Cô giáo bị ghi âm lén!

widmonster

Thành viên KSV
Thành viên thân thiết
Tham gia
29/4/2010
Bài viết
330
TT - Một đoạn ghi âm dài 18 phút do học sinh lớp 11 chuyên lý Trường THPT chuyên Trần Phú (TP Hải Phòng) thu âm lén trong giờ học tiếng Anh và tung lên mạng khiến nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh nghe đều... choáng.

Sự việc nảy sinh trong giờ tiếng Anh của cô giáo T.N., sinh năm 1980, về dạy ở Trường Trần Phú được hai năm. Theo thầy Bùi Văn Phú - hiệu trưởng nhà trường, do bị L. - học sinh giỏi, từng học tiếng Anh từ nhỏ - dè bỉu, cô T.N. không kiềm chế được nên dùng lời lẽ xỉ vả không phù hợp với môi trường sư phạm để xúc phạm em L. và xưng hô mày tao với học sinh này.

Cho dù vì lý do gì, việc xúc phạm học sinh của cô giáo T.N. kéo dài trong 18 phút (gần một nửa thời gian tiết học và lấn sang cả giờ giải lao) cũng khó có thể được chấp nhận.

Đoạn ghi âm trên đã được nhiều học sinh Trường Trần Phú gửi cho nhau và tung lên mạng từ ngày 25-9. Những phụ huynh học sinh biết chuyện đã rất bất bình. Một số phụ huynh trong buổi họp phụ huynh vào ngày 26-9 tại trường này đã đề nghị nhà trường phải giải thích.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-9, thầy Bùi Văn Phú cho biết thêm sau sự việc, gia đình em L. đã đưa em này đến xin lỗi cô T.N. vì thái độ vô lễ trên. Cô T.N. cũng đã xin lỗi học sinh lớp 11 chuyên lý vì thái độ không đúng mực của mình. Giữa cá nhân cô giáo và học sinh bước đầu đã có sự thông cảm.

Tuy nhiên do sự việc được phát tán lên mạng, gây tâm lý tiêu cực cho đông đảo học sinh nên chiều 28-9, ban giám hiệu Trường Trần Phú và tổ bộ môn ngoại ngữ của trường đã họp kiểm điểm cô giáo T.N.. Trên cơ sở giải trình của cô T.N. và học sinh L., nhà trường sẽ xem xét để có mức kỷ luật. Dự kiến cô T.N. sẽ chịu hình thức kỷ luật khiển trách trước hội đồng và không được bố trí dạy lớp 11 chuyên lý nữa.

Cũng theo thầy Phú, việc các em học sinh có năng lực học tập tốt nhưng coi thường giáo viên, có biểu hiện vô lễ qua vụ ghi âm này nhà trường cũng sẽ có biện pháp xử lý.

Theo ông Đỗ Thế Hùng - giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, hành động của cô T.N. vi phạm nặng nề đạo đức nhà giáo, sự việc này rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của các thầy cô giáo nói chung, nhất là khi đang xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Lãnh đạo Sở GD-ĐT đã yêu cầu nhà trường xử lý kỷ luật nghiêm khắc với cô T.N..

Ông Trương Đình Mậu, phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Nếu đúng là giáo viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo như vậy thì sẽ phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của Bộ GD-ĐT”.
Nguồn: Tuổi Trẻ Online
 
Bài này hum nay mới đọc trên báo tuổi trẻ,trò sai giáo viên cũng sai
Vẫn chưa biết mức kỷ luật sẽ như thế nào:-w
 
Đúng là giáo viên không nên như vậy nhưng nếu học sinh không làm gì đến mức nghiêm trọng thì giáo viên cũng không như vậy. Cả trò và thầy cần xem xét thật kĩ.
 
Đoạn vi deo mình play ko được Wid ơi. Nhưng mà còn nhỏ học sinh có vẻ hơi tự kiêu đấy giỏi mà không có đức cũng thành người vô dụng.
 
Cái đó chờ 1 chút là play được à :) , tầm 1 phút, hoặc tải https://www.mediafire.com/?w5de1njk14wr2lz

Bổ sung cho scandal này :


Cô Thảo Nguyên đây!



Tất cả đều có lỗi

Theo tôi, trong sự việc trên, tất cả mọi người đều có lỗi, đều sai.

Thứ nhất, em học sinh bị cô la đã sai, vì trước đó có hành động dè bĩu đối với cô giáo. Là học sinh, em cần phải biết tôn trọng thầy cô giáo, bất cứ hành vi vô lễ nào đối với thầy cô cũng đáng bị kiểm điểm. Nhà trường là nơi không chỉ dạy kiến thức cho học sinh, mà còn là nơi dạy đạo đức, phép hành xử ở đời.

Thứ hai, cô giáo sai vì đã la mắng học sinh một cách nặng nề, thầy cô là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, vậy mà cô giáo đã dùng những từ ngữ không được phép ở môi trường giáo dục, cách xưng hô không phù hợp, đồng thời còn xử dụng thời gian dạy học trên lớp vào việc cá nhân. Cô giáo đáng bị kiểm điểm.

Thứ ba, những học sinh ghi âm lời cô giáo la là không đúng, nếu như không muốn nói là vi phạm pháp luật. Dù là bài học, hay những lời la mắng, muốn ghi âm đều phải có sự đồng ý của người được ghi âm.

HHT



Cô giáo không sai, học sinh mới là người sai!

