Hoàn Đảo Giấu Vàng

Chiếc thuyền độc mộc lênh đênh

Khi tôi tỉnh dậy th.ì trời đã sáng bạch. Tôi thấy mình đương trôi lênh đênh ở phía nam hòn đảo. Mặt trời đã mọc nhưng còn khuất sau gò Vọng Viễn; gò ở sát biển và dốc gò dựng đứng. Ngọn núi Cột Cái đằng mũi bến tàu ở ngay gần tôi. Bờ biển chỗ ấy cao đến mười lăm, mười sáu mét, lởm chởm những tảng đá lớn.

Tôi chỉ còn cách bờ một phần tư dặm. Mới đầu tôi định bụng chèo thuyền đổ bộ lên đấy. Nhưng chẳng mấy chốc tôi phải gạt bỏ cái ý định này đi. ở chỗ ấy, ven biển nhấp nhô những mô đá nhọn hoắt. Từng đợt sóng lớn đổ vào ầm ầm, bọt tung trắng xóa. Nếu tôi mạo hiểm cho thuyền cập vào, tất không tránh khỏi bị tan xác. Mà dù có vào được bờ thì cũng chẳng thể leo lên được cái sườn núi đá dốc đứng ấy. Lại thêm hàng chục con quái vật lổm nhổm bò hàng đàn trên những tảng đá thấp, mình trụi nhớp nháp, to tướng dị thường, vừa bò vừa sủa vang cả hốc đá. Về sau này tôi mới biết những con vật ấy là giống "sư tử biển" rất hiền lành, chẳng cắn mổ gì ai cả. Nhưng cứ trông cái hình thù cổ quái gớm ghiếc ấy cũng đủ làm cho người ta phải thất đảm. Vì thế tôi nghĩ thà lênh đênh chết đói trên mặt biển còn hơn phải bước chân vào đấy. Nhưng may mắn làm sao! Tôi trông thấy ở phía bắc cái doi đất có một bãi đất rộng. Nước thủy triều rút xuống để lộ một dải cát vàng. Quá về phía bắc một tí, lại có một doi đất khác, thông mọc um tùm nhô ra tận mặt nước. Thế là tôi cố sức men theo dòng nước đáp vào chỗ doi cát này. Mặt biển êm ả gợn sóng. Gió nam thổi nhẹ xuôi theo dòng nước. Nhờ sóng êm biển lặng, chiếc thuyền con của tôi lặng lẽ xuôi dòng. Tôi nằm trong lòng thuyền, liếc mắt nhìn ra ngoài. Thỉnh thoảng lại thấy một ngọn sóng biếc nhô lên quá đầu. Nhưng chiếc thuyền chỉ dồi lên một tí như có lò xo, rồi lại êm ả lướt qua, nhẹ như cánh chim. Một lúc sau, tôi đánh bạo nhổm dậy, cố chèo. Nhưng chỉ hơi nhích mình là chiếc thuyền tròng trành, muốn lật úp. Nó chúi mũi xuống dưới chân sóng, làm tôi đến choáng váng cả người. Bọt sóng đánh tung cả vào người, làm tôi vừa bị ướt vừa khiếp đảm. Tôi vội nằm xuống như cũ. Thuyền lại đi êm, dồi tôi từ ngọn sóng này qua ngọn sóng khác. Như thế đủ biết không thể bắt nó làm theo ý mình. Nhưng nếu không bơi được thì biết bao giờ mới cập bờ được? Lúc này tuy tôi rất lo sợ nhưng vẫn bình tĩnh, không hề rối trí. Trước hết tôi lấy chiếc mũ thủy thủ đội trên đầu ra. Tôi tát cạn nước trong thuyền. Rồi tôi lại liếc mắt ra ngoài xem xét tại sao chiếc thuyền lại có thể lướt sóng một cách bình yên như vậy...

Tôi nhận thấy rằng mỗi ngọn sóng khi đứng trên bờ hay trên tàu nhìn xuống thì trông chẳng khác gì một khối nước trơn tuột. Đến khi nằm dưới chiếc thuyền con này nhìn lên thì nó lại giống như một rặng núi lởm chởm. Chiếc thuyền độc mộc của tôi cứ tự ý ngả nghiêng rồi lại lách vào những chỗ trũng thấp, tránh những chỗ ngọn cao và cứ thế len lỏi tìm đường vượt qua các làn sóng lớn. Tôi tự nhủ:

“Được lắm! Cứ nằm yên cho khỏi tròng trành, rồi thỉnh thoảng, lợi dụng chỗ sóng êm, thò tay qua mép thuyền, chèo vài ba cái để mau đến bến". Nghĩ xong tôi làm ngay. Thật là vừa nhọc vừa sốt ruột! Tuy vậy nhờ thế tôi tiến rất mau đến doi đất. Nhưng chẳng bao lâu thuyền đã trôi qua doi, đi về phía đông cách bờ đến vài trăm mét. Có lúc thuyền trôi gần bờ. Tôi đã trông thấy được những ngọn cây xanh lung lay trước gió và tôi cầm chắc thế nào cũng giạt được vào bờ ở doi đất thứ hai. Nhưng cơn khát đến bất ngờ như cào như xé! Phần nắng ở trên giội xuống, phần nắng dưới mặt biển hắt lên, lại thêm áo quần thấm ướt rồi lại ráo, môi khô mặn chát cả muối biển. Tất cả các thứ ấy làm tôi thấy khát bỏng trong cổ họng và choáng váng cả đầu óc. Nhìn thấy các ngọn cây trên bờ, lòng tôi càng nôn nóng. Nhưng dòng nước biển cứ kéo tôi ra xa mãi và giờ đây, trước mặt tôi là biển cả mênh mông. Nhưng một cảnh tượng mới vừa hiện ra, làm tôi vội vàng có ngay chủ định. Ngay trước mặt tôi, cách non nửa dặm, con tàu đứng lù lù, buồm giong tứ phía. Tôi nghĩ phen này chắc sẽ bị bọn giặc tóm mất. Nhưng vì cơn khát đương cháy cổ họng, nên tôi cũng không biết lúc ấy nên vui mừng hay nên lo ngại? Còn đương suy nghĩ miên man, thì một hiện tượng bất ngờ làm tôi kinh ngạc, trố mắt ra nhìn... Con tàu đang giong tất cả buồm lớn buồm nhỏ. Tấm vải trắng lấp lánh sáng ngời dưới ánh nắng. Tàu đang đi về phía tây bắc. Tôi đoán có lẽ giặc giong tàu chạy vòng quanh đảo để về đỗ lại chỗ cũ. Nhưng một lúc sau, tàu quay dần dần về phía tây: tôi chắc bọn giặc đã trông thấy tôi nên chúng định đuổi theo. Rồi về sau, tôi thấy tàu đi vào giữa dòng nước, rồi lại hình như lững lờ không biết đi ngả nào, cánh buồm ngả nghiêng rủ xuống. Tôi tự bảo:

“Rõ đồ ăn hại! Chắc bọn chúng bây giờ đang say như chết. Ta có thể lợi dụng cơ hội tốt để dò xét tình hình". Trong khi ấy, chiếc tàu cứ tự ý trôi, một mình, khi trôi theo luồng gió này, lúc lại trôi theo luồng gió khác. Sau cùng, tôi đoán là con tàu không ai cầm lái. Nhưng nếu vậy thì người trên tàu đâu cả? Có lẽ bọn chúng đương say như chết, hoặc giả chúng nó bỏ tàu, kéo đi nơi khác chăng? Tôi nghĩ nếu leo lên được tàu, tôi có thể lái tàu về cho ông thuyền trưởng. Lúc này dòng nước đưa con tàu và chiếc thuyền của tôi cùng về phía nam, theo một tốc độ ngang nhau. Nhưng con tàu đi lúc thế này, lúc thế khác, thỉnh thoảng lại dừng lại nên tôi chắc nó không đi nhanh bằng chiếc thuyền con của tôi. Nếu tôi có thể ngồi lên, chèo thêm một tí là có thể đuổi kịp con tàu. Cái ý định có tính chất mạo hiểm ấy làm tôi thích thú. Nghĩ đến thùng nước ngọt để ở sau lái con tàu, tôi lại càng phấn chấn bội phần. Tôi nhỏm dậy, liền bị ngay một làn nước tạt bắn vào người. Nhưng lần này cẩn thận và khôn khéo hơn, tôi đã chèo được. Có lúc, nước hắt vào thuyền nhiều quá, tôi phải dừng tay chèo để tát nước ra. Những lúc ấy trái tim tôi bổi hổi bồi hồi như con chim non. Nhưng dần dần, có kinh nghiệm, tôi lái được chiếc thuyền con theo ý mình. Nhưng đôi lúc, con sóng lớn lại xô vào mũi thuyền, nước bắn tung tóe vào mắt mũi.

Cuối cùng, thuyền tôi đuổi theo kịp con tàu. Lúc ấy tôi đã trông thấy rõ được cái ánh đồng trên bánh lái không người điều khiển, bóng loáng dưới ánh mặt trời. Trên boong tàu vắng ngắt không thấy một bóng người. Tôi cầm chắc rằng chúng đã bỏ tàu để chuồn đi nơi khác. Nếu không thì chúng cũng say mèm, nằm chết gí ở dưới hầm tàu. Như vậy tôi có thể nhốt chúng lại và sẽ làm chủ chiếc tàu. Nhưng mỗi bận con tàu dừng lại thì thật là tai hại. Vì mỗi lần như vậy, tất cả các cánh buồm đều bọc gió, rồi kéo tàu trôi phăng phăng. Nhưng lần này trời cũng lại chiều người. Gió bỗng ngớt trong vài giây. Tàu từ từ quay theo dòng nước, đưa đằng lái về phía tôi. Tôi thấy cửa sổ vẫn còn mở toang, trên tàu ngọn đèn vẫn còn thắp đỏ giữa ban ngày. Cánh buồm to lủng lẳng như lá cờ rủ. Lúc ấy tàu đứng im, mặc dầu dòng nước vẫn chảy. Con tàu chỉ còn cách tôi độ một trăm sải thì gió lại bắt đầu thổi. Các lá buồm bên trái căng phồng lên, con tàu lồng lên, sà hẳn xuống một bên, rồi quay là là trên ngọn sóng như cánh chim én. Thoạt tiên trông thấy thế, tôi đã thất vọng, nhưng sau đấy tôi tươi tỉnh hẳn lên: con tàu trước mặt tôi đang quay hẳn lại, rồi quay một vòng, rồi lại quay lùi một vòng nữa. Cứ thế, con tàu nhích gần lại phía tôi... Tôi đã có thể trông rõ sóng đánh sủi bọt trắng xóa ở mũi tàu. Đưa mắt nhìn lên, tôi bỗng thấy thân tàu to lớn mênh mông. Trong giây phút ngắn ngủi này, tôi chợt hiểu rõ tất cả tình thế nguy nan: tính mệnh tôi như trứng treo đầu đẳng. Số là con tàu vừa nhào xuống theo một lượn sóng thì chiếc thuyền con của tôi ở đầu một ngọn khác cũng đương vùn vụt lao lại. Trong nháy mắt tôi đã liếc thấy cái xà buộc buồm nằm ngang đằng mũi tàu ở ngay trên đầu tôi. Tôi vụt đứng ngay dậy, chân dận mạnh vào thuyền, rún mình nhảy lên. Tay tôi vừa vặn bám vào cái xà ngang buộc cánh buồm tam giác, còn chân thì lơ lửng giữa miếng ván và cái trụ. Trong lúc đang hổn ha hổn hển treo lủng lẳng trên cánh buồm thì tôi nghe ở dưới có tiếng va đánh sầm, tôi biết là chiếc thuyền con của tôi đã đâm vào con tàu và tan ra từng mảnh. Thế là tôi đành phải ở lại trên tàu, không còn con đường nào tháo lui được nữa.
 
