Cơ sở hạ tầng CNTT của công ty hiện đại: xu hướng chung

mamnon76

Thành viên
Tham gia
20/11/2015
Bài viết
12
Công ty hiện đại mà cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả thì có lợi thế cạnh tranh đáng kể ở mức độ chiến lược. Hơn nữa, do sự phát triển liên tục của doanh nghiệp, chẳng hạn như mở rộng mạng lưới chi nhánh, vươn ra các thị trường mới, phức tạp hóa của các quy trình, tất cả những điều này đòi hỏi cần phải phức tạp hóa không ngừng các hệ thống phần mềm của công ty. Do đó, nhu cầu về quản lý CNTT một cách hợp lý, đặc biệt là đối với các công ty lớn, luôn được đặt lên hàng đầu.

Một đặc điểm quan trọng của các công ty lớn hiện nay là tốc độ, độ chính xác và làm việc với một khối lượng lớn các thông tin mà cần phải được cất giữ và bảo vệ. Cơ sở hạ tầng CNTT của công ty như vậy bao gồm nhiều thành phần: các ứng dụng, dịch vụ liên lạc, hạ tầng máy chủ, máy trạm và hệ thống lưu trữ, hệ thống bảo mật thông tin, mạng lưới và hạ tầng vật lý. Toàn bộ đòi hỏi cần quản lý một cách có hệ thống. Nhiệm vụ quan trọng ở đây là sự lựa chọn đúng đắn các phần mềm và giải pháp phần cứng, quản lý đầy đủ của tất cả các hệ thống của công ty, đảm bảo hoạt động thông suốt và an toàn.

Thông thường, các yêu cầu của các công ty khác nhau đối với cơ sở hạ tầng CNTT phụ thuộc vào đặc điểm kinh doanh.

Ví dụ, đối với các doanh nghiệp thương mại lớn, điều quan trọng là khả năng nhanh chóng mở rộng mạng lưới bán lẻ: mở cửa hàng mới và kho hàng, tiếp theo nhanh chóng tích hợp vào hệ thống CNTT tổng thể. Dưới góc độ này, cơ sở hạ tầng CNTT của chuỗi bán lẻ được đặc trưng bởi tính quy mô và phân tán theo nhiều khu vực địa lý.

Trong lĩnh vực ngân hàng, sự ưu tiên có truyền thống thường nghiêng về tính bảo mật: việc bảo vệ các thông tin tài chính và thông tin cá nhân luôn có ý nghĩa quan trọng. Các ngân hàng đã luôn luôn sử dụng việc sao lưu dự phòng tại các trung tâm dữ liệu từ xa và hệ thống truy cập nhiều tầng.

Đối với các công ty lớn mà cung cấp dịch vụ đại trà, trong xu hướng kinh doanh hiện đại có một loạt yêu cầu cơ sở hạ tầng CNTT của mình mà không phụ thuộc vào các đặc điểm hoạt động.

Nhiều công ty hướng tới cách chăm sóc chuyên biệt cho từng khách hàng. Việc chuyển đổi sang cách phục vụ này đòi hỏi cần lưu trữ, xử lý và bảo vệ khối lượng thông tin khổng lồ. Nếu như các ngân hàng luôn coi trọng các quy trình làm việc với các dữ liệu cá nhân của khách hàng thì đối với các doanh nghiệp phân phối bán lẻ, đây là một xu hướng mới. Các chuỗi bán lẻ thường phát hành đồng loạt các thẻ khách hàng, thẻ giảm giá, chạy một loạt các chương trình khuyến mãi. Điều này cho phép thu thập và phân tích dữ liệu cá nhân của khách hàng, và đây cũng là đối tượng cần được lưu trữ và bảo vệ.

Dịch vụ đại trà cần phải được đảm bảo về lượng và chất ở tất cả các điểm phục vụ. Việc này đòi hỏi cần phải quản lý tập trung toàn bộ các hệ thống CNTT nằm phân tán ở các vị trí địa lý khác nhau. Tiêu chuẩn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng là tính minh bạch của các giao dịch trên toàn bộ mạng lưới và có cùng chất lượng dịch vụ khách hàng ở tất cả các văn phòng và chi nhánh, cho dù ở bất kỳ đâu.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ Internet và di động bắt buộc các công ty phải đưa ra quyết định rất nhanh chóng và đáp ứng kịp thời với các thay đổi. Thương mại điện tử, thẻ RFID, công nghệ thanh toán không tiếp xúc, quầy thanh toán tự phục vụ (Self Checkout) là những công nghệ bán hàng mới mà các doanh nghiệp bán lẻ cần thường xuyên nghĩ ra để giành được các khách hàng hiện đại. Các quy trình tương tự cũng thể thấy trong các lĩnh vực ngân hàng: nếu như trước đây, việc tiếp thị sản phẩm mới của ngân hàng có thể mất tới vài tuần, thì ngày nay, cùng với sự phát triển của các công nghệ mới, công việc này có thể giảm xuống còn một vài giờ.
Những xu hướng như vậy đòi hỏi cần có các yêu cầu đặc biệt quan trọng sau đây đối với cơ sở hạ tầng CNTT của doanh nghiệp:
  • hoạt động thông suốt;
  • khả năng mở rộng;
  • an ninh;
  • tốc độ thay đổi;
  • minh bạch và dễ quản lý;
  • giá trị sở hữu tổng thể hợp lý.
Chúng ta cùng xem xét những yêu cầu này trong các thuộc tính CNTT cần thiết của các công ty lớn hiện nay.
cntt.png
Hoạt động thông suốt