Tôi là 1 sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ. Tuy mới chỉ nghe qua đoạn ghi âm cô giáo chửi mắng học sinh nhưng mà tôi nhận thấy nếu em học sinh nam đó mà cư xử đúng mực thì chẳng có giáo viên nào lại phải nói nặng lời với em đó cả. Rõ ràng em học sinh đó vô lễ, thấy cô giáo bực mình rồi không điều chỉnh thái độ lại còn tiếp tục kích cho cô giáo tức thêm để bạn bè lén ghi âm lại làm bằng chứng. Theo tôi đây không phải là bằng chứng phản ánh cô giáo trên vi phạm đạo đức người giáo viên mà là bằng chứng cho thấy em học sinh đó vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm trò, mấy em học sinh đồng lõa với bạn cố tình vào hùa với bạn chọc tức cô giáo để cô nói nặng lời cũng thuộc loại học sinh vô đạo đức quá thể đáng. Cho nên nếu cô giáo đó mà bị xử phạt hay kỷ luật thì nói thật sẽ làm cho học sinh càng ngày càng trở nên láo toét.

Như trước đây, thầy đồ còn cầm roi quất cho sưng mông những học trò nào lười biếng láo toét, thời nay giáo viên không có quyền đánh lại không có cả quyền mắng học sinh khi học sinh hư, điều đó cũng có nghĩa là xã hội dung túng cho học sinh hư và dung túng cho cả thái độ láo toét của học sinh. Sao em học sinh đó không bị phê phán là vi phạm đạo đức người học trò nghiêm trọng mà chỉ thấy cô giáo đó bị phê phán là vi phạm đạo đức người giáo viên?

Nếu xã hội không có cái nhìn khách quan và công bằng, nếu các nhà giáo dục không có cái nhìn và quan điểm nghiêm khắc với thế hệ các em học sinh non trẻ thì liệu rằng các em có thể lớn thành người có đạo đức thật thà được hay không? Hay chúng chỉ là những đứa trẻ tranh thủ khuyết điểm của thầy cô để đe nẹt dọa lại các thầy cô? Thầy cô không chỉ là người dạy học mà còn dạy làm người. Chúng ta nên coi trọng cả vai trò dạy học sinh làm người của người giáo viên nữa. Tôi thấy cô giáo này đang thực hiện tốt vai trò dạy học sinh làm người và chẳng có gì là sai cả. Tuy nhiên do quá nóng giận nên cô giáo mới có những lời nặng lời như vậy.

Cô giáo thì cũng là người, ai làm người chẳng có lúc mất bình tĩnh như thế, nhất là em học sinh này lại tỏ ra coi thường giáo viên. Chúng ta có ai muốn bị học sinh coi thường và để yên cho học sinh coi thường không?

Nguyễn Hạnh Trâm




Tiêu đề


Ở đây sự việc tăng nặng thêm do việc học sinh chuyền nhau nghe và phát tán lên mạng. Vấn đề này làm sự việc nghiêm trọng thêm, suy cho cùng không phải lỗi ở cô giáo. Học sinh thì nổi tiếng là " Nhất quỷ nhì ma ". Nhưng nếu không như vậy thì chúng ta đâu biết sự kiện này. Theo tôi, rút kinh nghiệm thì đương nhiiên Cô T. và tất cả giáo viên chúng ta phải làm rồi. Còn về vấn đề kỷ luật thì nhà trường xử lý với đương sự trong nội bộ, không cần thiết gây căng thẳng nặng nề thêm với cô giáo. Bị như vậy cũng đã cay chua với nghề, quê mặt với đồng nghiệp khắp nơi rồi, càng quê thêm với giới phụ huynh khắp nước và tất cả giới học sinh trong nước, đặc biệt là các phụ huynh và học sinh ngay trong trường sở tại.

Nếu muốn kỷ luật, nhà trường hãy nên kỷ luật em học sinh đó trước sân cờ toàn trường trước,để em đó có tiếng nói phát biểu trước toàn trường và nói lên sự ân hận của mình với hành vi thu âm trái phép và thiếu căn bản đạo đức của em đối với cô giáo. Cô giáo cũng sẽ có ý kiến xin lỗi với lớp trước toàn trường. Tôi đã cảm thấy rất mừng vì cô và học sinh đã thông cảm nhau, tuy là hơi muộn. Còn hình thức kỷ luật với cô giáo thì tùy nhà trường, nếu thấy cần thiết thì hình thức đã nêu trên mạng, theo tôi là hợp lý.

Lê Thi Lan



Giáo viên có quyền chửi học sinh không?

Tôi sống ở HP. Tôi đã được nghe toàn bộ đoạn băng này. Tôi không thấy em học sinh chuyên lí đó dè bửu cô giáo, em chỉ phản ứng khi cô dạy sai kiến thức cơ bản. Khi bị cô giáo mắng, em học sinh L vẫn chỉ nói "vâng ạ, có ạ..." chứ không dè bửu cô giáo. Vấn đề cơ bản ở đây là trình độ chuyên môn của GV không đủ năng lực để chinh phục học sinh. Trong đời đi học, ai chả bị thầy cô mắng mỏ đôi lần nhưng mỗi lần bị mắng lại thấy quí thầy cô hơn! Tôi không bênh em L mà tôi chỉ băn khoăn những GV như cô N có xứng đáng dạy ở trường chuyên không ( về cả trình độ chuyên môn lẫn đạo đức )?!

Thủy - Hải Phòng


Ghi Âm Tại Lớp Học Không Có Gì Sai Trái

Việc ghi âm trên lớp là hoàn toàn không sai trái mà có thể là tốt nữa. Học sinh có thể về nhà nghe và học lại những gì mình đã học, tốt cho học sinh rất nhiều. Phụ huynh có thể tham khảo để xem giáo viên dạy con mình có đủ tiêu chuẩn hay không. Chỉ có những giáo viên kém cỏi mới sợ bị thu âm, và đây chính là tâm lý chung của giáo dục Việt Nam vì từ trước đến giờ phần lớn giáo viên hay giảng viên đều rất kém, họ chỉ biết đọc từ sách ra và rất sợ bị học sinh hay sinh viên hỏi. Vì vậy họ dĩ nhiên là sợ người khác biết mình kém cỏi cỡ nào.

