Đằng sau bộ phim của “nữ sinh viết thư hay nhất UPU”

cacabala00

Cựu quản lý
Tham gia
26/5/2010
Bài viết
811
Đằng sau phim ngắn 3 phút “Buổi học của Thúy” là những tâm tư tuổi học trò, những kỷ niệm hậu trường làm phim và nỗ lực kiên trì để tự khẳng định năng lực của ba cô học trò cùng chung niềm đam mê điện ảnh.


Phim chuyển thể từ truyện ngắn của Hiếu Hiền
Sau thông tin em Hồ Thị Hiếu Hiền, học sinh vừa đoạt giải nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU lần thứ 39, và 2 cộng sự cùng Trường THCS Tây Sơn, TP Đà Nẵng là Kiều Thảo Vy (lớp 8/9) và Võ Thị Hoàng Mỹ (lớp 9/4) đoạt giải nhất cuộc thi "Làm phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam - kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, chúng tôi đã tìm gặp nhóm các em.
dao%20dien%200710.jpg

Đạo diễn Hiếu Hiền (bên trái) và diễn viên chính Hoàng Mỹ trong phim “Buổi học của Thúy”.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết tựa đề phim “Buổi học của Thúy” cũng chính là tên truyện ngắn đã đạt giải nhất Trại hè sáng tác do TP Đà Nẵng tổ chức vào tháng 7/2010 của Hiếu Hiền. “Đạo diễn nhỏ” Hiếu Hiền chia sẻ: trong vai trò lớp trưởng, em thường xuyên gần gũi và trò chuyện với các bạn học ở lớp, nhất là những bạn học có hoàn cảnh đặc biệt. Em đã được nghe nhiều những câu chuyện, tâm sự của bạn bè ở trường và cả ở nhà. Trong đó, có nhiều những than phiền về việc các bạn không thể nào tập trung trong giờ học ở nhà vì đủ thứ lý do. Chuyện của Thúy không phải là chuyện của riêng ai mà là tất cả mong muốn của học trò bọn em, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện học tập từ gia đình. Em cũng hiểu được, gia đình ảnh hưởng không nhỏ đến việc học và thành quả học tập của mỗi bạn. Và em sáng tác truyện ngắn “Buổi học của Thúy” với ý tưởng từ thông điệp đó. Câu chuyện xoay quanh giờ tự học ở nhà vào buổi tối của cô bạn tên Thúy. Buổi học của Thúy luôn bị gián đoạn lúc Thúy đang đọc đề bài tập, lúc Thúy đang suy nghĩ về cách làm bài… bởi bị ba mẹ sai vặt, có cả những câu la mắng của ba mẹ chen ngang. Và đặc biệt là cậu em nhỏ nghịch ngợm luôn trêu chọc, phá bĩnh lúc chị gái đang tập trung học. Đến tận khi kim đồng hồ gác điểm 11h khuya, Thúy vẫn chưa hoàn thành bài học để ngày mai đến lớp và thiếp đi trên bàn học vì mệt mỏi.
Vừa nghe Hiếu Hiền chia sẻ về ý tưởng phôi thai truyện “Buổi học của Thúy”, em Võ Thị Hoàng Mỹ, người đóng vai Thúy trong bộ phim của nhóm, tiếp lời: “Biết bạn Hiếu Hiền có chung niềm đam mê điện ảnh và sẵn có kịch bản rất hay từ truyện ngắn “Buổi học của Thúy”, em và Thảo Vy đã rủ Hiền tham gia cuộc thi làm phim được thông báo trên mạng. Tụi em tự tin khi làm cộng sự cùng Hiếu Hiền chuyển thể truyện thành phim vì năm trước đó em và Thảo Vy đã có kinh nghiệm khi tham gia cuộc thi làm phim dành cho lứa tuổi học sinh và đoạt giải triển vọng toàn quốc với phim ngắn mang tựa đề “Con què” xoay quanh tâm sự riêng và sự thay đổi trong thái độ của bạn bè đối với một cô bạn học bị khuyết tật ở chân.”.
Hoang%20My%200710.jpg

