Cột mốc tuổi 25: Bạn là ai và bạn có gì?

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Tuổi 25 không già, nhưng chẳng còn trẻ con nông nổi nữa. Vậy ở tuổi 25, chúng ta thế nào rồi?
Đến cuối tháng 11 này là sinh nhật tôi, sinh nhật lần thứ 25, thế mà cái cảm giác thổi tắt mấy cây nến cắm trên bánh sinh nhật lần 21 như thể chỉ mới cách đây có ít lâu thôi. Đến tuổi này, nghĩ lại việc trước đây chỉ mới chân ướt chân ráo vào trường cấp 3 thấy nó chẳng dài lắm, nhưng kỳ thực đã 10 năm rồi đấy.

Nó nói lên điều gì?

Tâm trí chúng ta thì vẫn còn trẻ, mà thực chất đã qua cái thời ngây thơ, vụng dại lâu rồi. Tuổi 25 chưa phải là già đâu, nhưng cũng chẳng còn trẻ con nữa.

Ở tuổi 18, chúng ta kết thúc 12 năm học, chính thức bước vào tuổi tự mình phải chịu trách nhiệm cho bản thân, phải đối mặt với nguy cơ ngồi tù nếu làm gì vi phạm pháp luật. Nói là 18 là tự lập rồi, tuy nhiên ở văn hóa nước ta thì nếu còn đi học là còn được bao bọc, thế nên vẫn chưa thể gọi là trưởng thành hoàn toàn.

Rồi đến tuổi 20, khi chúng ta bắt đầu nghĩ rằng mình đã đủ khôn lớn, biết tự lo cho mình (một chút), đã đi làm thêm, va vấp với đời ở mức độ sơ cấp.

photo-0-1480043491095.jpg


Chúng ta tới tuổi 23, hầu hết ở tuổi này mọi người đã hoàn thành chương trình Đại học và chính thức bước sang giai đoạn trưởng thành. Đây là cột mốc đặc biệt, đánh dấu trong tâm trí mỗi người, là giai đoạn "vỡ mộng" về nhiều thứ: từ tình yêu, cuộc sống, những công bằng trong xã hội mà bấy lâu bố mẹ ra sức bảo vệ mình. Tuổi 23, chúng ta chính thức rời khỏi vòng tay ba mẹ để lao vào mớ hỗn độn mang tên "Đời".

Cuối cùng, cột mốc 25 tuổi. Khi đã va vấp vừa đủ, có chút kinh nghiệm sống, biết nghĩ cho bản thân hơn, kết thúc chặng đường tuổi trẻ rong chơi mải miết rồi nhìn lại về quá khứ. Tới tuổi 25, mọi sự thay đổi rõ rệt, hình thành bậc thềm chuẩn bị cho tương lai sau này.

Vậy cái tuổi 25 đem lại cho ta những gì?

Thời gian ở tuổi 25 là khối tài sản hữu hạn

Chúng ta chẳng còn có thể vỗ ngực tự xưng mình đang ở tuổi "đôi mươi" như các bạn mới chập chững năm nhất, năm hai Đại học nữa. Khi còn ở tuổi của các em, thời gian dường như là một khối tài sản vô hạn, xài hế thì lại có thêm.

Tôi nhớ, cái hồi còn đi học Đại học, việc bỏ tiết chỉ để được ngủ thêm 1-2 tiếng đã trở thành thói quen; trốn tiết về sớm để đưa người yêu đi ăn ốc cũng chẳng phải việc gì đáng phải dằn vặt cả.

Còn ối thời gian để học, sao phải lăn tăn vì nỡ bỏ mất 45 phút nhạt nhẽo, trong khi có thể dùng chỗ thời gian ấy để vui chơi với bạn bè? Tuổi đôi mươi chúng ta thường tự mị hoặc bản thân như thế. Tất cả chỉ để lấy cớ được chơi, lấy cớ "giải lao" bản thân với mức độ học hành nhẹ nhàng sau 12 năm đèn sách vất vả với sức ép phải-vào-đại-học của gia đình.

photo-1-1480043491325.jpg


Nhưng tới cái tuổi 25, khái niệm ấy không còn nữa. Trăm thứ phải lo, nghìn thứ phải mua. Đến tuổi này rồi chả còn ai đến cuối tháng gửi tiền cho bạn để nhảy múa hát ca nữa.

