Đầu tư chứng khoán ở Việt Nam có phải là trò chơi hên xui?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
“Đầu tư chứng khoán ở Việt Nam có phải là trò chơi cờ bạc?” – Đây là một câu hỏi muôn thủa của các nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam và câu trả lời thường là có nhiều ý kiến và nhiều quan điểm trái chiều và để trả lời một cách thấu đáo cho câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần phải hiểu được bản chất của chứng khoán là gì, quá trình vận động của thị trường chứng khoán (TTCK) trong giai đoạn vừa qua, tâm lý của những nhà đầu tư… Từ đó chúng ta sẽ có một câu trả lời thuyết phục nhất cho câu hỏi này.

Những dấu mốc quan trọng của TTCK Việt Nam

Chứng khoán Việt nam được giao dịch phiên đầu tiên là ngày 28 tháng 7 năm 2000. Giai đoạn 2000 – 2007 là giai đoạn lần đầu tiên trong lịch sử 7 năm hình thành TTCK, chỉ số HOSE đạt đỉnh hơn 1.170 điểm vào ngày 12/3/2007. Ở giai đoạn này cả thị trường OTC cũng như thị trường niêm yết có một sự phát triển bùng nổ cùng với sự hỗ trợ tích cực của nên kinh tế tăng trưởng nóng, các chỉ số và thông tin vĩ mô có nhiều điểm tích cực như: Nền kinh tế Việt Nam khi gia nhập WTO (ngày 7/11/2006 ) đã có sự phát triển đáng kể; Trong năm 2006, vốn hóa của TTCK chỉ chiếm khoảng 22% GDP thì năm 2007 đã lên tới hơn 40% GDP;… Chính vì sự tăng điểm theo xu hướng liên tục đã đưa lại một lợi nhuận cực cao cho nhà đầu tư (con số lợi nhuận kỷ lục được chứng kiến là 600% trên thị trường niêm yết), trên thị trường OTC có thể còn đạt lợi nhuận cao hơn cả thị trường Niêm yết.

Chủ đề đầu tư chứng khoán trong giai đoạn này thường được đưa ra bàn tán ở khắp mọi nơi từ quán trà đá vỉa hè cho đến công sở, điều này đã kéo một lượng lớn các nhà đầu tư bỏ tiền tham gia vào TTCK. Tuy nhiên chất lượng, kiến thức của các nhà đầu tư lúc bấy giờ còn rất thấp bởi sự tham gia đầu tư của nhiều tầng lớp, từ anh xe ôm hay chị cắt tóc gội đầu đến hầu hết dân công sở ai cũng lao vào đầu tư chứng khoán, miễn sao cứ mua được cổ phiếu là đã có khả năng sinh lời bất kể cổ phiếu đó là của một công ty mới thành lập hoặc kinh doanh thua lỗ. Giá cổ phiếu tăng theo từng ngày bởi những thông tin và tin đồn.

Lợi nhuận cao, thanh khoản nhanh dẫn tới sự dễ dãi trong đầu tư, nhà đầu tư không cần nhiều kiến thức cũng như kỹ năng, nghiệp vụ chứng khoán cũng có thể đạt được lợi nhuận cao, nó cũng dẫn tới sự thiếu thận trọng và chặt chẽ trong phương thức giao dịch, mua bán cổ phiếu trên thị trường OTC. Điều này đã để lại một hậu quả lớn cho giai đoạn về sau.

Nhưng kể từ cuối năm 2007 đến nay, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rơi vào khủng hoảng kinh tế kép, kéo dài đã làm cho thì trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam biến động khôn lường, giảm sâu và đỉnh điểm là năm 2009, sau lần chạm đáy 235 điểm hồi tháng 2, và sau đó HOSE đã đảo chiều và tăng một mạch vượt 500 điểm vào tháng 9. Đỉnh cao nhất Vn-Index xác lập trong năm này là 624,1 điểm.

