỗi lần nhận “meo”, chat chít, nghe điện thoại, bạn bè cùng lớp ngày nào kể chuyện Sài Gòn phồn hoa rực rỡ đèn màu, chàng bắt đầu thấy chán “cái xứ sở gì mà lạnh ngắt, suốt ngày co ro, ra đường thì ướt nhèm nhẹp”…

Mỗi lần buồn, chán, chàng rủ rê các chiến hữu lai rai. Mỗi lần xỉn mệt, chàng lại trùm mền nằm nhà mặc cho bạn bè réo gọi đến trường…

Năm đầu tiên, trong khi ngày hè bạn bè háo hức í ới kéo nhau về quê thì Hoàng Kh phải "bạt mặt bạt mày" học và thi lại các học phần còn nợ.

Có mã đẹp trai lại được gia đình cung cấp đầy đủ “ngân lượng”, Hoàng Kh cũng nổi tiếng luôn cái khoản “sát gái”, quen em này chán lại quen em khác. Bạn bè có khuyên can nhưng chàng sinh viên lãng tử giải thích: “Ở đây buồn thí mồ, không bồ bịch thì có gì vui?”.

Trong khi các bạn cùng lớp học bốn năm đều tốt nghiệp thì Hoàng Kh phải mất 5 năm lưu lại phố núi mù sương. Khi gia đình, bạn bè ở quê thắc mắc thì chàng lấp liếm là ở lại để luyện thêm Anh Văn và vi tính cho cứng cáp mới dám ra “giang hồ”…

Cuối cùng, chàng sinh viên lãng tử cũng mang được tấm bằng ĐH Luật xếp loại trung bình về quê trong sự chào đón tân cử nhân vô cùng nhiệt liệt của bà con làng xóm.

Cuộc đời không như là mơ, với kiến thức ít ỏi lại không có chút kinh nghiệm, Kh trầy trật xin việc nhưng chẳng nơi nào nhận.

Nhà khánh kiệt cắt nguồn chu cấp, bí quá chàng cử nhân Luật phải đi tiếp thị bán hàng thậm chí khi được một công ti nọ nhận vào làm thì chàng té ngữa khi biết công việc của mình là phụ trách mấy đứa giao nước tinh khiết…

Chán nản, mất tất cả tự tin, chàng cử nhân Luật về nhà phụ gia đình chăm sóc vườn cam và một chuồng mấy chục con heo.

Không còn lãng tử hào hoa với những lời “chém gió” vang trời ngày nào, giờ đây đi dự đám tiệc, Kh ít khi nói về mình thậm chí thiếu tự tin đến nổi không dám “bỏ áo đóng thùng” láng lẫy như xưa vì ngại lời ra tiếng vào.

Hoàng Kh tâm sự: “Biết chi ngày đó đừng ăn chơi, em út mút mùa như thế thì giờ đâu đến nổi, hối hận cũng không kịp nữa. Cái bằng ĐH của tao giờ treo giàn bếp, sau này có vợ con cũng chẳng dám khoe…”

buon.jpg

Nàng cử nhân loại giỏi “vỏ ốc”

Nguyễn Thị T (Tân Bình. Tp Hồ Chí Minh) là sinh viên của ĐH Kinh tế tính tình hiền và chăm chỉ nên không khó để chị vượt qua bốn năm đại học gian nan.

Bước ra từ giảng đường đại học với tấm bằng loại giỏi cứ tưởng tương lai sẽ rộng mở nhưng nào ai biết sự đời…

Cái ngày T được nhận vào làm việc tương đối phù hợp chuyên môn tại một công ti Nhà nước với mức lương cũng khởi điểm khá ưng ý ai cũng đến chúc mừng rôm rả.

Thế nhưng niềm vui chẳng tày gang, chỉ sau ba tháng làm việc, T không thể tiếp tục với công việc của mình.

Những kiến thức hàn lâm dường như bị “biến tính” khi áp dụng vào thực tế, kết hợp với môi trường làm việc tập thể khiến T luôn đi sau đàn anh, đàn chị của mình.