Em Võ Thị Hoàng Mỹ, người đóng vai Thúy trong bộ phim “Buổi học của Thúy”.
Vậy là, khi có kịch bản hay, có thông điệp tích cực, có kinh nghiệm và cùng chung niềm đam mê điện ảnh, ba cô học trò Trường THCS Tây Sơn bắt tay vào làm phim “Buổi học của Thúy” để gửi dự thi.
Hơn 10 ngày cho 3 phút ưng ý nhất
Để có được bộ phim ngắn 3 phút mà vẫn chuyển tải được trọn vẹn thông điệp từ truyện ngắn “Buổi học của Thúy”, cả ba bạn đã mất hơn 10 ngày kể từ lúc bấm máy với bao khó khăn và kỷ niệm hậu trường khó quên.
Đạo diễn nhỏ Hiếu Hiền cho biết: Diễn viên đóng vai Thúy thì đã có chị Hoàng Mỹ nhưng tìm đâu ra một cậu em trai nhỏ, còn là học sinh tiểu học hay nhỏ hơn, đặc biệt là em ấy phải biết diễn phim. Vậy là tụi em lân la để ý tìm kiếm các em nhỏ ở các trường tiểu học, tìm quanh trong hàng xóm. Có em nhỏ tụi em đã thuyết phục tham gia làm phim được rồi nhưng khi đóng phim, em lại khóc, nghịch thiệt chứ không phải diễn. Mấy lượt mới tìm được một em diễn tốt là em Khải, học sinh lớp ba, con của cô Phan Thị Tú Trinh, cô giáo bộ môn Anh văn trong trường. Vì bộ phim phải lồng tiếng Nhật nên với kiến thức một, hai năm học tiếng Nhật của bọn em vẫn có những lời thoại phức tạp. Vậy là bọn em nhờ một cô ở trung tâm dịch thuật giúp thêm cho hoàn chỉnh.

Sau khi bài báo này lên trang, nhiều độc giả gửi yêu cầu đề nghị báo điện tử Dân trí đăng clip phim “Buổi học của Thúy” để mọi người cùng được xem.

Trước đó, PV báo Dân trí đã trao đổi việc này với ban giám hiệu Trường THCS Tây Sơn, TP Đà Nẵng. Nhà trường cho biết phim sẽ được gửi đi dự cuộc thi “Làm phim quốc tế dành cho trẻ em châu Á” tại Nhật Bản. Do vậy, hiện nay chưa công bố phim.

Dự kiến, đầu tháng 12 tới, “đạo diễn” Hiếu Hiền và hai cộng sự sẽ tới thành phố Ibushiki, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản dự cuộc thi này.
Hoàng Mỹ và Thảo Vy chia sẻ thêm: Lúc bấm máy quay thì có lúc máy bị hư, vậy là tụi em phải tìm và mày mò chức năng quay phim của các máy ảnh kỹ thuật số. Cuối cùng tụi em quay được tổng cộng 120 phút trong khi yêu cầu của cuộc thi là một phim ngắn 3 phút. Làm sao để chọn được những cảnh quay ưng ý nhất và làm sao để cắt và ghép các cảnh quay vào lại nhau để đủ vừa vẹn 3 phút và quan trọng là chuyển tải được thông điệp của bộ phim. Ban đầu bọn em tính nhờ thợ ở tiệm làm ảnh. Nhưng từ 120 phút chuyển sang 3 phút quá mất thời gian, chẳng có tiệm nào nhận giúp. May mà hàng xóm của bạn Hiếu Hiền có một anh biết và chỉ bọn em tìm các phần mềm cắt ghép video trên mạng. Vậy là tụi em lên mạng tìm rồi mày mò kiên trì. Công đoạn tuyển chọn rồi cắt cảnh và ghép thành phim liền mạch để có 3 phút ưng ý nhất, bọn em mất gần 1 tuần, hơn một nửa thời gian làm phim.

Trải qua nhiều trục trặc, khó khăn hậu trường để có được bộ phim hoàn chỉnh gửi dự thi nên cả ba cô học trò vui như hội khi biết tin phim “Buổi học của Thúy” đoạt giải nhất toàn quốc cuộc thi "Làm phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam - kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
ba%20ban%200710.jpg

Để có được 3 phút phim ưng ý, ba bạn Thảo Vy, Hiếu Hiền, Hoàng Mỹ (từ trái sang) đã mất hơn 10 ngày quay phim và xử lý phim.
Nhóm làm phim cứ dặn đi dặn lại chúng tôi, khi nào bài đăng báo cho các em gửi lời cám ơn đến thầy cô và các bạn học cùng lớp đã cổ vũ, hỗ trợ rất nhiều khi nhóm làm phim. Nhất là cô giáo dạy văn Phạm Thị Phong - người lồng tiếng vai người mẹ.
Hiếu Hiền chia sẻ: “Vì phim rất ngắn nên diễn viên đóng vai người mẹ không xuất hiện trong phim mà chỉ có giọng nói vọng vào phòng học của Thúy trong phim. Cô Phong và rất nhiều thầy cô, bạn bè đã thầm lặng giúp đỡ để bọn em có được thành quả ngày hôm nay”.
fc8buc%20thu%20080910.jpg

Bức thư và nét chữ viết tay mềm mại của em Hồ Thị Hiếu Hiền.

