Cú sốc tuổi 20: Hỏi thế gian tình ái là chi?

red dust

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/12/2011
Bài viết
2.998
Có không ít bạn trẻ vừa bước qua tuổi đôi mươi đẹp nhất trong đời lại vấp phải những cú sốc bất ngờ trong tình yêu, công việc và các mối quan hệ xã hội. Nhiều bạn nhập viện trong tình trạng bỏ ăn, mất ngủ, gào thét - không ít người còn tìm cách kết thúc cuộc đời.

TP_115159634.jpg

Buổi chiều muộn ở Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Chị Lanh, người nhà bệnh nhân Vũ Thị Loan (*), vừa bước qua tuổi đôi mươi, quê Nam Định nhường cái ghế màu xanh bên cạnh bệnh nhân cho tôi. Tay chân run rẩy, đôi mắt đờ đẫn phía sau cặp kính cận mãi nhìn ra hướng cổng bệnh viện, Loan như không để tâm đến sự có mặt của tôi. “Chị nhập viện lâu chưa?”, tôi hỏi, “Lâu lắm rồi, từ ngày anh ấy đi, em ở đây chờ mãi mà anh vẫn chưa đến”- Loan nói một cách vô thức.
Bệnh án cho biết, Loan nhập viện ngày 19 - 3 trong tình trạng cấp cứu tâm thần hoảng loạn: Không muốn ăn, giấc ngủ chập chờn, hay ám ảnh về cái chết. Loan đã nhiều lần tìm đến cái chết, nhưng được người nhà phát hiện đưa đến cấp cứu. Loan đang được tiêm thuốc giúp cân bằng tâm lý.
Theo bác sĩ theo dõi điều trị cho Loan, nguyên nhân cú sốc là do người yêu bỏ rơi bất ngờ. Loan rơi vào tình trạm trầm cảm từ tháng 10 - 2009.
Là nhân viên thủ kho của một Cty máy tính ở quận Hai Bà Trưng, cuối năm 2007, Loan nhận lời yêu Dũng, bộ đội đóng quân trên địa bàn Hà Nội. Cuối tuần, Dũng và Loan thường gặp nhau.
Anh rất chiều cô. Anh hứa sẽ về quê xin bố mẹ cô làm đám cưới. Nhưng bất ngờ từ tháng 9 - 2009, Dũng không đến thăm, không gọi điện cũng không nghe máy hay trả lời tin nhắn của cô nữa. Cũng có lần anh bắt máy nhưng nói, anh đã có người khác. Loan càng níu kéo, càng suy sụp, chới với giữa thực tại cô đơn và quá khứ đẹp đẽ.
Chị Lanh kể: Cứ lúc ngủ nó lại nói mê sảng và gọi tên Dũng. Nó bảo tôi gọi điện cho người đó, tôi đành dỗ ngọt là đã gọi. Bất kể sáng hay chiều, hết giờ bác sĩ đến tiêm là Loan đòi ra khu hành lang bệnh viện ngồi để ngóng người yêu đến.
Tiếng gọi lúc nửa đêm
23 giờ, đang lên mạng tra cứu tài liệu, điện thoại riêng của bác sĩ Bế Thị Hiển (trưởng khoa Lâm Sàng, bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai hương) nhận được tin nhắn có nội dung: Cứu cháu với cô chú ơi, cháu muốn chết lắm rồi. Cháu không thiết sống nữa. Tin nhắn ấy là của Nguyễn Thị Nga, 20 tuổi. Cô bị người yêu bỏ, sau khi cô đã cho đi sự trinh trắng của mình.
Thất vọng, suy sụp thời gian dài, cô mua 2 lọ thuốc sâu về tự tử. Nga là một trong số nhiều bệnh nhân được các bác sĩ ở viện can thiệp kịp thời. Bố mẹ Nga sau khi được thông báo mới hoảng hốt đi tìm hai lọ thuốc sâu con gái giấu dưới gầm gi.ường và nhanh chóng đưa con đến bệnh viện điều trị.
Chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng tiến sĩ Hồi cho biết, những năm gần đây tình trạng trầm cảm cấp độ nặng trong thanh thiếu niên gia tăng. Mỗi tuần qua website của bệnh viện, có khoảng 5 -10 bệnh nhân gửi lời cầu cứu. “Với những trường hợp như vậy chúng tôi lập tức tìm cách liên lạc và ngăn chặn ý nghĩ tự sát của nhiều bệnh nhân”, tiến sĩ Hồi nói.
Khi chồng đi với cave
“Ngày 17 tháng 2 năm 2010: Tôi đã từng tuyệt vọng, trầm cảm, không biết mình là ai. Cần gì. Sao cuộc đời quá bất công với tôi đến thế? Giờ đây, tôi đã chấp nhận mang căn bệnh thế kỷ với một niềm tin nó thuộc về mình, không khác được. Tôi vẫn phải sống. Cảm ơn các y bác sĩ bệnh viện, những người đã giúp tôi lấy lại niềm tin, nghị lực để tiếp tục sống ở cuộc đời này".
Đó là những dòng tâm sự của chị Tạ Văn Anh, ở khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội trong cuốn nhật ký bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, đường Hồng Mai, Hà Nội. Cô lưu lại những dòng bút tích đúng ngày ra viện để tiếp tục điều trị ngoại trú, sau 3 tháng điều trị tích cực.
Văn Anh vừa trải qua một cú sốc lớn. Cô bị nhiễm HIV. Cô nhiễm bệnh sau khi cưới chưa đầy 5 tháng. “Vợ chồng đang lên kế hoạch sinh con, đợi đến tầm tháng sáu năm nay có bầu để đón con tuổi Mèo. Không ngờ anh ấy hư hỏng, mang bệnh về nhà”, Văn Anh nói.
Chồng cô là công tử con một vị quan chức một ngành đang ăn nên làm ra ở Hà Nội. Trong lúc chồng đi tắm, cầm điện thoại chồng, cô phát hiện ba clip s.ex trong máy. Tá hỏa, nhân vật chính trong clip không ai khác chính là chồng cô và ba người con gái khác nhau. Truy vấn, chồng cô không ngần ngại tự thú, anh ta đi với cave.
Bàng hoàng đi khám, cô nhận được kết quả HIV dương tính. Đó cũng là kết quả của một tình yêu vẻn vẹn trong vòng 2 tháng. Văn Anh, giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường PTTH danh tiếng, phần vì sợ bố mẹ biết sẽ buồn khổ, phần vì danh dự với trường, lớp, âm thầm chịu đựng. Vợ chồng căng thẳng, ngủ riêng. Chồng cô vẫn đi với cave và đưa cô đến bệnh viện.
Hiện, Văn Anh về sống với bố mẹ đẻ; mỗi tuần hai lần đến viện để kiểm tra sức khỏe và test tâm lý.

Mỗi bệnh nhân khi được đưa đến bệnh viện, nặng thì trong tình trạng đã uống nhiều loại thuốc ngủ, nhảy lầu, nhảy cầu, nhẹ thì căng thẳng thần kinh, biếng ăn, ít nói, mỏi mệt...
Khi vào viện, người khóc, người gào thét, không có bác sĩ hoặc người nhà ở bên là đập đầu vào tường. Cũng có người vài tuần đầu thấy gì cũng nhìn trân trối, hoảng sợ. Họ có chung đặc điểm: Chịu quá nhiều áp lực, mất phương hướng, niềm tin vào cuộc sống trong thời gian dài.

(*) Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top