Đẹp lắm gáo dừa

Linh Nhi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2015
Bài viết
1.309
Không phải cây dừa, trái dừa, thứ mà Võ Quý Quốc mê là gáo dừa. Qua bàn tay tài hoa của chàng trai trẻ, vỏ dừa đã trở thành những bức tranh sống động...

Những “kỷ lục” từ gáo dừa

Cuối tháng Tám, tại một cuộc triển lãm ở TP.HCM, bức tranh “Anh hùng Điện Biên” làm từ hơn 9.000 vỏ gáo dừa đã khiến khách tham quan ngạc nhiên và thán phục. Bức tranh có chiều rộng 2,8m, chiều dài 10,8m, khắc họa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chặng đường lịch sử từ ngày đầu lập quốc đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Để có bức tranh hoành tráng này, Quốc cùng 10 người phải mất 40 ngày đêm làm việc không nghỉ. Đầu tháng 9 vừa qua, bức tranh đã được xác lập kỷ lục Guinness VN trước khi chuyển tặng cho tỉnh Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Giáp.

khoinghiepquyquoc-1.jpg


Không chỉ có “Anh hùng Điện Biên”, năm 2008, khi vừa thành lập Công ty Hạc Thiên Việt, Quốc đã tạo ấn tượng mạnh khi trưng bày bức “Bài ca kết đoàn” minh họa hình ảnh Bác Hồ và 54 dân tộc anh em với kích thước 3,2 x 3,2m. Sau khi trưng bày, bức tranh đã được xác lập kỷ lục là bức tranh bằng gáo dừa lớn nhất VN. Cùng với những bức tranh kỷ lục, Quốc cùng với mười người thợ lành nghề sáng tác hàng ngàn bức tranh về đồng quê VN, về cuộc sống thanh bình của người Việt và về những thiếu nữ Việt. Tranh tuy chưa tìm được tiếng nói đồng thuận từ người chơi, nhưng Quốc vẫn không nản chí với niềm yêu thích từ thuở thiếu thời. Người họa sĩ chia sẻ niềm đam mê của mình: "Gáo dừa là chất liệu rất bền, tranh từ gáo dừa có thể giữ hàng trăm năm. Và màu sắc tự nhiên, nâu vàng, dân dã, chân chất của gáo dừa đậm hồn cốt VN”.

Và mơ ước mang tên “dừa”

Không phải đến bây giờ mới “say” gáo dừa, mà ngay từ thời niên thiếu, Quốc đã tìm thấy sự độc đáo, thú vị từ những gáo dừa tưởng bỏ đi đó. Và các món đồ chơi như lồng đèn, con thú... làm từ gáo dừa, xơ dừa, bẹ dừa, “râu dừa” đã theo Quốc suốt những năm tuổi thơ ở quê hương Quảng Bình. Năm 17 tuổi, từ những mảnh gáo dừa, Quốc mài dũa, lắp ghép chúng thành đồ đựng bút, vòng đeo tay, dây đeo cổ khá đẹp. Số trang sức bình dị này Quốc dành tặng bạn và bán kiếm tiền tiêu vặt. Năm 2002, khi mới 19 tuổi, Quốc đã nổi tiếng ở Huế với bức tranh phố cổ Hội An làm từ những mảnh gáo dừa vỡ. Dĩ nhiên, so với những bức tranh bây giờ của Quốc, bức phố cổ Hội An vẫn còn thô sơ nhưng cũng là tác phẩm hiếm thời đó.

Cũng trong năm này, dù không được gia đình ủng hộ, Quốc vẫn quyết tâm theo con đường hội họa bài bản bằng việc học vẽ tại khoa sơn dầu Trường Đại học Mỹ thuật Huế. Với niềm đam mê gáo dừa, vừa học, Quốc vừa tranh thủ thời gian làm bức tranh thứ hai về Bác Hồ. Để có tiền trang trải chi phí, Quốc phải làm đồ trang sức và trang trí nhỏ từ gáo dừa bán cho các bạn sinh viên. Gia đình không đồng tình nên anh buộc phải nghỉ học giữa chừng và vào Đồng Nai tiếp tục con đường hội họa. Tại đây, vừa học ngành truyền thông đa phương tiện Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai, Quốc vừa tranh thủ thời gian đi thực tế tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu sâu hơn về chất liệu gáo dừa. Đến vùng sông nước này, Quốc mới phát hiện ra, ng rất ít người khai thác.

Học xong, không thể mở công ty cho thỏa chí sáng tác, Quốc đã chọn cách làm thuê tại một công ty chuyên làm các sản phẩm quà tặng, đồ mỹ nghệ bằng gáo dừa để tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng. Tại đây, Quốc đã mày mò thử nghiệm và làm ra nhiều thể loại tranh gáo dừa khác nhau. Với vai trò giám đốc thiết kế, phụ trách mỹ thuật của công ty, Quốc đã cùng các đồng nghiệp làm nên bức tranh gáo dừa được xem là lớn nhất thời điểm đó.

Năm 2008, Quốc thành lập Công ty Hạc Thiên Việt, chuyên cung cấp tranh gáo dừa. Tranh của Quốc làm khá đẹp và là những tác phẩm độc bản. Hiện tại, do chưa tìm được “đầu ra” nên việc sáng tác, kinh doanh của Quốc gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, chàng trai trẻ này quyết không bán “công nghệ làm tranh” của mình cho khách dù có người trả giá khá cao.

Tính đến nay, Quốc đã ghép được hơn 1.000 bức tranh bằng gáo dừa. Đam mê gáo dừa và xem nó như cuộc sống của mình, nên dù chưa tìm được thị trường ổn định cho sản phẩm, Quốc vẫn kiên trì theo đuổi. Quốc mong muốn và hy vọng, cũng như tranh cát, có thể đưa nghệ thuật tranh gáo dừa đến với đông đảo người dân VN. Không chỉ vậy, Quốc còn mong muốn tranh gáo dừa của mình sẽ như tên của công ty do mình sáng lập với tất cả tâm huyết: như cánh chim hạc sẽ bay cao, bay xa...

MINH HÀO​
 
×
Quay lại
Top