Có một nơi gọi là hạnh phúc

Ruby Nhã Lam

Thành viên
Tham gia
27/7/2016
Bài viết
1
- Con đang trên xe khách mẹ ạ? Chắc tầm 30 phút nữa sẽ về đến nhà ngoại, khi nào tới con gọi cho mẹ nhé.

Linh đợi cho đến khi đầu dây bên kia tắt hẳn mới buông điện thoại xuống một cách hờ hững kèm theo là tiếng thở dài mệt mỏi. Linh cảm giác như có một tảng đá thật nặng nề đang đè lên ngực. Và Linh cần lắm động lực để gỡ bỏ tảng đá này ra khỏi người mình.Áp một bên thái dương vào cửa kính xe khách, Linh lặng lẽ quan sát cảnh vật ven đường. Nơi đây cách xóm Tô – con xóm nhỏ nhà Linh chẳng bao xa nữa, thưa thớt vài căn nhà mặt tiền, có nhà thì hai, ba tầng mới toanh, ban công vắt vẻo những chậu hoa đủ màu sắc, thỉnh thoảng lại xuất hiện những trảng hoa mười giờ đang nở rộ dưới nắng vàng, cố gắng vẽ thêm sức sống cho căn nhà. Đi thêm vài đoạn đường nữa, càng về gần xóm Tô, Linh càng cảm nhận rõ mùi vị vủa sự gần gũi quen thuộc ngày nào. Bỏ xa nhà lầu, bỏ xa những bức tường xanh đỏ mới toanh còn đậm mùi vôi, mùi sơn tường và thay vào đó là một dãy những căn nhà trắng xám màu vôi cũ nằm san sát nhau bên vệ đường. Một vài căn nhà được xây từ những thập niên 80, 90 trông đã ngả màu vôi cũ, lớp vôi tường vỡ ra, lộ vài mảng gạch đỏ cũ kĩ đã chớm ngả màu và cũng có vài căn nhà xám xịt bởi lớp rêu xanh bám chặt chân tường. Chút sức sống ánh lên từ những dãy nhà này là những mảnh vườn nhỏ xíu nghiêng bên mặt đường nằm gọn bên hông nhà nào là xà lách, tía tô, vài cây ớt trái nhỏ xíu nhuộm màu chín đỏ rực. Thỉnh thoảng Linh lại bắt gặp vài cây hoa gạo đã qua mùa thưa thớt những chùm bông nở muộn còn sót lại tuốt trên ngọn cây. Linh kéo cửa kính xe, hếch chiếc mũi ra phía ngoài, lặng hít một hơi thật sâu để lắng nghe mùi hương xưa cũ mà Linh tưởng như mình đã để lạc đâu mất từ lâu lắm rồi. Dễ cũng đã gần năm năm rồi Linh mới lại về với xóm Tô – kể từ mùa hè ngay sau khi Linh vừa thi đại học xong. Công việc và cuộc sống thị thành kéo Linh vào vòng quay bộn bề, lúc nào cũng tràn ngập những lo toan nhưng Linh vẫn luôn cố gắng bám trụ, chỉ đến lúc này đây, khi đã quá mỏi mệt, Linh thấy mình cần được nghỉ ngơi, cần tìm lại niềm vui và động lực cho chính cuộc sống của mình. Xóm Tô, xóm nhỏ ngày nào trong tuổi thơ của Linh có lẽ sẽ là nơi mà Linh cần nhất lúc này, Linh cảm nhận có một niềm hạnh phúc đã từng tồn tại đâu đó trong Linh và Linh cần khơi lại nó, khơi lại sức sống cho chính bản thân Linh.​