Giảng viên của ta mới học xong đại học, ra trường cũng được giữ lại làm giảng viên. Tôi nghĩ rằng giáo dục Việt Nam thật sự đi xuống nếu không có cách khắc phục. Giáo viên phải thực sự giỏi để có đủ tự tin đứng lớp và trả lời bất cú câu hỏi gì của học sinh, nếu không thuộc chuyên môn của mình thì hướng dẫn học sinh hỏi người nào thuộc chuyên môn đó. Ghi âm trên lớp là tự do. Phải mở khóa cho học sinh để họ phát huy hết sáng kiến như thế đất nước mới có cơ may tiến lên được. Giáo dục Viêt Nam thực sự đã làm người dân Việt Nam thụ động, rụt rè, nhút nhát. Lực lượng lao động Việt Nam hiện nay bị đánh giá là thiếu năng động, kém chất lượng là kết quả của nền giáo dục gò bó, trói buộc tư duy con người của chúng ta.

HCT



Đạo đức tốt có được coi trọng hơn trình độ học vấn?

Tôi là một giáo viên Anh văn nghiệp dư, nghĩa là chỉ đi dạy khi thích. Khi vào lớp tôi luôn nói với học viên của tôi rằng:" Ngôn ngữ là vô tận, nên tôi không thể biết hết về tiếng Anh. Nhưng các anh chị cứ đặt câu hỏi. Nếu biết tôi trả lời ngay, nếu không tôi sẽ nghiên cứu hoặc hỏi các đồng nghiệp khác và trả lới các anh chị sau".

Có những câu trong tiếng Anh rất đơn giản, nhưng nếu chúng ta chưa gặp được trong quá trình nghiên cứu thì không thể biết được để trả lời. Điều đó không có nghĩa là chúng ta dở. Và nếu học sinh có biết được gì đó mà thầy cô chưa biết, thì không có có nghĩa là học sinh đó giỏi.

Người dùng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ có khi viết văn còn không hay bằng người nước ngòai viết học tiếng Anh nữa là. Thực tế tôi đã thấy nhiều người Anh khen giáo viên chúng ta biết ngữ pháp của họ quá tốt, hơn cả họ. Chúng ta cũng vậy thôi. Những nguời không nghiên cứu tiếng Việt có khi không biết ngữ pháp Việt bằng các sinh viên nước ngòai đang học tiềng Việt. Tôi nghĩ chúng ta nên học tập lẫn nhau, bất kể tuổi tác, trình độ. Nếu được như vậy, tôi nghĩ sẽ không xảy ra truờng hợp trên.

Theo tôi, chúng ta nên bàn đến đạo đức của người học sinh ngày nay. Khi tôi dạy ở trung tâm, toàn con em gia đình khá giả. Và thái độ của họ đối với giáo viên thât là buồn. Tôi cũng không nản chí vì công việc dạy chỉ là phụ của tôi, nên tôi nói với họ rằng: "Thích thì ngồi đàng hòang nghe tôi dạy, không thích, các anh chị có thể ra ngòai làm gì tùy thích". Đối với tôi, trong lớp có 1 ngưồi tôi vẫn dạy được! Nhưng đối với những giáo viên chuyên nghiệp, tôi nghĩ điều này không đơn giản do họ cần lớp, cần học trò.

Còn học sinh ư? Nói chuyện phiếm, khi bị nhắc nhở thì cười khẩy và nói tiếp, yêu cầu đọc thì "Xin lỗi, em đang nhai gum nên không đọc được", điện thọai di động thì reo liên tục, không làm bài, không học bài, lâu lâu thử trình độ cô giáo bằng một số câu các em có được khi thân nhân Việt Kiều về chỉ cho, nếu giáo viên không biết thì lấy làm tâm đắc lắm!

Các em còn nhỏ có thể không biết, phụ huynh không đến lớp cũng biết con em mình như vậy (Nhưng có khi biết được do các em kể lại, họ cũng đồng ý rằng giáo viên đó dở) nên làm sao họ chấn chỉnh được con em mình. Điều duy nhất tôi nghĩ rằng, chúng ta phải luôn dạy con em mình tôn trọng, lễ phép với giáo viên (hay bất kỳ người nào khác) trong bất kỳ hòan cảnh nào.

Tôi được dạy từ nhỏ rằng dù người lớn có sai, mình cũng phải im, không cãi vì dù gì mình cũng là người nhỏ. Sau đó, khi bình tĩnh, muốn giãi bày thì giãi bày. Tôi thấy, như vậy đôi khi cũng không đúng trong mọi trường hợp, nhưng chỉ cần các em làm được như vậy 7/10 lần có mâu thuẫn thì rất nên. Còn tôi thấy hiện nay, các bạn trẻ hễ cái gì không đúng theo ý mình (mà ý mình chưa chắc hoặc không đúng) thì đã gân người lên cãi hoặc trả đũa rồi, bất kể người đó đúng hay sai, già hay trẻ...Trông thật bất nhẫn...
Chúng ta giáo dục con cái dân chủ nhưng cái đó khác ngang ngạnh, hỗn hào và bất chấp. Tôi dạy con tôi không phải học để hơn người, hoặc để trở thành ông này bà nọ, chỉ cần cố gắng học hết khả năng, kết quả thế náo tôi cũng đồng ý. Nhưng còn về đạo đức, bắt buộc con phải là một người có hạnh kiểm tốt. Tôi nghĩ điều đó rất khó nên chỉ biết ước gì mọi người đều có hạnh kiểm tốt ... cả cô giáo lẫn học trò... Chắc là không được....

