Đại học đậm mùi tiền!

minhtan20xx

Nhân Viên Tư Vấn
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2012
Bài viết
2.256
Những bất ổn ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng theo các chuyên gia giáo dục, xung đột lợi ích về tiền đã khiến không ít ĐH có nguy cơ sụp đổ.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh đến từ Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ kể: ông có quen một ông chủ của một ngôi trường ĐH tư ở Việt Nam. Anh ta không hề biết gì về giáo dục. Anh ấy đã mời một số giáo sư làm việc tại các trường ĐH lớn ở Việt Nam và cam kết cung cấp cho trường mỗi năm 10 tỉ đồng, sau đó sẽ giảm dần. Mong muốn của nhà đầu tư này là hoàn toàn phi lợi nhuận. Khi anh ta đầu tư được 60 tỉ đồng thì trường của anh có tiếng xấu về chuyện gian lận trong tuyển sinh.

Anh ta cảm thấy cực kỳ thất vọng khi tiền đầu tư không những không mang lại giá trị cho xã hội, mà còn mang tiếng xấu cho chính bản thân nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư này quyết định cho thôi chức vị hiệu trưởng thì ông hiệu trưởng này đã đòi nhà đầu tư phải đưa ra... 1 tỉ đồng mới chấp nhận nghỉ, vì hội đồng quản trị hoàn toàn không có quyền phế truất hiệu trưởng! Một chuyên gia giáo dục khác đã dẫn lại câu chuyện của ĐH Hùng Vương ở TP.HCM và đang “nín thở” theo dõi diễn biến tại ĐH Hoa Sen, cho rằng chung quy vẫn là xung đột lợi ích về tiền.

Đăng đàn tại hội thảo về một chủ đề khác, bà Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng ĐH Hoa Sen - cũng tranh thủ để nói về “xung đột lợi ích” mà theo bà là “vô cùng sóng gió giữa nhà đầu tư và người làm giáo dục”. Bà Phượng ít nhiều đề cập đến quyền lực bao trùm, bất khả xâm phạm của nhà đầu tư là vấn đề lợi nhuận, thậm chí cả nguy cơ trường sẽ bị thao túng, chiếm đoạt... Sự thật có đúng như vậy không? Nhưng có thể thấy “mùi tiền” đã hé lộ từ đây. Và bất luận thế nào, cuối cùng sinh viên cũng là người lãnh đủ mọi hậu quả khi sự cố xảy ra.

Thực tế bên cạnh các trường ĐH Hùng Vương, Hoa Sen, đã và đang có hàng loạt trường dân lập, tư thục khác âm thầm sang nhượng “thay tên, đổi chủ”, chung quy vẫn là chuyện tiền nong. Thiếu cơ sở về sở hữu, tính không rõ ràng giữa lợi nhuận và phi lợi nhuận, theo ông Minh, chính là một trong những nguyên nhân xảy ra tranh chấp giữa người vận hành trường và chủ sở hữu trường ngoài công lập hiện nay. Hơn nữa, quy định bắt buộc các trường phi lợi nhuận hóa, hạn chế quyền của chủ đầu tư và phải trích 25% lợi nhuận vào tài sản chung không chia, nhưng hiện nay các trường chỉ nói mà không vận hành đúng theo quy định này.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM, cho rằng không thể có giải pháp cụ thể như lĩnh vực kinh tế, nhưng “cần một không gian pháp lý để các trường tự tìm tòi, tự đổi mới. Chỉ khi chúng ta tự thay đổi thì mới thay đổi được”. Nhưng thật sự chúng ta có muốn đổi mới không? Ông Thành hỏi rồi tự trả lời: phải thành thật nói rằng chúng ta đang rất hạnh phúc nhờ có bộ chủ quản, nhờ cơ chế xin - cho và khi có lỗi thì có chỗ đổ trách nhiệm... Và như vậy, những bất ổn trong hệ thống giáo dục ĐH đang là một bài toán khó có thể giải quyết một sớm một chiều.

VÕ HỒNG QUỲNH

theo tuoitre
 
×
Quay lại
Top