Cần mua xe, cần phải lo toan cho bố mẹ, gia đình, cần phải chuẩn bị cho tương lai, hết thì giờ để rong chơi rồi. Ở Đại học bạn có thể bùng học đi chơi, nhưng ở công sở bạn mà bùng làm thì xác định nghỉ việc, công sở không có sổ ghi đầu bài đâu.

25 chẳng còn là bé bỏng, chẳng còn trẻ để được tung hô hay thưởng kẹo khi làm tốt cái gì

Nếu như chỉ 1 năm trước đây, khi ta còn 24 tuổi, người ta nhìn vào sẽ nói: "Ồ, cậu/cô ta mới có 24 tuổi thôi". Sẽ thật tuyệt vời khi lúc ấy bạn làm được điều gì đó to tát, thành công, tự dưng cái cụm "chỉ mới đôi mươi" ấy lại có tính ngợi khen tột bậc.

Tuy nhiên, chẳng ai thêm chữ "chỉ" khi bạn đã 25 tuổi. Mặc định người ta coi đấy là ngưỡng trưởng thành và bạn có nghĩa vụ phải nắm trong tay một thứ gì thuộc về bản thân, cho dù đó là một công việc lương kha khá hay chủ sở hữu của một cửa hàng. Đánh dấu cho sự thành công sau này, hầu như người ta sẽ nhìn vào cái ngưỡng ở giữa đó!

Không còn là cục vàng cục bạc, tự biết mình chỉ là cục đất nhỏ giữa cả thảo nguyên xanh

Ở tuổi 25, chúng ta biết rằng, thế giới này không giống như gia đình mình, nơi mình làm vương làm tướng. Đói thì hô một câu, mẹ sẽ lụi cụi dưới bếp chuẩn bị cho một bát mỳ. Ốm thì lại ho hắng mấy hồi, bố sẽ phi ra ngoài mua thuốc, mua cả cháo gà về cho bạn tẩm bổ. Nhưng ở ngoài đời không có bố mẹ kề bên.

Thế giới ngoài kia sẵn sàng chà đạp, hạ thấp mình bằng bất cứ cách nào mà đôi khi bản thân ta phải cố nén đau để mỉm cười. Không còn vênh mặt lên để đối chọi nữa, vì tự thân chúng ta biết rằng càng vênh thì càng thiệt, ngoài kia đầy người còn quyền lực hơn mình để mà vùi dập mình xuống.

photo-2-1480043491319.jpg


Chúng ta biết nhường nhịn hơn, bớt cứng đầu cứng cổ cố sức cự cãi, gân cổ lên đối đầu với bất cứ ai làm gì không vừa ý chúng ta. Chúng ta học được cách luồn cúi, lùi một bước để tiến nửa bước, dần dần, tất cả vì một tương lai bình yên cho chính mình.

Tự lúc nào chúng ta cảm thấy mong ước sống cuộc sống trong phim, kiểu một mình chống lại cả thế giới nó nhảm nhí đến tột độ. Đời chúng ta không phải chỉ sống cho riêng mình, chúng ta một con mắt xích trong cả chuỗi cuộc đời, nếu đứt hay tự hủy hoại bản thân, cả chuỗi sẽ bị ảnh hưởng, làm một người có trách nhiệm không phải chỉ cho mình, mà cho cả mọi người.

Chúng ta biết nhìn lại bản thân, nhìn lại những gì mà bố mẹ mình làm được, đạt được khi ở tuổi như mình, rồi không còn cảm giác nhìn họ dưới vai trò những ông/bà già thế hệ cũ bảo thủ nữa. Chúng ta thậm chí còn chả được bằng một phần họ cơ, chơi cho lắm vào...

Sự chia ly không còn quá đáng sợ như khi còn trẻ con nữa

Tuổi 25, chúng ta biết làm quen với sự chia ly. Biết thừa các mối quan hệ không bao giờ là mãi mãi, người ta đến và đi qua đời ta là chuyện bình thường.