Dân trí xin trân trọng đăng tải giới thiệu đến bạn đọc toàn văn bức thư gửi đến đạo diễn Trương Nghệ Mưu của Hiếu Hiền:​
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu kính mến!
Khi gửi lá thư này đi, cháu cứ mong từng ngày nó sớm đến được tay ông. Rồi cháu lại lo rằng khi nhìn thấy địa chỉ lạ hoắc: “Người gửi: Hồ Thị Hiếu Hiền - Việt Nam” không biết ông có giở thư ra đọc hay không? Ông ơi! Cháu mong ông bớt chút thì giờ vàng ngọc để lắng nghe tâm sự của cháu, biết đâu ông sẽ thấy trong đó một điều gì lớn lao hơn tình cảm thông thường của người hâm mộ dành cho thần tượng.

Thưa ông, cháu mới có ý định viết thư cho ông sau khi trường cháu phát động Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 39 về đề tài phòng chống căn bệnh AIDS. Để cho bài viết của mình có cơ sở thực tế, cháu đã đi tìm hiểu một số đối tượng xem mọi người hiểu biết và phòng chống AIDS như thế nào.
Đầu tiên, cháu hỏi bà, bà cháu bảo: “Bà sống từng này tuổi đầu rồi mà chưa biết mặt mũi con “Ết” nó thế nào. Bà nghe nói nó ở trong người những kẻ sống buông thả chẳng ra gì. Cháu đừng đến gần họ kẻo con “Ết” nó dính vào người.” - Ôi, bà cháu chẳng hiểu gì về AIDS cả, ông nhỉ?
Khi nghe cháu hỏi, cả bố mẹ cháu đều cho rằng: “AIDS là căn bệnh suy giảm hệ miễn dịch ở cơ thể người do vi rút HIV gây ra. Bệnh này rất nguy hiểm vì hiện chưa có thuốc chữa khỏi. Con phải tuyệt đối tránh xa các tệ nạn như nghiện hút, t.ình d.ục bừa bãi thì mới bảo vệ được mình.” Mẹ cháu còn dặn đi dặn lại: “Nếu ở lớp có bạn nào bị nhiễm HIV thì con phải nói ngay để bố mẹ xin chuyển trường, chuyển lớp cho con.” - Bố mẹ cháu là công chức mà cũng còn kì thị với người có H đấy.
Cháu lại hỏi cả em cháu, em quả quyết: “Lớp em thì chưa có bạn nào bị AIDS chứ nếu có, em sẽ đeo khẩu trang hoặc nghỉ học ở nhà luôn.” - Thật buồn cười, em lại tưởng AIDS cũng giống H1N1.
Đi đường, cháu có hỏi cô công nhân đang quét rác, cô liền chỉ tay vào mấy cái vỏ ống tiêm nằm lăn lóc bên vệ đường: ”Kia kìa, vi-rút HIV chứa trong những ống tiêm đó cháu!” - Hiểu biết của cô công nhân cũng chưa thật đầy đủ phải không ông?
Đến lúc vào nhà hàng ăn uống, cháu lại gợi chuyện ông chủ. Ông ta nhanh nhảu: “ Si-đa à? Cứ nhìn người nào ốm yếu, đi đứng dặt dẹo, trên người nổi nhiều mụn nhọt là đích thị rồi! Cháu đừng lo, ông không bao giờ để cho họ vào ăn uống làm lây bệnh cho khách.” - Trời, thật tội nghiệp cho những ai không có H nhưng lại có vẻ bề ngoài giống như ông ấy tả. Ông ấy đâu biết rằng HIV không hề lây qua đường ăn uống hay giao tiếp thông thường và hiện nay chúng ta đang sống chung với AIDS.
Khi đến lớp, cháu cũng trao đổi với các bạn nhưng nhiều bạn lại tỏ ra rất thờ ơ, cho rằng việc phòng chống HIV/AIDS là việc của các cơ quan y tế, lớp mình có ai bị AIDS đâu mà lo! - Thái độ của các bạn cháu cứ bàng quan như thế chả trách mỗi ngày có tới một ngàn trẻ em dưới mười lăm tuổi bị nhiễm HIV.