Lotus


Tiên trách kỷ

Tôi cũng học sư phạm. Khi thi kiến thức về giáo dục học, ngành này thường đưa ra các tình huống sư phạm. Và nếu tình huống học sinh dè bỉu cô là một đề thi thì cô giáo đã không tốt nghiệp, không đủ chuẩn để đứng trên bục giảng. Nếu phải đòi hỏi như thế này, như thế kia, thì nên đòi hỏi thầy chứ không phải trò. Thầy lớn tuổi hơn, được học hành kỹ hơn, được giáo dục nghiêm túc hơn kia mà. Thôi, tiên trách kỷ, hậu trách nhân! Các thầy, các cô hãy cẩn thận. Mọi đòi hỏi thuần túy chẳng ăn thua gì đâu. Xã hội chắc chắn sẽ sản sinh nhiều trường hợp cá biệt, gây sốc hơn thế. Và nhiệm vụ của các thầy là phải giải quyết nó, sao cho học sinh cảm phục.

Tú Ân


Cần một nền giáo dục cởi mở và bình đẳng hơn

Không phủ nhận rằng hành động "dè bĩu" cô giáo của em học sinh đó là sự đi ngược lại đạo đức lễ nghĩa. Nhưng một người giáo, là tấm gương nhân cách cho học sinh soi theo lại có những cách ứng xử sư phạm như thế thì cũng không thể được. Chúng ta cần sự tôn trọng từ cả hai phía : thầy và trò. Nền giáo dục Việt Nam nên cởi mở, thẳng thắn và bình đẳng hơn. Như có thể đưa ra những hộp thư ý kiến. Hành động ghi âm của các em như thế cũng là một sự thỏa đáng. Giả sử, nếu không ghi âm, khi các em kiến nghị việc đó lên nhà trường, ai sẽ tin các em.

Nguyễn Thị Trâm Anh



Thật đáng buồn!

Thật đáng buồn vì cho đến nay tình trạng giáo viên ở độ tuổi rất trẻ nhưng lại có những lời lẽ khi tiếp xúc với học sinh rất thiếu hiểu biết. Học sinh vô lễ với giáo viên cũng là vì ngày từ bậc tiểu học giáo viên đã không có những hành vi uốn nắn mà ngay bản thân cũng có những lời lẽ và hành động không tôn trọng học sinh nên khi ở độ tuổi THPT thì học sinh đã rất coi thường giáo viên rồi.

Chúng ta phải xem xét lại thực sự giáo viên - Có nên làm thước kẻ để đánh giá mức chuẩn nào thì thực sự là một người giáo hay cứ thi đỗ vào trường rồi ra trường là giáo viên. Có những người đạo đức rất kém!

Nguyen Thanh Ngo



Nên nhìn nhận vấn đề thấu đáo.


Hiện tại, tôi đang là một sinh viên Sư phạm, tôi cũng không đồng tình với cách xử sự của cô giáo N song xin phép mọi người trước khi phán xét hãy nghĩ đến những áp lực mà bản thân người giáo viên phải chịu. Tôi không đồng ý với ý kiến của Long Nguyen, giáo viên cũng phải đi học, cũng phải thi cử, cũng phải "bán phổi" để kiếm cơm, bạn có chắc rằng giáo viên "không bon chen cực khổ, không đổ mồ hôi nước mắt" và chỉ nhận "phần cơm phải góp vào nồi cơm chung của nhà nước phục vụ những người làm việc công, trong đó có thầy cô" hay chăng? Thầy cô không lao động ư? Thầy cô chỉ ngày ngày vác cặp và cái đầu óc trống rỗng lên trường đi dạy chăng? Ai soan bài, chấm bài, ai khàn cổ giảng dạy suốt năm tiết và nhận mức lương Cử nhân ít ỏi?

Bạn bảo thầy cô "không ý thức được rằng cần mang ơn xã hội hay sao", thưa bạn, nếu bạn đã khẳng định "Nghề dạy học cũng là công việc làm như bao nghề khác" thì xin bạn hãy công tâm suy xét rằng, vậy thì nghề giáo viên cũng là nghề "kiếm cơm", xin lỗi, phải đau lòng nói rằng, đó là nghề "bán chữ kiếm cơm" vậy theo một nghĩa sòng phẳng, tại sao bạn được quyền lớn tiếng cho rằng thầy cô nghĩ "công việc dạy học là học ban ơn cho xã hội", và "đây là công việc được xã hội ưu ái, không bon chen cực khổ, không đổ mồ hôi nước mắt"?

Bạn không trong nghề, bạn không nhìn thấy những áp lực mà người giáo viên phải nặng gánh, bạn chỉ đứng ở ngoài và lên án ? Liệu bạn công bằng với nghề giáo chưa? Nhìn nhận vấn đề cần công tâm bạn à, đừng " vơ đũa cả nắm". Tôi thật sự bất bình với hành vi của cô giáo N, song đó chỉ là số ít, còn rất nhiều thầy cô biết cách hành xử khéo léo hơn, các em học sinh, đừng nghĩ rằng mình thông minh, học giỏi thi có quyền thiếu tông trọng thầy cô. Bác Hồ từng nói " Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đúc mà không có tài làm việc gì cũng khó", các em từ nhỏ đã được học "Tiên học lễ hậu học văn", tôi mong các em nên chú ý đến cái "lễ" mà các em được dạy.

hien



Năng lực giáo viên và đạo đức học sinh

Trong chuyện này, cả giáo viên và học sinh đều phải hoàn thiện bản thân, một người học sinh mà có thái độ như vậy một phần do giáo dục từ nhà trường và một phần là sự giáo dục từ gia đình chưa tốt. Còn đội ngũ giáo viên ngày nay nhìn chung năng lực chưa cao. Một giáo viên có đầu vào Đại Học chỉ bằng điểm sàn (13-14 điểm) thì làm sao có thể đào tạo những học sinh của mình thi ĐH đạt 15-16 điểm được. Có nghĩa là những giáo viên ngày nay cũng chỉ là những học sinh trung bình yếu khi họ còn ngồi ở ghế nhà trường THPT mà thôi. Tôi không phủ nhận vai trò của Giáo Dục ĐH.