Bạn bè ta ở tuổi ấy cũng như ta, bắt đầu quan tâm nhiều đến sự nghiệp và cuộc sống tương lai, chứ không còn là những cuộc bù khú, uống thâu đêm suốt sáng và thức dậy ở nhà một đứa bạn khác, áo quần lem luốc, đôi lúc tanh tưởi mùi nôn.

Chúng nó từ chối những cuộc gặp mặt, từ chối những quyết định du lịch dài quá 3 ngày mà không phải rơi vào kỳ nghỉ lễ, từ chối việc chỉ vì một đứa trong nhóm buồn mà cả nhóm phải xuất hiện trong thời điểm 15 phút sau đó.

Chúng ta sẽ phải làm quen với khái niệm mới của tình bạn, đó là cố gắng để không bị bạn bè mình bỏ lại phía sau. Những cuộc vui khi gặp mặt sẽ không còn đủ người, sẽ không phải cả lũ châu đầu buôn về một cậu trai, cô gái xinh đẹp, sẽ phải làm quen với các câu chuyện về công chứng, giấy tờ hoặc các vấn đề an sinh xung quanh.

photo-3-1480043491343.jpg


Nếu chưa thật sự lớn, chúng ta sẽ thấy kiểu nói chuyện này thật tẻ nhạt. Nhưng bạn ơi, có nhạt thì cũng làm quen dần đi, trong tương lai bạn sẽ phải nghe nhiều câu chuyện từa tựa thế này nhiều nữa.


Còn nữa, điều quan trọng nhất, chúng ta biết ở tuổi trưởng thành, người-có-tiền và người-không-có-tiền ít khi đi cùng nhau. Kể cả khi trước đó họ có là bạn thân tưởng chết.

Trở lại vài năm trước, tuổi 20, 21 chẳng hạn, cái tuổi có khát khao cháy bỏng được có ai đó bên cạnh mình, sự chia ly trở thành bi kịch đáng sợ nhất. Chia tay người yêu có thể vật vã khóc lóc. Bạn bè phản bội có thể khiến bạn muốn kết thúc mạng sống của mình.

Chúng ta cảm thấy khi một người rời bỏ mình, đó là lỗi ở mình, là do yếu tố gì đó ở bản thân khiến người khác buồn chán và không cần đến ta nữa.

Về cơ bản, ở tuổi ấy, chúng ta chưa nhận thức rõ ràng được giá trị của bản thân.

Nhưng ở tuổi 25, khi đã trải qua quá nhiều sự chia ly, việc người ta rời bỏ mình, hay mình rời bỏ người đã trở thành chuyện đến sớm hay muộn. Nói lời chia ly không còn là trọng trách nặng nề, chúng ta biết rõ mình là ai và mình muốn gì rồi.

photo-4-1480043491306.jpg


Chúng ta biết trân trọng bản thân hơn, biết việc người ta rời bỏ mình có khi chỉ vì họ có niềm quan tâm đáng để tâm hơn, chứ không phải vì chúng ta không có giá trị. Họ đi tìm giá trị khác mới mẻ hơn những gì chúng ta có. Chúng ta có thể cũ kỹ với người này, nhưng mới mẻ với người kia, vì vậy cứ để họ đi đi. Cái cũ rời đi, điều mới sẽ tới, sao phải khóc than.

Cũng bởi thế, tuổi 25 sẽ quan tâm về bản thân hơn. Không còn các bữa tối liên tục nốc đồ ăn nhanh vì chúng ta thích thế, thay vào đó là rau củ, bữa ăn dinh dưỡng, các bài tập thể dục có lợi cho sức khỏe. Muốn giá trị bản thân được khẳng định, trước hết phải đầu tư cho bản thân. Thế là phải yêu lấy chính mình đó, là không còn lên Facebook hay Instagram mà xuýt xoa về người khác, thay vào đó là nỗ lực để mình đẹp được như vậy.

Biết sống cho mọi người xung quanh

Cuối cùng, tuổi 25 này, khi thời gian đã là tài sản hữu hạn, dường như các giá trị xung quanh bản thân ta mới bộc lộ rõ tầm quan trọng của nó.