Xe khách chở Linh đỗ xịch ngay trước cổng ngõ dẫn vào nhà. Linh bước xuống xe với một tâm hồn khoan khoái lạ thường, như có một luồng gió mát đang cố len lỏi vào người. Chậm rãi từng bước một, Linh tiến đến bên cây hoa gạo khẳng khiu đang nghiêng mình soi bóng dưới mặt ao bèo. Tháng ba vừa qua đi chưa lâu, cũng là lúc những nụ hoa gạo nở muộn, manh mún vài chùm ở tít trên cao vừa kịp lúc căng mình, bung tỏa thành những chùm hoa đỏ rực trên không, lâu lâu lại điệu đà, khẽ rung rinh đón một cơn gió nhẹ thoảng qua. Mối liên hệ giữa Linh và cây hoa gạo này không rõ lắm, bởi Linh không còn nhớ nhiều về những tháng năm thơ ấu Linh đùa nghịch nơi đây, dưới gốc cây này. Nhặt một bông hoa gạo đang lẻ loi bên bờ ao, Linh xoay xoay cuống hoa giữa hai ngón tay, rồi đưa lên mũi hít hà. Mà thật tình thì hoa gạo chẳng toả hương thơm ngát như hoa linh lan hay như hoa bách hợp, nó chỉ thoang thoảng một mùi nắng cháy hơi ngai ngái. Linh tự cười cho sự ngớ ngẩn của mình. Xốc lại balo trên vai, Linh bước những bước dài về cuối xóm. Nơi đây, với Linh, thật may là không có quá nhiều sự thay đổi, không quá làm Linh bỡ ngỡ.

- Linh, là Linh phải không?

Bàn tay đang hờ hững đặt trên cánh cổng, định đẩy cổng bước vào nhà thì Linh nghe có tiếng ai gọi giật phía sau. Linh giật mình quay lại, đôi mắt tròn xoe sau cặp kính cận nobita chớp chớp vài cái và miệng ngập ngừng hỏi:

- Ơ, đây là ... là ...?

Trước mặt Linh là một chàng trai cao lớn, tầm hơn Linh hẳn một cái đầu, anh ta vận trên mình một chiếc áo thun màu xám tro, quần sooc ngắn và mang dép tổ ong, đôi chân dính đầy bùn. Cô gái thành thị như Linh thấy lạ lùng với hình ảnh này. Anh chàng “người lạ” nhìn Linh cười toe toét như lâu ngày gặp lại bạn cũ, mà thật tình Linh không nhớ nổi là mình có từng quen biết với anh chàng hay chưa. Nhìn sâu vào đôi mắt nâu kia, Linh thấy như có kí ức nào đấy thật thân quen.

- Ngoại ơi, Linh về rồi nè.

Mặc kệ câu hỏi ấp úng của Linh, anh chàng vươn người về phía cổng, miệng gọi thật to. Linh nhủ thầm trong đầu: “Quái lạ, không lẽ bà ngoại lại có con rơi hay sao mà có cả thằng cháu rớt thế này nhỉ?”. Bỏ mặc hàng trăm dấu chấm hỏi trong đầu Linh, anh chàng tự nhiên tiến về phía trước, đầy cổng bước vào nhà cũng thật tự nhiên, sau lưng đeo một cái giỏ nhỏ được đan bằng tre khéo léo, phần dưới phình to và trên đầu bị thắt lại nhỏ hơn, hình như có con gì đó đang nằm ngọ nguậy trong cái giỏ kia. Vẫn chưa hết ngạc nhiên, Linh ngập ngừng từng bước chân vào nhà, được ba bước Linh đã thấy bà ngoại đang chống gậy bước ra, đôi chân già yếu của bà đang cố bước thật nhanh, miệng móm mém nhai trầu, đôi mắt hấp háy niềm hạnh phúc, giọng bà ấm áp cất lên, hoan hỉ không giấu được niềm vui:

- Linh về rồi hả cháu, đi xe có mệt không? Thằng Tùng xách cho em nó cái balo nào.

“Bà vừa gọi ai là thằng Tùng đấy nhỉ?” Lại thêm một mớ câu hỏi đang giãy giụa trong đầu, Linh tạm thời bỏ mặc, nhanh chân bước đến bên ngoại, ôm lấy đôi vai gầy của bà, giọng nũng nịu:

- Vâng, Linh yêu dấu của bà về rồi đây ạ. Đang giữa trưa nắng nôi thế này, bà ra ngoài lại ốm mất, mình vào nhà thôi bà ạ.

