Dịch thuật: Một nghề của giới trẻ?

myau311

Thành viên
Tham gia
22/5/2012
Bài viết
16
Dịch thuật: một nghề của giới trẻ?


Nếu nhìn dưới góc độ công việc, thì dịch thuật văn học là một cái nghề, nghĩa là vẫn có một thời gian học nghề - làm nghề và có thu nhập. Nhưng dưới góc độ xã hội như ở ta hiện nay, thì nó không hẳn là một cái nghề; bởi thực sự thì nó cũng không giống một cái nghề bình thường. Trong mắt của nhiều bạn trẻ, dịch giả là những người rất già, có cái gì đó "bí ẩn, xa xôi"; và chính họ cũng thường thắc mắc, dịch thuật có phải là một nghề mà giới trẻ có thể chọn lựa được hay không? Để trả lời thắc mắc này, xin mời các bạn cùng chúng tôi "gõ cửa" một số dịch giả nổi tiếng đang sống tại thành phố chúng ta.
Dịch thuật có phải là nghề giới trẻ chọn lựa được không? Chúng tôi "gõ cửa" một số dịch giả nổi tiếng đang sống tại TP.HCM

Dịch giả Nguyễn Minh Hoàng: thời nào, dịch cũng là quan trọng!


Dịch giả Nguyễn Minh Hoàng

Trong thời nào, dịch cũng là quan trọng, bởi sự giao lưu - tìm hiểu lẫn nhau thì không bao giờ ngừng nghỉ. Dịch, tối thiểu cũng làm được 3 việc:
1/ Cần thiết, vì nó giúp nhiều người, qua bản dịch, xâm nhập vào được nhiều nền văn hoá.
2/ Bổ ích, vì người dịch thường chọn cái hay để có hứng thú dịch, nên người đọc cũng sẽ đọc được cái hay.
3/ Thú vị, vì qua từng từ, từng câu nhiều vấn đề dần dần hiện ra; người dịch sẽ thú vị đầu tiên.
Các bạn trẻ muốn đi vào nghề dịch văn học thì trước hết cần phải say mê một ngoại ngữ nào đó, học thật giỏi nó. Sau nữa, các bạn phải am tường tiếng mẹ đẻ để sử dụng được nhuần nhuyễn; không rành tiếng mẹ đẻ thì bản dịch sẽ rất ngây ngô. Cuối cùng, phải biết văn hoá - văn chương một cách tương đối tổng quát, vì nếu không sẽ rất khó để hiểu được nếp nghĩ và tâm hồn người khác. Tôi còn nhớ kịch tác gia, dịch giả Vi Huyền Đắc kể một chuyện thế này: Vì không hiểu văn hoá và đời sống, nên có người dịch câu nói của người Hoa: "Công môn đả lão phu" thành "Cửa công đánh bà già"; trong khi thực tế thì câu này ghi lại âm của câu chào tiếng Pháp: "Comment allez-vous?", nghĩa là "Bạn có khoẻ không?". Không hiểu văn hoá, dịch rất dễ bị ngớ ngẩn.
Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Tôn Nhan: dịch là học!


Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Tôn Nhan

Dịch là nghề quá triển vọng đi chứ! Vì dịch là học và là cách học nhanh nhất, tốt nhất. Như ý nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê, muốn học ngôn ngữ nào thì hãy dịch ngôn ngữ ấy ra tiếng Việt. Bản dịch cuốn "Đại cương văn học Trung Quốc" tương đối phổ biến, thì như ông nói trong hồi ký là dịch để học chữ Hán. Với lại, dịch cũng là một nghề tương đối tự do, mình là "sếp" của chính mình; làm thế nào thì thu nhập thế đó. Có điều, bây giờ giới trẻ ít được giáo dục tinh thần tự học và ít tự học nên có vẻ hơi e ngại khi bắt tay vào công việc dịch. Vì dịch, lúc nào cần tinh thần tự lập trong làm việc và chấp nhận sự đơn điệu; vì dịch thì thao tác công việc khá đơn giản, lại ít có sự thay đổi; nói như nhiều người là: hơi cô đơn. Nói tóm lại, nếu các bạn trẻ muốn bước vào nghề dịch, thì hãy chọn những vấn đề mà mình thật yêu thích, thật am hiểu, như thế sự thành công sẽ cao.