Bạn đọc TTO


Tuyệt đối không được dè bỉu cô

Có thể là em học sinh đó giỏi , nhưng dù là như vậy, em đó cũng nên tôn trọng cô, và tôn trọng các bạn cùng lớp. Ngoài em ra có bạn nào khác có ý kiến như em không? Nếu chỉ có em là giỏi nhất, và em cho là em không cần phải nghe cô giảng, thì em có thể xin ra ngoài, về nghỉ hay là chờ tiết sau vô hoc tiếp. Nếu có đa số các bạn đồng ý ,em và các bạn có thể cùng kết hợp với gia đình kiến nghị với nhà trường xin bố trí giáo viên khác. Nhưng, nếu số đồng ý kiến với em là số ít, thì em có thể xin nghỉ tiết, (nếu được cô đồng ý), nếu em muốn thế. Tuyệt đối em không được dè bỉu cô giáo chớ. Tập thể học sinh chúng ta biết ơn Thầy Cô còn không hết, có đâu lai gây ra tình huống khó khăn cho cô như vậy.

Nguyễn Thị H. N.



Đáng buồn

Khi tôi đọc qua những gì bái báo đã phản ánh trên về một học sinh lớp 11 chuyên lý đã ghi âm tiết lên lớp của cô giáo dạy Anh văn, thật sự tôi chưa cần phải nghe nội dung nói gì nhung tôi thấy em học sinh mà ghi âm có chữ nhưng không có văn hóa sống. Em cứ tưởng rằng mọi hàng động để xử lý một vấn đề là phải làm như vậy mới bỏ công và cho cô giáo biết mặt. Thật đáng buồn với hai chữ Tiên học lẽ hậu học văn.

Một bạn đọc



Tình thầy trò


Thật buồn cho câu "tiên học lễ hậu học văn" , ý nghĩa rất sâu sắc, nhưng đối với một bộ phận học sinh hình như chưa được dạy dỗ đúng mực. Mới lớp 11 mà đã có tính tự cao tự đại như vây rồi, khi phát triển thì hậu quả sẽ như thế nào???

Ngày xưa tui đi học lúc nào cũng tôn trọng thầy cô như cha mẹ mình vậy. Mà cha mẹ thì có những thứ cũng phải thua con cái chứ. Kiến thức là vô tận mà.Llà cô giáo dạy lớp 11 thì trình độ tương ứng là tốt rồi. Còn nếu trình độ cô giáo qua yếu thì có thể họp lớp ý kiến hay nhờ phụ huynh họp với cô chủ nhiệm cũng được. Thái độ học sinh dè bỉu cô giáo thật không thể chấp nhận được, hành động này quá vô lễ. Có khi về nhà còn coi thường cha mẹ nữa chứ, vì cha mẹ ngày xưa có thể học ít hơn mà.

Về phần cô giáo này cũng có phần sai, đó là không tự tin vào trình độ chuyên môn của mình nên mới có thái độ đó.

Nguyễn Thanh Phong



Mong một tương lai tốt cho em học sinh

Đi ngang các trường học, tôi hay nhìn thấy một băng rôn khá lớn "Tiên học lễ, hậu học văn", không biết là em học sinh này đã có nhìn thấy hay không. Theo tôi, nếu em thật sự là một người tài giỏi thì hãy làm điều giống như anh Ngô Bảo Châu đã làm để người dân ta lấy đó làm tự hào dân tộc. Nếu vẫn với thái độ dè bỉu cô giáo mình như thế, tôi thật sự lo ngại cho tương lai của em sau này.
Phạm Trần Sỹ Lâm


Ghi âm sao lại "vô lễ"?


Việc ghi âm lại bài học trong lớp là chuyện thường tình trong khi đó ở mục trưng cầu ý kiến thì hầu hết lại bị đánh giá là "vô lễ". Trước tiên cần xem xét lại quan niệm này. Học sinh có thái độ vô lễ với giáo viên trong giờ học, tất nhiên là người ai chả bực mình. Nhưng không có nghĩa là được phép đánh mất mình vì giáo viên còn phải làm gương cho học sinh về hành vi ứng xử nữa. Vì ngoài học sinh làm sai toàn bộ học sinh trong lớp phải nghe những từ ngữ nặng nề từ cô giáo mình suất 18p là chuyện không thể chấp nhận. Những học sinh đó cũng cần phải nhận được câu xin lỗi từ giáo viên. Trong trường hợp này nếu cô giáo bình tĩnh và có kinh nghiệm ứng xử tốt thì tất cả các học sinh có lẽ sẽ được một bài học về cách sống, cách ứng xử nhưng tiếc là sự việc đã không theo hướng đó. Tất nhiên không phải giáo viên đã sai hoàn toàn mà với hành vi vô lễ học sinh này cũng cần nhận một hình thức kỷ luật tương xứng.

Nguyễn Long



"Cây ngay không sợ chết đứng"

Tôi không hiểu sao mọi người lại phản ứng như vậy? Bản thân tôi cũng là một giáo viên, và ở độ tuổi của người nữ giáo viên bị ghi âm lén, tôi thấy nếu bản thân người giáo viên là đức độ và có trình độ, thì chẳng việc gì phải sợ học sinh lén ghi âm hay quay phim! Việc học sinh học cậy giỏi nên có thái độ dè bỉu giáo viên cho thấy một số điều sau:

1. Bản thân em học sinh đó có thể kiến thức ngoại ngữ rất tốt (trên trình độ anh văn lớp 11) nhưng chưa rèn luyện được kỹ năng sống đẹp, có thể do còn nhỏ hoặc được gia đình dung túng thành quen thói. Nói chung thì cá nhân học sinh đó chưa hoàn thiện về hành vi đạo đức.
2. Trình độ chuyên môn của giáo viên (anh văn) còn yếu kém.
3. Kỹ năng xã hội của giáo viên chưa tốt nên chưa biết cách tháo gỡ vấn đề và không làm cho học sinh "tâm phục khẩu phục", cho dù đôi lúc có thể bị rơi vào thế "bí" trước người học. (Chuyện đó thì xảy ra thường hơn ở cấp độ đại học!) Đó là tôi phân tích về động cơ của học sinh. Còn cách phản ứng của người nữ giáo viên trong câu chuyện trên thì...