Vốn khép nép, ít giao tiếp nay sống giữa môi trường năng động thậm chí nhiều “chiêu trò”, T gần như bị cô lập, sáng vào công ti, trưa đi ăn một mình, chiều về nhà cứ như một chiếc bóng đổ dài trên đường…

Không bắt kịp nhịp độ làm việc, lại bị cho là không nhạy bén, không hòa đồng những khiển trách ban đầu của cấp trên làm chị T cảm thấy hụt hẫng và trầm cảm nặng nề. Lãnh lương tháng thứ sáu xong, T lầm lũi dọn hết đồ đạc ở cơ quan về nhà…

Tiếp tục trên cuộc hành trình của mình, sau mấy lần xin việc, cuối cùng T cũng được nhận vào một công ti xuất nhập khẩu. Cứ ngỡ sau cú vấp ngã lần đầu T sẽ rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm nhưng chị vẫn không thích ứng với môi trường làm việc bởi không quen làm việc nhóm, chỉ thích làm việc một mình thậm chí rất dị ứng chuyện “tụm năm tụ ba” hay “bíu bô” cùng đồng nghiệp…

Sau nhiều lần bất đồng quan điểm với mọi người đâm ra chán nản, một lần nữa T quyết định chia tay công việc của mình.

Công việc kinh doanh ở công ti thứ ba, mọi thứ có vẻ thuận lợi hơn, rất vừa sức và môi trường cũng thoải mái vả lại chị cũng rút kinh nghiệm hai lần trước nên mọi thứ có vẻ suôn sẻ hơn.

Thế nhưng từ sự thiếu kinh nghiệm và tinh thần học hỏi, T đã để sai sót trong công việc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và bị buộc phải thôi việc.

Mọi thứ trở thành ám ảnh với một cô gái chập chững bước vào đời. Rời bỏ tấm bằng đại học của mình, T trở về nhà phụ mẹ bán rau ngoài chợ Tân Bình.

Ban đầu, sau mỗi chiều từ chợ trở về, bước vào ngôi nhà đầy ắp sách và những tấm bằng khen, T đã bật khóc nức nở.

Chị cảm thấy tiếc nuối những năm tháng học trò chỉ biết khép mình trong vỏ ốc mà không hề trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm vào đời để đến khi nhận ra thì đã muộn màng.

Điều bất ngờ là hiện tại, T lại thấy hài lòng với công việc thay mẹ bán rau với khá nhiều mối hàng và thu nhập khá ổn định.

Chị tâm sự: “Nhiều người cũng rất ngạc nhiên vì chuyện này nhưng thật sự chị cảm thấy vui, thấy yêu thích và cũng tự tin nhất công việc này. Chưa thể nói trước nhưng có lẽ tấm bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi của chị sẽ là một kỉ niệm một thời sinh viên đáng nhớ…”.

Cầm trong tay tấm bằng đại học chưa hẳn là bạn đã cầm trong tay sự thành công. Tấm bằng đại học sẽ trở nên thừa thải khi chúng ta không cố gắng rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm.

Cứ mỗi một phút giây, “Tin mới” trên “Bảng tin” facebook của tôi lại hiện lên. Bất giác chợt nhận ra thế giới này thay đổi từng giây phút.

Cũng như tấm bằng đại học vậy, nó sẽ chỉ là mảnh giấy nếu chúng ta không ngừng học hỏi để thay đổi mình.



Kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho thấy, tính đến đầu năm 2013, tỉnh có 11.569 SV tốt nghiệp thất nghiệp, trong đó có một thạc sĩ, 3.047 cử nhân ĐH, 4.042 CĐ. Cuối năm 2012, tỉnh chính thức tạm dừng chính sách thu hút SV tốt nghiệp loại khá, giỏi.

Tương tự, đầu tháng Hai vừa qua, toàn tỉnh Thanh Hóa có 24.956 cử nhân thất nghiệp. Đồng Tháp có khoảng 1.700 SV đã tốt nghiệp ngành sư phạm chưa tìm được việc làm.

Tại TP.HCM, dù không có số liệu thống kê nhưng ghi nhận từ các trung tâm giới thiệu việc làm cho thấy, lao động có trình độ ĐH-CĐ cũng đang thất nghiệp tràn lan. (Theo PNO)
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Nếu biết cách, sinh viên nào cũng có thể “tỏa sáng” trên ghế giảng đường...

Kỳ 3: "Toả sang" trên giảng đường

Câu chuyện nhỏ-Bài học lớn

Kĩ sư-Thạc sĩ Anh Quân (cựu sinh viên ĐH Bách Khoa) chia sẻ: nhà anh ở vùng sâu vùng xa tỉnh Tiền Giang, lúc vào đại học anh gặp rất nhiều khó khăn nên phải đi làm thêm, dạy kèm kiếm chi phí trang trải việc học.