Dịch giả Phạm Viêm Phương: dịch chẳng giống một cái nghề!
Dịch giả Phạm Viêm Phương

So với nhiều nghề khác trong xã hội thì dịch chẳng giống một cái nghề, nó không có giấy chứng nhận… Chọn nghề này, nghĩa là các bạn chọn cái mơ hồ và thường không có đích cụ thể để đạt, lâu lâu mới có một người dịch được xã hội công nhận. Về thu nhập, các bạn có thể kiếm được một khoản tiền mà chưa phải đóng thuế lợi tức (dưới 4 triệu tháng). Tuy nhiên, với một nền học thuật còn non yếu như Việt Nam, thì người dịch vẫn còn hi vọng là mình sẽ làm được khá nhiều việc có ý nghĩa; các bạn có thể trở thành chiếc cầu nối để nhiều người đến được những thành tựu của nước ngoài. Nếu chịu khó đầu tư, các bạn cũng sẽ có khả năng trở thành học giả, nhà nghiên cứu như các vị tiền bối. Có điều, dịch là công việc tỉ mỉ, tủn mủn nên rất cần sự cẩn trọng, vì chỉ có mình kiểm tra chính mình, sai mình biết. Và các bạn cũng đừng hi vọng sẽ có hay sẽ trở thành thần đồng dịch thuật, vì sự tích lũy kinh nghiệm dần dần sẽ ngăn cản bước chân bạn đi quá nhanh.

Dịch giả Huỳnh Phan Anh (Việt kiều Mỹ): dịch, nghĩa là tôi muốn kéo dài việc đọc!

Dịch giả Huỳnh Phan Anh

Với các bạn trẻ, tôi không muốn tuyên bố gì cả, chỉ có vài lời tâm sự thế này: Khi chọn dịch, nghĩa là tôi muốn kéo dài việc đọc, muốn yêu thích thêm một lần nữa tác phẩm mà mình đã đọc; và nếu được, chuyển cái yêu thích của mình đến nhiều người khác. Từ những năm 1970, tôi bắt đầu dịch vì thấy mình khô cạn nguồn sáng tác, có thể nói dịch như một lối thoát, vì nếu không dịch, tôi sẽ khó chịu nổi cảnh đơn điệu trong tâm hồn. Từ cuối thập niên 80, ngoài sự yêu thích, tôi còn dịch như một nhu cầu kiếm sống, dịch trong sự "khủng bố của nợ nần", có năm tôi xuất bản 10 tác phẩm. Có điều, dù đích đến là gì thì dịch cũng phải bắt đầu từ tình yêu, sự say mê. Không có sự say mê văn học, ngôn ngữ dân tộc thì nghề dịch rất nhàm chán. Với tôi, dịch là hoà tan tác phẩm nước ngoài vào ngôn ngữ dân tộc. Còn với các bạn trẻ, thì chẳng cần gì phải e ngại, vì mọi chân trời đều rộng mở, chỉ cần tự trang bị cho mình một đam mê.
Nhà nghiên cứu An Chi: dịch tốt phải hiểu ý nguyên tác!

Nhà nghiên cứu An Chi

Tuy không chuyên dịch nhưng do thường xuyên tiếp xúc với các vấn đề của bản dịch nên tôi thấy rằng: Muốn dịch tốt, không chỉ nắm rõ ngôn ngữ cần dịch mà còn phải hiểu ý nguyên tác, hiểu ý tác giả. Ví dụ: "sầu sát nhân" đúng là "buồn chết người", nhưng không phải lúc nào cũng dịch như thế, mà nhiều khi phải dịch "buồn da diết". Đây là ngữ vị từ diễn tả cấp độ (cực cấp: mức độ cao nhất). Nhưng nhiều người vẫn có tâm lý, nếu dịch "buồn da diết" thì sợ bị chê là dịch sai; và vì sợ sai, nên nhiều bản dịch đã né tránh ngữ cảnh. Mà ngữ cảnh mới là quan trọng, hiểu ngữ cảnh, sự thành công của bạn dịch có thể đạt đến 70%. Vì ngữ cảnh nó bao gồm các chuỗi ngữ nghĩa (cấu trúc ngữ nghĩa), mà dịch là đối diện trực tiếp với các chuỗi ngữ nghĩa v.v... Vì thế, tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, khi nào có đủ yêu thích thì hãy bắt đầu, bằng cách chọn cho mình một chuỗi ngữ nghĩa.
Nhà ngôn ngữ, dịch giả Cao Xuân Hạo: cần phải học nghiêm túc!