Tôi hạ lá cờ đen của giặc xuống

Tôi vừa bám được vào cái đòn buồm đằng mũi thì cánh buồm vụt quay theo luồng gió khác, đập đùng đùng như tiếng đạn nổ. Con tàu bị rung chuyển đến tận đáy. Một lát sau, cánh buồm quật lên một lần cuối cùng rồi buông rủ xuống. Cánh buồm quay ngang làm tôi xuýt rơi xuống biển. Tôi vội vàng bò men theo cái đòn ngang, rồi buông mình để rơi xuống boong tàu. Tôi ở trên sàn tàu đằng mũi, đứng đầu hướng gió. Cánh buồm to trước mặt vẫn căng thẳng che lấp, không cho tôi trông thấy một phần boong sau. Đằng mũi chẳng thấy bóng một người nào. Sàn tàu không ai cọ rửa từ khi bọn chúng nổi loạn. Trên sàn gỗ thấy đầy vết chân; một cái chai không đã gãy cổ, lăn lông lốc từ góc này đến góc nọ. Thốt nhiên tàu đi thẳng vào luồng gió mạnh. Sau lưng tôi, những cánh buồm đằng mũi chuyển động ầm ầm, tay lái kêu răng rắc, con tàu chồm lên dữ dội. Cùng lúc ấy, cánh buồm lớn trên cột cái quay về sau, ròng rọc kêu rít lên, để lộ rõ cả khoảng boong sau lái. Hai tên canh tàu đều ở đấy cả. Tên giặc đội mũ đỏ nằm ngửa, cứng đờ như khúc gỗ, hai tay dang thẳng thành hình thập ác, mồm há hốc, trông thấy cả răng. Còn lão Han thì ngồi tựa vào bao lơn, đầu rũ xuống ngực, tay chống xuống sàn tàu, mặt mũi bơ phờ tái nhợt. Mỗi lượt tàu nghiêng ngả, tên giặc mũ đỏ bị xô từ góc này đến góc kia; nhưng có một điều khủng khiếp, là dù cho tàu có xô mạnh đến đâu, hắn vẫn nằm sải tay như cũ, hai hàm răng vẫn nhe ra. Tôi thấy trên sàn tàu chung quanh bọn chúng những vệt máu thẫm. Tôi biết ngay chúng đã thịt lẫn nhau giữa cơn say điên loạn. Tôi đương mở to mắt ngạc nhiên nhìn cảnh tượng ấy thì trời bỗng im gió, con tàu lại đứng yên một chỗ. Lão Han vừa rên vừa cố quay người lại nhưng không gượng nổi, lão lại gục xuống. Những tiếng rền rĩ của hắn, cái mồm há hốc, quai hàm trễ xuống, tỏ ra hắn đau đớn đến cùng độ và đã kiệt sức. Trong một phút, tôi bỗng động lòng thương. Nhưng nhớ ngay lại những lời lão thốt ra mà tôi đã nghe được khi nấp trong thùng lê, tôi chẳng còn thương xót một tí nào nữa. Tôi bước xuống đằng lái, đến ngay trước mặt lão, gọi giọng chế giễu:
-ông Han! Dậy đi! Hắn lờ đờ nhìn tôi, nhưng vì mệt quá nên cũng không thổ lộ được vẻ ngạc nhiên. Hắn chỉ rền rĩ được một tiếng:
“Rượu!". Tôi nhìn hắn và biết hắn không còn sức lực để cử động nữa. Tôi không muốn để mất thì giờ trong lúc này, nên rảo bước ra sau cái cột cái, tránh cánh buồm đương phơ phất trên mặt boong tàu. Tôi lần xuống cầu thang và bước vào buồng tàu. Cả một cảnh tượng hết sức hỗn độn bày ra trước mắt. Những tủ khóa đều bị chúng nạy tung để tìm tấm bản đồ giấu của. Sàn tàu giây đầy vết bùn. Chắc hẳn bọn giặc đã đi sục trong các vũng lầy chung quanh khu trại trên bờ của chúng, rồi xuống tụ tập ở đây để uống rượu và bàn bạc. Tôi đi vào trong buồng chứa rượu, thấy đã mất nhiều thùng. Chúng đã phá ra gần hết. Chai không bỏ ngổn ngang chất đống. Chắc hẳn từ lúc nổi loạn đến giờ, không một đứa nào trong bọn chúng thoát được con bệnh ma men. Lục mãi, tôi mới tìm được cho lão Han một chai rượu đã uống dở; còn về phần tôi, tôi tìm được bánh quy, ít mứt, một chùm nho lớn và một mẩu phó mát. Tôi lại trèo lên boong, mang theo các thức ấy lên và đặt vào đằng sau lái, cách xa chỗ lão Han ngồi. Xong tôi đến thùng nước ngọt, vục đầu vào uống từng ngụm ngon lành. Khi uống đủ rồi, tôi mới đi lại đưa rượu cho lão Han. Lão nốc một hơi dài, đặt chai xuống rồi nói:
-ối chà! Phải có rượu mới được! Tôi ngồi vào một chỗ, bắt đầu ăn. Tôi hỏi lão:
-Bị thương có nặng lắm không? Lão làu bàu trong cổ họng:
-Nếu có cái anh bác sĩ ấy... ở đây thì tôi đã khỏi hẳn rồi. Nhưng... thật không may! Còn tên kia...
-lão vừa nói vừa chỉ tên mũ đỏ
-nó đã chết hẳn... à, còn cậu... cậu ở đâu mà đến được đây? Tôi đáp:
-Tôi đến đây để chiếm lấy chiếc tàu này. ông Han, ông phải coi tôi như thuyền trưởng cho đến khi có lệnh mới. Hắn nhìn tôi có vẻ cay độc nhưng vẫn im như hến. Mặt hắn đã có sắc hồng tuy hắn còn yếu sức lắm. Mỗi lúc tàu nghiêng, hắn lại ngã giúi giụi. Tôi lại bảo:
-Này ông Han, tôi không muốn thấy lá cờ kia ở trên tàu. Tôi xin phép hạ nó xuống. Thà không có gì hết vẫn còn hơn! Tôi tránh cái cột ngang lủng lẳng ở cột buồm cái, rồi chạy ra chỗ treo cờ, hạ phăng cờ xuống, quẳng luôn xuống biển. Tôi kêu to lên, tay phất mũ:
-Thôi thế là hết đời thằng thuyền trưởng Xin-ve! Lão Han vẫn quắc mắt, chăm chú nhìn tôi, nét mặt lầm lì. Lúc sau, lão lên tiếng:
-ông thuyền trưởng Dim! Tôi chắc bây giờ ông cũng muốn vào bờ. Vậy ta thử nói chuyện với nhau xem!
-Được lắm! Nào ông cứ thử nói đi! Nói xong, tôi lại tiếp tục ăn rất ngon miệng. Lão chỉ cái xác tên giặc rồi nói:
-Tên kia... hắn kéo buồm với tôi... định cho tàu quay về chỗ cũ. Thế mà bây giờ... hắn đã chết thẳng cẳng! Vậy bây giờ... ai lái tàu về bến được? Còn... ông, tôi đã rõ. Nếu tôi không chỉ vẽ, thì ông không thể làm được! Vậy ông hãy nghe lời tôi... ông cho tôi ăn uống và cho tôi một mảnh vải cũ, hay chiếc khăn mùi soa, để tôi băng bó vết thương. Tôi sẽ bảo cho ông cách lái... Tôi nghĩ, nói với nhau như vậy... là thực tình. Tôi nói:
-Tôi muốn nói rõ với ông điều này... Tôi không muốn quay về chỗ tàu đỗ trước đây. Tôi muốn cho tàu vào đỗ ở bến tàu phía bắc, ông nghe rõ chưa? Lão kêu to:
-Cái ấy đã hẳn... Tôi không đến nỗi ngốc đâu! Tôi đánh lừa một tí tẹo... nhưng ông đã khôn hơn tôi! Bây giờ... có phải ông muốn tàu vào bến bắc không? Được, tôi xin nghe theo ông... Tôi sẽ giúp ông đưa tàu đến đấy... để rồi tôi bị treo cổ... Nhưng ông cứ tin ở lời tôi hứa.
Tôi lại điều đình với lão lần nữa. Ba phút sau, con tàu theo gió đã lướt men theo đảo. Chúng tôi có hy vọng vượt qua doi đất ở phía bắc trước lúc đứng trưa và sẽ tới bến phía bắc khi nước còn ròng. Như vậy, có thể yên tâm cập bến, không sợ nguy hiểm. Tôi buộc tay lái lại rồi xuống phòng tàu mở lấy chiếc khăn lụa của mẹ tôi cho. Tôi giúp lão Han buộc lại vết dao trên đùi đương há hốc miệng. Khi đã ăn ít bánh và tợp vài hớp rượu lão đã khác hẳn, lão trở lại tỉnh táo, ngồi thẳng lên và ăn nói đã dõng dạc hơn. Gió thổi hiu hiu. Chúng tôi thuận buồm xuôi gió. Con tàu lướt phăng phăng trên sóng. Chẳng mấy chốc, tàu đã đi qua chỗ bờ biển cao, đến chỗ doi đất có thông mọc um tùm. Rồi thoáng một cái, tàu lại lướt qua góc đồi lởm chởm đá ở khu đảo phía bắc. Tôi được chỉ huy chiếc tàu, lại được ngắm cảnh trời quang mây tạnh. Bao nhiêu điều ấy làm tôi đến sướng mê. Bây giờ tôi lại có đủ thức ăn thức uống, không phải lo đói khát. Lúc bỏ lô-cốt ra đi tôi vẫn rất ân hận, bây giờ đã đoạt lại được chiếc tàu, tôi tự thấy thật yên tâm. Có lẽ tôi sẽ được mãn nguyện say sưa đến tột cùng, nếu không có cặp mắt của lão Han cứ nhìn vào tôi chòng chọc. Lão nhìn tôi một cách chế giễu, thỉnh thoảng lão trề môi ra cười. Cái cười của lão cũng quái gở. Nó lộ vẻ vừa nhọc mệt, đau đớn, nhưng cũng vừa giảo quyệt, gian hùng. Cặp mắt lão cứ hau háu rình tôi trong từng cử động.
 
Lão Han

Thuận gió nên tàu chúng tôi đi nhanh về phía bắc. Chúng tôi có thể cho tàu thẳng đến bến tàu phía bắc, nhưng vì không nghĩ được cách làm thế nào bỏ neo và cho tàu đỗ trước lúc nước ròng, nên chúng tôi phải dừng lại đợi. Lão Han bày cho tôi cách làm cho tàu đứng lại. Tôi làm mãi mới được. Xong, tôi với lão ngồi đối mặt nhau ăn bánh, không ai nói với ai một lời. Sau cùng lão nói, trên môi vẫn giữ cái lối cười đáng ngờ ấy:
-Thưa thuyền trưởng, tôi muốn ông vứt giùm cái xác của tên kia xuống biển. Để thế, trông nó không tiện! Tôi bảo:
-Sức tôi không làm được việc ấy. Cứ để hắn nằm đấy cũng được, chẳng can hệ gì. Lão Han vừa nháy mắt vừa nói:
-Chiếc tàu này là một tai họa. Cậu Dim này! Từ lúc tôi với cậu bước xuống chiếc tàu này ở bến Brít-tôn, kể ra đã có bao người toi mạng! Tôi chưa bao giờ thấy cảnh bi đát như thế. Còn cái tên kia, nó chết thẳng cẳng rồi! Tôi thì không được học hành thông thái như cậu. Vậy cậu cho biết một người đã chết là chết hẳn, hay nó còn sống lại ở một nơi khác? Tôi đáp bâng quơ:
-Biết đâu đấy! Biết đâu cái hồn của tên kia nó chẳng đương nhìn ông đấy! Lão nói:
-Chao ôi! Nếu vậy thì giết người chỉ thêm nhọc xác, vì hồn nó vẫn sống mà! Nhưng tôi cho cái hồn cũng không đáng sợ... Tuy vậy, cậu nói rất phải. Bây giờ tôi nhờ cậu giúp cho một việc. Tôi nhờ cậu xuống dưới phòng, lấy cho tôi một thứ... một thứ... Chà! Rõ bực mình! Định nhờ một việc lại nhớ ra một việc khác. Cậu làm ơn lấy cho tôi ít rượu vang, chứ cái thứ rượu mạnh này đã làm tôi váng óc lên rồi! Lão nói ấp úng, không được tự nhiên lắm. Lão bảo lão thích rượu vang hơn rượu mạnh, lại càng không thể tin được. Chẳng qua lão chỉ kiếm cớ thôi! Rõ ràng lão muốn cho tôi đi nơi khác, đừng ở trên boong tàu. Nhưng để làm gì? Tôi cố đoán nhưng vẫn chưa hiểu được... Cặp mắt lão cứ tránh mắt tôi. Lúc nào lão cũng nhìn quanh nhìn quẩn, hết chỗ nọ đến chỗ kia. Khi thì lão nhìn lên trời, lúc lão lại nhìn xuống xác tên đồng bọn. Lúc nào lão cũng cố gượng cười như muốn che giấu một điều gì bối rối trong lòng. Dù cho là một đứa trẻ con khờ khạo đến đâu, tôi cũng biết được lão đương tính toán ngầm, tìm mưu kế để hại tôi. Tuy vậy, tôi vẫn cứ tảng lờ như không biết. Vì tôi ở vào cái thế mạnh của tôi lúc bấy giờ. Vả lại, với một kẻ ngờ nghệch như lão, tôi có thể che giấu dễ dàng không cho lão biết là tôi ngờ vực. Với thái độ thản nhiên, tôi hỏi lão ta:
-Rượu vang à? Cũng tốt đấy. Rượu trắng hay rượu đỏ? Thích thứ nào? Lão đáp:
-Thứ nào cũng được! Đỏ hay trắng, với tôi cũng chỉ là một. Miễn sao cứ cho thứ ngon và nhiều vào... Tôi nói:
-Thôi được, tôi sẽ mang lên cho ông một chai. Nhưng phải lâu lâu tí đấy. Tôi còn phải tìm. Nói xong tôi bước xuống cầu thang, nện mạnh gót giày thật ầm ĩ, rồi tôi cởi giày, cứ chân không chạy vào đường hầm, trèo lên cầu thang đằng mũi, rồi thò đầu lên chỗ lái. Tôi biết lão ta không ngờ tôi rình lão ở chỗ đó, nhưng tôi cũng hết sức thận trọng. Và rõ ràng những điều ngờ vực của tôi lúc nãy đối với lão thật quả là đúng...
Tôi thấy lão gắng gượng bò bê, cố cắn răng nhịn đau. Cứ mỗi một cử động là mặt lão nhăn như bị. Nhưng lão vẫn cứ cố bò nhanh qua boong tàu. Chưa đầy một phút lão đã bò đến gần những lỗ thông nước trên sàn. Lão thò tay vào một cuộn dây, móc ra một con dao nhọn, máu dính bê bết tận chuôi. Lão ngắm con dao một lúc, nghiến răng mím lợi, gại mũi dao vào tay xem có còn sắc nhọn không, rồi vội vàng thủ vào trong áo; xong lão vội bò về ngồi chỗ cũ. Như vậy là lão Han đã có thể bò đi nơi này nơi nọ; bây giờ lão lại có khí giới trong tay. Lão phải bỏ công lừa tôi đi khỏi để lão làm việc này. Không nói thì cũng biết lão âm mưu định khử tôi. Nhưng giết tôi xong thì lão sẽ làm những gì? Lão có ý định cố bò lê từ bến phía bắc qua cả vũng lầy để về chỗ trại của bọn chúng không? Hay là lão sẽ bắn đại bác để báo tin cho đồng bọn đến cứu? Dù có đoán giỏi đến đâu cũng đành chịu. Tuy vậy, tôi có thể còn tin cậy ở lão được một điểm, vì điểm này có lợi chung cho cả hai người: ấy là phải bẻ lái cho tàu chạy. Lão và tôi đều muốn cho tàu đỗ vào một nơi kín gió và chắc chắn, để rồi khi cần, có thể đưa tàu ra cho chạy mà không phải khó khăn nguy hiểm. Từ đây cho đến lúc ấy, tính mạng tôi còn có thể an toàn được. Tôi vừa đi vừa suy nghĩ. Tôi chạy về phòng, đi giày vào, sờ vào chỗ để rượu, vớ đại lấy một chai rượu vang. Xong đâu đấy tôi xách rượu lên boong. Tôi thấy lão Han vẫn ngồi gục đầu như cũ, mắt nhắm nghiền, làm như lão yếu quá, không đủ sức chịu nổi ánh sáng mặt trời. Lão mở choàng mắt ra nhìn rồi rút cuộn thuốc lá trong túi ra, nhờ tôi cắt cho lão một mẩu. Lão bảo:
-Nhờ cậu làm ơn cắt hộ cho tôi một mẩu thuốc, tôi không có dao. Mà dù cho có dao, tôi cũng không còn đủ sức mà cắt... Chà! Cậu Dim ơi! Không khéo tôi sẽ không thấy lại được mặt biển đây! Cậu cắt hộ cho tôi mẩu thuốc. Không dám phiền cậu nhiều đâu. Chỉ một lần này nữa thôi. Rồi tôi sẽ về với ông bà ông vải tôi. Tôi đã thấy mình sắp gần đất xa trời rồi, không sai đâu! Tôi bảo lão:
-Được! Để đấy tôi cắt cho. Nhưng nếu tôi mà như ông, nếu đã thấy mình khó sống, thì tôi sẽ ăn năn sám hối. Lão hỏi:
-Tại sao thế? Cậu hãy bảo tôi xem tại sao đã nào! Tôi nói to:
-Tại sao à? Thì ông đã tự lừa dối lương tâm ông, ông đã gây ra bao tội ác, ông đã bội phản, ông đã giết người. ông còn hỏi tại sao nữa à? ông hãy ăn năn sám hối đi để mà chuộc tội với Thượng đế. Tôi vừa nói với một giọng hào hứng đầy nhiệt tình, vừa nghĩ đến con dao vấy máu hắn đang giấu trong áo để định chọc tiết tôi. Còn lão, lão vẫn điềm nhiên tợp từng ngụm rượu, rồi nói với một vẻ trịnh trọng khác thường:
-Đời tôi đã trải qua nhiều năm trời lênh đênh trên mặt biển, tai đã từng nghe bao điều thiện, ác, hay, dở..., mắt đã từng trông thấy lúc trời quang mây tạnh, bão táp mưa sa... Vậy tôi xin nói thật với cậu: làm điều thiện chẳng được chút lợi lộc gì! Theo ý tôi, cứ nhanh tay giết trước chúng đi là tốt: những kẻ đã chết không làm hại ai được nữa! Đến đây lão đổi giọng:
-Thôi! Đừng nói nhảm với nhau mãi nữa. Con nước đã lên kia. Vậy ông thuyền trưởng, ông hãy theo lệnh tôi đây. Chúng ta cứ cho tàu đi thẳng một mạch cho xong việc. Thực ra thì chỉ còn hai dặm nữa là đến bến. Nhưng quãng đường này rất khó đi. Đường vào bến vừa hẹp vừa cạn. Gió xoay đủ chiều. Phải khéo tay lái lắm mới vào được.
Tôi dám nói tôi là một tay giúp việc đắc lực, và lão Han là một tay thủy thủ thạo nghề. Qua khỏi cửa sông là đất liền bọc ba bên bốn bề. Lão Han nhìn ra chung quanh, bảo:
-Nơi này xinh đẹp, lại vắng lặng, nên cho tàu vào. Tôi hỏi:
-Khi vào có thể bình yên, nhưng khi ra thì làm thế nào? Lão giảng giải:
-Cậu cứ mang dây cột vào gốc thông kia, một đầu dây khác thì cho vào trục. Đợi nước lên, ta xô vào kéo, tàu sẽ từ từ lùi ra. Thôi! Bây giờ coi chừng đấy! Đã gần đến rồi! Đừng đi nhanh quá! Về bên phải một tí! Thế, được rồi! Về bên phải! Nhè nhẹ chứ! Bây giờ lượn về bên trái, khe khẽ chứ!
Tôi đang chú ý lái tàu nên không lưu tâm đến lão Han như trước. Tôi sung sướng nhìn tàu rẽ nước tiến vào bến nên quên hẳn sự nguy hiểm đang rình ở bên mình. Có lẽ vì tôi nghe thấy tiếng động hay tôi thấy thấp thoáng bóng người; hay có lẽ vì bản năng tự vệ, tự nhiên tôi quay đầu lại: lão Han đang bò lại gần tôi, tay phải cầm lăm lăm con dao nhọn. Khi hai luồng mắt giao nhau, cả hai đều rú lên một tiếng. Tôi rú lên vì sợ hãi, còn lão rú lên vì sắp vồ được mồi. Tôi vội né sang một bên, tràn tới trước. Tôi bỏ tay lái ra, thanh gỗ bật mạnh lại, đánh vào giữa ngực lão làm lão dừng hẳn lại. Khi lão định trí lại thì tôi đã thoát ra khỏi chỗ lão dồn tôi. Và bây giờ, tôi có thể chạy khắp boong tàu để tránh lão. Tôi dừng lại ở trước cột cái, lấy khẩu súng lục trong túi ra. Tuy lão đương tiến lại gần, tôi vẫn bình tĩnh thong thả ngắm, rồi bóp cò. Cò mổ xuống nhưng không có tiếng nổ, nước biển đã làm ướt mất bùi nhùi! Tôi tự mắng tôi về sự cẩu thả ấy. Tại sao tôi không lo lắp đạn từ trước? Nếu tôi biết lo trước thì có đâu đến nỗi bây giờ phải để cho lão Han đuổi tôi như mèo đuổi chuột! Tuy đã bị thương nhưng lão còn nhanh nhẹn, tóc lão màu tro rơi lòa xòa trên mặt, mặt lão đỏ tía lên vì vội vì tức. Tôi không kịp thử khẩu súng thứ hai của tôi, nhưng biết trước là vô ích. Có một điều là tôi không nên để cho lão đuổi mãi rồi bị dồn vào chỗ bí như lúc nãy. Đến lúc lão tóm được thì chỉ vài nhát dao là xong chuyện!
Tôi chống tay vào cột cái, đứng chờ lão đến. Thấy tôi định lẩn trốn, lão dừng lại, đứng rình tôi một lúc. Còn tôi, tôi vẫn thập thò định chạy. Thật không khác gì cái trò hú tim tôi vẫn chơi khi xưa, có điều chưa bao giờ ngực tôi phập phồng đến thế! Nhưng lúc này quả là một trò chơi trẻ con mà tôi nắm chắc phần thắng, vì lão Han đã bị thương nặng. Giữa lúc tôi đang nghĩ như vậy thì con tàu đâm sầm vào bãi cát, lật về một bên, làm mặt boong nghiêng hẳn, nước ùa cả về bên cạnh bao lơn. Tôi và lão Han xô vào nhau và cùng ngã lăn chiêng xuống cạnh những lỗ tháo nước trên tàu. Xác tên giặc mũ đỏ cũng lăn tuột vào chỗ đó. Tôi ngã lăn vào lão Han, đầu đập mạnh vào chân lão. Tuy đau điếng người, nhưng tôi đã nhanh chân đứng dậy trước, vì lão còn vướng cái thây ma. Rồi phải tìm ngay ra cách khác để tháo thân. Nhanh như chớp, tôi bám vào dây buồm phía sau, leo thoăn thoắt lên không kịp thở. Khi đã ngồi đàng hoàng trên cột ngang rồi, tôi mới thở dốc. Nhờ nhanh chân nên tôi đã thoát chết. Khi lão Han vừa vung dao lên, tôi đã leo vọt lên cao rồi. Con dao cắm phập ngay sát dưới chân tôi. Lão ở dưới trông lên, mồm há hốc, mặt ngây đờ như một pho tượng gỗ. Bây giờ có thì giờ, tôi liền thay luôn đạn trong súng lục. Muốn chắc chắn hơn, tôi thay cả đạn cho khẩu kia. Thấy tôi làm như vậy, lão Han cuống cuồng lên. Lão biết sắp sửa thất thế đến nơi; lão chần chừ một chút rồi cố gắng bám vào dây buồm. Mồm lão ngậm ngang con dao, tay lão lần lên chậm chạp, coi bộ rất khó nhọc. Thỉnh thoảng, vết thương bị đau nhói làm lão bật lên một tiếng rên. Khi lão leo lên được một phần ba đường dây thì tôi đã nạp đạn xong vào hai khẩu súng. Tôi cầm mỗi tay một khẩu súng rồi bảo lão:
-Này ông Han! Nếu ông còn nhích lên một bước nữa, tôi sẽ cho ông một phát vỡ sọ! Rồi tôi nói thêm, vừa nói vừa cười gằn:
-ông cũng biết đấy! Kẻ đã chết không làm hại được ai đâu! Lão dừng lại, không dám leo nữa. Trông mặt lão cũng biết rằng lão đương suy nghĩ lung lắm. Nhưng lão nghĩ ngợi lâu quá, đến nỗi tôi phải bật cười. Cuối cùng, lão bỏ con dao ngậm trong mồm ra, nuốt nước bọt nhiều lần, rồi bắt đầu nói. Trong lúc nói, nét mặt lão vẫn có cái gì như lưỡng lự băn khoăn:
-Cậu Dim! Tôi nghĩ rằng tôi với cậu, hai người đều gặp sự chẳng may! Tốt hơn hết là nên làm lành với nhau. Nếu tàu không nghiêng, tôi đã tóm được cậu. Nhưng rủi cho tôi quá! Bây giờ tôi đành phải chịu thua cậu vậy! Nhưng cậu hiểu cho. Một tay lão luyện già đời như tôi mà phải thua một đứa bé miệng còn hơi sữa như cậu, kể cũng nhục nhã! Nghe lão nói, tôi thấy khoái cả người. Tôi đang dương dương tự đắc như con gà chọi thì thốt nhiên, tôi thấy lão đưa tay về sau. Một vật gì lao vút đến như mũi tên xé gió. Tôi thấy đau nhói ở vai mình. Trong lúc thất thần ấy, và không định tâm một chút nào, hai khẩu súng trong tay tôi bỗng nổ cùng một lúc và đều rơi xuống cả! Không những chỉ có súng rơi mà tôi thấy cả lão Han cũng rú lên một tiếng, rồi buông tay, ngã lộn đầu xuống nước.
 
