Cuộc sống không giới hạn

svthichdocsach

Thành viên
Tham gia
14/10/2013
Bài viết
30
Thấu hiểu tận cùng những nỗi đau của con người, với óc khôi hài, sâu sắc và thông minh hiếm có, với hơn 1600 bài nói chuyện, phát biểu ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ ở 5 châu lục cho hơn 4 triệu người, Nick Vujicic đã trở thành biểu tượng của tinh thần vượt lên số phận và truyền nguồn cảm hứng mạnh cho các bạn trẻ trên thế giới. Những clip ghi cuộc nói chuyện cuả Nick trên Youtube được hàng trăm triệu bạn trẻ truy cập và giữ kỷ lục về lượng truy cập lien tục cao nhất nhiều năm liền.


Hãy để chính mình là điều kỳ diệu

Chàng thanh niên người Úc, Nicholas James Vujicic (sinh năm 1982), đã bước vào cuộc sống với hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã: Không có cả tay lẫn chân, ngay từ lúc chào đời.

Vượt lên tất cả, Nick đã sống một cuộc sống tuyệt vời, đã truyền cảm hứng và thái độ sống tích cực cho hàng triệu thanh thiếu niên trên hành tinh. Hiện Nick là chủ tịch và SEO của tổ chức quốc tế Life Without Limbs và là Giám đốc công ty Thái độ sống Attitude Is Altitude. Nick bắt đầu tham gia diễn thuyết từ năm 19 tuổi. Chính cuộc đời anh là một minh chứng sống thuyết phục nhất cho thái độ sống vượt lên tất cả, biến trở ngại bất hạnh thành cơ hội để trưởng thành.

Nick mắc hội chứng rối loạn gene hiếm gặp, gây ra sự thiếu hụt chân, tay. Người mẹ và người cha than yêu của anh lần đầu nhìn thấy con trai đã đau đớn tột cùng. Sự ra đời của Nick đã làm chao đảo cà cuộc sống của một gia đình. Lớn lên , bắt đầu ý thức về thân phận của mình Nick chỉ muốn biến mất khỏi cuộc sống: “Hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng đã có lúc nhấn chìm tôi.. Hơn ai hết, tôi từng muốn tự tử, và đã từng rất nhiều lần định bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng, tôi đã can đảm đứng dậy sau hàng ngàn lần ngã…”.

Điều gì đã khiến Nick đứng dậy và đi qua tất cả? Nick viết: “Thường thì chúng ta cứ tự nhủ rằng, mình không đủ thông minh hoặc không đủ hấp dẫn hoặc không đủ tài năng để theo đuổi những ước mơ. Chúng ta tin những gì người khác nói về chúng ta, hoặc tự đặt ra những giới hạn cho bản thân mình. Tồi tệ hơn, khi bạn tự coi mình là một người vô giá trị có nghĩa là bạn đang đặt ra giới hạn cho những điều kỳ diệu… Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi tin rằng, cuộc đời không cò bất cứ giới hạn nào hết. Cho dù những thách thức mà bạn đang đối mặt là gì đi nữa, cho dù những thách thức ấy có khốc liệt, nghiệt ngã đến mức nào chăng nữa, tôi cũng mong bạn hãy tin tưởng và cảm thấy như vậy về cuộc sống của chính mình…”.

Không giới hạn

Không có tay, Nick Vujicic vẫn chạm tới trái tim của hang triệu người. Không có chân, Nick vẫn đi tới khắp mọi nơi trên toàn thế giới.

Cuộc sống không giới hạn (Life Without Limits) Nick viết năm 27 tuổi. Quyển sách không chỉ đơn giản kể lại câu chuyện của cậu bé Nick không tay, không chân vượt qua khó khăn trong cuộc sống như thế nào, để có được cuộc sống tràn ngập tiếng cười ngày hôm nay ra sao. Mà vượt lên trên hết, đây là câu chuyện về nghị lực phi thường, ý chí vượt thoát khỏi hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận.

Nick hiện tại đang sống hạnh phúc bên Kanae Miyahara, một cô gái xinh đẹp. Đám cưới của họ diễn ra ngày 10/2/2012 ở California. Hàng trăm tờ báo đã gọi đám cưới của Nick là đám cưới thế kỷ, là mối tình đẹp như trong truyện cổ tích, là sự kiện tuyệt vời nhất, thông điệp có sức thuyết phục nhất về một tình yêu đẹp.

