Đánh giầy

Khuyet Danh

Tôi đi tìm tôi?!
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2013
Bài viết
162
Những khi thong thả tôi hay ngồi thư giãn ngoài đường phố, và chỉ một lúc cũng đếm được tới mươi người đánh giày đi qua chào mời, nhưng đông nhất là các bé trai tầm 12, 13 tuổi.

Các bé thường xách theo một cái làn nhựa căng phồng đựng đủ thứ đồ nghề và toòng teng vài đôi dép xốp cho khách thay tạm. Có người gọi, bé nhanh nhẹn mang giày của khách ra một góc vắng làm việc.

Tôi nhận thấy khi làm bé phải dành một tay cầm giày còn tay kia cầm dụng cụ nên chậm, nhất là khi đánh bóng, những người lớn tay khỏe thường làm nhanh và đẹp hơn... phải chi thiết kế một cái cốt xỏ giày để bé có thể thao tác bằng hai tay? Tôi nhớ 60 năm trước, là một đứa bé lên 7 tuổi thường chạy nhông ngoài đường tôi vẫn tò mò đứng xem các anh lớn đánh giày.

Khách đánh giày ngồi tựa lưng ghế đặt chân lên hòm gỗ có thể thoải mái uống cà phê và chuyện trò với bạn trong lúc thằng bé đánh giày quỳ gối lom khom xoay sở với đôi giày bẩn. Đến công đoạn cuối thằng bé dùng cả hai tay kéo một miếng nỉ dài đánh bóng cả phần mũi lẫn phần gót giày của khách, ông khách nhúc nhắc chân, lúc nhấc mũi lúc xoay gót hài hòa với thao tác của thằng bé, một lúc đôi giày bóng loáng... "Ơ kê ra!" tôi thầm reo lên: bàn chân của khách chính là một cái cốt xỏ giày hoàn hảo, hoàn hảo hơn cả những công trình tự động hóa hoàn hảo nhất mà tôi làm được.

Có một bé đánh giày đi tới, dù giày còn sạch tôi vẫn vẫy bé lại. Thay vì tụt giày tôi ân cần hỏi han bé và phân tích về cách đánh giày cũ tôi vừa nhớ lại. Tôi bảo: "Bây giờ thử kiểu mới nhé, chú sẽ để chân lên cái ghế này, cháu đánh giày đi!". Cậu bé nhíu mày nhìn tôi nghi ngại. Đồ rằng bé chưa hiểu tôi đề nghị: “Bây giờ đảo vị trí: cháu xỏ giày của chú, ngồi lên ghế, đặt chân vào đây, chú sẽ đánh giày cho cháu xem, vẫn trả tiền cháu đầy đủ. Được không?". Tưởng rằng đi rạc cẳng cả buổi có khách gọi thằng bé sẽ hào hứng làm nào ngờ nó ngẫm nghĩ rồi lắc đầu, bậu môi đáp:"Cũng được... cơ mà... trông nô lệ lắm. Cháu không làm đâu!". Rồi nó xách làn quày quả bước đi.

Tôi sững sờ nhìn theo thằng bé đi, những bước chân đĩnh đạc, lại chợt nhớ một ngày 60 năm trước, lúc tôi vừa 7 tuổi. Đấy là ngày 10-10-1954, đúng 15 giờ còi trên nóc tháp nước Hàng Đậu rú vang báo hiệu lễ chào cờ ở sân Manzin bắt đầu. Cha tôi mở cửa ban công cho tôi nhìn đường phố, nơi mà tối hôm trước tôi chỉ dám nhìn qua lỗ khóa thấy người lính Âu Phi chống súng đứng trong hàng quân chờ qua cầu Long Biên.

Chỗ người lính đứng giờ là một chú bé đánh giày. Cha tôi chỉ: "Con hãy học ý thức của chú bé đánh giày". Tôi quan sát: đường phố lặng phắc. Cậu bé đánh giày đứng nghiêm giữa đường, cái hòm gỗ để bên chân, mắt nó hướng về cái loa trên cột điện đang phát ra tiếng nhạc của dàn kèn đồng bài "Đoàn quân Việt Nam đi...".

Hình ảnh của hai cậu bé giống nhau như chiếu qua gương, mà không, như chiếu qua lăng kính trong suốt, xuyên suốt 60 năm đã giải nghĩa cho tôi: Khi người ta đã một lần đứng nghiêm thì không bao giờ có thể quỳ nữa, dù chỉ để đánh giày, theo yêu cầu của một người khách Việt, để độ nhật, mưu sinh…

Nguyễn Hoàng Huy
Theo Pháp luật & Đời sống
 
×
Quay lại
Top