Đầu tiên, cơ sở hạ tầng CNTT không được phép làm cản trở quá trình kinh doanh. Đối với CNTT của các công ty lớn ngày nay đòi hỏi phải làm việc 24 × 7; thậm trí chỉ ngưng trệ nhỏ cũng có thể dẫn đến tổn thất tài chính và uy tín rất lớn.
Các sự cố ngưng trệ xảy ra vì 2 nguyên nhân chính: hỏng hóc thiết bị và các lỗi khác nhau do phần mềm hay do người sử dụng.

Vấn đề liên quan đến thiết bị có thể được giải quyết bằng cách tạo thiết bị dự phòng hoặc kết hợp nhiều thiết bị vào một cụm (Cluster). Trong trường hợp hỏng hóc 1 thiết bị thì các phần còn lại vẫn tiếp tục công việc của mình. Ví dụ, cơ chế ảo hóa cho phép nhiều khả năng mở rộng hệ thống và tạo hệ thống dự phòng.

Để tránh lỗi của người dùng và lỗi phần mềm, các công ty sử dụng hệ thống sao lưu dự phòng và phục hồi, cho phép khôi phục các dữ liệu mới nhất trong thời gian ngắn nhất.

Các vấn đề và sự cố tiềm năng thì nên tốt nhất là cần được ngăn chặn (phòng tránh) hoặc dừng lại ở ngay giai đoạn đầu, còn hơn là đi giải quyết sau này. Với mục đích này, các công ty lớn thường sử dụng hệ thống giám sát chủ động (Proactive) thông báo cho người quản trị hệ thống biết về các vấn đề trong cơ sở hạ tầng CNTT trước khi có sự cố xảy ra dẫn đến hậu quả khó chịu và làm ngưng trệ quá trình kinh doanh.

Khả năng mở rộng

Giám sát chủ động là cần thiết cho việc xác định kịp thời những "nút thắt cổ chai" trong cơ sở hạ tầng CNTT, những nơi làm hạn chế khả năng mở rộng hoạt động của doanh nghiệp. Nếu có sự theo dõi thường xuyên và "hàn vá" những nơi như vậy thì sẽ giảm bớt đáng kể xác suất phải xây dựng lại toàn bộ cơ sở hạ tầng CNTT khi mở rộng kinh doanh.

Để cải thiện khả năng mở rộng, có thể áp dụng các giải pháp chuyên dụng: cách đơn giản là sử dụng cấu hình giống nhau cho hệ điều hành và phần mềm, hoặc phức tạp như tạo các khuôn mẫu và kịch bản để triển khai cơ sở hạ tầng của toàn bộ chi nhánh (ví dụ, chi nhánh ngân hàng mới hoặc siêu thị mới). Càng có nhiều các quy trình nghiệp vụ để quản lý hạ tầng CNTT được áp dụng phần mềm thì càng có khả năng mở rộng và quản lý tốt hơn.

Các giải pháp chuyên dụng cũng góp phần nâng cao tốc độ thay đổi CNTT để đáp ứng với sự phát triển kinh doanh. Thay đổi theo một khuôn mẫu một lần sẽ luôn nhanh hơn là thay đổi tại từng máy trạm. Ví dụ đơn giản nhất về công cụ CNTT như vậy là nhân rộng các giải pháp ứng dụng bằng chính sách phân quyền theo nhóm. Sau khi thay đổi các thiết lập trong chính sách trên một máy chủ trung tâm, chúng ta không cần phải thay đổi trên từng máy chủ hoặc từng máy trạm.

An ninh

Cơ sở hạ tầng CNTT càng phức tạp và càng có nhiều hệ thống phần mềm chạy trên đó bao nhiêu thì nó càng dễ bị tổn thương bấy nhiêu. Khối lượng dữ liệu và sự phức tạp của quy trình nghiệp vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến kiến trúc hệ thống bảo mật thông tin.

Đối với các thông tin được xử lý trong hệ thống ngân hàng đều có giá trị bằng tiền. Rõ ràng, nếu có truy cập lạ đến các thông tin này thì có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng. Đặc điểm này là nguyên nhân thu hút đội quân xâm nhập tiềm năng và đồng thời cũng làm tăng các yêu cầu an ninh đối với hệ thống.

Hệ thống bảo mật thông tin trong các ngân hàng cần phải bao gồm quản lý quyền truy cập, mã hóa các kênh truyền thông, giám sát tổng thể, ghi chép chi tiết các hành vi.

