Chiến dịch "Mẹ ơi đừng giết con!"

Stormi

;-;
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/8/2018
Bài viết
238
[PAGE CỦA CHIẾN DỊCH]
screen-shot-2018-12-11-at-10.04.50-pm.png



[KENH14]
Tại sao không phải là chiến dịch "Ba ơi hãy mang bao cao su" hay "Anh chị ơi chưa đủ ăn thì đừng đẻ em ra"? Mặc dù đang kêu gọi bảo vệ trẻ em và phụ nữ nhưng sâu trong tư tưởng của các bạn, chính phụ nữ phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm về việc có thai và chấm dứt thai kỳ. Đàn ông vô can!


Các bạn đang quan tâm đến chiến dịch "Mẹ ơi! Đừng giết con" kêu gọi ban hành Luật cấm nạo phá thai phải không?

Trước nhất, với cá nhân tôi, cụm từ trong ngoặc trên kia quá sức rùng rợn.

Tôi sẽ kể các bạn nghe một câu chuyện trước khi phân tích tính hợp lý của chiến dịch.


Chiến dịch "Mẹ ơi! Đừng giết con!" gây tranh cãi ngay từ cái tên và việc đưa những đứa trẻ vào bộ ảnh tuyên truyền.

Những người con bại não, những đứa trẻ lang thang...
Cách đây hai năm, khi đi công tác tại một tỉnh miền núi, tôi gặp một gia đình hết sức đáng thương. Hai vợ chồng không nghề nghiệp ổn định, anh đi đào giếng thuê, chị làm cỏ cao su mướn, chạy ăn từng bữa. Nhưng họ có đến 6 đứa con, trong số đó 4 đứa bị bại não.

Tôi có thể tả lại cho bạn "ngôi nhà" rách nát nằm sâu tít trong rừng cao su, nền nhà lót bằng những viên gạch đủ loại đủ cỡ đi xin được, cạnh đó vẫn loang lổ nền đất thó. Tôi có thể tả lại cho bạn gương mặt ngơ ngác vô hồn của 4 đứa trẻ, mà đứa con gái lớn nhất đã 18 tuổi nhưng vẫn ngây ngô tụt quần ra thay trước mặt đông đúc người lạ. Có thể tả cho bạn mùi tanh khăn khẳn bốc lên từ quần áo, đầu tóc, thân hình những đứa trẻ không tự chủ được hành vi, cái mùi tanh luẩn quẩn trong cả ngôi nhà không thể làm tan đi được. Có thể tả sự bối rối và sợ hãi của những cô gái trong nhóm chúng tôi bị một chàng thanh niên 20 tuổi cứ cười hì hì lao vào ôm ghì lấy và bế xốc lên.

Nhưng tôi sẽ không thể tả lại cho bạn nỗi đau đớn và bất lực của người mẹ, khi đã có đến 2 đứa con gái của chị bị hiếp dâm. Và cả bạn, cả tôi, chúng ta sẽ không thể nào hình dung nổi gia đình ấy đã làm cách nào để hàng ngày có miếng cơm vào bụng, khi vừa phải trông nom 4 đứa con không bình thường, vừa phải đi chạy ăn từng bữa.

Đứa đầu bị bại não. Đứa thứ hai lành lặn. 3 đứa tiếp theo đều bị bại não. Đứa út lành lặn. Nhưng cả hai đứa lành lặn đều không được chăm lo học hành đầy đủ.

Mà cả hai anh chị đều khỏe mạnh, anh trên 40 tuổi, chị chưa đến 40, đều đang trong tuổi sinh sản. Họ còn có thể đẻ nữa.

Tôi hỏi chị tại sao đẻ đến đứa thứ hai bị bại não vẫn tiếp tục đẻ. Sao không ngừa thai, khám thai thật kỹ, thậm chí triệt sản? Đẻ ra vậy khổ đứa bé, khổ cả nhà, chị có lường được không?

Chị vừa ngượng ngập vừa cam chịu nói chị không được phá thai, có bao nhiêu con, khổ cách nào cũng phải đẻ.

- Thì yêu cầu chồng chị chủ động phòng ngừa.

- Không, chồng chị không đồng ý.

Tôi lên gặp linh mục sở tại. Cha xứ mới được đổi về nhưng đã nắm rất rành rẽ câu chuyện của gia đình chị. Cha hứa sẽ thuyết phục anh chị và tìm cách đưa các em vào những mái ấm để được nuôi dưỡng tốt hơn, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho chúng. Anh chị được nhẹ gánh để tập trung làm việc kiếm tiền, lo cho tương lai mấy đứa trẻ.

Đã nhiều lần chúng tôi tìm cách gửi bọn trẻ vào các mái ấm, nhưng nuôi 4 đứa trẻ chậm phát triển trí não quá khó khăn về tài chính. Bảo đảm an toàn cho chúng và cho cả người nuôi dưỡng càng khó hơn.