- Linh đưa anh cái balo, anh xách vào nhà cho.

Anh chàng “người lạ” ân cần chìa tay ra phía trước, ngỏ ý muốn xách hộ Linh cái balo, cơ mà Linh thì lại chúa ghét những người nào nhìn mặt cũng trạc tuổi Linh mà lại dám xưng anh. Thế nên, Linh nhún vai tỏ vẻ không cần, Linh tự xách được, rồi cùng bà thẳng bước vào nhà, cũng chẳng thèm ngoái lại xem vẻ mặt anh chàng kia thế nào.

Ngôi nhà ba gian của ông bà ngoại ngày nào có vẻ đã khác đi một chút so với lần nghỉ hè trước Linh về chơi. Duy chỉ có bộ bàn ghế gỗ đang đặt ở gian giữa là vẫn còn như cũ dù trông nó đã khá cũ kĩ nhưng vẫn còn chắc lắm. Linh được nghe bà kể đây là bộ bàn ghế được ông ngoại và những anh em cùng chung trong bộ đội với ông đã phải mất nhiều ngày đục đẽo mà nên. Có lẽ điều Linh thích nhất ở nhà ngoại là cây xoài thanh sum suê lá và rất sai quả, tán lá rộng làm thành một vòm bóng mát phủ xuống quanh gốc xoài. Linh rất thích những buổi trưa trốn ngủ, trốn ra gốc xoài, ngồi tựa lưng vào đó và đọc những quyển truyện mà Linh yêu thích. Bên hông nhà còn có một góc vườn nhỏ xíu ngoại dành ra để trồng vài ngọn rau ăn sống, một vài cây cúc dại, và một trảng hoa mười giờ khiêm tốn nép mình vào sát góc tường rêu xám. Ngay lúc này đây, mọi thứ vẫn nguyên vẹn như cũ. Vừa thân thuộc vừa bình yên.

- Đi rửa mặt cho mát rồi ngoại làm cơm cho ăn.

- Dạ, để lát con phụ ngoại nấu nha.

- Thôi, được rồi, con cứ nghỉ ngơi đi, có thằng Tùng nó phụ ngoại rồi. – Nói rồi ngoại quay qua nhìn vào cái giỏ tre mà anh chàng “người lạ” kia vừa mới gỡ xuống, đang nằm yên dưới gốc cột ngoài đầu hè – Hôm nay con bắt được bao nhiêu cá thế Tùng?

- Cũng đủ cho bữa ăn của bà cháu mình, bà ạ.

Tùng cười tươi rói, nhanh tay xách giỏ tre tiến về phía bể nước, từ giỏ tre đổ ra là một rổ cá rô đồng đang nhảy lung tung, hốt hoảng. Linh yên lặng theo dõi hành động của Tùng, rồi nói nhỏ vào tai ngoại:

- Ngoại ơi, Tùng nào vậy? Cháu ngoại mới nhận nuôi à?

- Con bé này, mới có mấy năm không gặp mà đã quên rồi à. Ngày xưa hai đứa cứ quấn quýt đi chơi với nhau rồi còn đòi lớn lên cưới nhau nữa - Miệng móm mém nhai trầu, bà gõ nhẹ vào đầu Linh, mắng yêu.

- Nhưng con không nhớ thật ngoại ạ - Linh phụng phịu, nắm cánh tay bà lắc qua lắc lại.

- Ôi, cháu tôi. Thôi đi rửa mặt đi, rồi từ từ cũng nhớ ra.

