Có nên hay không nên đi du học?

UnitedEducation

Thành viên
Tham gia
3/4/2013
Bài viết
3
Ngày nay, khái niệm du học không còn xa lạ. Mọi lứa tuổi, mọi gia đình đều có cơ hội cho con đi du học bằng học bổng hay tự túc, tùy thuộc vào trình độ và khả năng tài chính của từng người.

Du học đúng nghĩa chắc chắn sẽ mở ra một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Nhưng cuộc sống khi đi du học là cả một thế giới của sự thử thách toàn diện và lâu dài mà chỉ những ai đủ bản lĩnh vượt qua mới có thể chinh phục được thành công.

Được gì khi đi du học?

Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của một người đi du học thực sự là HỌC TẬP và môi trường du học làm được điều này.

Học tập tại các quốc gia hàng đầu về giáo dục như Úc, Anh, Mỹ, Nhật...., bạn sẽ có cơ hội được học tập trong một môi trường có chất lượng giáo dục đạt chuẩn quốc tế; cơ sở vật chất hiện đại, văn minh, lịch sự. Có những môn học mà ở Việt Nam không có hoặc chưa phát triển, hoặc phát triển nhưng chưa sánh tầm với nhiều quốc gia khác, nhưng bạn lại có thể học được ở nước ngoài. Bên cạnh kiến thức được đảm bảo, kĩ năng thực tế cũng được trau dồi trong một môi trường toàn diện. Ngoài ra khả năng ngoại ngữ của bạn, sau một thời gian rèn luyện một cách tự nhiên cũng sẽ tiến bộ hơn rõ rệt, hơn hẳn so với khi ở Việt Nam.

Ngoài những kiến thức chuyên môn, có những cái ĐƯỢC vô hình nhưng giá trị thật sự không nhỏ. Du học, bạn sẽ học được sự tự giác và lòng tự trọng của người trí thức. Bài học đầu tiên của du học sinh khi bước vào giảng đường Mỹ là đừng bao giờ chơi trò “plagiarism” (đạo văn). Không chỉ ở Mỹ mà hầu như tất cả các trường đại học, mọi cấp học ở hầu hết các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều “kị” với nạn quay cóp, copy bài vở.... Họ tôn trọng và bảo vệ ý kiến cá nhân. Và đó là cách họ dạy sinh viên lòng tự trọng của người tri thức.

Du học cũng sẽ giúp bạn học được khả năng tự quản lý, sắp xếp việc học của mình bởi vì ngay từ đầu học kỳ, các trường học tại nước ngoài thường phát cho sinh viên một cái syllabus (tạm dịch là chương trình học). Trong syllabus ghi rõ từng môn học, dạy cái gì, ngày nào học cái gì, SV phải đọc sách nào, trang mấy; khi nào kiểm tra, nội dung ra sao… Căn cứ trên syllabus, sinh viên cứ theo đó mà sắp xếp lịch học, sắp xếp chuyện đi làm thêm, học thêm, và lịch đi chơi giải trí cho cả học kỳ....Vì vậy, SV rất chủ động, thoải mái trong việc học của mình...

Du học thật sự, bạn sẽ trưởng thành lên từng ngày từng tháng bởi bạn học được cách nghiên cứu và lý luận độc lập; học được cách tôn trọng người khác và làm người khác tôn trọng. Chính nhờ một phần cái ĐƯỢC vô hình này cộng với nền tảng có được sau cả một quá trình học tập, được định hướng rõ ràng và bài bản, tương lai của bạn tất yếu sẽ tốt đẹp như đã kì vọng.

Du học hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng cuộc sống du học cũng không phải chỉ toàn màu hồng. Cần phải nhìn nhận một cách khách quan để bạn không có cái nhìn phía diện chủ quan về nó.

Những thách thức của việc đi du học

Quyết định đi du học, bạn để để lại sau lưng gia đình, bạn bè và những nếp sống quen thuộc, bạn sẽ có ngay cảm giác nhớ nhà. Tuổi thanh xuân của bạn, một trong những quãng đường đẹp nhất của cuộc đời sẽ trôi qua trên một đất nước khác, nơi không có những người thân ở bên. Vật chất có thể đầy đủ hơn, bạn bè mới rồi sẽ quen, nhưng khoảng trống tinh thần kia thì không thể bù lấp được. Chưa kể đến “sốc văn hóa”, một khái niệm phổ biến đối với du học sinh, dù nặng hay nhẹ cũng sẽ xảy ra với bạn. Liệu bạn có thể vượt qua thử thách tinh thần ban đầu này không?

Tiếp theo đó, bạn sẽ phải bước vào một cuộc sống hoàn toàn tự lập. Không còn ai ở bên để giúp đỡ bạn những việc nhà trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, không còn ai lo lắng chăm sóc mỗi khi ốm đau. Bạn phải luôn giữ cho mình khỏe mạnh để “chiến đấu” cùng chương trình học và môi trường học tập mới. Chương trình học ở các trường nước ngoài không nặng như ở Việt Nam nhưng đòi hỏi học sinh phải tự học, tự nghiên cứu. Nếu người học không ý thức được ngay từ đầu, sẽ không theo kịp, dẫn đến tình trạng chán nản, muốn bỏ học quay về nước. Và những cám dỗ cũng sẽ xuất hiện: những buổi tiệc tùng, những buổi đi chơi với nhiều thú vị mới lạ, mà bạn sẽ phải đắn đo lựa chọn, khi nào tham gia để hòa nhập, cũng như cố gắng giữ mình. Những khó khăn này đối với bạn có thể vượt qua hay không?

Không ở Việt Nam sợi dây gắn kết bạn với quê hương cũng mong manh hơn. Cuộc sống du học cuốn bạn vào những hoạt động mới, suy nghĩ mới. Nếu bạn không ý thức và không đủ hiểu biết, bản sắc văn hóa trong con người bạn cũng có thể mai một. Chưa kể khả năng cập nhật tình hình trong nước cũng sẽ hạn chế hơn, nếu không chú ý đến điều này một ngày nào đó bạn trở về làm việc, đó sẽ là điểm yếu của bạn. Bạn đã bao giờ suy nghĩ về điều này?

Những khó khăn trong thời kì du học không phải chỉ của người đi. Cha mẹ cũng phải trải qua một cuộc sống cô đơn thiếu vắng con mình, không thể biết tường tận con ở bên đó ra sao, không tự tay chăm sóc được cho con mà lo lắng bất an và thậm chí, nếu gia đình không khả giả, một bên là cha mẹ cố gắng làm việc để kiếm thêm vì lo không chu cấp đủ cho con, con ở đó có điều kiện học tập không được như các bạn; một bên là con, nếu không thiếu thốn thì cũng phải lo ngại cha mẹ ở nhà làm việc vất vả cho con mình ăn học, nguyên nhân là do chi phí du học quá đắt đỏ. Liệu bạn có đủ mạnh mẽ để tự khẳng định bản thân, làm cho bố mẹ yên tâm để quyết tâm đi du học?

Bởi vậy, “Có nên hay không nên đi du học?”, câu trả lời phụ thuộc vào chính bản thân các bạn. Mỗi người phải tự nhận thức được khả năng của mình để đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, những người làm cha, làm mẹ cũng nên hiểu rõ con mình và nhìn nhận đúng đắn về con đường học tập của con để cho con một định hướng tương lai đúng đắn.

Du học là môi trường dành cho những người thực sự muốn học mà thôi! Do vậy, ngay từ bây giờ, các bạn có ý định du học hãy tự xem xét khả năng của mình để có quyết định đúng đắn nhé!

Chúc các bạn thành công!
United Education
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top