Đây là thời kỳ làm cho các nhà đầu tư phần lớn đã mất đi toàn bộ số lợi nhuận đã tích lũy trong giai đoạn trước đó và thậm chí đối với nhiều nhà đầu tư sử dụng dòng vốn vay, đòn bẩy tài chính đã thua lỗ nặng nề và gây ra nhiều hậu quả cho các nhà đâu tư và xã hội. Đây cũng là thời kỳ bộc lộ rất nhiều sự yếu kém của cơ quan quản lý và hệ thống các chính sách về chứng khoán lỏng lẻo, có nhiều điểm bất cập

.Tất cả những điều đó đã tạo ra một giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam có những lúc ngoài tầm kiểm soát, có quá nhiều hành vi như gian lận, lách luật, thao túng…dẫn tới nhà đầu tư mất niềm tin.

Giai đoạn này đầu tư chứng khoán rủi ro, bị méo mó và có nét tương đồng như cờ bạc bịp bởi các thủ thuật làm giá, tận dụng lợi thế thông tin và quy mô vốn, đầu tư lướt sóng, đầu tư theo xu thế đám đông…để thao túng thị trường hoặc một số cổ phiếu. Bởi vậy, các nhà đầu tư chính trực sử dụng các kiến thức, kỹ thuật, nghiệp vụ phân tích chứng khoán cũng dễ dàng thất bại bởi sự vận động không theo quy luật của thị trường chứng khoán ở Việt Nam.

Sau nhiều những thất bại, rất nhiều nhà đầu tư đã quay lưng lại với thị trường chứng khoán bởi tâm lý mất niềm tin. Họ thường đặt ra câu hỏi cho chính bản thân họ: “Đầu tư chứng khoán ở Việt Nam có phải là một trò chơi cờ bạc ?”

Nói đến cờ bạc người ta thường nghĩ đến sự may rủi, hên xui, số phận, một sự bấp bênh, mong manh và nhiều biến động. Thậm chí là một trò chơi có nhiều rủi ro cao. Cờ bạc cũng thường phân thành hai loại chính là: cờ bạc bịp dùng các thủ thuật can thiệp làm thay đổi một số quy luật để đạt được mục đích và cờ bạc thật phụ thuộc hoàn toàn vào may rủi.

Vậy Chứng khoán Việt Nam có phải là trò chơi cờ bạc hay không?

Luôn có hai luồng tư tưởng về trò chơi này: Một là luôn nhận định rằng đó là trò chơi cờ bạc (đỏ đen), bởi nó có rủi ro cao, nó phụ thuộc quá nhiều vào hên xui, một sự đầu tư bấp bênh, mong manh và có quá nhiều biến động khôn lường. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng nó như là một trò cờ bạc bịp bởi có nhiều sự thao túng từ các cá nhân hoặc tổ chức, nó bị bóp cho méo mó và có thể không tuân theo một quy luật.

Còn luồng ý kiến thứ 2 thì cho rằng: Chứng khoán không hẳn là một trò chơi cờ bạc, bởi vì thực chất của chứng khoán là việc mua bán quyền sở hữu của một hoặc nhiều tổ chức, doanh nghiệp thông qua môi trường giao dịch được mã hóa điện tử hoặc phi điện tử.

Do vậy về cơ bản sự vận động của thị trường chứng khoán luôn có xu hướng bị điều chỉnh theo các quy luật kinh tế xã hội. Việc thao túng chứng khoán chỉ là những hành vi đơn lẻ của những cá nhân hoặc tổ chức cá biệt, không thể lấy đó làm mẫu và cơ sở để đánh giá chung cho lĩnh vực chứng khoán luôn là như vậy. Trong cuộc sống thì bất kể lĩnh vực nào hay ngành nghề nào cũng vậy hoàn toàn có những rủi ro, hên xui…

