“Chơi nổi” - cá tính hay “gây sốc”?

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
Ngày càng nhiều bạn trẻ cố tình thể hiện những hành động “kỳ quặc” nơi công cộng nhằm gây sự chú ý với người xung quanh. Nhiều người bao biện cho rằng mình thể hiện cá tính, thế nhưng phải chăng họ đang “quá đà”?
Chơi nổi… kém văn hóa
Mới đây, cộng đồng mạng liên tục xôn xao bởi những clip ghi lại những hành động được cho là “không giống ai” của một số bạn trẻ. Clip gây choáng đầu tiên là hình ảnh một thanh niên mặc chiếc áo hiệu Levi's, vắt vẻo ngồi trên lưng ngựa ung dung đi giữa đường phố Thủ đô đông đúc.
Chẳng biết có phải vì sợ hình ảnh của mình chưa thật sự “bắt mắt” với người đi đường nên thanh niên này còn liên tiếp thể hiện những hành động khó chấp nhận: vừa cưỡi ngựa vừa nghe điện thoại, thúc ngựa vượt đèn đỏ…
gaysoc111210_1.JPG
Một màn ăn mừng quá đà khi đội nhà chiến thắng (Ảnh: Hoài Nam).
Sự việc trên chưa nguôi thì chỉ mấy ngày sang đó, cư dân mạng thật sự bị “sốc” với cảnh một cậu học trò khoác chiếc cặp chéo, nhảy lắc lư liên hồi theo tiếng nhạc trên một tuyến xe buýt chạy theo hướng Kim Mã - Xuân Thủy (Hà Nội). Dáng vẻ thư sinh, trong chiếc áo sơ mi trắng… chẳng hiểu sao cậu học trò có thể thản nhiên uốn éo, lắc lư trước con mắt hàng chục khách trên xe. Những nhận xét về mình “thần kinh có vấn đề”, “cho đi Trâu Quỳ sớm”… không hiểu sẽ tác động thế nào đến cậu học trò này.
Chẳng cần phải qua các clip được up lên mạng thì trong đời sống thường nhật, cũng chẳng khó để chứng kiến vài ba màn “chơi nổi” của giới trẻ trong cách ăn mặc, đi đứng, lời ăn tiếng nói… Một cô gái trẻ ăn mặc hớ hênh, phì phèo điếu thuốc, họ có thể bất ngờ “hét” rống lên ở những nơi yên tĩnh để lôi kéo sự chú ý. Nạn đua xe trong giới trẻ đang ở mức báo động cũng là một trong những hành động… thể hiện mình của người trẻ.
Xa xôi gì, sau những trận cầu mà đội nhà thắng, y như rằng xuống đường cổ động sẽ dễ dàng bắt gặp mà ăn mừng… cởi áo "khoe thân" của một số cô gái trẻ.
Trào lưu xấu
Thích thể hiện những hành động, việc làm khác người nơi công cộng để thể hiện mình đang trở thành trào lưu của một bộ phận giới trẻ. Nhiều bạn trẻ thanh minh cho hành động của mình là thể hiện cá tính, thể hiện cái tôi bản thân nhưng thực tế đó chỉ là sự bao biện vì sự thể hiện đó quá đà, ảnh hưởng đến những người xung quang thậm chí vi phạm pháp luật.
gaysoc111210_2.JPG

Càng nơi đông người, một số bạn trẻ càng thích thể hiện những hành động "khác người" (Ảnh: Hoài Nam).
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tư vấn Hạnh Nguyên (tổng đài tư vấn 19003477) chia sẻ, thích “gây sốc” là cách mà một bộ phận giới trẻ đang tận dụng triệt để nhằm lôi kéo sự chú ý của cộng đồng. Đó là cách thể hiện cái tôi lớn bằng những hành vi quá khích, đi ngược với những lề thói sinh hoạt đời thường, phá vỡ những quy tắc công cộng. Nhiều hành vi còn trở nên quá lố, gây phản cảm.
“Nhiều bạn trẻ khi tạo những hành động gây sốc, có thể họ rất ý thức được hành vi của mình là “không hợp lý”. Nhưng họ vẫn làm bởi với bản tính hiếu thắng, tâm lý dễ bị kích động, luôn khát khao được chú ý, được nổi tiếng”, bà Nguyên nhấn mạnh.
Theo chuyên viên tâm lý Mai Anh, thời kỳ hội nhập, các bạn trẻ đang được tiếp xúc với rất nhiều trào lưu trên thế giới nên họ tự tin hơn khi thể hiện mình trước đám đông. Tuy nhiên, họ không phân biệt được đâu là thể hiện khả năng, chỉ quan tâm đến cái tôi của bản thân, thể hiện chỉ để nổi tiếng mà không thấy những yếu tố phản cảm.

“Vì thế, chúng ta phải tránh việc tung hô khiến họ ảo tưởng về bản thân”, bà Mai Anh nói.
Các chuyên gia nhấn mạnh, bên cạnh việc phê phán những hành động “chơi nổi” quá đà ở giới trẻ thì sự định hướng giữa nhà trường, gia đình và xã hội với các em rất quan trọng. Chúng ta cần có những giới hạn, chuẩn mực về việc các em được thể hiện mình ở những địa điểm nào và cần tôn trọng cộng đồng một cách nghiêm túc. Ngoài ra, cũng cần tạo những sân chơi bổ ích để giới trẻ có cơ hội thể hiện khả năng, đam mê của mình bằng những việc có ích chứ không phải bằng sự bốc đồng.
Hoài Nam
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top