Đồng ăn tám

Tàu đổ nghiêng, các cột buồm cũng đều ngã nghiêng trên mặt nước. Tôi vẫn đang ở chót vót trên trục buồm ngang, trông xuống thấy rõ mặt nước ở phía dưới con tàu. Lúc nãy, lão Han đứng thấp hơn nên đã ngã vào cái quãng giữa bao lơn tàu và tôi. Lão nhô lên mặt nước một lần nữa, người sủi đầy máu và bọt biển, rồi chìm nghỉm. Lúc sau, khi mặt nước đã yên tĩnh, tôi thấy lão nằm còng queo dưới bóng chiếc tàu nghiêng. Vài ba con cá lội tung tăng quanh mình lão. Đôi khi mặt nước chao động, tưởng như lão cựa quậy chực đứng lên. Thật ra lão đã chết hẳn, vừa bị đạn, vừa bị sặc nước. Trong lúc này, máu vẫn chảy ròng ròng trên lưng và trên ngực tôi. Con dao nhọn cắm vào thịt tôi rát bỏng như một miếng sắt nung đỏ. Tuy vậy nỗi đau đớn về thể xác không làm cho tôi kinh sợ bằng việc nếu phải rơi xuống mặt biển xanh lè ở cạnh cái xác lão Han ghê tởm! ý nghĩ ấy làm tôi phải nhắm nghiền mắt lại. Nhưng sau đấy, tôi định thần lại, tim bớt đập và trở lại bình tĩnh như thường. ý nghĩ đầu tiên của tôi là phải rút con dao ra. Chỉ nghĩ đến thế, tôi cũng đã rùng mình. Nhưng chính nhờ cái rùng mình ấy mà tôi được thoát nạn. Con dao thật ra chỉ dính vào tôi ở lớp da ngoài. Vì thế, tôi mới chỉ rùng mình, con dao đã bật ra khỏi người. Tuy máu có túa ra nhiều hơn, nhưng lưỡi dao chỉ còn găm mảnh áo của tôi vào cột buồm mà thôi! Tôi rứt mạnh ra và tụt xuống boong tàu... Đến nơi, tôi buộc lại vết thương. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Bây giờ cả chiếc tàu đã về tay tôi. Tôi không muốn ở trên tàu với cái xác anh hành khách ăn vạ này nữa.
Tôi nghĩ đến việc ném nốt tên mũ đỏ xuống biển. Xác hắn lăn ra tận bao lơn, nằm sóng soài ở đó. Nhờ thế mà lôi nó đi thì cũng dễ. Xác chết bây giờ đối với tôi quen rồi, cũng chẳng đáng sợ gì! Tôi kéo nó lên như kéo một bao cám, rồi lấy sức đẩy nó xuống biển. Hắn đâm sầm, rơi tõm xuống, cái mũ đỏ bật ra ngoài nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Một lát sau, mặt nước trở lại yên tĩnh, tôi thấy xác hắn và xác lão Han nằm cạnh nhau. Hắn tuy trẻ tuổi nhưng đầu đã hói. Hắn nằm đó, cái đầu hói gối lên đầu gối kẻ đã giết hắn, một đàn cá lượn nhanh thoăn thoắt quanh mình hai tên giặc biển. Lúc này, nước thủy triều đã xuống. Mặt trời sắp lặn. Bóng thông ngả dài trên mặt bến và in cả lên sàn tàu. Gió chiều đã nổi. Tuy đã có ngọn núi hai đỉnh che gió, nhưng gió vẫn còn lồng vào trong các cánh buồm và làm dây buồm kêu cót két. Nhận thấy rõ nguy cơ, tôi vội tháo các cánh buồm đầu mũi, kéo tuột xuống boong tàu. Nhưng còn cánh buồm to thì khó lòng mà tháo ra được! Khi tàu nghiêng, đầu cột buồm đã ngả ra xa và một phần nhỏ cánh buồm đã bị nhúng nước. Như thế lại càng nguy hiểm. Nhưng buồm đương căng, nên tôi không dám động đến. Sau cùng tôi dùng dao cắt các dây néo... Đầu cột buồm ngả xuống, cánh buồm phập phồng trên mặt nước. Tôi cố kéo nhưng không chuyển. Mà sức tôi cũng chỉ đến đấy là cùng. Thôi cũng đành phó thác nó ở đấy rồi có ra sao thì ra. Lúc này, bóng đêm đã trùm cả vũng biển. Trời đã bắt đầu lạnh. Nước thủy triều xuống nhanh. Chiếc tàu mỗi lúc một nằm rạp xuống bờ biển. Tôi bò lên đằng trước tàu rồi dòm xuống. Hình như chỗ này nước cạn. Tôi tụt dần xuống. Nước chỉ ngập đến lưng, mặt cát dưới chân tôi rắn chắc và gợn sóng. Tôi vui mừng lội một mạch lên bờ. Ngay lúc ấy, mặt trời đã tắt. Gió thổi đìu hiu trong bóng tối, lướt qua những chòm cây thông nghiêng ngả trập trùng. Thế là sau khi một mình ra đi, tôi đã lại trở về, mà không phải về tay không. Chiếc tàu nằm đó, không còn một tên giặc nào ở trên, chỉ còn đợi chở chúng tôi ra biển. Bây giờ tôi chỉ mong chóng về đến lô-cốt để khoe công trạng của tôi cho mọi người biết. Có thể bị quở trách về việc bỏ trốn đi, nhưng tôi đã đoạt lại được chiếc tàu trên tay giặc. Kể ra cũng có thể lấy công chuộc tội. Nghĩ vậy, tôi càng nôn nóng muốn về ngay để gặp mặt mọi người. Tôi nhớ lại rằng con sông con chảy xuống vũng biển tàu đỗ trước đây bắt nguồn từ trái núi hai ngọn, tôi vội chạy ngay về hướng ấy để lội qua sông ở nơi đầu nguồn cho được cạn. Rừng không rậm lắm, tôi đi men theo ven đồi; lúc sau tôi lội qua con sông nước ngập đến bắp chân. Thế là tôi đã đến gần chỗ gặp Ben-gun khi trước. Tôi đi cẩn thận hơn, dò từng bước. Bây giờ đêm đã tối mò. Ra khỏi chỗ đất trũng ở giữa hai ngọn núi, tôi thấy một tia sáng chiếu rọi lên trời. Tôi đoán Ben-gun đương thổi cơm tối trên một bếp củi lửa đỏ rực.
Nhưng bụng tôi rất lấy làm lạ về sự bất cẩn của hắn. ánh sáng bừng lên như thế, lẽ nào bọn Xin-ve đóng ở bên kia lại không trông thấy được? Bóng đêm mỗi lúc mỗi dày đặc. Đường càng khó đi. Cảnh vật chung quanh bị nhòa trong bóng tối. Chỉ còn vài ngôi sao thưa thớt lấp lánh trên cao. Thốt nhiên, ánh sáng tràn đến quanh mình. Ngẩng lên, tôi thấy một vùng ánh sáng xanh lả lướt trên đỉnh gò Vọng Viễn, và lát sau, mặt trăng tròn vành vạnh đã nhô lên sau các thân cây. Hướng theo bóng trăng, tôi vội vã đi nốt quãng đường còn lại, khi đi, khi chạy. Gần đến nơi, tôi đi thật cẩn thận, vì biết đâu một người trong bọn tôi lại chẳng lầm cho tôi một phát súng đến đi đời! Mặt trăng lên cao dần. ánh trăng chiếu lốm đốm qua cây lá. Ngay trước mặt tôi, thấp thoáng có ánh lửa hồng trong lùm cây. Ngọn lửa có lúc đỏ rực, có lúc tối sầm lại, hình như lửa của một đống tro tàn chưa tắt hẳn. Đi đến chỗ trống, tôi nhìn kỹ. Đằng góc phía tây, ánh trăng chiếu sáng rực rỡ. Cả khu lô-cốt còn chìm trong bóng tối. Một vài vệt ánh trăng chiếu ngang qua lô-cốt. Phía bên kia lô-cốt, một đống than hồng hiu hắt. Chung quanh im lặng như tờ. Chỉ nghe tiếng gió thổi trong lá cây. Tôi đứng lại, vừa ngạc nhiên vừa lo sợ. Xưa nay không bao giờ chúng tôi đốt lửa to. Lệnh ông thuyền trưởng là phải hết sức tiết kiệm củi. Tôi hồ nghi là có tai biến gì đã xảy ra trong lúc tôi đi vắng. Tôi đi vòng về mé đông, và dò theo chỗ tối, tôi leo qua bờ rào. Muốn cho chắc dạ, tôi bò nhẹ nhàng đến góc lô-cốt. Nhưng tôi yên tâm ngay. Tôi khoan khoái lắng nghe tiếng ngáy đều đều của những người đồng đội đương ngủ yên lành. Giá vào lúc khác mà nghe thế, tôi đã phàn nàn về sự canh phòng không cẩn mật, nhưng lúc này tôi nghe tiếng ngáy đều đều ấy như nghe một điệu đàn du dương. Nhưng dù sao, canh gác như vậy thì cũng quá cẩu thả. Nếu bọn giặc đến thì không một người sống sót! Tôi tự nhủ:
“ạng thuyền trưởng vừa bị thương nằm xuống là đã ra thế rồi!" Tôi lấy làm hối là đã để các bạn lại trong cơn ngặt nghèo ít người canh gác. Tôi bò vào cửa. Trong nhà tối như mực, chẳng trông rõ vật gì. Tôi quờ quạng hai tay đằng trước, mò vào. Tôi định bụng bò vào ngủ chỗ mọi khi, để sáng mai dậy, thấy mặt tôi, mọi người phải một mẻ ngạc nhiên. Tôi vấp phải cái chân của một người đang ngủ; người ấy trở mình càu nhàu mấy tiếng trong cơn mê rồi lại ngủ. Thốt nhiên, một tiếng nói the thé vang lên trong xó tối:
-Đồng ăn tám, đồng ăn tám, đồng ăn tám, đồng ăn tám! Tiếng ấy cứ kêu mãi, đều đều như tiếng cối xay. Thôi, đúng con vẹt của Xin-ve đây rồi! Nó canh gác còn giỏi hơn người. Thấy tôi mò vào, nó đã kêu liến thoắng lên để báo động. Tôi còn đương bối rối chưa kịp định thần lại, thì mọi người trong nhà đã thức choàng dậy, đứng phắt lên. Tiếp theo là tiếng Xin-ve quát lớn:
-Ai? Ai? Tôi vội chạy bổ ra ngoài, chẳng may va phải một người khác. Tôi lùi lại đằng sau thì lại rơi vào tay một kẻ khác, tên này đã ôm chặt lấy tôi. Khi đã bắt được tôi rồi, Xin-ve gọi to:
-Đích! Đem đuốc lại đây. Một người chạy vụt ra ngoài, rồi đem ngay một bó đuốc sáng rực vào.
 
