Điều gì làm Malcolm Gladwell thú vị

rubi_mos2002

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/10/2011
Bài viết
824


Điều gì khiến cho những cuốn sách của Malcolm Gladwell thú vị?

Năm 1971, nhà xã hội học Murray Davis công bố một bài luận mở đầu với 2 câu:

“Từ lâu mọi người nghĩ rằng một nhà lý thuyết được xem là vĩ đại vì những lý thuyết của ông ấy đúng, nhưng điều này sai. Một nhà lý thuyết được xem là vĩ đại không phải vì những lý thuyết của ông ấy đúng, mà vì chúng thú vị.

Davis cho rằng sự khác nhau giữa sự thú vị và tẻ nhạt nằm ở yếu tố gây bất ngờ. Khi một quan điểm khẳng định điều chúng ta đã tin, chúng ta cảm thấy chán – chúng ta xem nó là điều hiển nhiên. Nhưng khi một quan điểm là phản trực giác, chúng ta thấy thích thú. Trí tò mò của chúng ta bị khêu gợi và chúng ta bị thúc đẩy đặt ra những câu hỏi: Làm thế nào nó có thể là như vậy? Nó có thực sự đúng?

Malcolm Gladwell đã rất giỏi trong việc thách thức những giả định của chúng ta. Để biết ông ấy làm việc đó như thế nào, hãy xem Bản liệt kê điều thú vị của Davis. Davis phân loại 12 cách khác nhau của việc thách thức sự hiểu biết thông thường, và những quan điểm chủ chốt của Gladwell đã phù hợp ít nhất là 5 trong số chúng.

1. Xấu là Tốt và Tốt là Xấu

Quan điểm ở đây là hãy lấy một thứ tiêu cực và khám phá mặt tích cực của nó, hoặc ngược lại. Điều này là chủ đề của cuốn David and Goliath, ở đó Gladwell lập luận rằng những thứ bất lợi có thể đem lại những lợi thế cho chúng ta. Có ai nghĩ rằng một khuyết tật như chứng khó đọc có thể làm con người thành công hơn? Với sự gợi nhớ có lý từ những cuốn truyện tranh Daredevil, ông làm sáng tỏ việc làm thế nào mà sự thiếu vắng một khả năng – khả năng đọc – có thể khiến con người phát triển những khả năng khác trong những lĩnh vực như giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, diễn xuất, lắng nghe. Ông đưa ra dữ liệu cho thấy việc mất một người bố/mẹ khi còn bé (một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong cuộc sống) có thể thực sự làm tăng khả năng trở thành tổng thống hoặc thủ tướng của bạn.

2. Việc gì trông giống như một hiện tượng mang tính cá nhân thực sự lại là một hiện tượng mang tính tập thể

Một cách khác để thách thức những giả định là chỉ ra điều chúng ta nghĩ là bị gây ra bởi những cá nhân, trong thực tế lại bị gây ra bởi những tác động xã hội rộng lớn hơn. Điều này là trọng tâm của cuốn Outliers. Gladwell cho rằng chúng ta nghĩ những vận động viên chơi khúc côn cầu và bóng đá chuyên nghiệp được như thế là vì tài năng và chăm chỉ, nhưng nó thực sự là vì họ được sinh ra sớm hơn bạn bè đồng trang lứa của họ một vài tháng. Chúng ta giả định rằng máy bay rơi là do những sai lầm của cá nhân những phi công, nhưng nó thực sự là do những nền văn hóa nuôi dạy họ. Chúng ta tin rằng Bill Gates và Beatles đạt đến sự vĩ đại vì tài năng của họ, nhưng họ phải ở đúng nơi vào đúng thời điểm.

Gladwell nói trong cuốn The Tipping Point, những sự thay đổi (chung) lớn thực sự được truyền năng lượng bởi một số ít người.

3. Điều gì trông có vẻ thành công thì lại thất bại, và điều gì có vẻ thất bại lại thành công