Sẽ thật ấu trĩ khi nghĩ giáo viên là luôn giỏi hơn học sinh, và học sinh phản ứng lại giáo viên là sai, vô phép! Tất nhiên, học sinh thì chỉ là học sinh thôi, nên phải lễ phép với người dạy mình; nhưng nếu sự trao đổi giữa thầy-trò diễn ra tích cực và thường xuyên hơn trong giờ học (người GV nên bớt cái TÔI của mình) thì sẽ tốt cho cả hai vì người giáo viên có động cơ luôn nâng cao kiến thức giảng dạy, trong khi học sinh vẫn thể hiện được sự chủ động, năng động, và bản lĩnh của mình ngay trong quá trình được đào tạo. Sự bao cấp cho giáo viên chỉ tạo ra những học sinh như con vẹt mà thôi! Mà những con vẹt học trò chúng ta đã có quá nhiều rồi!

lữ khách



Thật đau lòng!

Tôi thật đau lòng khi thấy HS làm như thế với thầy cô mình. Đúng là cô N đã vi phạm là trách mắng HS hơi quá đáng. Chẳng lẽ HS không vi phạm gì mà thầy cô lại trách mắng hay xử phạt? Một số người công tác trong ngành đều nói đùa rằng: đừng đụng đến HS vì quy định của ngành và nếu mình không muốn chuốt họa vào thân, nhưng nếu HS nó xúc phạm đến GV thì cao lắm chỉ hạ bậc hạnh kiểm một học kỳ hay cha mẹ đến xin lỗi rồi thôi.

Từ lâu, việc HS dùng điện thoại di động quay phim, thu âm hình ảnh thầy cô rồi phát tán trên mạng đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Nhiều em còn dùng ảnh ấy để "lên án" thầy cô mình như: quay phim thầy xem báo trong giờ chơi mà nói là giờ học,...

Một số GV dạy ở các trường chuyên, lớp chọn cũng thường than rằng họ bị HS xem thường hay xúc phạm khi nói nhầm hay nói lỡ lời. Thầy cô cũng là một con người, ai mà không tránh khỏi nhầm lẫn, những sai phạm? HS đáng lẽ là người mang ơn thầy cô nhưng sao các em lại đối xử với sai phạm của thầy cô như vậy? Thế còn đâu truyền thống "tôn sư trọng đạo"?

Khi ra tòa, tôi được biết tòa chưa bao giờ xem việc ghi âm hay ghi hình là một bằng chứng để căn cứ vào đó mà luận tội cả. Nay ngành giáo dục căn cứ vào đấy để xử phạt giáo viên liệu có đúng quy định với pháp luật hay không? Đây là bài học đau xót cho ngành giáo dục.

Tôi mong rằng qua bài học này GV cần trao dồi nhiều hơn về năng lực sư phạm. HS cần trao dồi hơn hạnh kiểm.

Đàm Thị Xuân Uyên



Hành động thái quá

Hành động ghi âm của bạn học sinh trên là quá đáng, cho dù bạn có bị bức xúc trước điều gì đi nữa thì bạn cũng phải nghĩ lại: việc làm đáp trả (theo tôi hình như nó mang tính dàn xếp sẵn) như trên nó có thể đem lại hậu quả mang tính nghiêm trọng với vị giáo viên nọ, sự xúc phạm của người đó có đáng để bạn quyết định "số phận" của người ta không? Có thể điều ấy bạn sẽ đẩy người ta xuống vực thẳm đấy bạn ơi!

T.M.HÙNG



Lỗi tại ai?

Hiện nay tình trạng như cô T.N. không hiếm trong các trường học hiện nay. Bản thân tôi có con cũng thường phải nghe con mình bức xúc về các trường hợp tương tự. Nhưng việc giải quyết như em L thì rõ ràng là vi phạm nghiêm trọng đạo đức của một người học sinh. Nhưng cách giải quyết của em L cũng cho thấy là nhà trường chưa chỉ cho các em lộ trình giải quyết khi gặp các vấn đề này, nếu như giải quyết được từ đầu cho có tình có lý thì không xảy ra vấn đề đáng tiếc như vậy. Nhưng phải công nhận một thực tế đáng buồn hiện nay là vấn đề "đạo đức và năng lực giáo viên" là điều báo động, nhưng giải quyết như thế nào cho triệt để thì đang là vấn đề bế tắc vì vướng rất nhiều vấn đề liên quan đến vĩ mô: từ đề bạt hiệu trưởng là những người đầy đủ năng lực, giao quyền hành lớn hơn cho hiệu trưởng, qui trình kiểm tra đạo đức, năng lực giáo viên như thế nào cho đúng, lương giáo viên như thế nào để thu hút được những người có tâm, có tài...