Linh thở dài, lôi khăn mặt ra từ trong balo, chậm rãi tiến lại bể nước. Tùng đang “hành hạ” mấy con cá rô nhỏ cho bữa trưa nay, Linh dè dặt nhìn đôi bàn tay của Tùng thoăn thoắt, chắc mấy việc này Tùng làm thường xuyên nên rành lắm đây. Linh ngập ngừng tần ngần nhìn Tùng, Linh thấy ngại không dám bước lại gần để lấy nước rửa mặt. Mà nghĩ cũng thật lạ, đây là nhà bà ngoại Linh mà, sao phải ngại cơ chứ. Nghĩ vậy, Linh mạnh dạn bước lại gần Tùng, ngập ngừng nói:

- Tùng đang làm cá à? Linh xin ít nước rửa mặt.

Tùng ngước lên nhìn Linh một thoáng, nụ cười cứ như thường trực trên mỗi sẵn vậy:

- Ừ, Linh lấy đi, nhà Linh mà. Nhưng mà sao Linh lại không gọi anh là anh? Anh lớn hơn Linh đấy nhá, lâu lâu mới về quê một lần mà dám to gan thế à.

Câu nói đùa của Tùng không làm Linh thấy bớt ngại ngùng hơn chút nào. Ngược lại còn làm Linh lúng túng hơn, chẳng biết phải trả lời sao nên Linh cũng chẳng đáp lại câu nói của Tùng, lẳng lặng rửa mặt. Dòng nước tuôn vào d.a thịt mát lạnh, Linh úp cả gương mặt mình vào cái chậu nhỏ để cảm nhận rõ hơn dòng nước mát, để giũ bỏ hết bụi đường, mồ hôi của sự mệt mỏi sau chuyến xe dài. Thật tuyệt làm sao!

***

Cuối cùng thì Linh cũng nhớ ra Tùng, người bạn thơ ấu ngày nào. Tính ra cũng đã hơn 10 năm rồi cả hai chưa gặp lại nhau. Nhớ lần trước Linh về cũng không gặp Tùng vì khi ấy Tùng đang học đại học và không về nghỉ hè nên Linh chả gặp lại Tùng lần đó. Lần này Linh nghỉ phép vài ngày về quê chơi thì cũng đúng lúc Tùng có việc riêng ở nhà cũng xin nghỉ phép mấy hôm. Nhớ lại thì ngày xưa Linh hay đi chơi với Tùng lắm, là hàng xóm cách nhau mấy bước chân nên mỗi lần đi đâu chơi là Tùng lại thò đầu qua cổng gọi Linh đi cùng. Lúc nhỏ Linh là một cô bé ham chơi, vui vẻ, hễ ai rủ đi đâu là Linh đi ngay. Nào thì thả diều, câu cá, nhảy dây và ngay cả trò bắn bi của bọn con trai Linh cũng tham gia mà chẳng ngần ngại gì. Có lẽ thì Tùng là mảng kí ức tuổi thơ đậm nét nhất trong đầu Linh, những mảng kí ức thật đẹp mà Linh vừa mới tìm lại được. Tùng của Linh như một người anh thân thiết, lúc nào cũng bảo vệ Linh khỏi những lời chòng ghẹo của lũ bạn vì là con gái mà lúc nào cũng “lẽo đẽo” theo chân mấy thằng con trai đi nghịch ngợm hết trò này đến trò nọ. Thì cũng bởi vì Linh thích chơi mấy trò của con trai và cũng vì Linh thích đi chơi với Tùng nhiều hơn. Thế nên nhiều lần chơi trò cô dâu chú rể, lần nào Linh cũng giành chọn Tùng làm chú rể và Linh làm cô dâu, có lần Linh còn nói thẳng trước mặt đám bạn thơ của mình là: “Lớn lên Linh sẽ lấy anh Tùng làm chồng luôn nha”. Câu nói ngây thơ của trẻ con ngày nào không ngờ bây giờ lại bị bà ngoại nhắc lại, làm Linh thấy xấu hổ vô cùng, không dám nhìn mặt Tùng mỗi lần có bà ngoại ngồi cùng. Ở nhà vài hôm, Linh đã quen dần với sự có mặt của Tùng và Linh cũng vui hơn khi có Tùng bầu bạn với Linh mỗi ngày. Đám bạn thơ ấu học chung lớp một, lớp hai với linh ngày xưa bây giờ khác nhiều rồi. Vài đứa đã lên xe bông, có chồng có vợ, vài đứa thì đi đâu đó xa xôi để kiếm sống làm ăn. Nếu không có Tùng những ngày này chắc Linh buồn chết mất.