Thật thú vị khi một điều gì đó có vẻ có hiệu quả thì thực tế lại không, hoặc khi một điều gì đó trông không hiệu quả thì lại có hiệu quả. Trong cuốn David and Goliath, Gladwell nêu ra bằng chứng trái ngược với niềm tin chung, rằng những lớp học nhỏ ở trường học không làm trẻ em học nhiều hơn. Trong cuốn Blink, ông làm theo chiến lược đảo ngược, chỉ ra rằng mặc dù chúng ta mong đợi lý trí vượt hơn trực giác, thì chúng ta đang đánh giá thấp sức mạnh của trực giác. Chúng ta tin rằng cách tốt nhất để phát hiện tranh giả là thông qua sự phân tích có hệ thống, nhưng một chuyên gia có thể phát hiện trong chớp mắt. Ngay cả khi thông tin quan trọng bị thiếu, và chúng ta chỉ có những manh mối nhỏ, thì trực giác của chúng ta vẫn có thể chính xác. Một video tắt tiếng trong 10 giây đã đủ để phát hiện ra một giáo viên nhiệt huyết, một băng ghi âm với những lời nói bị cắt xén để chúng ta chỉ có thể nghe được giọng nói vẫn cho phép chúng ta nhận ra bác sĩ phẫu thuật có sự sơ xuất; và một đoạn nói chuyện trong 15 phút về việc đổ rác cho phép chúng ta dự đoán cuộc hôn nhân này sẽ thất bại.

4. Điều gì có vẻ mang tính cục bộ thì lại mang tính toàn thể

Thật bất ngờ khi những sự kiện dường như rời rạc trong thực tế lại bị điểu khiển bởi những lực tác động chung. Đây là một dấu hiệu nổi bật khác của The Tipping Point, cho thấy làm thế nào mà những kiểu tác động giống nhau có thể giải thích về sự lây lan của những bệnh lây truyền qua đường t.ình d.ục, những xu hướng văn hóa đại chúng.

5. Điều gì trông hỗn loạn thì thực tế lại có tính trật tự

Khả năng phát hiện thấy tính trật tự trong sự hỗn loạn là một phẩm chất khác của những lý thuyết thú vị, và đây là một điểm mạnh của cuốn The Tipping Point. Chúng ta nghĩ rằng những mốt nhất thời không đến từ một nơi nào cả, nhưng nếu chúng ta nhận ra 3 nguyên tắc của những ‘đại dịch’ của Gladwell (Khái niệm “đại dịch” trong cuốn sách đề cập tới vượt ra ngoài các đại dịch theo chiều hướng tiêu cực dịch bệnh, mà đó có thể là một sự phát triển kỳ lạ của một thương hiệu giày tưởng như đã lỗi thời, một cuộc cách mạng đã thành công, đó có thể là nạn dịch giang mai bùng phát, đó cũng có thể là đại dịch tội phạm ở New York và còn nhiều câu chuyện thú vị để mô tả các khía cạnh dẫn tới sự bùng phát một cách kỳ lạ.) – Quy luật thiểu số (The Law of the Few), Yếu tố kết dính (The Stickiness Factor) và Sức mạnh của hoàn cảnh (The Power of Context) – chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những yếu tố mang tính hệ thống khiến chúng được phát tán. Sự hỗn độn cũng trở nên rõ ràng trong cuốn Outliers, ở đó nan đề tại sao một người đàn ông với chỉ số IQ thiên tài lại sống như một kẻ nói dối được phát hiện do việc nuôi dạy khó khăn của anh ta.

Trở nên thú vị

Trước khi trình bày một quan điểm, Davis quan sát thấy tác giả “nêu rõ ràng những giả định bị xem nhẹ” của khán giả, và sau đó tiết lộ quan điểm của họ thách thức những giả định đó như thế nào. Chiến lược này là rõ ràng trong mỗi cuốn sách của Gladwell: nêu rõ ràng điều chúng ta đang suy nghĩ trong hiện tại, và sau đó trình bày những ví dụ và bằng chứng cho thấy những niềm tin của chúng ta là thiếu sót, không thỏa đáng, không nhất quán, hoặc sai lầm như thế nào.

Những quan điểm thú vị có tính phản trực giác, nhưng không phải mọi quan điểm phản trực giác đều thú vị. Davis cảnh báo rằng nếu chúng ta quá tin tưởng vào một quan điểm thì khi đó chúng ta không muốn nhìn thấy quan điểm đó bị hoài nghi:

“bạn phải cẩn thận để không đi quá xa. Có một ranh giới rõ ràng giữa khẳng định điều gây ngạc nhiên và khẳng định điều gây sốc, giữa điều thú vị và điều lố bịch…những người đang cố gắng phủ nhận những giả định được lưu giữ mạnh mẽ ở khán giả của họ sẽ bị hoài nghi. Họ sẽ bị buộc tội là những người điên; nếu là các nhà khoa học thì họ sẽ bị gọi là ‘những người có suy nghĩ lập dị’. Nếu sự khác nhau giữa quan điểm truyền cảm hứng và quan điểm điên khùng chỉ nằm ở mức độ của sự ngoan cố của những giả định của khán giả nào đó họ chọn để công kích, thì đây có lẽ là lí do mà thiên tài luôn bị xem là gần giống người điên.”