Nhà ngôn ngữ, dịch giả Cao Xuân Hạo

Tôi hơi lạ vì các bạn trẻ lại hỏi về chuyện dịch thuật, vì cái nghề này có gì hấp dẫn đâu nhỉ. Sự hấp dẫn có chăng, là ở cái quyền làm người trung gian, tự chọn lựa cái hay (thậm chí cái dở) để giới thiệu. Còn cái nghề này, muốn làm tốt thì tất nhiên cần phải học nghiêm túc, giáo trình trên thế giới thì không thiếu, cái thiếu là các bạn không có đủ say mê để học, không có chỗ để học, ngay trong giờ học ngoại ngữ thì người dạy cũng không có đủ thời gian để chỉ ra những đặc điểm hình thái; mà không nắm được đặc điểm hình thái trong từng câu thì rất khó để bắt đầu công việc dịch. Ngoài ra dịch cũng còn một cái khó (dường như là khó nhất) là làm thế nào để tạo ra được một bản dịch uyển chuyển, hài hoà giữa ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ gốc. Nói như dịch giả Trương Chính, muốn dịch cho hay thì phải hình dung được trong tình huống như thế, người Việt nói như thế nào.
V.B
:KSV@06::KSV@06::KSV@06:
 
thích công việc này,đang trau dồi vốn từ và kinh nghiệm để có thể dịch nhửng tác phẩm yêu thích và share cùng mn, việc này quả thật rất thú vị:d
 
Ngoại ngữ ở mọi thời đều có giá cả? Đặc biệt là trong thời ký khó khăn như hiện nay tìm chật vật mới được 1 cv vừa trái ngành, vừa k đủ sống. Giá mà có bánh mì chuyển ngữ của ĐOREMON thì tốt biết mấy, Hichic
 
có bánh mì google đấy!!! :))
 