Cuộc sống dân dã nơi thôn quê khác xa so với thị thành mà Linh đang sống, không khói bụi, không ồn ào tiếng xe, không khí ở đây trong lành, mát mẻ hơn nhiều. Mỗi buổi sáng thức dậy, Linh cùng ngoại đi dạo chợ mua ít thức ăn cho bữa trưa, sẵn tiện tạt qua nhà họ hàng chào hỏi hết lượt. Lâu lâu nổi hứng, Linh đu bám theo mấy đứa em họ trên chiếc xe đạp cọc cạch để chúng chở ra đồng chỉ để ngắm mọi người làm việc. Ở đây, cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả. Từ tờ mờ sáng, khi mặt trời đang cố nhô lên từ sau nóc nhà đã thấy trên những cánh đồng xôn xao tiếng người, tiếng máy cày, tiếng gà gáy sáng. Bọn trẻ con thì được quyền dậy muộn hơn một tí, nhưng chỉ ngay sau khi mặt trời sáng rực trên đầu đã thấy vài đám nhỏ đổ ra đường, chạy nhảy tung tăng, cười nói ồn ào. Đứa đi xe đạp, đứa đi bộ, tất cả đang hối hả đến trường cho kịp giờ học. Nhìn những gương mặt ngây thơ, hồn nhiên của bọn trẻ, Linh ước chi lúc này mình có thể nhỏ lại, để được thỏa sức chơi đùa mà không phải lo lắng hay suy nghĩ điều gì cả. Nhịp sống chậm của xóm Tô khiến tâm trạng Linh thoải mái hơn rất nhiều, Linh dần thấy niềm vui, niềm hạnh phúc mà Linh đang tìm kiếm đang đến ngày một gần hơn, rõ nét hơn.

***

Dưới bóng mát của cây xoài thanh, Linh ngồi trên chiếc ghế đẩu bằng nhựa vừa mới mượn bên nhà cô Tư, đôi chân duỗi thẳng bắt chéo lên nhau, lưng tựa vào gốc xoài xồ xề với lớp da nhám sần sùi nhưng Linh vẫn cảm thấy thoải mái. Linh cực kì thích không khí lúc này, bình yên và khoan khoái đến lạ thường.

- Hạnh phúc không phải là phô trương lên mạng xã hội mình có cái này được cái kia, mà là ...

Linh giật mình gập cuốn sách lại khi nghe một giọng nói thình lình vang lên phía sau. Linh quay phắt lại, cú xoay người vội khiến đầu Linh đập vào gốc xoài.

- Ui da... - Linh xuýt xoa cho cái đầu của mình, hẳn là sẽ u lên một cục to bằng ... hạt đậu xanh cho mà xem.

- Chết, Linh có sao không, anh xin lỗi nhá.

Là giọng của Tùng - anh chàng hàng xóm thân thiết ngày nào. Linh ngước lên nhìn Tùng, càu nhàu vì không dưng lại đập đầu vào gốc cây.

- Anh lại từ đâu chui ra vậy, sao lúc nào cũng thấy anh hiện ra ngay sau lưng Linh vậy?

Tùng cười xòa, lấy đôi dép tổ ong quen thuộc để làm "nệm" ngồi xuống đối diện với Linh.

- Anh có phải là bụt đâu mà tự nhiên hiện ra, anh đi cổng chính đang hoàng nha, do Linh chăm chú đọc sách quá nên không thấy anh chớ bộ.