Trong trại quân thù

ánh đuốc sáng rực chiếu rõ căn nhà, làm tôi thoáng nhìn qua đã hoảng vía. Bọn giặc đã đánh chiếm được khu lô-cốt và cả lương thực. Thùng rượu, bánh, mỡ, thịt muối đều còn nguyên chỗ cũ. Điều làm tôi lo sợ nhất là không thấy tăm hơi một người nào bị bắt. Lúc bấy giờ tôi yên trí là tất cả bọn tôi đã bị giết rồi. Tôi hối hận vô cùng. Lương tâm tôi cắn rứt vì đã bỏ đồn, không ở lại để cùng anh em đồng sinh đồng tử. Trong lô-cốt, có tất cả sáu tên giặc; chắc chúng chỉ còn sống vẻn vẹn có thế. Năm đứa đứng sừng sững giữa nhà, có lẽ chúng đương say vùi, nhưng đột nhiên bị đánh thức nên trông mặt thằng nào cũng đỏ ngầu, xì xị. Còn một thằng thì nằm chống cùi. Thằng này mặt mũi nhợt nhạt như người chết, cái băng buộc trên đầu hắn còn mới tinh. Tôi chắc tên này là tên giặc bị thương chạy tuột vào rừng giữa hôm đánh nhau. Con vẹt đang đứng rỉa lông trên vai gã Xin-ve. Gã trông nhợt nhạt và nghiêm nghị hơn mọi lần. Gã vẫn mặc bộ quần áo dạ như hôm đến đồn thương lượng. Bộ quần áo bây giờ đã bẩn và bị gai móc rách nhiều chỗ. Gã nói:
-Kìa cậu Dim! Thật là trời run rủi! Tình cờ cậu đến thăm chúng tôi! Thật quý hóa! Nói thế rồi gã ngồi trên thùng rượu, cho thuốc lá vào tẩu xong, gã nói:
-Đích! Đưa mượn bó đuốc! Khi đã châm thuốc xong, gã lại nói:
-Thôi được rồi! Cắm bó đuốc vào đống củi kia, rồi đi ngủ đi! ông Dim đây là chỗ thân tình. ông cũng chẳng bắt lỗi bắt phạt gì các anh đâu mà sợ. Rồi gã quay lại bảo tôi, vừa nói vừa lấy tay ấn thuốc trong tẩu:
-Còn cậu Dim! Cậu đến đây làm tôi vừa lo vừa mừng. Từ lúc gặp cậu lần đầu, tôi vẫn biết cậu là người láu lỉnh. Nhưng đến việc này thì tôi không ngờ được... Tôi đứng im không đáp một câu nào. Chúng nó để tôi đứng tựa vào vách. Tôi nhìn thẳng vào gã Xin-ve, bề ngoài rất bạo dạn, nhưng trong ruột rối như tơ vò. Xin-ve ngồi yên lặng, thở ra vài làn khói thuốc, rồi nói tiếp:
-Cậu Dim, cậu đã đến đây, tôi xin nói thật cho cậu nghe. Tôi vẫn thú cậu ở chỗ cậu là một người dũng cảm giống in như tôi thời tôi còn niên thiếu. Tôi vẫn hằng ao ước được cậu nhập bọn với chúng tôi, đồng cam cộng khổ. Vậy đây là dịp tốt. ông thuyền trưởng của cậu tuy là một tay thạo nghề nhưng quá nghiêm khắc. Còn ông bác sĩ thì cũng đã xỉ vả cậu hết lời. ông ta bảo cậu là một thằng tồi, một thằng tệ bạc. Nói tóm lại, họ chán cậu rồi! Nếu cậu không lập riêng một phe
-mà người đâu mà lập
-thì chi bằng cậu cứ nhập bọn quách với thằng Xin-ve này! Tôi tự nhủ:
“Tốt lắm! Như vậy là cả bọn tôi còn sống..." Tuy tôi có tin một phần nào ở lời Xin-ve về việc bác sĩ oán giận tôi khi tôi bỏ trốn, nhưng tôi không lo, mà lại rất vững bụng. Xin-ve lại bảo:
-Không nói thì cậu cũng biết, cậu đương ở trong tay bọn tôi. Nhưng tôi thích làm cho cậu vỡ lẽ phải trái hơn là dọa nạt. Nếu cậu thuận thì ở, mà không thích ở thì đi, cậu cứ cho biết! Trong khi nói một cách mỉa mai như thế, gã đã lộ ngầm cái ý dọa giết tôi. Tôi hỏi gã, giọng run run:
-Tôi có phải trả lời ngay không? Gã bảo:
-Hãy khoan, hãy nghĩ cho kỹ đã... Không ai thúc giục cậu đâu! Dần dần tôi đâm ra bạo, tôi hỏi lại:
-Dù muốn theo ai đi nữa, thì các ông cũng phải cho tôi biết sự thực: Tại sao các ông lại ở đây, và bọn tôi bây giờ ở đâu? Một tên giặc buột mồm định nói xen vào, nhưng Xin-ve đã quát im. Rồi gã dịu giọng nói:
-Sáng hôm qua, bác sĩ Ly cầm một lá cờ trắng đến chỗ chúng tôi và nói:
“Thuyền trưởng Xin-ve, ông đã bị họ phản. Tàu đã mất rồi!". Chắc bọn chúng tôi mải mê rượu chè nên mới sơ ý. Đến khi nhìn lại thì ôi thôi, chiếc tàu đã biến đi đâu mất! Thật là xấu hổ và nhục nhã. Bác sĩ bảo:
“Thôi, chúng ta thương lượng với nhau đi!" Thế là chúng tôi thương lượng. Các ông ấy chịu nhường lại cho chúng tôi tất cả, cả đồn, cả củi, cả thức ăn. Còn các ông ấy, các ông ấy kéo đi đâu thì có trời biết! Gã ngồi bình tĩnh hút thuốc lá rồi lại tiếp:
-Để cho cậu yên tâm, tôi cho cậu biết là cậu không dính dáng gì vào việc này cả. Khi tôi hỏi:
“Bên ông còn lại mấy người?" Bác sĩ đáp:
“Còn bốn, một bị thương. Còn thằng bé con thì tôi không biết nó ở đâu. Thôi ở đâu thì ở, mặc xác nó!" Đấy, bác sĩ đã nói với tôi như vậy đấy!
-Thế là hết?
-Phải, thế là hết!
-Bây giờ tôi phải chọn... chứ gì?
-Cậu cứ chọn, không sợ gì nữa! Tôi bỗng đứng thẳng người lên, nói một mạch:
-Tôi không phải là thằng ngốc mà không hiểu được bọn ông định làm gì tôi! Nhưng gì thì gì, tôi cóc cần! Tôi phải nói với các ông một vài điều. Trước hết là bọn các ông đương lâm vào thế nguy: tàu mất, của mất, người mất. Các ông hoàn toàn thất bại. Vậy ông có muốn biết ai gây ra những việc ấy không? Tôi, chính tôi. Chính tôi đã ngồi nấp trong thùng lê, đã nghe các ông bàn bạc và đã báo ngay cho bọn tôi. Chính tôi đã cắt dây buộc tàu. Chính tôi đã giết chết hai thằng giữ tàu, và cũng chính tôi đã lái tàu giấu vào một nơi kín mà bọn ông không một ai có thể biết được! Chính tôi là người ở tay trên các ông, từ đầu đến cuối. Tôi coi các ông bất quá như ruồi muỗi mà thôi. Bây giờ, giết hay để là tùy ông! Nhưng có một điều tôi muốn cho ông biết, là nếu ông không giết tôi thì tôi sẽ quên tất cả việc đã qua. Khi ấy ra tòa, tôi sẽ hết sức cứu ông. Giết đi một cách vô ích hay để lại để sau này làm chứng cho khỏi bị treo cổ, cái ấy là tùy ở ông! Tôi dừng lại, vì tôi nói đã muốn hụt hơi. Tôi lấy làm lạ về việc trong bọn chúng không có một đứa nào nhúc nhích. Chúng đứng nhìn tôi như một đàn cừu. Khi ấy, tôi lại nói:
-ông Xin-ve! Tôi coi ông là người khá nhất ở đây. Nếu tôi có việc gì, tôi nhờ ông nói hộ lại với bác sĩ Ly những việc tôi đã làm... Xin-ve đáp lại, giọng gã rất lạ, không hiểu ý gã muốn mỉa mai tôi hay gã cảm phục trước thái độ can đảm của tôi:
-Tôi sẽ nhớ lời cậu dặn. Ngay khi ấy, tên thủy thủ già tên là Mo-gan mà tôi đã gặp một lần trước đây ở trong hàng cơm của Xin-ve tại bến Brít-tôn vội kêu to:
-Chính hắn! Chính hắn đã nhận ra thằng Hắc Cẩu... Một giọng khác kêu to:
-Lại cũng chính hắn đánh cắp cái bản đồ của thằng Bin! Quanh đi quẩn lại, chúng ta đều bị thằng nhãi con này đánh lừa!
-Đây... để tôi cho hắn nếm cái của này! Mo-gan vừa nói vừa càu nhàu chửi. Hắn nhảy xổ lại, rút soạt dao ra, nhanh nhẹn như một thanh niên hai mươi tuổi. Xin-ve quát to:
-Hãy khoan đã! Anh làm gì ở đây, Mo-gan? Bộ anh tưởng anh là thủ lĩnh ở đây hả! Anh cứ thử trái lệnh tôi, anh sẽ biết tay tôi. Ba mươi năm trời nay, kẻ nào đã trêu vào tay này thảy đều nát thây và đều làm mồi cho cá biển. Không thằng nào bướng với tôi mà toàn mạng được đâu! Mo-gan, anh có thể tin lời tôi nói... Mo-gan chùn lại, nhưng những tên khác vẫn xì xào. Một tên nói:
-Mo-gan làm đúng đấy! Một tên khác nói thêm vào:
-Tôi đã để người ta bắt nạt nhiều rồi! Thà tôi chịu chết treo cổ còn hơn để cho họ bắt nạt tôi lần nữa. Xin-ve ngồi ngả người trên thùng rượu, tay cầm tẩu thuốc lá. Hắn gầm rít lên:
-Nào, còn ai muốn nói cái gì nữa nào? Nói gì, cứ nói cho hết đi! Các anh câm hả? Kẻ nào muốn gây chuyện với tôi, sẽ được biết ngay... Tôi đã sống từng này tuổi đầu rồi mà còn để cho một thằng say quèn làm nhục tôi à? Nào, tôi đợi đấy! Kẻ nào dám vác dao đến thì tôi tuy què quặt, nhưng cũng quyết moi gan hắn ra xem thử to hay nhỏ! Không một tên nào dám hó hé. Xin-ve lại ngậm tẩu thuốc vào mồm rồi nói:
-Các anh chỉ là đồ tồi! Khi nói đến chuyện đánh nhau, các anh chỉ biết rụt cổ lại! Các anh đã bầu tôi làm thuyền trưởng, vì xét ra tôi hơn hẳn các anh, các anh phải tuân lệnh tôi chứ! Tôi bảo cho các anh biết, tôi rất mến thằng bé này. Thật là một đứa bé có một không hai. Nó còn hơn cả bất kỳ một kẻ hèn nhát nào trong bọn các anh: Kẻ nào động đến nó, coi chừng! Mọi người đều im thin thít. Tôi vẫn đứng tựa vào tường, lòng hồi hộp nhưng cũng lóe lên một tia hy vọng. Xin-ve tựa lưng vào tường, hai tay khoanh trước ngực, miệng ngậm tẩu thuốc, thái độ bình tĩnh một cách lạ lùng. Mắt hắn vẫn không rời bọn thủ hạ bướng bỉnh của hắn. Bọn kia lùi dần về đằng góc lô-cốt, tiếng bàn bạc rì rầm. Thỉnh thoảng có thằng ngóc đầu lên nhìn Xin-ve. ánh đuốc soi hồng nét mặt gân guốc của chúng. Xin-ve nhổ toẹt một bãi nước bọt ra xa rồi nói:
-Có điều gì nói thì cứ nói đi! Không nói thì ngồi im! Một tên đáp lại:
-Xin lỗi ông, tôi xin nói. ông đã phá luật. Bọn tôi đương bất bình đây. Bọn chúng tôi không muốn để ai bắt nạt. Chúng tôi có quyền của chúng tôi. Theo luật, chúng tôi có quyền bàn bạc với nhau. Xin lỗi ông, tôi vẫn nhận ông là thuyền trưởng của chúng tôi trong lúc này. Chúng tôi xin phép ra ngoài kia để họp một tí... Nói xong, hắn lễ phép giơ tay lên chào rồi bước ra. Những đứa khác đều làm theo hắn. Cuối cùng, bọn chúng ra hết, bỏ lại Xin-ve với ngọn đuốc bập bùng. Xin-ve bỏ tẩu thuốc lá xuống, hạ giọng, nói chỉ vừa đủ tôi nghe:
-Này cậu Dim! Cậu thấy không? Suýt nữa chúng thịt cậu đấy! Nhưng tệ hơn nữa là chúng sẽ tra tấn hành hạ cậu... Giờ đây chúng lại sắp hất cẳng tôi đấy! Nhưng cậu nhớ cho, tôi sẽ không bỏ cậu. Thú thật khi cậu chưa nói, tôi chưa định cứu cậu đâu! Nhưng nghe cậu nói rồi, tôi tự nghĩ:
“Cậu Dim là người tin được! Bây giờ hãy cứu lấy Dim, sau này Dim sẽ cứu lại ta. Dim là chỗ dựa cuối cùng của ta mà ta cũng là chỗ dựa của Dim. Hãy cứu lấy người làm chứng cho ta, sau này nó sẽ cứu ta thoát chết". Bắt đầu hiểu ra câu chuyện, tôi hỏi:
-Thế ông nghĩ thế nào?
-Tôi nghĩ, tôi đã thất bại hẳn rồi, tôi đã nản lắm rồi! Còn cái bọn kia cũng không có gì đáng ngại... Tôi sẽ hết sức cứu cậu ra khỏi nanh vuốt của bọn chúng. Nhưng tôi cứu cậu, cậu phải cứu lại tôi. Cậu đừng để cho thằng Xin-ve này phải bị treo cổ. Nghe hắn nói, tôi rất bối rối. Làm thế nào mà cứu được một tên giặc già đầy tội ác như vậy khỏi chết được! Tôi đáp:
-Giúp được gì cho ông, tôi sẽ giúp...
-Đó là lời hứa danh dự của một người đứng đắn. Nói xong, hắn tập tễnh đi châm thuốc hút, rồi trở lại nói:
-Tôi nói thật với cậu. Bây giờ tôi đứng về phe ông Chi. Những việc cậu làm, tôi không cần hỏi. Nhưng tôi tin ở cậu. Tôi tin ở sự nhận xét của tôi. Tôi biết người biết của. Chao ôi! Cậu còn trẻ lắm! Cậu và tôi, một già một trẻ, chúng ta còn làm được nhiều việc to tát! Hắn lấy ít rượu trong thùng ra uống. Rồi hắn nói:
-à cậu Dim, tiện đây tôi muốn hỏi cậu, tại sao bác sĩ Ly lại giao cho tôi bức bản đồ chỉ chỗ giấu kho vàng? Thấy tôi ngạc nhiên, hắn nói lảng:
-Chắc có điều gì bí ẩn ở bên trong. Nhưng không biết điều lành hay điều dữ! Nói xong hắn lại tợp một ngụm rượu. Rồi hắn lắc lư cái đầu tóc vàng bệch như đón đợi một điều gì không lành.
 