Gladwell đã rất thận trọng trong vấn đề này. Trong cuốn David and Goliath, ông cố ý tránh phân tích về mối xung đột Israel-Palestine , biết rằng nó là một chủ đề nhạy cảm, và thay vào đó chọn lựa những xung đột khác có thể gây ngạc nhiên hơn là làm khó chịu. Đồng thời, ông nhận ra những quan điểm của ông cần có những hệ quả có ý nghĩa, do đó ông trình bày những chủ đề quan trọng đối với xã hội. Gladwell viết về việc cải thiện giáo dục và đấu tranh chống tội phạm, làm sao để các chuyến bay an toàn hơn và điều trị ung thư, bầu tổng thống đúng và bảo vệ quyền con người. Ông cũng viết về những quan điểm quan trọng đối với cá nhân chúng ta:

“Một độc giả sẽ thấy một lý thuyết nào đó là thú vị chỉ khi nó phủ nhận tầm quan trọng của một số thứ của “hoạt động thiết thực đang diễn ra” trong hiện tại của họ…và khẳng định rằng họ nên thực hiện một số hoạt động thiết thực mới để thay thế. Nếu hệ quả thiết thực này của một lý thuyết không rõ ràng ngay lập tức với độc giả thì họ sẽ phản ứng lại nó bằng cách chối bỏ giá trị của nó cho đến khi có một ai đó chứng minh cụ thể tính có ích của lý thuyết.”

Những cuốn sách của Gladwell làm chúng ta quan tâm. Ông thách thức chúng ta suy nghĩ lại về cách chúng ta nuôi dạy con cái, cách chúng ta xây dựng nơi làm việc và cách sống của chúng ta. Ông ấy đem lại cho chúng ta hy vọng, rằng nếu chúng ta luyện tập đủ thì chúng ta có thể trở thành những nhạc sĩ hoặc vận động viên vĩ đại. Rằng nếu một ý tưởng là đáng giá thì chúng ta có thể làm nó được phát tán. Nếu chúng ta thay đổi cách chúng ta đánh giá về con người, chúng ta có thể vượt qua những thành kiến và đem lại một cơ hội bình đẳng cho những người ở thế bất lợi. Nếu chúng ta đối mặt với những điểm bất lợi của riêng chúng ta thì chúng ta có thể thu được sức mạnh từ chúng.

Những mối nguy hiểm của sự thú vị

Dù bạn thấy bị thôi thúc sử dụng Bản liệt kê điều thú vị như một chỉ dẫn để phát triển một quan điểm, thì Davis khuyên chúng ta không nên làm điều đó. Khi chúng ta cố gắng tạo ra những quan điểm/ý tưởng theo kiểu có tính công thức này, nó gây bất lợi cho tính sáng tạo. Đúng hơn là, Bản liệt kê có ích khi chúng ta có một quan điểm: chúng ta có thể dùng nó để khám phá những giả định khác mà chúng ta có thể đang thách thức. Nhưng điều này rất khó, Davis quan sát thấy, vì “những giả định về một chủ đề” thường “quá vô định hình hoặc quá nhiều loại khác nhau” cho bất kỳ quan điểm nào trở nên “thú vị” với số đông. Có lẽ thiên tài đích thực của Gladwell nằm ở đây, trong việc phát hiện ra những giả định chung nằm bên dưới bề mặt – những niềm tin được chấp nhận quá rộng rãi, do đó bị xem nhẹ, đến nỗi chúng ta thậm chí không biết rằng chúng ta tin vào chúng.

Điểm nút từ Davis đó là: sự thú vị nằm trong đôi mắt của người nhìn. Điều thú vị đối với người này lại là điều hiển nhiên đối với người khác. Theo thời gian, những giả định tiến triển và những phản ứng phụ thuộc vào những giả định trong hiện tại của độc giả của bạn. Điều này có nghĩa là nếu bạn từng bảo vệ thành công cho một ý tưởng thú vị, nó cuối cùng sẽ không còn thú vị nữa, vì mọi người sẽ tin nó. Và đó là lí do tại sao chúng ta muốn Malcolm Gladwell tiếp tục viết những cuốn sách mới.

Nguồn
What Makes Malcolm Gladwell Fascinating
The most interesting feature of his writing might not be what you think.
Published on October 8, 2013 by Adam Grant, Ph.D. in Give and Take
PsychologyToday
 
×
Quay lại
Top