Suốt hai năm qua, câu chuyện trên canh cánh trong lòng chúng tôi.


"Bầu cho quyền được phá thai" vào cuối tháng 5 năm nay ở Ireland (ảnh: the atlantic).

Bạn có biết những trường hợp như trên không quá hiếm hoi không?

Trong những lần đi thăm gia đình những trẻ bị xâm hại t.ình d.ục, chúng tôi gặp rất nhiều người mẹ sinh con lần đầu lúc còn quá trẻ, mới 15, 16 tuổi. Do sợ tai tiếng, họ lấy nhau-gần như hai đứa trẻ lấy nhau, rồi sinh ra một đứa trẻ khác. Hai vợ chồng thiếu tiền, thiếu kinh nghiệm sống nên mau chóng tan vỡ. Vài năm sau, người mẹ lại lấy chồng, tiếp tục có con với người chồng mới. Những đứa trẻ may mắn thì được mẹ đem theo, nhưng khá nhiều đứa phải ở với nội ngoại vì mẹ nó không gắn bó với nó-đứa con sinh ra ngoài ý muốn. Có những người mẹ lấy hai ba đời chồng, sinh ra ba bốn đứa con rồi bỏ luôn mặc xác. Chúng tự sinh tự diệt, hầu hết sống lang thang bụi đời. Những đoàn lân sư rồng của Sài Gòn cưu mang rất nhiều những đứa trẻ như vậy.

Nếu những người cha người mẹ bất đắc dĩ trên chủ động ngừa thai hoặc dám chấm dứt thai kỳ khi còn kịp. Nếu người mẹ của 4 đứa trẻ bại não đủ kiến thức để hiểu chị hoàn toàn không có lỗi khi chúng bị bại não, nhưng chị sẽ có tội khi cứ sinh chúng ra rồi không nuôi nấng chúng chu toàn. Nếu chị đủ mạnh mẽ để đòi hỏi quyền được lựa chọn mang thai và sinh con chứ không nhắm mắt phụ thuộc vào chồng, thì sẽ ít đứa trẻ bị bỏ rơi hơn, gia đình chị sẽ ít đứa con bị tâm thần hơn.


Vợ chồng chị cũng sẽ có nhiều thời gian và tinh thần đi kiếm tiền và chăm sóc nhau hơn. Bi kịch của hai đứa trẻ bị hiếp dâm nhiều khả năng không xảy ra. Và hai đứa trẻ khỏe mạnh không bị tách cha mẹ mà vẫn được ở trong gia đình, vẫn sum vầy và no ấm.

Việt Nam phá thai top 3 thế giới, vì đâu?
Quay lại với dự án "Mẹ ơi! Đừng giết con".

Theo nghiên cứu của BBC dựa theo các xu hướng tìm kiếm trên internet và tỷ lệ phá thai (công bố vào tháng 6/2018), tại các quốc gia cấm tuyệt đối việc phá thai hoặc chỉ cho phép trong trường hợp cứu mạng người mẹ, số lượng tìm kiếm thuốc phá thai Misoprostol cao hơn gấp 10 lần so với các quốc gia không cấm. Ở một nửa số quốc gia được nghiên cứu, "các biện pháp phá thai tại nhà" là nội dung tìm kiếm phổ biến nhất trên internet.

Là vì bị cấm phá thai hợp pháp nên họ phải tìm cách phá "chui".

Điều này vô cùng nguy hiểm.


Một số phụ nữ treo móc áo và những dòng chữ bên ngoài Lãnh sự quán Ba Lan ở London, chia sẻ những câu chuyện của họ và kêu gọi quyền được phá thai (ảnh: NBC).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, không có "biện pháp phá thai tại nhà" bằng thảo mộc nào là an toàn. Đồng thời, rất khó kiểm soát được liều lượng và tác dụng phụ của nó. Tiếp đó, nếu quá trình tự phá thai có gây tác dụng phụ, người phụ nữ cũng thường không đi khám ở bệnh viện, vì ngại điều tiếng.

Còn ở Việt Nam, đâu là lý do khiến tỷ lệ phá thai xếp vào hàng top 3 thế giới, trong khi pháp luật vẫn cho phép phá thai?

Bà Phan Hương Giang, Quản lý Hợp tác, Chính sách và Tác động của tổ chức Marie Stopes Việt Nam (Tổ chức phi chính phủ, cung cấp các giải pháp kế hoạch hóa gia đình) cho biết, một trong những nguyên nhân là do thiếu kiến thức về các biện pháp tránh thai. Việc này chịu ảnh hưởng từ một quan niệm đã lỗi thời nhưng vẫn còn rất phổ biến tại Việt Nam, đó là quan hệ t.ình d.ục trước hôn nhân vẫn còn bị cấm kỵ: "Phụ nữ mang thai trước khi kết hôn thường phải đối mặt với sự kỳ thị từ xã hội. Kết quả, họ phải đến các phòng khám tư để phá thai bí mật".