Lại cái vết đen

Bọn giặc đứng họp ở ngoài. Thốt nhiên một đứa chạy vào mượn bó đuốc. Xin-ve đồng ý. Tên kia xách đuốc ra, để lại chúng tôi ngồi trong xó tối. Ngồi mãi tôi đi đến lỗ châu mai cạnh đấy, nhìn ra ngoài. Bọn chúng đứng họp ở góc đồi. Đống tro đã tàn. Một đứa đứng cầm bó đuốc vừa mang ra. Một đứa nữa quỳ ở giữa, tay cầm con dao lấp lánh. Những đứa khác đứng khom lưng nhìn vào tên cầm dao. Tôi chỉ có thể nhìn thấy tên này đương cầm một cuốn sách. Tôi đương tự hỏi, làm sao bọn chúng lại có cái của lạ ấy thì tên quỳ giữa đã vụt đứng lên, rồi cả bọn kéo nhau vào. Tôi nói:
-Chúng vào rồi kìa! Xin-ve bảo:
-Cho chúng vào! Cho chúng cứ nắm đằng lưỡi, tôi còn giữ cái chuôi đây! Khi cánh cửa mở, cả bọn ùa vào; chúng đẩy một đứa lên trước. Tên này rụt rè tiến lên từng bước một, tay phải nắm chặt đưa ra đằng trước. Xin-ve quát to:
-Cứ lại đây! Không ai ăn thịt anh đâu mà sợ! Tên giặc bạo dạn bước lại gần, giúi vội vào tay Xin-ve một vật gì rồi vội bước lui về. Xin-ve cúi xuống nhìn rồi bảo:
-Cái vết đen! Tôi đã biết mà! Các anh muốn báo hiệu trước để xử tội tôi. Các anh lấy giấy này ở đâu ra? Chết chửa! Các anh đã xé giấy ở một quyển kinh thánh để làm cái vết đen. Thật là điềm chẳng lành! Sao dại dột thế? Mo-gan nói:
-Biết ngay mà! Tôi đã bảo mà! Xin-ve nói tiếp:
-Các anh đã làm thì các anh phải chịu lấy. Thằng ngốc nào lại đưa quyển kinh thánh ra thế này? Một tiếng đáp:
-Đích đấy! Xin-ve hỏi:
-Thật Đích không? Thế thì cầu nguyện đi! Nhưng đến đây, cái thằng mắt vàng tên là Giót đã đứng ra nói:
-Thôi đừng nói phiếm nữa! Chúng tôi đã họp và đã gửi cho ông cái vết đen. ông cứ đọc đi rồi hãy nói chuyện. Xin-ve đáp:
-à, anh Giót. Tính anh bao giờ cũng thích nhanh nhảu. Chữ anh viết ở giấy đây phải không? Chữ tốt lắm! Chà! Bây giờ anh trở nên một tay lỗi lạc trong anh em rồi. Có lẽ anh sẽ lên làm thuyền trưởng! Này, nhờ anh đưa hộ bó đuốc. Cái tẩu thuốc lá này cứ tắt luôn! Giót nói:
-Thôi ông đừng có đùa nữa! Không ai phục ông đâu! Xin-ve trả lời một cách khinh bỉ:
-Anh nói như đứa con nít. Tôi bảo cho anh biết: bây giờ tôi vẫn là chủ của anh. Cái vết đen của anh chỉ đáng giá nửa đồng xu. Bao giờ các anh đưa lý lẽ ra rồi hẵng hay. Giót đáp:
-Lý lẽ đây: điều thứ nhất, ông đã làm cho việc tìm của này bị hỏng! Điều thứ hai, ông đã thả cho kẻ thù đi khỏi nơi này. Tại sao họ đi? Có giời mà biết! Điều thứ ba, ông ngăn cản không cho chúng tôi đuổi theo họ khi họ rút lui. Chao ôi! Chúng tôi đã rõ ông là người ăn ở hai lòng. Và sau cùng, điều thứ tư, là chuyện thằng nhãi con này... Xin-ve hỏi một cách bình tĩnh:
-Có thế thôi, phải không? Giót đáp:
-Từng ấy cũng đủ quá rồi! Chúng tôi có bị treo cổ cũng chỉ vì cái lối đòn xóc hai đầu của ông!
-Được! Bây giờ các anh hãy nghe tôi trả lời. Các anh bảo tôi làm hỏng việc. Tất cả các anh ở đây đều biết dự định của tôi. Nếu làm theo lời tôi nói thì bây giờ có phải mọi người đều không ai thiệt mạng mà giàu sang phú quý rồi không? Nhưng ai gây ra tai hại này? Ai bắt tôi phải bỏ dự định ấy? Ai nóng ăn làm hỏng việc? Ai? Ai tước quyền thuyền trưởng của tôi trao cho tôi cái vết đen giữa hôm lên bộ? Ai bắt tôi làm cái trò múa rối ấy? Chính An-đe-sơn, lão Han và Giót chứ còn ai? Bây giờ trong ba đứa, chỉ còn hắn sống sót mà hắn còn lếu láo, dám khua môi múa mép ư? Xin-ve ngừng lại. Nhìn sắc mặt tên Giót và cả bọn chúng, tôi biết lời nói của Xin-ve đã có hiệu quả. Mo-gan kêu lớn:
-Thế còn những điều khác, nói nốt đi! Xin-ve lau mồ hôi trán rồi nói tiếp:
-Còn cái điều về cậu bé này, tôi nói cho anh nghe... Cậu bé chả là con tin đó sao? Các anh có biết việc của chúng ta hỏng đến mức nào không? Chỉ vì ba tên khốn nạn ấy mà chẳng mấy chốc chúng ta đều bị treo cổ lên cả! Nghĩ đến ch.uyện ấy, có lúc tôi cứ đờ đẫn cả người. Trong lúc thập tử nhất sinh như vậy, thì bắt được cậu bé này. Thực là phúc lớn. Cậu ấy là vật bảo mạng cho chúng ta. Thế mà các anh đòi giết nó đi. Không! Tôi không làm được việc ấy! à còn điều thứ ba. Này tôi hỏi thật! Anh Dôn, đầu anh chưa vỡ toạc đấy à? Cả anh Giót nữa! Cách đây sáu giờ, chả phải anh lên cơn sốt run bần bật, mặt bây giờ vẫn còn vàng nghệ đấy không? Có lẽ các anh không cần một ông thầy thuốc chính cống hằng ngày đến thăm bệnh và cho thuốc các anh phỏng? Còn cái điểm thứ hai vì sao tôi thỏa thuận điều đình với họ. Thế việc này chả phải chính các anh đến quỳ gối trước mặt tôi, van xin tôi làm việc ấy cho các anh, vì tinh thần các anh đã quá tan rã rồi không? Mà lúc ấy nếu tôi không làm, các anh đã chết đói tất! Nhưng những việc nhỏ mọn ấy cũng chẳng đáng kể đâu. Cái lý do chính là cái này đây! Hắn nói thế, rồi ném luôn xuống đất một mảnh giấy. Tôi nhận ra ngay đó là bức bản đồ màu giấy cũ đã ố vàng, trên có vạch ba chữ thập đỏ mà tôi đã lấy ở dưới đáy hòm của tên Bin khi xưa. Tại sao bác sĩ Ly lại giao cho hắn bức địa đồ ấy? Đó là điều tôi không hiểu thấu... Bức bản đồ vừa đưa ra đã làm bọn giặc ngạc nhiên đến hoa mắt! Chúng nhảy xổ vào tấm bản đồ như một lũ mèo vồ một con chuột nhắt. Rồi cái bản đồ được chuyền từ tay nọ sang tay kia, hết thằng này giật đến thằng khác giật; được xem tận mắt rồi, chúng hò hét, chửi thề, rồi cười hí hửng với nhau như trẻ con, tưởng như bọn chúng đã sờ thấy được vàng trong tay rồi, và đã chắc chắn mang vàng lên tàu, ung dung đi ra khơi vậy... Một đứa nói:
-Đúng rồi! Chính bản đồ của Phơ-linh, chính chữ ký của Phơ-linh đây! Giót nói:
-Tốt lắm! Vàng có đấy, nhưng tàu không có nữa thì lấy cái đếch gì mà mang đi? Xin-ve quay lại nhảy xổ lên, quát to:
-Câm cái mồm đi, không có tôi vặn cổ bây giờ! Làm thế nào mang đi à? Cái đó, phải hỏi ở anh và cả bọn anh đã đánh mất chiếc tàu ấy! Nhưng anh cũng chỉ là một thằng vô dụng thôi. Trí óc anh cũng chả hơn gì trí óc một con gián. Anh đã để mất tàu, anh còn nỏ mồm hỏi một cách hỗn xược như thế hả? Thật quá lắm! Mo-gan tỏ đồng tình:
-Xin-ve nói đúng đấy! Xin-ve bảo:
-Đúng đứt đi chứ lị! Bọn anh thì để mất tàu, còn tôi thì tìm ra kho của. Như thế thì hỏi ai hơn ai? Thôi bây giờ tôi từ chức mẹ nó đi cho xong. Mặc các anh muốn bầu ai làm thuyền trưởng thì bầu! 155 156 Tất cả đồng thanh kêu lớn:
-Xin-ve! Xin-ve vẫn làm thuyền trưởng! Xin-ve hỏi to:
-Thật thế chứ? Giót, thôi anh đợi lần khác vậy. Cũng may cho anh là tính tôi không hay thù vặt. Các bạn! Còn cái vết đen này, bây giờ nó còn giá trị gì nữa không? Vô ích chứ! Chỉ có Đích đã làm hỏng quyển thánh kinh, nên nó sẽ tự mang lấy họa. Đích lo lắng hỏi:
-Bây giờ phải làm thế nào? Nói xong hắn cứ bo xo bắn xắn trong người. Xin-ve ném cho tôi mảnh giấy cầm ở tay và bảo:
-Cậu Dim! Tôi cho cậu xem cái của lạ này! Đó là một mẩu giấy có một mặt trắng vì nó ăn vào trang cuối; còn mặt kia có vài câu sách kinh thánh. Trên mặt chữ in bị than xóa lem nhem. Bên mặt giấy trắng có mấy chữ "Trao tận tay", cũng viết bằng than. Thế là câu chuyện đêm hôm ấy chấm dứt. Mọi người uống rượu rồi đi nằm. Tôi cứ nằm thao thức mãi không chợp mắt được. Còn Xin-ve thì vẫn bình tĩnh đánh một giấc ngon lành.
 