Biên dịch viên- Thú vị và nhiều tiềm năng



bien-dich-vien.gif
(HieuHoc.com) Dịch thuật đang sẵn sàng để phát triển thành một ngành công nghiệp bạc tỉ. Và những ai đã trang bị đầy đủ kĩ năng dịch cho mình có thể tham gia công việc này sớm nhất có thể, để thu về những khoảng lợi kết sù.
Internet đã biến cả thế giới thành một cộng đồng toàn cầu. Nó cho phép nhiều tổ chức nhỏ, vốn chỉ hạn chế việc kinh doanh trong thành phố hay tiểu bang của mình, mở rộng thị trường tiêu thụ ra toàn thế giới. Chính vì điều này, có một nhu cầu khổng lồ và ngày càng phát triển về biên dịch viên trên thị trường.
Dịch thuật đang sẵn sàng để phát triển thành một ngành công nghiệp bạc tỉ. Và những ai đã trang bị đầy đủ kĩ năng dịch cho mình có thể tham gia công việc này sớm nhất có thể, để thu về những khoảng lợi kết sù.
Bạn có thể chọn lựa nhiều hình thức để trở thành một biên dịch viên. Tùy theo năng mực và sở thích, bạn có thể tìm cho mình một vị trí biên dịch ở một nhà xuất bản, tạp chí hay một cơ quan chuyên về dịch thuật. Bạn cũng có thể trở thành nhân sự chuyên chuyển ngữ tài liệu trực thuộc một tổ chức. Nếu bạn muốn hoạt động tự do, bạn có thể trở làm một freelancer trong lĩnh vực này. Tự tìm nguồn khách hàng, thỏa thuận các điều khoản và làm việc vào bất kì thời gian nào mà bạn thích. Ngoài ra, dịch thuật cũng được tận dụng bởi những người muốn kiếm thêm ở nhà sau thời gian làm việc cố định.
Những người làm công việc dịch thuật online cũng vấp phải rất nhiều khó khăn. Một trong những vấn đề lớn nhất, chính là làm sao để biên dịch viên tiếp cận nhu cầu thực tế và kết nối được với khách hàng . Bất chấp việc có rất nhiều khách hàng mong mỏi được phục vụ, việc tìm ra họ và đạt được một thỏa thuận đòi hỏi rất nhiều cố gắng.
Một vài người cho rằng, họ có thể nhờ vào sự giúp đỡ của những trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ dịch thuật, nơi giúp tìm ra những đơn đặt hàng và đảm bảo về thù lao. Thế nhưng một lượng không nhỏ biên dịch viên muốn tự chủ trong công việc của mình. Nhất là khi họ tự tin vào khả năng hoạt động độc lập của mình, có kinh nghiệm, uy tín và những mối quan hệ.
Bắt đầu công việc dịch thuật có thể vui, nhưng cũng có rất nhiều thách thức . Một người từng làm công việc freelance và dịch thuật tại nhà sẽ chia sẽ với chúng ta một vài bí quyết để thành công.
Để trở thành một biên dịch viên xuất sắc
- Có khả năng đọc nhiều ngôn ngữ khác nhau. Để dịch chính xác, người biên dịch cần phải đọc văn bản gốc với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Anh ta cần phải hiểu rõ cả nguyên bản và ý nghĩa cần truyền đạt để có thể dịch chính xác.
- Có khả năng viết tốt. Một biên dịch giỏi cần biết nhiều văn phong khác nhau khi biên tập chúng từ văn bản này sang văn bản khác. Việc sử dụng dấu chấm câu đúng lúc để văn bản mạch lạc hơn cũng rất quan trong. Dịch thuật không chỉ là chuyển ngữ. Bạn còn phải chọn lựa một cách cẩn thận ngôn từ và ngữ điệu, để tài liệu ban đầu đến với người đọc một cách chất lượng và mượt mà nhất.
- Có khả năng sử dụng từ điển song ngữ tốt. Việc sử dụng từ điển song ngữ yêu cầu một kỹ thuật cao. Nói cách khác, để trở thành một người biên dịch giỏi, bạn phải làm chủ được kỹ năng này. Đôi khi, hai từ giống nhau sẽ có nghĩa khác nhau trong những tình huống cụ thể. Vì thế, một biên dịch viên cần phải hiểu một cách chính xác nghĩa của từ trong ngữ cảnh đặc thù. Những kiến thức về văn hóa , lịch sử và đời sống cũng sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong công việc của mình.
- Có khả năng nghe tốt. Một biên dịch viên phải có một đôi tai thật nhạy để có thể nắm bắt được sự diễn đạt, nhửng từ ngữ đặc trưng và cách sử dụng chúng. Bằng cách lắng nghe chăm chú, người biên dịch sẽ hiểu tổng thể vấn đề một cách tốt hơn và biết cách đặt những câu hỏi chính xác.
- Có khả năng đưa ra những câu hỏi có giá trị. Trong ngành dịch thuật, độ chính xác rất quan trọng. Vì thế, nếu có bất kì điều gì người biên dịch không thể hiểu, họ phải biết làm thế nào để sáng tỏ điểm nghi vấn đó- bằng cách đặt những câu hỏi đúng đắn.
Để thành công trong ngành dịch thuật
- Trình độ không cần thiết lắm. Tuy nhiên, có trình độ đại học hoặc được chứng nhận về chuyên môn trong dịch thuật sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tìm kiếm một công việc hay làm việc như một freelancer
- Tin tưởng vào chuyên môn ngoại ngữ của bạn ở một lĩnh vực cụ thể như tài chính ngân hàng, thể thao hay maketing. Việc đào sâu vào một lĩnh vực nào đó giúp bạn chuyên nghiệp hơn . Điều đó cũng làm chất lượng dịch tăng lên và tạo nên sự tin tưởng nơi khách hàng.
- Thông thuộc nội dung của chủ đề mà bạn sẽ dịch trước khi chấp nhận hợp tác hoặc đồng ý cho sự phân công.
- Một lời khuyên hữu ích nữa, là hãy luyện tập ngôn ngữ thứ hai (hoặc ba ) của bạn hàng ngày. Tham gia vào một chương trình trao đổi hoặc làm việc ở nước ngoài cũng rất tốt cho kĩ năng dịch của bạn.

Quỳnh Trang ( tham khảo becomeatranslator )
 
Thực ra các bạn trẻ coi dịch thuật là nghề tay trái thôi. Để chuyên sâu về nghề dịch thuật cần tích lũy đủ kiến thức và vốn sống.
 
×
Quay lại
Top