- Ờ thì ... - Linh ngắc ngứ không nói được lời nào phản bác lại. Quả thật bất cứ khi nào cầm trên tay một quyển sách yêu thích là khi đó tập trung nhất, Linh chẳng thèm để ý xem xung quanh đang diễn ra chuyện gì. Cứ như thế, Linh nhẹ nhàng đặt lòng mình vào từng con chữ, từng trang giấy và nghiền ngẫm đọc chúng.

- Mà Linh đang đọc sách gì vậy? Tùng lên tiếng để phá tan không khí có phần hơi gượng gạo này.

- À, là quyển “Những ngày chỉ muốn rong chơi” của tác giả Nguyễn Phước Huy - Linh giơ bìa sách ra trước mặt Tùng, hào hứng giới thiệu.

- Khi nào đọc xong cho anh mượn đọc với nha – Tùng nghiêng đầu nhìn Tùng, giọng trầm hơn - Linh vẫn như ngày nào nhỉ, rất thích đọc sách. Nhưng mà ngày xưa Linh nghịch ngợm hơn bây giờ nhiều. - Tùng nhìn thẳng vào Linh như muốn dò xem nhận xét của mình có đúng không. Đằng sau cặp kính nobita kia, đôi mắt tròn của Linh thoáng chút bối rối.

- Anh nhớ Linh ngày xưa như nào mà nói Linh khác trước? Với lại bây giờ Linh lớn rồi, đâu còn trẻ con đâu, Linh đi làm rồi nha.

Tùng bật cười trước cái vẻ trẻ con mà ra vẻ ta đây lớn lắm của Linh. Dưới nắng chiều dịu nhẹ qua từng kẽ lá, Linh thấy nụ cười anh rạng rỡ hẳn, bỗng chốc Linh thấy lòng mình nhẹ bâng, êm ả đến lạ thường. Linh lắng nghe con tim mình hình như vừa đập sai một nhịp thì phải. Linh bỏ chiếc ghế đang ngồi ra, xếp đôi dép ngay ngắn dưới đất và ngồi bệt xuống gốc xoài. Bên cạnh Tùng, Linh thu hai đầu gối lại, tay chống cằm mắt nhìn bâng quơ và khẽ lên tiếng.

- Anh Tùng kể cho Linh nghe chuyện ngày xưa đi, ngày bé Linh như thế nào nhỉ? Linh cũng không nhớ rõ lắm.

Tùng mỉm cười, ánh nhìn cũng hướng về một nơi nào đó thật xa xăm.

- Linh học tới lớp hai là đi rồi, nhớ những ngày đó...

Giọng anh đều đều, ấm áp vang lên cùng với gió đang vút nhẹ qua hai bên tai, như một chiếc xe thần kì của Doraemon kéo cả hai quay lại thời điểm của hơn 10 năm trước. Có quá nhiều những câu chuyện nghịch ngợm thời thơ ấu để nhớ lại. Câu chuyện Tùng gợi nhắc lại cho Linh hôm nay là về một buổi chiều hè với những con nắng vàng ươm trên từng kẽ lá, nắng nhuộm vàng màu lúa non từ xanh mướt sang màu vàng chanh. Hai đứa trẻ nghịch ngợm trốn ngủ trưa đi chơi với bọn trẻ con cùng xóm. Cả buổi chiều phơi tóc dưới nắng cháy, Linh tung tăng chạy nhảy, tham gia mọi trò chơi mà bọn con trai bày ra. Bắn bi chán thì chuyển sang chơi bán đồ hàng, mà cái trò này thì dễ trở nên chán ngắt với bọn con trai nên chẳng mấy chốc mà bị dẹp luôn và chuyển sang "tiết mục" câu cá. Linh không có cần câu, lẽo đẽo xách mồi câu là lúc nhúc những con giun đất béo ú mà Tùng vừa bắt được khi sáng. Trong lúc Tùng ngồi câu cá, thì Linh ngồi nhìn bâng quơ, tay quơ quào vài nét vẽ nghệch ngoạc trên nền đất ẩm ướt đợi những con cá rô nhỏ xíu Tùng câu được. Thêm một con cá chui vào giỏ là thêm một niềm vui cho Linh và chẳng bao giờ Linh thấy chán.