Giữ đúng lời hứa

Tôi thức dậy lúc mọi người cũng vừa tỉnh giấc. Ngay tên canh gác đang mệt mỏi tựa lưng vào tường cũng vụt đứng thẳng lên vì có một tiếng gọi sang sảng từ trong rừng ra:
-Ê! Các người ở trong lô-cốt! Bác sĩ đã đến đây! Mà quả đúng là tiếng bác sĩ. Nhận ra tiếng ông, tôi nửa mừng nửa lo. Nhớ đến hành động vô kỷ luật của mình đã tự dấn thân vào vòng nguy hiểm để đến nỗi giờ đây phải sa vào tay bọn giặc, tôi thấy hổ thẹn, không dám nhìn ra hướng bác sĩ. Có lẽ bác sĩ phải dậy từ khuya, vì lúc ông đến đây, trời mới hưng hửng sáng, sương mù trên đất còn che kín cả hai chân. Xin-ve cũng vừa tỉnh dậy. Gã tươi tỉnh nói to, dáng điệu từ tốn hiền hòa:
-Bác sĩ đấy à? Xin kính chào ngài! Ngài đến sớm quá. Nào, Giót, dậy chạy ra đỡ bác sĩ qua rào một tí! Xin-ve đứng trên đỉnh đồi, một tay chống nạng, một tay dựa vào tường, điệu bộ hệt như khi hắn còn làm bếp tàu. Hắn lại nói:
-Chúng tôi có một việc này, chắc làm cho ngài phải ngạc nhiên. Chúng tôi mới có một người khách đến trọ, một cậu bé... hì, hì... cả đêm cậu ta ngủ khì bên cạnh tôi. Lúc ấy bác sĩ đã vào trong và đang đứng gần Xin-ve. Tôi nghe tiếng bác sĩ hỏi, giọng khác hẳn:
-Dim phải không?
-Chính cậu Dim! Bác sĩ dừng ngay lại, không nói một lời. Lát sau ông mới bảo:
-Được, được! Nhiệm vụ trước đã, rồi hãy trò chuyện sau. Thôi, ta đi thăm người ốm đã. ông bước vào nhà và bắt đầu đi khám bệnh. Tuy ông biết đứng giữa bọn quỷ sống này, tính mạng của ông như nghìn cân treo đầu sợi tóc, nhưng hình như ông không hề sợ chút nào! ông nói chuyện với những tên giặc ốm chẳng khác gì đi thăm con bệnh ở nhà. Tôi cho là thái độ của ông đã làm bọn chúng phải phục. Vì tôi thấy bọn chúng đối với ông như không có chuyện gì đã xảy ra, hình như ông vẫn là vị thầy thuốc của chúng khi còn ở trên tàu. ông bảo tên giặc trên đầu có buộc băng:
-Anh đã khá rồi! Từ xưa đến nay, với những người bị vết thương như anh, tôi thấy có lẽ chỉ có anh là thoát chết. Cái đầu anh có lẽ rắn hơn sắt. Thế nào Giót, khá chưa? Nước da anh còn xấu lắm! Anh đã uống thuốc chưa? Hắn đã uống chưa, các anh? Mo-gan đáp:
-Thưa ông, hắn uống rồi ạ! Bác sĩ lại nói, giọng vừa hài hước vừa thân mật:
-Các anh xem, từ khi tôi chữa bệnh cho các anh, tôi vẫn cố gắng, không để cho Tổ quốc mất một người dân nào, hay nói đúng hơn, tôi không để cho cái giá treo cổ kia làm mất đi một tội nhân nào! Bọn giặc liếc mắt nhìn nhau, không dám hé răng nói lại một lời. Một đứa trong bọn nói:
-Đích nó cũng đang thấy trong mình khó ở... Bác sĩ đáp:
-Thế à? Đích, lại gần đây! Thè lưỡi ra xem nào. Lưỡi thế này mà! Lại sốt rét rồi đấy! Mo-gan nói:
-Thôi phải rồi! Tại hắn xé sách kinh thánh đấy... Bác sĩ đáp:
-Tại, tại cái gì? Tại các anh đều là giống lừa! Các anh không biết thế nào là khí lành khí độc, thế nào là đất khô ráo với đất bùn thối rữa! Các anh còn khổ chán với cái bệnh sốt rừng này! Có ai đi chọn một vùng lầy mà ở không? Đến cả anh Xin-ve mà cũng khờ đến thế! Kể ra anh còn khá hơn bọn họ, nhưng tôi xem ra anh cũng chẳng biết một tí gì về phòng bệnh cả! Khi bác sĩ chia thuốc uống cho mọi người, đứa nào cũng theo lời ông dặn một cách ngoan ngoãn và khúm núm đến buồn cười! Bác sĩ nói:
-Hôm nay thế là xong! Bây giờ tôi muốn nói với cậu bé này vài câu. Tên Giót đứng ở ngoài đương khạc nhổ một thứ thuốc gì hình như đắng lắm. Nghe bác sĩ nói thế, hắn vội kêu to:
“Không được!" Xin-ve vỗ tay xuống thùng rượu, quát lớn:
-Câm mồm ngay! Rồi hắn quay lại bác sĩ, giọng ôn tồn:
-Thưa bác sĩ, tôi cũng đã nghĩ đến điều ấy! Tôi biết bác sĩ rất mến cậu bé này. Còn chúng tôi thì rất đội ơn bác sĩ đã rộng lòng săn sóc chữa bệnh cho chúng tôi. Chúng tôi rất tin ở bác sĩ. Bác sĩ đưa thuốc gì, chúng tôi cũng uống cả. Còn cậu Dim... cậu có hứa với tôi một lời không? Tôi biết cậu tuy con nhà nghèo, nhưng khí khái như một người quân tử. Cậu có hứa với tôi là cậu không trốn không? Tôi vội hứa ngay là tôi không trốn. Xin-ve lại nói:
-Thưa bác sĩ, xin mời ngài cứ đi ra ngoài kia. Tôi sẽ dắt cậu bé ra sau. Tôi nghĩ ngài có thể nói chuyện với cậu ấy qua bờ rào. Thôi, kính chào ngài và xin gửi lời kính chúc ông Chi và thuyền trưởng được mạnh. Khi bác sĩ vừa bước ra khỏi, tất cả bọn giặc đứng lên nhao nhao phản đối. Chúng buộc cho Xin-ve tội bắt cá hai tay. Việc ấy đã hiển nhiên quá! Nhưng Xin-ve quả là một tay gian hùng. Cuộc thắng hôm qua càng làm cho hắn vững dạ. Hắn chửi mắng bọn kia thậm tệ rồi ném bức bản đồ ra bảo:
-Ngốc ơi là ngốc! Của sắp đến tay rồi mà lại làm hỏng à? Lật lọng với họ bây giờ để rồi xôi hỏng bỏng không à? Tìm được của rồi thì lật họ cũng không muộn... Bây giờ lão lang ấy muốn nói chuyện với cậu Dim, chứ lão muốn tôi hót cứt cho lão, tôi cũng hót! Nói xong, hắn ra lệnh nổi lửa nấu ăn, rồi vịn vào vai tôi chống nạng đi ra. Bọn chúng ngồi trơ lại đó, nửa tin nửa ngờ. Xin-ve bảo tôi:
-Đi thong thả, thong thả chứ! Nếu chúng thấy ta đi vội là chúng nhảy xổ lại ngay! Khi đến chỗ bác sĩ Ly, hắn đứng dừng lại, nói với bác sĩ:
-Thưa bác sĩ, cậu bé này sẽ nói lại với ngài việc tôi đã đưa tính mệnh tôi ra cứu cậu ta như thế nào. Thưa ngài, khi một kẻ phải cầm lái thuyền giữa cơn gió lớn như tôi, sống chết chỉ trong nháy mắt, tôi xin ngài hãy rủ lòng thương. Ngài nên nhớ rằng không phải chỉ có tính mệnh tôi mà còn cả tính mệnh cậu bé này nữa. Mong ngài cho tôi được hy vọng. Xong hắn nói:
-Ngài là một người quân tử, chắc sau này ngài sẽ còn nhớ những điều gàn dở của tôi, nhưng ngài cũng đừng quên những điều hay tôi đã làm. Bây giờ, tôi xin để ngài nói chuyện, mong ngài nhớ cho! Nói xong hắn lùi xa ra phía sau, ngồi trên một khúc gỗ. Hắn vừa huýt sáo vừa liếc nhìn về phía tôi và phía bọn giặc trong đồn. Bác sĩ nói với tôi, giọng buồn rầu:
-Cậu Dim! Thế là tự cậu gây ra cả! Có trời biết cho, tôi không có lòng nào oán trách cậu đâu! Nhưng có một điều tôi phải nói. Giá ông thuyền trưởng khỏe mạnh, có lẽ cậu không dám trốn... nhưng thừa lúc ông ta đau yếu mà cậu đi như vậy, thật là hèn! Thú thật nghe bác sĩ nói đến câu ấy, tôi bỗng khóc rưng rức:
-Bác sĩ Ly ơi! ông đừng làm tôi khổ nữa! Tôi đã khổ tâm nhiều rồi! Nếu không có Xin-ve thì tôi cũng đã liều chết với bọn chúng. Tôi chết cũng đáng đời thôi! Nhưng nếu bọn chúng tra khảo tôi... Bác sĩ ngắt lời, giọng đổi khác:
-Dim! Tôi không thể để cậu ở nơi này. Hãy nhảy ra đi, trốn đi!
-Thưa bác sĩ, tôi đã hứa rồi. Bác sĩ nói to:
-Biết thế nhưng không có cách nào khác nữa. Dim! Tôi có thể chịu tất cả nhục nhằn, khổ ải, nhưng tôi không thể để cậu ở đây được. Nhảy ngay đi! Nhảy một cái ra ngoài là ta biến ngay mà! Tôi đáp:
-Không! Nếu ở địa vị tôi, chắc ông cũng không làm thế. Cả ông Chi hay ông thuyền trưởng cũng vậy. Xin-ve đã tin ở tôi và tôi đã hứa với hắn. Tôi phải giữ lời hứa. Nhưng ông hãy để tôi nói hết đã. Tôi chỉ lo nếu chúng tra khảo tôi, có thể tôi làm lộ chỗ giấu tàu. Nhờ may mắn, tôi đã đoạt lại được chiếc tàu, và bây giờ, hiện nó nằm ở vùng bắc, bên bờ biển hướng nam. Đến khi nước ròng, chắc nó nằm trên cát... Bác sĩ ngạc nhiên kêu lên:
“Chiếc tàu?" Tôi vội thuật lại, bác sĩ chăm chú nghe. Xong ông bảo:
-Thế ra, cứ mỗi bước, cậu lại cứu sống chúng tôi? Cậu đã phát giác ra âm mưu bọn giặc, cậu đã tìm ra Ben-gun. ồ, Ben-gun, thật là một việc vô cùng to lớn. Rồi cậu lại lấy được chiếc tàu. Bây giờ để mặc cậu nguy khốn ở đây, chả hóa ra lũ tôi tệ bạc lắm sao? Nói đến đây, ông gọi to:
-Xin-ve! Xin-ve! Khi hắn đến gần, ông bảo:
-Tôi khuyên anh điều này: chớ vội đi tìm kho của! Xin-ve đáp:
-Vâng, tôi xin cố theo lời ngài. Nhưng chắc ngài đã biết, có tìm được của thì tôi và cả cậu bé này mới bảo toàn được tính mệnh. Bác sĩ đáp:
-Nếu thế, tôi sẽ cho anh biết thêm một điều: phải hết sức đề phòng khi đi tìm kho của.
-Thưa ngài, ngài còn giữ ý với tôi nhiều quá! Vì sao ngài bỏ cái đồn này? Vì sao ngài giao cho tôi bức bản đồ? Tôi thật mù tịt. Vậy mà tôi vẫn nhắm mắt đi theo ngài. Lần này thì tôi xin chịu. Nếu ngài không chịu nói rõ thêm, tôi xin bỏ cuộc. Bác sĩ Ly có vẻ nghĩ ngợi, rồi nói:
-Không, tôi không thể và không có quyền nói rõ hơn. Anh hiểu cho. Nhưng tôi hứa với anh một điều này: nếu xong việc mà chúng ta được yên lành, tôi bảo đảm sẽ hết sức cứu anh... Nét mặt Xin-ve tươi tỉnh hẳn lên. Bác sĩ lại nói:
-Đó là việc thứ nhất. Còn việc thứ hai là anh phải nhớ luôn luôn giữ cậu Dim bên cạnh mình, khi nào có gì nguy cấp, anh cứ gọi tôi, tôi sẽ đến cứu ngay. Tôi không nói hão đâu. Anh nhớ lấy! Thôi chào Dim! Bác sĩ thò tay qua rào bắt tay tôi, nhìn Xin-ve gật đầu một cái rồi rảo bước vào rừng.
 
Đi tìm nơi giấu của

Xin-ve bảo tôi:
-Nếu trước đây tôi đã cứu cậu thì vừa rồi cậu đã cứu lại tôi. Điều ấy tôi không bao giờ quên. Lúc nãy liếc mắt, tôi thấy bác sĩ bảo cậu trốn, và cậu đã lắc đầu không nghe. Cậu quả là người biết trọng danh dự. Từ khi tôi đánh đồn bị thất bại đến nay, cái cử chỉ khí khái của cậu thật là một tia sáng để tôi hy vọng. Cậu Dim! Bây giờ đây chúng ta phải đi tìm kho của. Việc này chẳng thích chút nào, vì lời bác sĩ dặn, tôi còn nhớ. Bây giờ tôi với cậu hai chúng ta phải sát cánh bên nhau để đề phòng mọi sự bất trắc nguy hiểm có thể xảy ra. Như thế chúng ta mới bảo toàn được tính mệnh. Lúc ấy, một tên đứng gần đống lửa gọi chúng tôi về ăn sáng.
Chẳng mấy chốc, cả bọn đã ngồi trên bãi cát trước nhà. Chúng đốt một đống lửa to tướng, nóng đến nỗi không lại gần được. Chẳng những củi mà ngay đến thức ăn, chúng cũng phung phí bừa bãi. Tất cả bọn chỉ ăn hết một phần ba thức ăn. Một đứa ném đồ ăn thừa vào lửa, nhe răng cười một cách ngô nghê. Trong đời tôi, thật chưa bao giờ tôi thấy một bọn người vô hậu đến thế. Chúng chỉ biết được bữa nào xào bữa ấy, không hề nghĩ đến ngày mai... Qua cách sống bừa bãi của chúng, tôi đã nhận thấy tuy chúng có thừa can đảm đánh nhau trong một trận nhưng chúng không thể đánh nhau lâu dài được. Ngay Xin-ve cũng ngồi điềm nhiên ăn, không có một lời khiển trách bọn chúng. Hắn nói:
-Các anh được thằng này lo việc cho, các anh sướng như tiên con! Bọn họ chiếm lại được chiếc tàu. Nhưng ta, ta sẽ tìm thấy của. Hễ của đã nắm chắc trong tay rồi, ta sẽ tìm cho ra tàu. Lúc đó phần thắng sẽ về ta! Hắn vừa nói vừa nhai nhồm nhoàm, miệng dính đầy mỡ. Hắn cố làm cho bọn kia tin tưởng và cũng để động viên mình. Hắn lại tiếp:
-Còn thằng bé "con tin" này, có lẽ lần này là lần cuối cùng nó được gặp bạn hữu của nó. Chính nhờ thế mà vừa rồi tôi đã biết được những điều tôi muốn biết. Thế là đủ rồi. Tôi sẽ dắt nó theo trong lúc đi tìm kho của. Vì chúng ta phải giữ nó để phòng lúc gặp nguy nan. Một khi vàng đã tải lên tàu rồi thì lúc ấy ta sẽ có cách nói chuyện với cu cậu! Bây giờ bọn giặc trông vui vẻ hơn trước, điều ấy không lấy gì làm lạ. Nhưng về phần tôi, tôi rất nghi ngại. Đối với một tên như Xin-ve, gió chiều nào xoay chiều ấy, hễ thấy vàng thì tối mắt, thật cũng khó mà tin hắn. Còn nếu hắn có giữ lời hứa thì khi xảy ra việc gì, hắn là một thằng thọt, tôi là một thằng bé, liệu chống đỡ làm sao được với năm tên lực lưỡng thế kia!
Lại còn bao nhiêu câu hỏi trong đầu óc về việc bọn tôi bỏ đồn, giao bức bản đồ... Ngay cái câu bác sĩ dặn Xin-ve "phải đề phòng khi đi tìm của" cũng làm tôi nát óc! Cho nên bữa cơm ấy, tôi ăn không thấy ngon, và khi bọn giặc rủ nhau đi tìm kho của, bụng tôi càng lo ngay ngáy... Bọn chúng ra đi mang theo khí giới đầy đủ. Xin-ve đeo hai khẩu súng trường, lại thêm con dao cài ở thắt lưng và hai khẩu súng lục trong hai túi áo. Trên vai hắn, con vẹt vẫn lảm nhảm nói những câu quái gở. Chúng nó lấy thừng buộc ngang lưng tôi, rồi Xin-ve dắt tôi đi. Khi thì hắn cầm đầu thừng, khi thì hắn cắn chặt vào hai hàm răng. Tôi bị dắt hệt như một con gấu của phường hát. Những đứa khác thì đứa vác cuốc, đứa vác xẻng, những vật ấy chúng đã lấy từ trước ở trên tàu. Vài đứa nữa khiêng thịt, bánh và rượu để ăn trưa. Cả tên giặc bị vỡ đầu, đáng lý phải nằm ở nhà, cũng cố gượng đi theo nốt. Tất cả kéo ra bờ biển. ở đấy đã có hai chiếc thuyền đợi sẵn. Cả bọn chia làm hai tốp, xuống thuyền. Trong khi đi thuyền, bọn chúng bàn tán với nhau về bức bản đồ. Cái gạch đỏ thì chỉ hướng không rõ. Còn những chữ ghi phía sau, không được rõ nghĩa cho lắm. Tôi nhớ những câu chữ ấy:
“Cây to. Đồi con, gò Vọng Viễn, mũi đất về phía B.B.Đ. "Đảo Hình Người Đ.Đ.N. "Mười mét..." Cái dấu quan trọng nhất để nhận đường là cây to. Nhưng ngay sát bến, trước mặt chúng tôi là một khu đồi cao, bắc giáp gò Vọng Viễn, nam giáp gò Cột Cái. Trên đỉnh đồi, thông mọc chi chít; có cây thấp, cây cao. Còn cái "cây to" mà lão Phơ-linh đã chỉ, thì phải đến nơi, đem địa bàn ra ngắm đúng hướng mới có thể biết được. Ngồi dưới thuyền, bọn giặc chỉ trỏ lung tung. Xin-ve thì so vai lên và bảo:
-Cứ đợi đến nơi hẵng hay! Đi một lúc lâu, chúng cho đỗ thuyền vào cửa sông dưới gò Vọng Viễn. Chúng bắt đầu trèo lên đồi về mé tay trái. Mới đầu gặp đất bùn nhão nhoẹt, nên đi rất chậm. Nhưng càng lên cao, đất càng rắn lại, cây cối bớt rậm rạp hơn. Đây là khu đẹp nhất trong đảo. Những dây rau rừng bò lan bên cạnh những khóm cây rừng có hoa nở, thơm ngát. Giữa những chòm đậu khấu xanh um, nổi bật lên những thân cây thông đỏ sậm, bóng lá rườm rà. Không khí trong mát, ánh nắng chói chang, mùi hoa rừng dịu hắc. Cả bọn vui cười nhảy nhót chạy tỏa khắp nơi. Chỉ còn tôi và Xin-ve đi sau cùng. Tôi bị trói ngang lưng, còn Xin-ve thì cứ ngoáy mãi đầu nạng xuống đất sỏi và thở phì phò. Thỉnh thoảng tôi phải đưa tay ra đỡ hắn để hắn khỏi trượt chân, ngã lăn xuống hố. Chúng tôi đi mãi đến nửa dặm mới tới chân đồi. Thình lình một tên đi đầu rú lên mấy tiếng khủng khiếp. Cả bọn cùng chạy ồ lên. Mo-gan ở phía đằng kia vừa chạy lại, vừa bảo:
-Nó ở tít trên cao kia. Của chôn đâu trên ấy mà rối rít lên thế! Quả nhiên, khi chúng tôi đến nơi, thì một cảnh tượng kinh khủng bày ra trước mắt. Dưới gốc một cây thông, một bộ xương người nằm dài, một vài mảnh áo quần còn lại lả tả trên đất. Cả bọn đứng nhìn, rợn tóc gáy. Giót bạo dạn hơn, tiến đến gần xem mấy mảnh vải rồi bảo:
-Chính thứ áo dạ của bọn thủy thủ! Xin-ve nói như gắt:
-Cái ấy đã hẳn! Anh không thể mong thấy ở đây một ông cố đạo được! Nhưng bộ xương nằm thế kia là nghĩa lý gì? Nhìn gần lại, bộ xương nằm quả không tự nhiên một chút nào. Hình người nằm thật ngay ngắn: hai chân duỗi thẳng, hai tay giơ thẳng lên quá đầu, cùng chỉ vào một hướng. Xin-ve bảo:
-ừ, có lẽ đấy! Kia là mũi đảo Hình Người, địa bàn đây, cứ nhìn theo hướng bộ xương thử nào... Mọi người nhìn vào địa bàn. Bộ xương chỉ thẳng hướng khu đảo, địa bàn chỉ đúng hướng đông -đông nam. Xin-ve kêu to:
-Thoạt trông, tôi đã ngờ bộ xương này lắm! Thôi, bộ xương này đúng là dấu chỉ hướng tìm của. Điều này làm tôi nghĩ tới Phơ-linh mà lạnh toát cả người! Khi xưa, lão lên đây với sáu thằng. Lão đã giết sạch, rồi lão kéo xác một thằng lại đây để thay cho địa bàn. Bộ xương này dài thườn thượt. Thôi, chính là thằng An rồi! Mo-gan, anh có nhớ thằng An không? Mo-gan đáp:
-Có chứ! Tôi nhớ hắn còn nợ tiền tôi. Ngay khi lên đảo, hắn còn mượn tôi con dao. Một đứa khác nói:
-Anh thử tìm bên cạnh hắn xem có còn con dao của anh thì lấy lại! Mo-gan tìm quanh đống xương, bảo:
-Chẳng còn vật gì cả! Ngay đến túi thuốc cũng chẳng còn. Thế này thì lạ thật! Xin-ve cũng gật đầu:
-ừ, lạ thật! Quả là một điều quái gở. Cái lão Phơ-linh kể cũng tai ác! Nếu lão còn sống thì... Mo-gan ngắt lời:
-Lão chết rồi! Một đứa khác bảo:
-Khi gần chết, lão vẫn còn gào rượu "rum". Có lúc lão hát:
“Mười lăm thằng..." Đời lão chỉ biết có bài hát ấy! Tiếng hát của lão nghe đến lạnh xương sống! Xin-ve cắt đứt câu chuyện:
-Thôi im đi! Nói mãi đến lão ta làm gì! Lão chết là hết. Người chết không hại được ai đâu! Các anh đừng sợ. Thôi, hãy đi đến đằng kia mà tìm của. Cả bọn lại đi lên. Tuy trời rất oi bức, nhưng cả bọn cứ xúm xít lại với nhau và thì thầm to nhỏ. Hình như chúng vẫn sợ cái hồn ma của tên chúa đảng vẫn còn lẩn quất đâu đây.
 