Học giỏi, vui tính lại hiểu tâm lí các học trò, anh cực kì đắt sô dạy. Nhiều phụ huynh nhà khá giả sẵn sàng trả anh tiền học phí một tháng tương đương 2 chỉ vàng lúc đó để hướng dẫn “cục cưng” học hành.

“Mỗi tháng lãnh tiền đến mê luôn, hồi đó xe gắn máy còn quí hiếm lắm, vậy mà chưa đầy một năm anh tậu một chiếc mới cóng làm bạn bè lác cả mắt.”. Chàng cựu sinh viên Bác Khoa hồi tưởng.

Bận kiếm tiền tối mặt mày nhưng nhờ lanh lợi nhất là cái miệng dẻo quẹo nên dù học tàng tàng anh vẫn vượt qua các kì thi hóc búa trong khi bạn bè mướt cả mồ hôi.

Đẹp trai, ăn nói có duyên, rủng rỉnh tiền lại chịu chi, anh trở thành “hotboy” của khoa được rất nhiều bạn bè, “em út” ngưỡng mộ nhưng việc học ngày càng sa sút. Cho đến một ngày một giảng viên trẻ ở trường gọi riêng anh ra uống cà phê…

Sau một lúc hỏi han, trước khi chia tay, thầy chỉ nói ngắn gọn: “Tiền ai cũng thích nhưng sinh viên thì không cần nhiều tiền mà kiến thức mới là quan trọng nhất. Bây giờ em thấy số tiền nhỏ ấy là lớn lắm nhưng nếu em chịu khó học thật giỏi sau này em sẽ kiếm được nhiều gấp vạn lần con số đó…Thầy cũng đã từng trải qua những cảm giác như em nên rất hiểu. Hãy suy nghĩ kĩ những điều thầy nói nhé!”

Sau nhiều ngày suy nghĩ nát óc, “bầm gan nát ruột” bỏ gần hết các mối dạy ngon, anh trút bỏ chiếc áo “hotboy”, nghiêm túc đến giàng đường, vào thư viện nghiên cứu thêm và cặm cụi đọc sách đến khuya thay vì kiếm tiền và rong chơi.

Tốt nghiệp Bách Khoa loại giỏi, anh Anh Quân được rất nhiều công ti lớn chào đón, anh chọn một công ti xây dựng Nhà Nước làm việc.

Bước qua tuổi băm, hiện anh đã có bằng thạc sĩ , giám đốc công ti và chuẩn bị học lên tiến sĩ.

Chàng giám đốc trẻ chia sẻ: “Nếu không có người thầy nhắc nhở kịp thời thì chẳng biết bây giờ anh sẽ “trôi dạt” về đâu nữa. Nhiều bạn bè anh chung lớp thời sinh viên mãi mãi lo kiếm tiền mà không ít người bị đuổi học còn một số khác thì cuối cùng cũng tốt nghiệp nhưng vì năng lực kém nên chẳng làm được nơi nào tốt, thất nghiệp triền miên tội lắm…”.

“Chập chững bước đến giảng đường, nhiều sinh viên còn non nớt nên rất dễ lạc lối, sau này rất khó làm lại từ đầu…Ai cũng biết học giỏi thì nên nhưng chẳng mấy sinh viên “thấm” điều này đến khi xin việc không được thì đã muộn…”. Kĩ sư Anh Quân đúc kết trong tiếng thở dài ngao ngán.



IMG_1352-a.jpg

Tấm bang đại học là mơ ước của biết bao bạn. Ảnh minh họa

Bí kíp để “tỏa sáng”

Tự chủ và tự học : Anh Anh Quân chia sẻ: “ Khoác áo sinh viên, bạn phải thay đổi hoàn toàn thói quen chờ thầy cô hướng dẫn và ghi chép cụ thể, rồi học bài trả bài hằng hồi cấp Ba mà phải tự mình làm chủ toàn bộ quĩ thời gian học tập bởi gần như các bạn hoàn toàn tự do.

Tập cho mình thói quen tự học và tự nghiên cứu thêm ở các bậc tiền bối, sách vở…là hết sức quan trọng.

Hãy nhớ rằng càng tích lũy nhiều kiến thức nghĩa là bạn đang có một tài khoản quí giá không thua gì tài khoản tiềh đang gửi ở ngân hàng đâu”.

Kị nhất “nước tới chân mới nhảy”: Lên ĐH các bạn tân sinh viên sướng như điên bởi các thầy cô chỉ kiểm tra, thi vào giữa hoặc cuối học kì nên đa phần SV thường chủ quan và có thói quen học theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”.