Nếu bạn sống với bố mẹ, sẽ ít đi những lần bạn bỏ bữa ăn chung với bố mẹ để ra ngoài làm vài cái cánh, cái chân gà nướng. Hay đơn giản chỉ là cái bánh giò với đầy chả cốm cũ rích được hâm nóng lại sẽ không còn ngon miệng, ngon mắt hơn bát cơm với thịt luộc mẹ mua từ buổi sáng.

Những câu chuyện tán phét thâu đêm với bạn bè sẽ không còn đáng được dành thời gian hơn tâm sự của mẹ, hay nghe bố càm ràm về chuyện TV lúc tậm tịt lúc không. Lớn rồi, bố mẹ già rồi, biết đâu một ngày nào đó bố mẹ rời xa?

photo-5-1480043491309.jpg


Nếu bạn sống xa gia đình, việc bỏ buổi cuối tuần về thăm hai cụ để cùng bạn đi Vũng Tàu sẽ không còn nữa. Bạn chỉ mong đến thứ 6, đến ngày nghỉ, để xách ba-lô về quê nằm thườn thượt trên ghế đi-văng với bố mẹ, anh chị em. Bạn bè đâu thể lúc nào cũng che chở bạn, nhưng gia đình thì có.

Ở tuổi 25, bạn trân trọng hơn những phút giây thuộc về mình. Ở bên gia đinh là một trong những quãng thời gian trân quý ấy.


Theo Trí Thức Trẻ/Kênh14
 
Năm 25 tuổi, cuộc đời rẽ sang một hướng khác. Một hướng có giấc mơ mà trước giờ tưởng chừng không có được.
Năm 18 - 22, sống mơ mộng với thời đại học.
Năm 23- 25, đối diện với thực tế cuộc đời, đối diện với những khó khăn mà muốn bỏ cuộc không biết bao nhiêu lần, bỏ đi rồi đến đâu thì đến, nhưng vẫn cứ nghĩ "hết hôm nay thôi, cố gắng hôm nay nữa thôi" và cuối cùng thì vẫn đi hết con đường đó.
Năm 25, giữa lúc đang loay hoay với bế tắc, giữa lúc đang mất dần niềm tin vào nhiều thứ, giữa những suy nghĩ vì sao xung quanh rộng mênh mông như thế mà không có chỗ cho mình, thì giấc mơ gõ cửa ;)
25 tuổi, nhận thấy thời gian khó khăn trước kia không hề vô nghĩa, nó cho mình trở thành con người như bây giờ để có thể hoàn thành nhiệm vụ hiện tại. Nếu dễ dàng có được thì đã không quý những gì hiện tại đến như thế.
Chỉ cần nghĩ rằng, dù đang trải qua điều gì, khó khăn hay thuận lợi, tất cả cũng có lí do của nó, khó khăn để đánh đổi điều tốt đẹp, và thuận lợi là cái giá phải trả cho thử thách tiếp theo. Cuộc sống không bằng phẳng, như điện tim đồ hình zích zắc ;) thẳng 1 đường nghĩa là đang không sống ^^
 
Hôm nay sinh nhật tròn 25 của Park Chanyeol này :)))
 
25 tuổi -một cột mốc nữa trong đời
Nhiều lúc tự nhận thấy thời gian trôi qua nhanh thật, muốn quay về với thời tuổi ấu thơ, tuổi 25 rồi có nhiều thứ phải lo toan, có nhiều việc phải làm hơn nữa. Lo tương lai lo cuộc sống lo và âu lo. Cái tuổi mà những suy nghĩ nhỏ nhặt không còn nữa, thay vào đó là sự chín chắn, trưởng thành trong cách suy nghĩ. Tuổi 25 có người mới lập gia đình, có người chưa có người yêu, cũng có người chia tay rồi,... Nhưng làm gì thì làm phải sống cho mọi người, sống yêu thương với nhau, đừng sống quá vội vã, rồi lại than phiền về cuộc sống này. Ai bước qua tuổi 25, sắp qua tuổi 25 các bạn có gì ấn tượng không???? Tôi thấy mình yêu đời hơn, yêu cuộc sống này hơn. Giờ nhìn lại mình đi được trên cõi đời này 25 năm rồi ư? Dài hay ngắn?
 
×
Quay lại
Top