Tiếng hát trong lùm cây

Phần thì sợ, phần cũng muốn để cho Xin-ve và tên giặc ốm nghỉ ngơi, nên cả bọn cùng ngồi lại trên một mô đất cao. Trước mặt chúng tôi, thấp thoáng qua cây là doi biển, sóng vỗ quanh bờ. Đằng sau là bến tàu và đảo Hình Người. Ngay trên đầu chỗ chúng tôi ngồi là gò Vọng Viễn. Chỉ nghe tiếng sóng vỗ ghềnh đá và tiếng côn trùng rên rỉ trong bụi cây. Không một bóng người qua lại, không một cánh buồm thấp thoáng ngoài khơi. Chung quanh đìu hiu tịch mịch. Xin-ve ngồi xuống lật bản đồ ra xem rồi nói:
-Kìa, cái "đồi con của gò Vọng Viễn" chính là mũi đất dưới kia rồi. Cái kho của đã trước mắt chúng ta. Bây giờ hãy ăn cho đỡ đói đã! Mo-gan càu nhàu:
-Tôi chẳng thấy đói! Chỉ nghĩ tới lão Phơ-linh là đã thấy mất ngon rồi... Xin-ve đáp:
-Nhưng may cho anh, hắn đã chết ngoẻo rồi. Một tên khác run rẩy nói:
-Lão là con quỷ dữ! Lão chết thế nào được! Từ lúc chúng trông thấy bộ xương, đầu óc chúng lúc nào cũng bị cái hồn ma của lão Phơ-linh ám ảnh. Không đứa nào dám nói to. Chúng chỉ thì thầm với nhau, vẻ sợ sệt.
Thốt nhiên, đằng bụi cây trước mặt có một giọng hát the thé, run run vẳng lại, bài hát này, chúng đã thuộc nhão: Mười lăm thằng trên hòm người chết, ỳ a, ỳ a... Bọn giặc ba hồn bảy vía lên mây. Cả sáu đứa mặt mày bỗng tái nhợt, run lẩy bẩy. Thằng thì nhảy chồm lên cuống cuồng, thằng thì quờ quạng bám vào người bên cạnh. Mo-gan bò lăn trên đất, mồm lắp bắp:
-Phơ-linh! Đích thị lão Phơ-linh! Thốt nhiên tiếng hát im bặt, tưởng như có người bỗng lấy tay bịt miệng kẻ hát. Giữa khoảng trời bao la, tôi nghe tiếng hát vọng lại nhịp nhàng thánh thót. Vì thế, trông cử chỉ của bọn chúng, tôi càng thấy lố bịch. Xin-ve môi nhợt nhạt, nói không ra hơi:
-Thôi đừng có hoảng hồn hoảng vía lên! Có chặt đầu tôi, tôi cũng bảo đó không phải lão Phơ-linh. Tôi chưa nhận ra được tiếng ai, nhưng nhất định đó là người, chứ chẳng phải ma quỷ gì đâu! Nói xong, hắn trở lại can đảm, sắc mặt hồng hào. Nhưng bọn kia vừa định thần thì cái tiếng lúc nãy lại vụt cất lên. Lần này không phải tiếng hát mà là một thứ tiếng rên rỉ nghẹn ngào từ hang núi sâu vọng lại:
-Đác Bi, Đác Bi, Đác Bi, Đác Bi! Rồi tiếp theo, một tiếng quát nhỏ:
-Mang rượu đây, Đác Bi! Bọn giặc bỗng đứng sững như trời trồng, mắt mở trừng trừng, thao láo. Tiếng nói đã im từ lâu mà chúng vẫn còn đứng sững sờ, ngơ ngác. Một đứa nói hổn hển:
-Thôi chạy đi! Mo-gan rền rĩ:
-Đúng là những lời cuối cùng của lão! Còn Đích thì móc quyển kinh thánh ra, hai tay nâng tới trước. Chỉ có Xin-ve là chưa chịu tin hẳn. Tuy hắn cũng run, nhưng hắn vẫn cố sức nói to:
-Chúng ta đến đây để tìm cho ra của. Dù là người hay ma quỷ cũng không thể làm bọn ta chùn bước! Khi lão Phơ-linh còn sống, tôi cũng không hề sợ lão. Huống gì bây giờ, lão đã chết mọt xương, thì còn sợ cái đếch gì! Nghe Xin-ve nói thế, bọn kia lại cho rằng Xin-ve đã buông lời xấc láo, phạm đến vong linh người chết. Giá chạy được thì chúng đã chạy rồi! Nhưng khốn nỗi, chúng sợ đến ríu chân. Đứa nào cũng co rúm lại và xúm xít quanh Xin-ve. Xin-ve nói to:
-Ma à? Tôi cũng tin là có! Nhưng ma thì vô hình vô ảnh. Tại sao ở đây tiếng ma lại có tiếng vọng? Tôi chắc không phải! Tên Giót hình như đã tỉnh ra, nối lời:
-Đúng thế! Xin-ve nói có lý. Tiếng ấy nếu là tiếng lão Phơ-linh thì sao lại nghe lanh lảnh? Hình như tiếng một kẻ nào ấy... Thốt nhiên Xin-ve nói to:
-Thôi phải rồi! Tiếng thằng Ben-gun! Mo-gan cũng vội kêu lên:
-Đích thị tiếng thằng Ben-gun! Giót nói:
-Ben-gun hay thằng nào đi nữa cũng đếch cần!
Thế là chỉ trong phút chốc, cả bọn đều trở lại tươi tỉnh. Mặt đứa nào đứa nấy trông hăm hở. Chúng lại vác thuổng cuốc lên vai, tiếp tục đi. Tên Giót đi trước, tay cầm địa bàn, nhằm đường đi thẳng tới đảo Hình Người, chỉ còn thằng Đích là vẫn cầm quyển kinh ngơ ngác nhìn quanh. Khi leo lên đến đỉnh, đã thấy dễ đi hơn trước. Những gốc thông lớn bé mọc lưa thưa. Mặt trời chói lọi trên những khoảng đất trống. Càng đi chúng tôi càng đến gần cái đồi con của gò Vọng Viễn. Chúng tôi đi đến một cây to, rồi một cây to nữa, nhưng nhìn kỹ, tôi biết ngay đây không phải là cái cây đã vẽ trong bản đồ. Nhưng đến cây thứ ba thì thấy cây này cao hơn hẳn. Bề cao của nó dễ cũng đến hai trăm mét. Thân cây màu hung hung đỏ, to ước bằng một cái nhà con; tán lá phủ che kín cả một quãng đất rộng mênh mông. Nhưng cái thân cây khổng lồ ấy không làm cho bọn giặc chú ý. Chúng chỉ lăm lăm nhìn vào cái kho của đương chôn ở một chỗ nào đó dưới gốc cây. Nghĩ đến tiền của, mặt đứa nào cũng hồng hào lên, chúng quên cả những điều sợ hãi ban nãy. Mắt chúng long lanh, chân chúng bước thoăn thoắt, nhẹ nhàng như bay trên mặt đất. Xin-ve vừa càu nhàu vừa phóng nạng đi nhanh như con choi choi. Hắn vừa thở phì phò vừa chửi vung lên như một thằng điên đương lên cơn. Thỉnh thoảng thấy tôi đi chậm, hắn giật mạnh cái dây thừng buộc ngang người tôi, mắt hắn lườm tôi một cái đến rợn gáy. Bây giờ hắn đã để lộ chân tướng của hắn một cách trắng trợn. Thoáng nhìn, tôi đã thấy ngay. Gần đến hố vàng, bao nhiêu điều cam kết trước, hắn đều quên cả. Tôi dám quả quyết rằng hắn đương tính khi chiếm xong kho của, sẽ tìm cho ra chiếc tàu, và sau khi đã giết hết tất cả những người lương thiện trên đảo, hắn sẽ cho tàu rong khơi...
Bụng bồn chồn lo lắng nên tôi cứ vấp ngã luôn. Mỗi bận như thế, Xin-ve lại giật mạnh đầu dây là lườm tôi một cách hung ác. Khi gần đến nơi, Giót gọi to:
-Anh em ơi! Chạy mau lên thôi! Mấy thằng đi đầu vội co giò chạy trước. Chạy được ngót mười thước, chúng dừng cả lại. Tôi nghe thấy tiếng bàn bạc lầm rầm. Xin-ve cố rảo bước, ngoáy mãi đầu nạng xuống đất như một kẻ điên rồ. Đi một lúc thì tôi với hắn đã đến nơi. Trước mặt chúng tôi có một cái hố to: vết đào đã lâu vì mép bờ bị nước mưa lở, và dưới đáy, cỏ mọc xanh rì. Trên mặt hố còn thấy một cán cuốc gãy đôi và những mảnh ván hòm rải rác. Sự thật đã quá rõ ràng: đống của đã bị kẻ khác đào lên và cuỗm mất từ lâu!
 