Nếu các sinh viên không biết cách phân bố thời gian, không chịu khí ghi chép, nghiên cứu trước và sau tiết học thì đến lúc thi đã quá muộn, cho dù có vượt qua kì thi chăng nữa thì cũng là hên chứ kiến thức thật sự chẳng có là bao.

Cực kì “kĩ năng mềm”: Đã có không ít, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn trầy trật đi xin việc bởi thiếu kĩ năng mềm, vô cùng quan trọng khi bước ra đời.

Ai trải qua thời sinh viên cũng biết rằng, kĩ năng mềm không được dạy chính khóa nên các bạn “bơi” là chính.

Vì thế học tập giỏi chưa đủ, các bạn cần phải tham gia các hoạt động ngoại khóa thường xuyên như làm việc nhóm, kĩ năng nói trước đám đông, kĩ năng lãnh đạo đặc biệt là các phong trào tình nguyện để rèn luyện bản lĩnh và khả năng làm việc tập thể hết sức cần thiết sau này.

Đời sinh viên thật đẹp nhưng cũng lắm gian nan. Tỏa sáng trên ghế giảng đường để tự tin bước vào đời nghĩa là bạn đã vượt qua phép thử hết sức quan trọng cho tương lai cả cuộc đời phía trước...







Theo điều tra của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), thanh niên Việt Nam mất trung bình 6 năm tìm kiếm một công việc ổn định hoặc hài lòng. Nhiều người có trình độ cao hơn yêu cầu của công việc của họ.
Có rất ít người sau khi rời trường học tìm được công việc ổn định khiến họ hài lòng. Đa phần khi ra trường, thanh niên phải trải quả những công việc tạm thời mà không hài lòng hoặc làm việc không lương cho gia đình trước khi có thể tìm được việc làm tốt hơn.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, chất lượng việc làm cho thanh niên tuổi từ 15 đến 29 chưa cao, phần lớn đang phải làm những công việc năng suất thấp.

Cứ 10 người thì có 8 người làm những công việc không chính thức và một nửa trong số họ có việc làm không thường xuyên (việc tự làm hoặc hợp đồng tạm thời).






Sáng 11-8, một thanh niên đã leo lên tầng 9 trường ĐH Công nghiệp TP.HCM rồi lao mình xuống đất chết tại chỗ

Theo cơ quan điều tra Công an quận Gò Vấp, nạn nhân tên Phan Văn Khương (xã tân Thành Bình, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) trước đây là sinh viên của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã tốt nghiệp cử nhân năm 2012.

Theo nguồn tin riêng của MTO, thời gian gần đây anh Khương bị mắc bệnh trầm cảm với nhiều lí do đặc biệt là nộp đơn xin việc nhiều nơi nhưng bị từ chối hoặc không kết quả.

Gia đình đang đưa anh chữa trị tại một bệnh viện lớn ở TPHCM nhưng anh bỏ trốn trở về trường cũ vào gieo mình tự sá
 
tự sát @@ heizz, chưa suy nghĩ sâu được rồi, thật nông nỗi :Conan18:
 
Theo điều tra của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), thanh niên Việt Nam mất trung bình 6 năm tìm kiếm một công việc ổn định hoặc hài lòng. Nhiều người có trình độ cao hơn yêu cầu của công việc của họ.
Có rất ít người sau khi rời trường học tìm được công việc ổn định khiến họ hài lòng. Đa phần khi ra trường, thanh niên phải trải quả những công việc tạm thời mà không hài lòng hoặc làm việc không lương cho gia đình trước khi có thể tìm được việc làm tốt hơn.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, chất lượng việc làm cho thanh niên tuổi từ 15 đến 29 chưa cao, phần lớn đang phải làm những công việc năng suất thấp.

Cứ 10 người thì có 8 người làm những công việc không chính thức và một nửa trong số họ có việc làm không thường xuyên (việc tự làm hoặc hợp đồng tạm thời).
Mình đồng ý đoạn khảo sát này, sự thực bây giờ kiếm được 1 công việc ưng ý quả thực quá khó, tự mở mang ra làm cũng lại là 1 vấn đề phức tạp, nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống ngày một cao, lương lậu thì mới ra trường lại thấp. những bạn kiếm được lương trên 10tr không nhiều. Áp lực cuộc sống giờ cao thật.
 
×
Quay lại
Top