Tập đoàn xuất bản Random House ra mắt cuốn tự truyện Life Without Limits của Nick Vujicic vào tháng 10/2010 tại Mỹ và ngay lập tức trở thành cuốc sách best-seller, được săn lùng bởi các bạn trẻ trên thế giới muốn tìm hiểu về chàng trai truyền cảm hứng đặc biệt nhất hành tinh. Việt Nam là quốc gia thứ 20 xuất bản cuốn tự truyện này. First News đã giao dịch mua bản quyền Life Without Limits với Random House ngay từ khi cuốn sách vừa phát hành nhưng vì số lượng các nhà xuất bản và tổ chức Việt Nam muốn mua bản quyền cuốn sách này lên đến 21 đơn vị và có cả các tổ chức đào tạo, giáo dục lớn, trong đó có 3 nhà xuất bản của người Việt ở hải ngoại nên Random House tổ chức cuộc đấu giá bản quyền ngôn ngữ Việt. Sau 3 vòng đấu giá kéo dài 10 ngày, First News đã được Random House chọn là đơn vị ở Việt Nam độc quyền xuất bản Life Without Limits ấn bản tiếng Việt trên toàn thế giới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất bản Việt Nam, một cuốn sách của thế giới được nhiều nhà xuất bản trong nước giao dịch bản quyền bằng cách đấu giá theo chuẩn quốc tế trên mạng.

(Theo Xuân Huy, báo Sinh viên Việt Nam)
 

Đính kèm

  • CUOC SONG KO GIOI HAN2.jpg
    CUOC SONG KO GIOI HAN2.jpg
    1,3 MB · Lượt xem: 81
MỘT CUỘC SỐNG CÓ GIÁ TRỊ

Phải mất một thời gian dài tôi mới nghiệm ra những lợi thế tiềm ẩn trong hoàn cảnh nghiệt ngã của mình. Mẹ tôi mang thai tôi, đứa con đầu lòng của bà, khi bà hai mươi lăm tuổi. Mẹ tôi vốn là một nữ hộ sinh, làm việc tại một phòng hộ sinh nơi bà chăm sóc cho hàng trăm bà mẹ và những đứa con sơ sinh của họ. Mẹ tôi biết phải làm gì khi bà mang thai, biết duy trì chế độ ăn uống hợp lý, rất thận trọng khi dùng thuốc, không sử dụng đồ uống có cồn, không dùng aspirin hay bất cứ loại thuốc giảm đau nào. Bà tìm đến những bác sĩ giỏi nhất để khám thai định kỳ và các bác sĩ quả quyết với bà rằng tất cả mọi thứ đều ổn cả.

Mặc dầu vậy mẹ tôi vẫn bị ám ảnh bởi cảm giác lo lắng. Khi ngày trở dạ đến gần, bà thỉnh thoảng lại chia sẻ với cha tôi những nỗi lo lắng của mình. Bà nói, “Em hy vọng mọi chuyện với con chúng ta đều ổn cả”.

Trong hai lần mẹ tôi đi siêu âm, các bác sĩ đều không phát hiện thấy bất cứ điều gì bất thường. Các bác sĩ nói với cha mẹ tôi rằng con đầu lòng của họ là con trai, nhưng tuyệt đối không nói gì về chứng khuyết thiếu chân tay! Khi tôi chào đời vào ngày 4 tháng 12 năm 1982, thoạt đầu mẹ không được phép gặp tôi, và câu hỏi đầu tiên mẹ hỏi bác sĩ là: “Con tôi ổn chứ?”. Đáp lời là một sự im lặng. Mẹ tôi đếm từng giây để được nhìn thấy tôi. Đợi mãi không thấy người ta mang tôi đến, bà càng tin chắc có điều gì đó không ổn đã xảy ra. Thay vì mang tôi đến cho mẹ bế, họ mời một bác sĩ nhi khoa tới và kéo nhau ra góc xa của căn phòng. Họ nhìn tôi rồi đưa mắt nhìn nhau. Khi mẹ tôi nghe thấy tiếng khóc oa oa của một đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh cất lên, mẹ nhẹ cả người. Nhưng khi đó cha tôi, người cha mà trong lúc tôi chào đời đã để ý thấy con mình không có tay, cảm thấy choáng váng và người ta phải đưa ông ra khỏi phòng.

