Đọc giáo trình hiệu quả

ngopro9x

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/5/2011
Bài viết
182
Đọc giáo trình hiệu quả
Một khi định hướng được dàn ý của bài học, bạn sẽ tập trung và tiếp thu tốt hơn.

Sinh viên và học tập tự giác là một cặp khái niệm rất gần gũi. Bên cạnh những việc như tự giác đi học, nghe giảng, chép bài sao cho có hiệu quả, việc đọc giáo trình đối với sinh viên nhiều khi cũng không dễ dàng gì. Đặc biệt với sinh viên những năm đầu đại học với các môn học đại cương, kiến thức chưa sâu nhưng trải rộng, các bộ giáo trình với những lĩnh vực kiến thức khác nhau có thể đánh gục sự kiên trì của các bạn rất dễ dàng.

doc%20sach%20tieng%20anh.jpg


Vậy, các bạn đã đọc và tự nghiên cứu giáo trình như thế nào?

Đọc qua quít những ngày cuối kỳ để đối phó với kỳ thi.

Đây là tình trạng phổ biến của sinh viên hiện nay. Không như sách giáo khoa của bậc học phổ thông, đưa lý thuyết đồng thời có ví dụ minh họa, hình ảnh sinh động, giáo trình đại học đa số nhiều lý thuyết với mật độ thông tin dày đặc. Hùng, năm thứ nhất đại học Hà Nội, bày tỏ: “Hồi mới vào trường mình cũng háo hức giở giáo trình ra đọc. Nhưng sách thì toàn chữ như thế này, nặng lý thuyết, đọc một câu phải ngẫm kỹ mới hiểu, mình đọc không quen, được vài trang thì mệt quá nên để đấy luôn, đến tận cuối kỳ mới giở ra đọc vội vàng cho xong.” Kết quả là, do phải đọc vội vàng trong có mấy ngày nên cuống quýt, kiến thức lại khó nên Hùng có đọc cũng như không, điểm thi thì cực kỳ lẹt đẹt.

Tệ hại hơn, lại có những bạn mua giáo trình về nhưng chẳng bao giờ giở ra xem, đến ngày thi cũng chỉ học những gì ghi chép trong vở, lười hơn là liếc qua slide bài giảng mà giáo viên gửi cho... Như Phương, đại học Luật, chỉ học duy nhất môn chuyên ngành mình thích là môn Pháp luật đại cương, còn những môn “phụ” như triết học, kinh tế vi mô, mặc dù rất cần thiết nhưng cô bạn chẳng bao giờ ngó đến. “Kỳ một năm nhất tớ còn cẩn thận mua giáo trình, mặc dù có sờ đến đâu, gáy sách vẫn thẳng này. Sang đến kỳ hai, biết là những môn đại cương để qua chẳng khó gì, tớ kệ luôn không mua nữa...” - cô bạn thú thực.

Cách học như vậy không có tác dụng đâu, bạn à. Bạn để giáo trình đến cuối kỳ mới đọc, vừa lỡ mất cơ hội đối chiếu nhưng thông tin giáo viên giảng trên lớp với nội dung trình bày trong sách - điều này rất quan trọng vì nó chứa đựng những kiến thức bổ sung, sự đánh giá của giảng viên với kiến thức được đưa trong sách, vừa phải đọc vội vàng, không có thời gian nghiền ngẫm để hiểu tường tận thì rồi cuối cùng, cả bài giảng của giáo viên lẫn chữ đọc từ sách ra cũng sẽ như nước đổ lá khoai, trôi tuột đi thôi.

Đọc nhiều nhưng đọc “suông”

Ngược lại với các sinh viên lười kể trên, có những bạn rất chịu khó đọc giáo trình ở nhà, hoặc trên thư viện. Nhóm sinh viên này mặc dù ít hơn nhóm trên, chỉ đếm trên đầu ngón tay, so với số sinh viên lười thì dường như bị “áp đảo”, song cũng không phải là không có. Có bạn cứ thấy cuốn sách nào liên quan là mua về đọc, hoặc mượn của thư viện, như Tuấn (đại học Bách Khoa) chẳng hạn. Cậu bạn được mệnh danh là “mọt sách” vì bạn bè luôn thấy Tuấn lên thư viện cặm cụi đọc sách tham khảo. Song điểm thi của Tuấn cũng không cao hơn các bạn khác là bao, trên lớp cũng ít thấy cậu bạn phát biểu ý kiến, vì theo Tuấn giải thích thì “mình đọc cũng chỉ nhưng một thói quen thôi, có sách mà không đọc thì thấy áy náy với ý nghĩ mình lười, chứ thật sự nhiều thứ đọc xong mình cũng không nhớ được”.

Cho dù sự chăm chỉ của Tuấn và một số ít sinh viên khác như bạn ấy là rất đáng khích lệ, song chưa chắc nó đã đem lại hiệu quả cao, vì đó vẫn là cách học thụ động: chỉ tiếp thu những gì được đưa sẵn mà không có sự sàng lọc, xử lý, suy ngẫm để kiến thức trở thành thực sự của mình.

Vậy thì đọc thế nào tốt hơn đây?

Đương nhiên có đọc thì vẫn hơn là không đọc. Nhưng không phải cứ hùng hục đọc mà không cần biết mình đọc gì, thu nhận được gì, mà cần chủ động, tích cực trong việc thu nạp kiến thức của bản thân.

- Có lẽ sẽ không thừa khi nhắc lại rằng đọc giáo trình trước khi lên lớp là điều rất quan trọng, và đọc trước một khoảng thời gian không dài. Nhờ đó kiến thức đọng lại trong đầu bạn sẽ còn được nhiều và đầy đủ hơn khi chưa bị những suy nghĩ khác chèn lấn mất.

- Khi đọc giáo trình và gặp những nội dung quá dài, các bạn nên đọc trước các đề mục để nắm được ý chính, định hình được cách tổ chức, triển khai vấn đề theo dụng ý của tác giả cuốn sách. Một khi định hướng được dàn ý của bài học, bạn sẽ tập trung và tiếp thu tốt hơn.

- Vừa đọc vừa chú ý những ý căn bản, dùng bút chì (nhưng tốt hơn là bút nhớ) đánh dấu những ý đó để tiện trong quá trình ôn tập về sau.

- Trong quá trình đọc giáo trình, nếu bạn cảm thấy những mục nào tập trung quá nhiều kiến thức khiến bạn khó theo kịp, nên đọc nhanh hơn một chút. Việc này nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực sự, việc đẩy nhanh tốc độ đọc là một cách đòi hỏi bộ não của bạn tập trung cao hơn, và khi đó, bạn sẽ thu thập và ghi nhận được nhiều thông tin hơn là đọc chậm nhưng đầu óc vẫn lan man thoáng nghĩ tới những chuyện khác.

- Đánh dấu những chỗ bạn không thể hiểu nổi và chờ đợi sự giải đáp của giảng viên trên lớp, thắc mắc hoặc đặt câu hỏi nếu cần thiết.

Chẳng phải bạn cần trang bị rất nhiều kiến thức cho bản thân hay sao, không chỉ cho những bài thi cuối kỳ mà cả những môn học sau này có liên quan nữa. Thêm vào đó, bạn cần rèn luyện kỹ năng đọc có hiệu quả để thu nạp tri thức trong tương lai, trong công việc, hay ở những bậc học cao hơn... Vậy thì vì sao bạn không thực hành ngay bây giờ nhỉ?
 
×
Quay lại
Top