Cháu còn điều tra thêm một số trường hợp nữa nhưng hầu hết ai cũng rất lơ là. Cháu thực sự lo ngại trước thực trạng này và muốn viết một bức thư kêu gọi mọi người hãy nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để phòng chống được căn bệnh này. Thế nhưng đã mấy hôm nay, cháu ngồi nghĩ mãi mà không biết viết thế nào, đành gác bút ra xem ti vi. Lúc này trên kênh truyền hình đang chiếu bộ phim “Hoàng Kim Giáp” do ông đạo diễn. Bộ phim hay quá! Thảo nào, cháu thấy người ta ca ngợi ông rất nhiều trên mạng. Bằng một loạt phim nổi tiếng thế giới như: Cao lương đỏ, Phải sống, Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao, Thập diện mai phục, Hoàng Kim Giáp…, ông đã chinh phục được trái tim của tất cả mọi người.
Đột nhiên, một ý nghĩ vụt lóe lên trong cháu: ước gì cháu cũng có tài làm phim như ông nhỉ? Cháu sẽ xây dựng ngay những tác phẩm điện ảnh thật hay về đề tài HIV/AIDS để thức tỉnh loài người. Ông ạ, bộ phim đầu tay của cháu sẽ là câu chuyện đầy cảm động về một mối tình lãng mạn và bi ai: chàng và nàng yêu nhau tha thiết song cuối cùng vẫn không lấy được nhau chỉ vì một trong hai người có H. Tiếp đến là bộ phim có tên “Phải chết” cũng sẽ nổi tiếng không kém gì bộ phim “Phải sống” của ông. Qua phim, cháu muốn gửi gắm một thông điệp: con người ta không muốn chết sớm mà phải chết, vì không ngờ Thần Chết lại luôn phục sẵn trong các hành vi nguy cơ cao như t.ình d.ục không an toàn và sử dụng bơm kim tiêm chung... Hầu hết phim do cháu sản xuất đều lấy cảm hứng từ những cảnh đời rất thực và nhân vật chính là những nạn nhân đáng thương của AIDS. Đó là một vị công chức suốt đời phấn đấu, giữ gìn thế mà chỉ một phút ham vui đã đánh mất đi tất cả. Một nhân viên y tế bao ngày làm việc nghiêm túc, chỉ một chút lơ là đã vô tình lây nhiễm HIV. Một người lao động vất vả cả đời mới gây dựng nên một mái ấm gia đình nhưng đến cuối đời phải chết trong cô đơn, ghẻ lạnh. Những thanh thiếu niên đang tràn trề nhựa sống, một ngày kia lại trở nên thân tàn ma dại vì lỡ đua đòi hút chích, dùng chung bơm kim tiêm với người có H. Có em bé thơ ngây đôi mắt trong veo nhưng cha mẹ em đã sớm qua đời vì AIDS, còn em thì không biết lúc nào Thần Chết tới mang đi. Lại có cả những cô gái khi biết mình có H đã tính chuyện trả thù đời, gieo rắc cái chết cho bao người khác.
Chao ơi, bao nhiêu con người là bấy nhiêu số phận. Tất cả những yêu thương, đau xót, bạc bẽo, dại khờ cùng những hiểu biết cặn kẽ về cách thức phòng tránh AIDS sẽ được cháu chuyển tải vào phim một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Cháu hi vọng, với sức ám ảnh đặc biệt, những bộ phim này sẽ vào trong đốt lửa lòng người, xoa dịu nỗi đau, xóa đi mặc cảm và thức tỉnh lương tri của những người còn thờ ơ trước căn bệnh này.
Nhưng ông ạ, cháu thì “lực bất tòng tâm”, cháu nghĩ chỉ có ông mới có thể giúp cháu biến những ước mơ này thành hiện thực để cứu lấy nhân loại. Vì vậy, cháu rất mong được ông lắng nghe và thấu hiểu!




Kính thư!​




Hồ Thị Hiếu Hiền


(Lớp 6/9, trường THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng)

Dân Trí
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top