MINH - QUY NHƠN



Sự vô lễ của học sinh và năng lực sư phạm của giáo viên

Ngày xưa ''Tiên học lễ, hậu học văn'' là làm đầu, học sinh phải cuối đầu khi phải đối mặt với thầy cô giáo,ngược lại thầy cô giáo phải chân tình độ lượng và uyên bác,quan hệ thầy trò là một quan hệ đạo đức mang đậm nét mỹ tục dân tộc. Ngày nay trò thì ít nhiều bị lối sống lai căng, ảnh hưởng thực dụng quá nhiều, nhưng theo tôi thì phần lớn là lỗi ở những nhà làm công tác quản lý giáo dục, phần nhiều chúng ta nặng về kiến thức tự nhiên mà dần dần lơi lỏng về mặt đạo đức, thật sự đôi lúc đôi nơi thầy cũng chưa ra thầy mà trọ cũng chưa ra trò.

Công tác đào tạo giáo viên cho thật toàn năng thật sự chúng ta cũng chưa làm được tốt lắm trong khi học sinh ngày nay lại thích khẳng định mình,qua việc này mong những nhà quản lý giáo dục phải động não nhiều hơn nữa.

Trần Qúy


Cũng vì bất bình...

Rõ ràng là nếu học sinh ấy không ghi âm, thì đâu có ai biết và đâu ai bị kiểm điểm, và chỉ có các học sinh chịu đến suốt năm học, vì bất bình, vì bạn bè các em mới phải làm như vậy. Bản thân tôi cũng đã từng chịu những hành động tương tự, tôi không thấy đấy là vô lễ! Về việc cấm học sinh mang thiết bị điện tử như ĐT máy ghi âm, v.v.. thì phải đi từ các nhà giáo dục, cấm học sinh xài mà giáo viên đang giảng bài lấy ĐT ra nghe thì cũng như không!

Meomay



Nghiệp!

Làm nghề dạy học phải chịu áp lực nặng nề xuất phát từ những đòi hỏi rất khác nhau từ nhiều phía: trọng trách, sứ mệnh, chủ trương của bộ, ngành, yêu cầu nhiều mặt của nhà trường; những đòi hỏi của địa phương, của gia đình học sinh, của chính học sinh (học sinh có chút trình độ sẵn sàng bĩ mặt thầy cô, sẵn sàng làm trái nội quy để khẳng định mình, học yếu, chưa ngoan bị thầy cô trách phạt thì cho rằng bị định kiến, thù ghét)...


Nếu không nhắc nhở, phê bình học sinh lười, chưa ngoan... thì bị kết luận thiếu trách nhiệm, vô cảm; nhưng thu nhập từ lương lại rất khiêm tốn, thậm chí thường bị thiếu hụt nếu không có làm thêm, thu nhập phụ; có lỡ sai sót dù chỉ do nóng lòng, sốt ruột vì kết quả học tập, rèn luyện của học sinh hoặc vì học sinh quá hư hỏng thì bị phê bình, bị kỷ luật vì vi phạm đạo đức nhà giáo.
Đúng là đã mang lấy nghiệp vào thân...

nguyễn tấn dương



Nghề dạy học cũng là nghề cống hiến như bao nghề khác


Nghề dạy học cũng là công việc làm như bao nghề khác. Nhiều giáo viên cứ nghĩ họ lãnh lương là do nhà nước ban phát, còn công việc dạy học là họ ban ơn cho xã hội, giống như làm từ thiện vậy. Đây là cách nghĩ sai trái đã tồn tại từ lâu, một cách vô thức. Giáo viên nên hiểu đúng vấn đề nghề nghiệp của mình đi. Thầy cô đang nhận lương từ tiền đóng thuế của người dân để làm công việc dạy trẻ em, mà bản chất là công việc nội trợ xã hội. Đây là công việc được xã hội ưu ái, không bon chen cực khổ, không đổ mồ hôi nước mắt. Mọi người muốn có cơm ăn phải bon chen kiếm cơm, một phần cơm phải góp vào nồi cơm chung của nhà nước phục vụ những người làm việc công, trong đó có thầy cô. Thầy cô không ý thức được rằng cần mang ơn xã hội hay sao? Thầy cô đã làm tốt bổn phận chưa? Sao cứ dạy thêm, chạy trường, lạm thu hoài vậy? Bản chất của những tiêu cực trên là "kiếm tiền".

Long Nguyen



Hãy mong tất cả các học sinh tôn trọng người giáo viên

Hãy khoan kiểm điểm đối với giáo viên vì đó là một hình thức mà làm cho học sinh sẽ ỷ lại, coi như mình làm thì cô giáo chịu, họ kiểm điểm cô giáo chư có kiểm điểm mình đâu mình lo. Thiết nghĩ, tôi mong lãnh đạo các cấp ngành giáo dục hãy xem lại chế tài quản lý của mình sao cho thỏa đáng kể cả giáo viên cũng như học sinh.

H.N.P


Cô giáo bị ghi âm...


Học sinh thời nay quá vô lễ, tôi thiết nghĩ phải kỷ luật thật nặng cái đứa học trò vô lễ đó để làm gương. Nó giỏi rồi thì cho nó ở nhà với bố mẹ nó đi, đừng cho nó đi học nữa. Theo tôi, nhận xét của ông Hùng và ông Mậu quá quan liêu, hay là cái đứa học trò vô lễ nó con ông lớn, chúng ta không thể nói cô giáo TN đã vi phạm nặng nề đạo đức nhà giáo.

Là con người ai trong chúng ta cũng có những giây phút không thể kiểm soát bản thân mình, tôi cho rằng có thể vì bị học trò xúc phạm nên cô giáo TN mất bình tĩnh, nếu thử hỏi ông Hùng và ông Mậu bị như vậy thì các ông ấy có đủ bình tĩnh để xử lý tình huống cho đúng với phẩm chất của nhà giáo hay không?