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì cả hai luồng ý kiến trên hoàn toàn là đúng và chúng không phủ định lẫn nhau, mặc dù là ý kiến trái ngược nhưng nó phản ánh ở hai góc độ của một vấn đề, trong hai góc độ đó có tính trái chiều nhưng nó song hành cùng tồn tại. Khi TTCK thiên lệch về những đặc điểm của cờ bạc như: quá rủi ro, biến động không ổn định, bấp bênh và mong manh với nhà đầu tư thì lúc đó thì trường chứng khoán đúng như là một trò chơi đỏ đen, và thậm chí khi thị trường chứng khoán ở giai đoạn đầu với quy mô thị trường nhỏ dễ bị thao túng (làm giá, lợi thế thông tin, vốn của một số cá nhân, tổ chức) thì chứng khoán còn như là một trò cờ bạc bịp.

Nhưng khi TTCK phát triển ổn định, giảm thiểu các lợi thế của những nhóm cá nhân hoặc tổ chức cá biệt, đề cao tính công bằng cho mọi nhà đầu tư khi tham gia, môi trường giao dịch chứng khoán hướng tới môi trường lý tưởng, giám đi các yếu tố của cờ bạc, hên xui thì chứng khoán không còn là một trò chơi cờ bạc như đã phân tích ở trên.

Đối với yếu tố hên xui thì luôn luôn tồn tại trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực trong cuộc sống và có chăng thì chúng chỉ tồn tại ít hay nhiều mà thôi
, bởi khi TTCK hoạt động đi vào chuyên nghiệp hơn, chuẩn mực hơn, mức độ vốn hoá thị trường lớn hơn thì việc thao túng, hên xui giảm đi và không có tác động lớn đến toàn thị trường, mà thay vào đó muốn đầu tư có hiệu quả, chiến thắng thị trường thì cần đi liền với khả năng phân tích xu hướng, tình hình Tài chính của doanh nghiệp và những tác động của các yếu tố vĩ mô trong nền kinh tế, cũng như yếu tố vi mô của doanh nghiệp, tổ chức.

Mặt khác thị trường chứng khoán không chỉ là công cụ đầu tư, mua bán với mục đích sinh lời. Đây có thể là mục đích quan trọng và sau cùng, nhưng ngoài ra nó còn là công cụ để cho nhiều mục tiêu khác nhau của nhà đầu tư, cũng như tổ chức như: Mua bán sáp nhập doanh nghiệp, công cụ huy động vốn, tạo ra sự thanh khoản cho tài sản,…

TTCK Việt Nam cần phải làm gì trong những năm tới

TTCK Việt Nam đã trải qua một giai đoạn phát triển không ổn định với nhiều rủi ro cao, cũng là một sự cần thiết nhằm sàng lọc, điều chỉnh và hoàn thiện mình nhằm ngày một phát triển ổn định hơn. Để đạt được điều này thì cũng cần phải có những định hướng, những giải pháp đúng đắn trong thời gian tới.

Trước thực trạng chứng khoán của Việt Nam vừa qua, người viết cũng xin mạnh dạn đưa ra một số quan điểm cá nhân về những giải pháp và xu hướng xây dựng cho một TTCK Việt Nam ngày một hoàn thiện và phát triển ổn định, lành mạnh phục vụ cho nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế của đất nước như sau:

- Hướng đến khả năng quản lý của cơ quan quản lý chức năng đạt tiêu chuẩn quốc tế;

- Hoàn thiện, chuẩn hóa hệ thống pháp lý theo xu hướng đảm bảo nâng cao tính minh bạch, sự công bằng trong hoạt động đầu tư chứng khoán giữa các nhà đầu tư nhằm xây dựng và lấy lại niêm tin của các nhà đầu tư;

- Tăng cường công tác giám sát để nâng cao tính minh bạch, công bằng và đạo đức nghề nghiệp;

- Mở rộng quy mô thị trường có sàng lọc nhằm đảm bảo chất lượng cũng như hạn chế và loại bỏ sự thao túng thị trường;

Theo Trí Thức Trẻ
 
×
Quay lại
Top