Để teen không “bỏ quên” gia đình

Totoro

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/12/2011
Bài viết
5.437
Phải làm gì để teen không vô tâm với chính ngôi nhà của mình – căn bệnh mà rất nhiều người trong cuộc sống số này mắc phải?

Hôm nay, 28/6 là ngày gia đình Việt Nam. Đây là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

Cuộc sống hiện đại và những mối quan hệ bạn bè dường như đang dần kéo teen rời xa chính gia đình mình. Việc học, việc chơi, việc ngoại khóa… có vẻ đang chiếm quá nhiều thời gian và tâm trí, đến nỗi mà nơi gần gũi nhất như gia đình, teen cũng đã vô tình… bỏ quên. Vậy, phải làm gì để teen không vô tâm với chính ngôi nhà của mình – căn bệnh mà rất nhiều người trong cuộc sống số này mắc phải?

Hãy về nhà ăn cơm!

Bữa cơm gia đình vốn là nơi cả nhà sum vầy, tụ họp sau một ngày làm việc căng thẳng. Không khí quây quần, sum vầy sẽ khiến mọi người thoải mái và
xua tan hết mệt mỏi. Thế nhưng, teen đang dần không có thời gian cho những bữa cơm nhà đông đủ thành viên như trước nữa.

Ngoài những lý do bất khả kháng như đi học xa nhà, lịch học không cố định… teen mình cũng có vô số những lý do để “trốn” cơm nhà. Tụ tập bạn bè, hẹn hò, không hợp khẩu vị ăn… là một trong rất nhiều lý do teen mình đưa ra để không cùng bố mẹ ăn cơm.

de-teen-khong-bo-quen-gia-dinh.jpg


Bữa cơm nhà không chỉ đơn giản là bữa ăn, nó còn là sợi dây kết nối mọi thành viên và là khoảng thời gian hâm nóng không khí ấm cúng của gia đình. Có thể, bạn vô tư nghĩ rằng vắng mặt một bữa sẽ chẳng sao. Nhưng dần dần, khi cơm tiệm đã thành thói quen và những bữa ăn qua loa đã vô tình lấn át, bạn mới hiểu hết giá trị của một bữa cơm được ngồi chung với bố mẹ. Vậy nên, hãy cố gắng để luôn về nhà ăn cơm!

Chăm chỉ về quê

Về quê thăm ông bà, họ hàng; về quê để dự mừng thọ, giỗ chạp; về quê để tảo mộ, thăm nhà thờ họ… là những việc teen rất nên làm. Đừng trẻ con nghĩ rằng những việc như giỗ chạp là của bố mẹ, của người lớn, không phải của chúng mình. Văn hóa gia đình, dòng họ thường được kế thừa và nối tiếp bởi những thế hệ con cháu. Thế nên đây chính là ngày mà các thành viên trong gia đình đoàn tụ và gặp mặt, nhớ về gốc gác, nguồn cội của bản thân.

Việc teen lười và kiếm đủ lý do để vắng mặt mỗi khi về quê đã là điều không còn hiếm. Cuộc sống ngày càng bận rộn, những ngày gặp mặt, đông đủ đại gia đình cũng ít đi khiến teen dần lơ là hơn việc này. Nếu để ý, bạn sẽ biết những dịp này có ý nghĩa rất lớn trong việc thắt chặt tình cảm anh em, họ hàng đấy. Hãy sắp xếp ổn thỏa mọi lịch trình để chăm chỉ về quê hơn đi nhé!

de-teen-khong-bo-quen-gia-dinh.jpg

Tìm hiểu về đại gia đình của mình nhiều hơn

Bạn có tự tin rằng họ hàng hai bên nội ngoại bạn đều biết hết không? Với những teen sống lâu ngày ở thành phố, và những lần về quê chỉ đếm trên đầu ngón tay thì đây quả thực là một câu hỏi quá khó.

Có nhiều tình huống oái oăm xảy ra như gọi “bác” thành “chú”, nhầm lẫn thứ bậc của mọi người trong gia đình… Mà nguyên nhân trước tiên chính là do teen mình không chịu để ý! Nếu quan tâm một chút, rồi hỏi những người lớn tuổi hơn để biết rõ về mọi người trong họ hàng thì chắc chắn những trường hợp “dở khóc dở cười” như thế sẽ không còn xảy ra.

Và giới trẻ làm gì trong ngày gia đình 28/6?
Gia đình là nơi gần gũi và thân thuộc nhất của mỗi người, là thứ quý giá và đáng để chúng ta trân trọng. Nếu yêu mái ấm của mình, hãy đừng ngại nói ra. Có thể thoải mái nói “tao yêu mày”, “tớ thích cậu”... với bạn bè, người yêu nhưng tại sao lại lắc đầu, đỏ mặt khi được hỏi bạn có hay nói với bố mẹ rằng “con yêu bố/mẹ” hay không? Cũng đừng bỏ quên những câu hỏi quan tâm dù đôi khi bạn nghĩ nó là… thừa và không cần thiết. Có quá nhiều cách để bạn nói rằng mình yêu gia đình mình, hãy quý trọng những giây phút được sống cùng cả nhà khi còn có thể.

Không chỉ trong những dịp lễ tết mình mới có thể tặng quà, viết thiệp hay chúc bố mẹ đâu nhé. Những món quà nho nhỏ bất ngờ như cái kẹp tóc cho mẹ, chiếc cà vạt cho bố, bớt chút thời gian kèm nhóc em học bài, hoặc một bữa trưa thật ngon cho gia đình vào cuối tuần cũng là cách để teen thể hiện tình cảm với gia đình đấy.

Với những bạn trọ học xa nhà, thay vì đợi bố mẹ gọi điện, thì chúng mình nên chủ động gọi về để hỏi han tình hình gia đình, sức khỏe của bố mẹ, anh/chị, em. Bố mẹ sẽ bớt lo lắng và thấy an tâm hơn vì mình đã lớn, biết quan tâm tới mọi người.

Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và thay đổi từ ngày hôm nay, nếu như bạn không muốn gia đình bị chính mình bỏ quên và lơ đãng nhé!

Theo Kenh14
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Nói mới nhớ, lâu rồi mình không gọi điện thoại về cho má, nhớ má quá :(
 
×
Quay lại
Top