Một tay đầu têu thất thế

Thật là cả một sự thay đổi đột ngột, cả bọn đứng ngây người như phỗng đá. Chỉ một mình Xin-ve là còn tự chủ. Trước đây mấy phút, hắn cũng chăm chăm nghĩ đến kho tiền; và bỗng chốc trước mắt hắn, tất cả hy vọng đều sụp đổ. Nhưng hắn không hề rối trí. Hắn bình tĩnh, đổi ngay kế hoạch đối phó, không đợi cho bọn kia kịp trở tay. Hắn bảo nhỏ tôi:
“Dim, cầm lấy cái này mà phòng thân". Hắn đưa cho tôi một khẩu súng lục đã nạp sẵn đạn. Rồi hắn kéo tôi lùi về phía bên kia miệng hố. Xong, hắn gật đầu ra hiệu cho tôi sẵn sàng phòng bị. Cử chỉ hắn trở lại dịu dàng tử tế. Nghĩ đến sự tráo trở của hắn vừa rồi tôi tức giận đến lộn ruột. Không nhịn được, tôi bảo nhỏ hắn:
“à, ra bây giờ ông lại muốn quay sang phía khác!" Hắn không kịp đáp lại. Bọn giặc đã quát tháo ầm ĩ rồi nhảy ùa xuống hố. Chúng lấy tay bới đất lung tung. Mo-gan tìm được một đồng tiền vàng. Đồng tiền vàng được chuyền từ tay kẻ này qua tay kẻ khác. Đến lượt tên Giót, hắn cầm đồng tiền lên, đưa về phía Xin-ve xỉa xói:
-Đây, kho tiền của bố mày đây, đồ chó đẻ! Xin-ve vẫn ngông nghênh đáp:
-Hãy cứ đào đi! Đào đi! Sẽ tìm được cái cóc khô đấy! Tên Giót gầm lên:
-Cái cóc khô hả! Anh em có nghe hắn nói gì không? Rõ ràng hắn là thằng phản bội! Xin-ve đáp:
-Giót ơi! Mày lại muốn lên mặt thuyền trưởng đấy hả? Nhưng lần này, đứa nào cũng về cánh với tên Giót. Bọn chúng nhảy lên khỏi hố, mắt gườm gườm nhìn về phía chúng tôi. Thế là đôi bên đều đứng ghìm nhau, không ai nói với ai một lời. Một bên hai người, một bên năm người, giữa là một cái hố sâu. Chẳng một ai dám gây sự trước. Xin-ve chống nạng đứng ngay người, đưa mắt nhìn sang bọn kia một cách hết sức bình tĩnh. Về sau, tên Giót lên tiếng trước, bảo bốn tên kia:
-Anh em ơi! Bên chúng chỉ có hai. Một thằng già què với một thằng trẻ ranh. Thằng què là đứa đã lừa phỉnh chúng ta, còn thằng nhãi xấc láo kia, tôi muốn vặn cổ nó đây! Anh em ta còn đợi gì mà không khử chúng đi?
Vừa nói xong, hắn giương súng lên chực bắn. Nhưng ngay lúc ấy, ba phát đạn từ bụi rậm đã cùng bắn ra một lúc. Tên Giót ngã nhào xuống hố. Tên giặc có buộc băng ở đầu thì quay như gà ăn bọ xít, rồi ngã vật ra, quằn quại một lúc trên mặt đất. Còn ba tên kia thấy thế liền quay đầu chạy thẳng một mạch. Bác sĩ Ly, Grây và Ben-gun ở trong lùm cây bước ra, miệng súng trường hãy còn bốc khói. Vừa ra, bác sĩ đã hô to:
-Chạy mau! Chạy mau! Phải đến chiếm thuyền trước mới được! Tất cả chúng tôi đều chạy như bay như biến, chạy qua bụi bờ gai góc. Xin-ve cũng tức tốc bám sát theo sau. Hắn gắng gượng một cách phi thường, dẫu người khỏe cũng không sánh kịp. Hắn chống nạng nhảy cao vót, tưởng đến rách cả bắp thịt ở ngực. Tuy vậy, hắn vẫn tụt lại sau. Hắn sắp đứt hơi ngã quỵ thì vừa may chúng tôi đã dừng lại dưới chân đồi. Hắn gọi to:
-Bác sĩ Ly! Hãy trông kìa! Còn kịp chán... Mà quả vậy, chúng tôi chẳng cần phải vội vội vàng vàng làm gì cho nhọc sức. Nhìn lại, chúng tôi thấy trên một quả đồi trụi, ba tên giặc sống sót đang chạy thẳng tới gò Cột Cái. Chúng tôi đã chặn ngang đường, không cho chúng nó xuống được bến thuyền. Cả bốn chúng tôi đều ngồi xuống thở. Xin-ve thong thả lại gần chúng tôi. Vừa lau mồ hôi, hắn vừa nói:
-Xin đa tạ bác sĩ đã vừa vặn cứu tôi và cậu Dim thoát chết! A! Anh đấy hả, Ben-gun? Ben-gun vặn vẹo người như con lươn, bối rối đáp:
-Vâng, vâng, Ben đây! Cảm ơn ông hỏi tôi. Còn ông, ông mạnh khỏe đấy chứ? Xin-ve nói khẽ với Ben-gun:
-Ai ngờ chính anh lại đi hại tôi! Bác sĩ bảo Grây đi lấy một cái cuốc của bọn giặc bỏ lại trong khi chạy trốn. Còn chúng tôi thì thong thả đi xuống bến. Vừa đi, bác sĩ vừa vắn tắt thuật qua câu chuyện xảy ra. Ai ngờ anh chàng Ben-gun ngớ ngẩn kia lại là vai chính trong câu chuyện...
Số là trong lúc lang thang trên đảo, Ben-gun đã gặp bộ xương người. Chính hắn đã lấy tất cả đồ đạc của người chết. Chính hắn đã tìm ra kho của và đã tự đào lấy. Cái cán cuốc gẫy là của hắn vứt lại. Một mình hắn đã lịch kịch khuân vác lần hồi và chuyển được hết của cải dưới gốc thông to đem về hang của hắn ở trên núi hai ngọn. Hai tháng sau thì chiếc tàu của bác sĩ đến. Tất cả những điều này hắn đã nói với bác sĩ ngay buổi chiều hôm bác sĩ đến gặp hắn. Sáng hôm sau, khi thấy tàu đã mất, bác sĩ mới tìm đến Xin-ve, giao cho hắn bức địa đồ. Bác sĩ nhường cho hắn tất cả lương thực, vì trong hang của Ben-gun đã có trữ rất nhiều thịt dê ướp muối. Xin-ve xin gì bác sĩ cũng cho, cốt để rút ra được khỏi đồn một cách êm thấm. Nhóm của bác sĩ liền dời đến ở trên núi hai ngọn; như vậy vừa tránh được bệnh sốt rét, vừa giữ gìn được kho của... Còn về chuyện của tôi thì sáng nay, bác sĩ đã biết được bọn giặc mò đi tìm kho của. Bác sĩ liền tức tốc chạy về hang, bảo Ben-gun và Grây đi theo. ông Chi thì ở nhà coi sóc thuyền trưởng. Bác sĩ đã đi đường tắt để đến trước tại gốc cây to. Nhưng ông nhận thấy bọn giặc đi mau hơn. ông vội cho Ben-gun dùng tài đi nhanh, đến trước để tùy cơ ứng phó. Ben-gun đã nghĩ ra cách lợi dụng lòng mê tín của đồng bọn, làm cho chúng một phen mất hồn. Nhờ cái mưu kế thần tình ấy mà bác sĩ và Grây đã có đủ thì giờ đến kịp trước khi bọn giặc kéo đến. Xin-ve bảo:
-Chao ôi! May phúc cho tôi là có cậu Dim bên cạnh. Nếu không, tôi có bị băm thây đi nữa thì chắc bác sĩ cũng chẳng thèm đoái hoài đến... Bác sĩ vui vẻ trả lời:
-Chẳng thèm đoái hoài đến thật!
Lúc ấy chúng tôi vừa đến chỗ thuyền đỗ. Bác sĩ cầm cuốc phá tan đi một chiếc. Chúng tôi xuống cả một chiếc và cho thuyền đi về phía bắc. Đường đi xa độ tám, chín hải lý. Tuy mệt nhoài, Xin-ve vẫn cầm lấy một mái chèo. Chẳng bao lâu chiếc thuyền vùn vụt lướt trên mặt biển phẳng lì. Chúng tôi đi qua trước mặt hòn núi hai ngọn. Trước cửa hang, chúng tôi đã thấy có một người đứng tựa vào khẩu súng trường. Đó là ông Chi. Chúng tôi lấy khăn tay ra vẫy và reo mừng ba tiếng thật to. Xin-ve cũng hớn hở reo theo, nhiệt tình không kém. Đi được ba hải lý, chúng tôi ngạc nhiên vì đã thấy chiếc tàu đương bập bềnh trên ngọn sóng. Ngọn thủy triều đã dâng tàu lên. Nếu ở đây có gió và dòng nước mạnh như ở phía nam, chưa chắc chúng tôi đã tìm thấy lại chiếc tàu. Chúng tôi xem xét lại tàu, thấy không hư hỏng mấy. Chỉ thiệt có cánh buồm to. Chúng tôi làm neo, buộc tàu lại rồi để Grây ở lại canh gác. Còn cả bọn tiếp tục đi về hang của Ben-gun. ông Chi ra tận cửa hang đón chúng tôi. Đối với tôi, ông Chi tỏ ra rất thân yêu niềm nở. ông không hề đả động đến chuyện tôi trốn đi. Thấy Xin-ve chào ông lễ phép, ông bực tức bảo tên bếp tàu:
-Xin-ve! Anh thật là một thằng đểu giả, đốn mạt! Người ta đã khuyên tôi không nên trừng trị anh. Tôi đã đồng ý. Nhưng... Xin-ve lại cúi đầu chào ông Chi một lần nữa rất lễ phép:
-Tôi xin đội ơn ông nhiều... ông Chi quát to:
-Tôi cấm anh không được cảm ơn tôi! Làm ơn với anh tức là làm trái với nhiệm vụ và lương tâm của tôi. Thôi, anh cút đi cho khỏi bẩn mắt tôi! ông Chi nói xong, quay gót cùng chúng tôi bước vào hang. Hang này rộng rãi và thoáng. Một con suối nhỏ chảy trên cát và một ao nước trong veo. ông thuyền trưởng đương nằm gần bên đống lửa. Trong cùng, qua ánh lửa lung linh, tôi thấy chất một đống tiền kếch xù và từng chồng vàng nén đồ sộ. Đó là kho của gom góp trong suốt cuộc đời đầy tội ác của tên tướng giặc Phơ-linh. Thấy tôi, ông thuyền trưởng nói:
-Cậu Dim! Vào đây. Cậu thật là một thiếu niên dũng cảm. Nhưng cũng khá vô kỷ luật! à! Xin-ve đấy à? Ai cho anh vào đây? Xin-ve đáp:
-Thưa ông thuyền trưởng, tôi trở về với nhiệm vụ. Thuyền trưởng chỉ "à" một tiếng rồi không nói gì nữa... Chiều hôm ấy, tôi ăn một bữa cơm ngon miệng lạ thường. Có đủ mặt những người thân yêu, có món thịt dê ướp muối của Ben-gun, lại có cả một chai rượu cũ, mới lấy ở tàu lên. Trong đời tôi, không bao giờ tôi quên được cái phút vui sướng này. Còn Xin-ve thì vẫn ngồi đó. Tuy ngồi riêng một mình trong xó tối, nhưng hắn ăn uống xem ra cũng ngon lành như ai. Thấy chúng tôi vui, hắn cũng vui, thấy chúng tôi cười, hắn cũng cười theo. Nói tóm lại, hắn lại trở về với cái lốt của tên bếp tàu hiền lành, khúm núm khi xưa.
 
Đoạn cuối

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy thật sớm, bắt tay vào việc chuyển tiền và vàng xuống tàu. Công việc cũng khá nặng nhọc vì từ hang đến chỗ tàu đậu cách xa hàng dặm. Đối với ba tên giặc sống sót, chúng tôi cũng không ngại lắm. Chỉ cần một người đứng canh trên đỉnh đồi để khi có biến, báo hiệu kịp, là đủ. Vả lại, tinh thần bọn chúng chắc cũng đã tan rã lắm rồi. Tất cả mọi người lớn đều chia nhau đi khuân tải và xếp vàng xuống tàu. Riêng tôi còn bé, nên ở nhà giữ việc xếp các thứ tiền vàng vào bao. Thật là đủ các loại các kiểu tiền hết sức lạ lùng, hiếm có. Nào tiền Anh, tiền Pháp, tiền Tây Ban Nha, tiền Bồ Đào Nha, tiền ý, đúc đủ các hình vua chúa châu Âu trong thế kỷ trước. Lại có cả các loại tiền á Đông, chạm trổ li ti hết sức kỳ quặc. Đồng thì tròn, đồng thì vuông, có đồng đục lỗ ở giữa như để đeo cổ. Còn nói đến số tiền thì nhiều hơn lá rừng, không sao đếm xuể. Tôi cúi nhặt đến mỏi cứng cả lưng, đau điếng cả mấy đầu ngón tay. Công việc phải làm liên miên trong nhiều ngày mới xong... Tôi nhớ đâu như chiều hôm thứ ba, bác sĩ Ly và tôi đương dạo chơi lững thững trên dốc đồi, thốt nhiên chúng tôi nghe văng vẳng những tiếng hát, tiếng gào từ trong bóng tối âm u dưới đồi đưa lại. Bác sĩ nói:
-Đúng là tiếng của mấy tên giặc sống sót! Xin-ve đi sau cũng nối lời:
-Thưa bác sĩ, chúng nó đều đang say mềm cả đấy.
Từ hôm về ở với chúng tôi, Xin-ve vẫn cố tỏ ra hết sức mẫn cán, trung thành. Tuy bị khinh khi bạc đãi, hắn vẫn cố lăn mình vào chịu đựng. Hắn chịu nhẫn nhục đến mức làm tôi phải ngạc nhiên. Hắn cố xun xoe khúm núm, qụy lụy mọi người để mọi người thương. Tuy vậy, tất cả mọi người đều coi hắn như con chó ghẻ. Chỉ có Ben-gun là còn có ý nể hắn. Vì thế, hôm ấy thấy hắn chõ vào câu chuyện, bác sĩ đã nói cộc lốc:
-Anh biết chúng say hay mê sảng nào? Xin-ve đáp:
-Ngài nói chí lý! Say hay mê sảng thì cũng thế thôi! Bác sĩ cười khinh bỉ:
-Anh là giống người hay giống thú? Tôi nói cho anh biết, nếu tôi rõ chúng đang lên cơn sốt mê sảng, tôi sẽ không ngần ngại tìm đến để chữa chạy cho chúng! Nghe tôi nói thế, anh ngạc nhiên lắm phải không? Xin-ve nhăn nhở nói:
-Thưa ngài, ngài cho phép tôi nói, nếu ngài làm vậy, tôi e hoài mất cái th.ân thể quý báu của ngài. Bọn ấy không thể giữ lời hứa được. Dù chúng có muốn giữ cũng không giữ được đâu! Bác sĩ ngắt lời:
-Tôi biết, chỉ có anh là người biết giữ lời...
Thế rồi một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi kéo neo, cho tàu rời bến. Trên tàu lại phấp phới lá cờ Tổ quốc, lá cờ trước đây ông thuyền trưởng đã hiên ngang dựng trên nóc đồn. Có lẽ ba tên giặc vẫn bám sát theo chúng tôi mà chúng tôi không hay. Khi tàu đi gần sát mũi đất phía nam, chúng tôi thấy cả ba đứa đang đuổi theo, mỗi đứa lăm le một khẩu súng trên tay. Thấy tàu chạy mỗi lúc một xa, một đứa trong bọn vụt quát to một tiếng và bắn theo một phát. Viên đạn hắn ngắm đã trúng ngay vào đầu Xin-ve. Chúng tôi vội vã ngồi thụp xuống đằng sau bao lơn. Về sau, dòm ra thì thấy chúng đã không còn ở trên bãi cát nữa... Khi chúng tôi trông lại thì Xin-ve đã nằm còng queo, chết hẳn. Thấy thế, Ben-gun và Grây thở ra một hơi dài khoan khoái như trút được một gánh nặng trên vai. Đó là sự việc cuối cùng đáng nói trước khi chúng tôi rời xa hẳn đảo. Bãi cát đằng sau chúng tôi dần dần biến mất. Đến trưa, ngọn 189 190 núi cao nhất trên đảo đã tụt xuống chân trời mênh mông xanh ngắt. Chung quanh tôi, biển rộng, trời cao. Tôi lâng lâng nhìn ra sóng biển nhấp nhô rồi lại nhìn vào đống vàng để trong tàu. Bên tai tôi lại văng vẳng tiếng ông Chi sang sảng nói với bác sĩ Ly khi lần đầu xem bức bản đồ:
-Một kho vàng phi nghĩa sắp trở thành một kho vàng có ý nghĩa. Một kho vàng nằm im vô dụng... giờ đây được đem lên, để làm tươi sáng bao khuôn mặt khổ nghèo.
(Theo bản tiếng Pháp "L’ile au trésor" của nhà xuất bản "G.P." Pa-ri, 1949)Kết Thúc (END)
 
cám ơn đã chia sẻ
 
×
Quay lại
Top