Nhìn thấy hình hài dị biệt của tôi, các bác sĩ và y tá không khỏi bàng hoàng, vội lấy khăn bọc tôi lại.

Nhưng mẹ tôi đâu có ngốc. Nhìn vẻ mặt của các bác sĩ và y tá là mẹ biết có điều gì đó rất không bình thường đã xảy ra.

“Có chuyện gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra với con tôi vậy?” Mẹ hỏi.

Thoạt đầu bác sĩ không trả lời, nhưng khi mẹ tôi cứ khăng khăng hỏi dồn, ông ấy không còn cách nào khác hơn là trả lời mẹ bằng một thuật ngữ y khoa.

“Đứa bé bị chứng phocamelia”, ông ấy nói.

Vốn là một y tá, mẹ tôi biết thuật ngữ đó dùng để chỉ tình trạng của những đứa trẻ sinh ra bị dị dạng hoặc thiếu mất các chi. Mẹ tôi không thể nào chấp nhận sự thật nghiệt ngã này.

Giữa lúc đó, người cha hốt hoảng của tôi ở bên ngoài phòng hộ sinh, tự hỏi những gì ông vừa nhìn thấy có phải là sự thật hay không. Khi bác sĩ nhi khoa đến nói chuyện, ông không kìm nén được, kêu lên đau đớn: “Con trai tôi, nó không có tay!”.

“Thực ra”, vị bác sĩ nói bằng giọng đầy cảm thông, “con trai anh không có cả tay lẫn chân”.

“Ông nói gì cơ?”. Cha không thể nào tin được.

Bàng hoàng và vô cùng đau khổ, cha ngồi như một pho tượng, không thể thốt ra được một lời nào cho đến khi bản năng che chở của một người chồng, một người cha trỗi dậy. Ông chạy vội vào phòng để nói với mẹ tôi trước khi mẹ nhìn thấy tôi, nhưng thật buồn, khi vào đến nơi cha thấy mẹ đang nằm thẫn thờ trên gi.ường, khóc rưng rức trong đau khổ. Các nhân viên y tế đã nói cho mẹ tôi biết cái sự thật choáng váng đó. Họ đề nghị đưa tôi đến cho mẹ tôi bế, nhưng mẹ tôi từ chối. Trong những giây phút đau khổ đến xé lòng ấy, mẹ đã bảo họ hãy đưa tôi đi chỗ khác.

Mấy cô y tá không cầm nổi nước mắt. Bà đỡ bật khóc. Và tất nhiên tôi cũng khóc! Cuối cùng họ đặt tôi, đứa con tật nguyền đỏ hỏn được bọc trong những lớp khăn, xuống bên cạnh mẹ, và mẹ tôi không thể nào chịu đựng nổi những gì bà đang nhìn thấy: Con trai bà, đứa con đầu lòng mà bà mang nặng đẻ đau, chào đời không có tay, không có chân.

“Hãy mang nó đi đi”, mẹ nói. “Tôi không muốn chạm vào nó, không muốn nhìn thấy nó”.

Cho đến tận ngày hôm nay cha tôi vẫn cảm thấy rất buồn vì hôm ấy các nhân viên ở phòng hộ sinh đã không cho cha có thời gian để chuẩn bị tinh thần cho mẹ, để mẹ có thể đối mặt với sự thật phũ phàng đó một cách tốt hơn. Một lúc sau, khi mẹ đã thiếp đi, cha đến thăm tôi ở phòng dành cho trẻ sơ sinh. Lúc quay lại, cha nói với mẹ: “Con trai của chúng ta kháu lắm”. Cha hỏi liệu bây giờ mẹ đã muốn gặp tôi chưa, nhưng mẹ vẫn chối từ, vẫn một mực lắc đầu. Cha tôi hiểu và tôn trọng những cảm xúc của mẹ.

Thay vì mừng sự chào đời của tôi trong niềm vui, cha mẹ tôi và giáo đoàn than thở: “Nếu Chúa là Đấng Sáng Tạo của tình yêu”, họ tự hỏi, “thì tại sao Người lại để cho một chuyện như thế xảy ra?”.

(Trích từ Cuộc sống không giới hạn - Nick Vujicic)
 
×
Quay lại
Top