Câu chuyện quay ngược thời gian về lại với quá khứ trên cỗ xe thần kì của Doraemon vô tình làm thời gian ở hiện tại như được tua nhanh hơn. Mấy chốc mà nắng chiều đã ngả sang màu đỏ sẫm, mặt trời tròn vo, đỏ lửng như lòng đỏ trứng gà đang chậm rãi lặn mình vào những đám mây để nhường chỗ cho ánh trăng và những ngôi sao xa tít tắp được khoe mình lúc về đêm.

- Linh ơi, có con sâu xoài trên vai áo Linh kìa - Tùng chỉ tay vào vai áo Linh kèm theo thông báo bất ngờ.

Như một con rô bốt phản ứng nhanh ngay sau nút bấm, Linh bật dậy, hét toáng lên, hai chân giậm bình bịch xuống đất, mắt nhắm nghiền lại.

- Aaaaaaaaa, bắt sâu ra đi, bắt sâu ra đi, ...

Mặc kệ cho Linh hét lên vì sợ hãi, Tùng ôm bụng cười ngặt nghẽo. Sau mười giây định thần, Linh cũng hiểu ra mọi chuyện, Linh giơ nắm đấm thụi vào vai Tùng đầy giận dỗi. Linh không sợ những con giun đất béo ú, nhưng lại rất sợ những con sâu xanh lè xanh lét to bằng ngón tay cái hay đục thân cây xoài ra làm nơi trú ẩn, nhìn chúng Linh cứ thấy ghê ghê.

- Có chuyện gì mà cái Linh hét toáng lên vậy, ồn ào cả xóm còn nghe đấy cháu ạ.

Ngoại lom khom cùng chiếc gậy, miệng vẫn móm mém nhai trầu.

- Không có chuyện gì đâu ngoại ạ. – Tùng nháy mắt nhìn Linh, mặc kệ vẻ giận hờn của cô nàng.

- Ừ, thế chuẩn bị đi ăn cơm rồi tranh thủ ra Nhà Văn Hóa xã xem hội ca nhạc nào. Thằng Tùng có muốn đi xem với ngoại không?

- Có chứ ạ! Thế hôm nay cháu lại ăn trực ở đây nhé.

Tùng ôm cánh tay ngoại dìu vào nhà, Linh thấy điệu bộ Tùng thật giống trẻ con. Và như không tự kiểm soát được mình, Linh bật cười trước dáng vẻ của Tùng, phút chốc quên đi những giận hờn chỉ mới hình thành cách đây chừng vài phút. Nhịp sống cứ trôi qua êm ả như thế, niềm hạnh phúc cũng từ đó mà đến trong Linh. Nửa tháng trước, Linh bơ phờ với công việc, đánh mất niềm vui, niềm hạnh phúc mà ở tuổi của mình Linh nên được tận hưởng. Ai bảo tìm kiếm hạnh phúc là khó khăn kia chứ? Có chăng là do chính bản thân chúng ta đã sống quá vội, lướt qua nó mỗi ngày mà không hề hay biết. Đơn giản hơn, hạnh phúc là thứ vốn dĩ đã tồn tại trong mỗi người nhưng vì được cất giấu quá kĩ nên đôi lúc ta tưởng mình đã để lạc mất. “Hạnh phúc không phải là phô trương lên mạng xã hội mình có cái này được cái kia, mà là sau buổi làm, thênh thang trở về nhà, không bận tâm chuyện bạc tiền và có ai đó để nhớ.” Có ai đó để nhớ và có một nơi để trở về đã là quá đủ với Linh lúc này. Dù không hẳn là Linh đang có một ai đó để nhớ, nhưng Linh đã tìm thấy một nơi để trở về và Linh biết rằng, nơi để trở về có một người để Linh luôn nhớ.
 
×
Quay lại
Top