Tôi xin đơn cử một tình huống mà lâu nay dân gian hay truyền khẩu nhau, nó nói lên sự mất bình tĩnh của một con người mà đáng lý ra ở nơi đó phải cần sự bình tĩnh hầu như là tuyệt đối. "Có một anh lính đi chinh chiến ở biên thùy, được về thăm vợ nhưng anh ta không báo trước cho vợ mình vì muốn cho vợ bất ngờ, nhưng oái ăm thay khi về đến nhà thì bắt gặp vợ mình ngoại tình, không kềm chế được anh ta rút súng ra bắn chết đôi gian phu dâm phụ. Đến khi ra tòa thì quan tòa kết án anh ta bị tội tử hình và cho nói lời sau cùng. Các bạn biết anh ta nói gì không. Anh ta liền xin được ngủ với vợ vị quan tòa một đêm trước khi bị tử hình (xin đàng hoàng và vị quan tòa có quyền không cho). Vị quan tòa liền tức khắc đập bàn và nhục mạ anh ta.

Đến đây thì tôi nghĩ rằng những ai có còn lương tâm là một con người thì chắc sẽ thông cảm cho hành vi của gô giáo TN.

Lê Châu Thành



Cần những lớp học cho giáo viên về khả năng ứng phó với học sinh

Học sinh trong độ tuổi thiếu niên có những bộc lộ cá nhân và muốn thể hiện mình, do vậy theo tôi để giáo dục tốt các cháu, nhiệm vụ của thầy cô hiện nay rất quan trọng và nặng nề. Các cháu có phản ứng tự nhiên của một con người chưa được dạy cách ứng xử, vì vậy thầy cô chính là người dạy các cháu kỹ năng ứng xử thông qua cách ứng xử của mình. Thầy cô muốn học sinh tôn trọng thì việc đầu tiên là tôn trọng các cháu. Thầy cô luôn là tấm gương, dù ở thời đại nào.

Nguyen Thi Thanh Tam



Về việc giáo viên bị ghi âm bị kỷ luật



Thiết nghĩ, có 2 vấn đề sau phải giải quyết:

+ Học sinh xem thường giáo viên: Chấn chỉnh lại đạo đức của học sinh như: phạt hạ mức hạnh kiểm, cấm không được tham gia bất cứ 1 kỳ thi nào (trừ kiểm tra học kỳ) của cấp trường, huyện và tỉnh nếu có hành động trên. Nên phối hợp với phụ huynh để tìm nguyên nhân. Nếu trình độ học lực tốt về môn học, có thể không tham gia buổi học tuy nhiên phải làm và trả bài đầy đủ nếu có các bài kiểm tra của lớp - có thể bỏ qua kiểm tra 15ph đầu giờ đối với học sinh này.

+ Đối với giáo viên: Phải không ngừng nâng cao trình độ và năng lực của bạn thân (nhà trường và các ngành liên quan cũng có trách nhiệm 1 phần cho việc này), có ý kiến tiếp thu, đừng có lối suy nghĩ tôi là cô, là thầy thì không cần thiết phải lắng nghe ý kiến của học sinh.

Dũng - hanoi



Phải chăng giáo viên là người làm thuê cho học sinh?

Đúng là cô T.N đã có những xử lý chưa đúng với phong cách của 1 nhà giáo, tuy nhiên theo hướng xử lý của nhà trường và ý kiến của ông Ông Trương Đình Mậu tôi có cảm giác giáo viên hiện nay được xem như là người làm thuê cho học sinh!

L.T.S
 
Hiệu chỉnh:
Chuyện này thì mình đọc mấy ngày này rùi :|.Trong đoạn clip đó cô giáo từ xưng cô với em rùi tới ngang hàng với nhau là ''Tao,Mày''.Ko biết sự việc ra sao nữa chỉ nghe cô ấy nói em học sinh ngồi trong lớp quậy :(
 
Có một điều làm mình phải thật sự suy nghĩ sau khi đọc xong bài này. Các bạn có thấy chúng ta không nên chỉ ra, tranh luận xem hs đúng hay cô giáo đúng mà nên đóng góp ý kiến cho việc làm sao cho nền giáo dục và mối quan hệ thầy trò tốt hơn .
P/s: mình ko thể đóng góp gì bởi vì học tại nước ngoài nên ko biết rõ tình hình THPT hiện nay nên dễ nói bậy nhưng hi vọng ace đọc xong ý kiến gì hay thì post cho mọi người cùng nhau thảo luận. :)
 
Chuyện này tớ thấy còn rất nhẹ.Còn nhưng chuyện ghê gớm hơn nhiều.Hồi lớp 5 tớ bị ông thầy nhéo chảy máu tai nè.2 từ "nhà giáo" bây giờ biến chất rồi.Làm gì có chuyện ơn với nghĩa nữa..Nhà giáo bây giờ hầu hết(nhấn mạnh là hầu hết nhá,vẫn còn những thầy cô yêu thương học trò) là nhà giáo nhà gươm.Chỗ mình ở có mấy đứa nhóc mới học xong mẫu giáo đã phải cắp sách đi học thêm ko thì vô năm học sẽ...Nên từ đó ta phải ngẫm nghĩ lại.Cái xã hội bây giờ đang làm tôi của đồng tiền.
P/s: Văn mình tệ lắm,cái này là mình nghĩ sao nói vậy nên các bạn thông cãm nha
 
uh rát vui khi dược lam wen với bạn

----------

kamto_champion
 
Bà này mà đủ đạo đức để làm GV à? =,=. Lúc trước mình học cấp 3, thầy dạy Anh cũng dạy sai, bọn mình cũng ý kiến, thầy kiên quyết bảo ko sai. Thầy chỉ cười cười chứ ko có kinh khủng như bà cô này!! GV nếu dạy sai mà ko chịu nhận sai thì hậu quả ai chịu cho những hs phải học kiến thức sai đó??? Dù em hs này sai khi phát tán đoạn ghi âm, nhưng mình cũng chẳng thể nào mà thông cảm cho 1 người như thế này có thể được gọi là GV. Rất mất mặt giới nhà giáo!
 
×
Quay lại
Top