Vấn đề này cũng được quan tâm trong các chuỗi bán lẻ ở mức độ nào đó, nhưng ở đây do tầm quan trọng của thông tin tài chính và cá nhân, cũng như do sự gia tăng giao dịch thanh toán điện tử nên hầu như các yêu cầu bảo mật ở đây cũng đều tương tự cũng như trong lĩnh vực ngân hàng.

Tốc độ thay đổi

Cạnh tranh buộc các công ty phải liên tục cải thiện mức độ cũng như chất lượng dịch vụ. Việc thay đổi quy trình nghiệp vụ cần được hỗ trợ bởi các dịch vụ của cơ sở hạ tầng CNTT: nếu như đưa ra một quyết định thay đổi thì sau đó cần phải được triển khai trong thời gian càng sớm càng tốt.

Một ví dụ có thể nói đến sự phát triển của thương mại điện tử và Internet-banking: các ngân hàng và các chuỗi bán lẻ không chỉ bám sát các công nghệ mới và để “không kém các đối thủ cạnh tranh”, mà còn “vượt trước”, cố gắng để là người dẫn đầu và cung cấp cho khách hàng tất cả các dịch vụ công nghệ mới .

Minh bạch và dễ quản lý

Các cơ sở hạ tầng CNTT càng đơn giản và minh bạch thì càng dễ dàng quản lý, ít lỗi và bảo trì đỡ tốn kém hơn. Tính minh bạch và dễ quản lý cơ sở hạ tầng CNTT có nghĩa là phản ứng của CNTT đối với những thay đổi trong kinh doanh. Điều này cho phép đưa ra đánh giá: cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng được các thay đổi cần thiết trong hoạt động của doanh nghiệp không, và nếu có, với khoảng thời gian nào và với chi phí là bao nhiêu.

Tính minh bạch chỉ có thể đạt được bằng cách thu thập dữ liệu về hệ thống thông tin của công ty. Đây có thể là báo cáo về phần cứng và phần mềm, thông tin về những thay đổi trong kiến trúc, giấy phép sử dụng - tất cả những gì cho phép dự báo hành vi của CNTT đối với bất kỳ thay đổi nào. Càng có nhiều thông tin về tiến trình và trạng thái của cơ sở hạ tầng CNTT thì càng có thể dự đoán hành vi chính xác bấy nhiêu, và như vậy, càng quản lý hiệu quả bấy nhiêu. Nhưng chỉ để có được thông tin về bất kỳ thời điểm cụ thể thì vẫn chưa đủ. Cần có cả lịch sử các trạng thái, lịch sử của các sự kiện đã xảy ra trong CNTT. Không thể nhận được các thông tin như vậy mà không có sự giám sát liên tục về cơ sở hạ tầng CNTT. Nếu như mọi sự kiện không chỉ được ghi nhận, mà còn được mô tả, đánh giá, và điều này cho phép có một dự báo đầy đủ hơn trong trường hợp phát sinh vấn đề trong tương lai, đồng thời giảm bớt thời gian và chi phí để giải quyết.

Giá trị sở hữu tổng thể

Cần phải hiểu rằng, phần lớn các chi phí của một công ty lớn không chỉ để mua sắm hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT, mà còn để hỗ trợ và duy trì, và công việc này được hiểu là liên tục điều chỉnh để phù hợp với các nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp. Các công ty lớn ngày nay thường áp dụng các quy trình kinh doanh phức tạp, và để thay đổi thì cần chi phí không hề rẻ. Nếu nhân với quy mô áp dụng, chi phí có thể đạt tới con số khổng lồ. Bởi vậy, yêu cầu về chi phí sở hữu hợp lý của cơ sở hạ tầng CNTT là điều vô cùng quan trọng.

Mô-đun hóa là cấu trúc cho phép thay đổi cơ sở hạ tầng, thêm các tính năng mới và loại bỏ các thành phần lỗi thời với chi phí tối thiểu, bên cạnh đó, các công nghệ phổ biến cho phép làm giảm chi phí tích hợp với các hệ thống khác và thuận lợi trong việc tìm kiếm các chuyên gia hỗ trợ. Vì vậy, ngay từ ban đầu, cơ sở hạ tầng CNTT cần được xây dựng theo nguyên tắc mô-đun và trên cơ sở công nghệ Mainstream: điều này tạo ra khả năng thực hiện các thay đổi trong thời gian ngắn nhất và với chi phí tối thiểu.

Như vậy, các xu hướng hiện nay của các công ty lớn là cơ sở hạ tầng CNTT được ưu tiên lên trước so với các đặc điểm kinh doanh. Công việc kinh doanh trở nên công nghệ tiên tiến hơn, có thêm rất nhiều công cụ mới, và điều này sẽ làm phức tạp hóa cơ sở hạ tầng CNTT. Nếu như trước đây CNTT chỉ hỗ trợ các quy trình nghiệp vụ thì bây giờ nó đã trở thành một phần không thể thiếu của doanh nghiệp, và là một phần của đổi mới.

(Theo 1vs.vn)
 
×
Quay lại
Top