Một yếu tố khác góp phần tăng tỉ lệ phá thai là chính sách chỉ sinh hai con có từ những năm 1960. Tuy đến nay chính sách này đã bị xóa bỏ nhưng hệ quả của nó vẫn còn.

Đặc biệt, với tâm lý thèm khát con trai ở khá nhiều người Việt thì việc phá thai khi biết thai nhi là con gái vẫn rất phổ biến.

Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), mức sinh học tự nhiên của giới tính khi sinh là 103 – 107 bé trai/100 bé gái. Nhưng do tâm lý khát con trai, tỉ lệ này ở Việt Nam là 113,8/100 (năm 2013), và đến nay vẫn dao động quanh ngưỡng 112,2/100.

Vẫn theo Tổng cục Dân số, ở lần sinh thứ ba trở lên, áp lực bắt buộc phải có con trai thể hiện mạnh mẽ nhất: 120,2 bé trai/100 bé gái. Với các cặp vợ chồng chưa có con trai, nó lên tới 148,4/100.

Hiện tượng này rõ ràng nhất ở đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc.

Như vậy đã khá rõ ràng để kết luận muốn giảm tỷ lệ phá thai, trước nhất phải trang bị đủ kiến thức về phòng tránh thai, sau đó xóa bỏ những quan niệm lạc hậu trọng nam khinh nữ vốn đã ăn quá sâu vào người Việt.

Con dao mổ trong tay người bác sĩ không giải quyết được gì, mà chính mỗi người phải tự mổ xẻ, khoét bỏ hẳn những tư tưởng cổ hủ trong bản thân mình.

Cách làm phản cảm, hệ thống lý luận sơ sài

Theo hai "chủ xị" chiến dịch kêu gọi ban hành Luật chống phá thai, đây là những lý do chính:

1. Phá thai là vô nhân đạo.

2. Có luật, phụ nữ sẽ tự tin yêu cầu nam giới dùng biện pháp tránh thai khi quan hệ t.ình d.ục.

3. Trên thế giới đã có nhiều nước cấm phá thai.

4. Bảo vệ đất nước khỏi sự thiếu hụt dân số trong tương lai.

5. Bảo vệ sức khỏe phụ nữ.

Các bạn cũng đã rất thận trọng khi nêu ra các ngoại lệ được phép phá thai như: bị h.ãm hiếp, hôn nhân cùng huyết thống, bị các trường hợp ngặt nghèo phải chấm dứt thai kỳ.

Mục đích của chiến dịch này theo các bạn, là làm khó việc phá thai đến nỗi không ai dám phá nữa, từ đó phải tuyệt đối ý thức trong việc có thai và phòng tránh thai.


Chiến dịch kêu gọi chữ ký để ban hành "Luật cấm nạo phá thai" nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian qua.

Thật là ý tưởng đẹp đẽ, hết sức lãng mạn và cũng hết sức cực đoan, thật đặc trưng của tuổi trẻ. Cho dù tin chắc chiến dịch này sẽ thất bại chính vì sự lãng mạn và cực đoan của nó sẽ vỡ tan khi đụng vào thực tế cuộc sống, tôi vẫn chân thành cảm phục và hết sức muốn động viên tinh thần các bạn. Đừng sợ sai. Chỉ khi sai, chúng ta mới nhận biết sâu sắc đâu là cái hợp lý hơn, và mỗi việc làm sai cũng chính là các bậc thang đưa chúng ta lên cao hơn vào các tầng kiến thức. Các bạn còn rất trẻ, cứ dám làm và dám trả giá.

Thế nhưng, xin có vài lời góp ý. Việc dùng những đứa trẻ đang độ tuổi nhi đồng cười tươi giơ bảng "Mẹ ơi! Đừng giết con" khiến tôi dựng tóc gáy vì sự áp đặt và nội dung rùng rợn. Đây là cách các bạn bi thảm hóa vấn đề nhằm đánh vào cảm xúc người khác, nhưng nó vừa phản cảm vừa vi phạm pháp luật. Đứa trẻ hoàn toàn chưa ý thức được ý nghĩa khủng khiếp của câu nói, cũng như việc nó (được người lớn chỉ dẫn) làm, và hình ảnh của nó tràn lan trên mạng xã hội. Dám gắn câu nói này lên miệng một đứa trẻ cụ thể, các bạn thật quá liều lĩnh.


Đây là cách các bạn bi thảm hóa vấn đề nhằm đánh vào cảm xúc người khác, nhưng nó vừa phản cảm vừa vi phạm pháp luật.

Phản cảm và sai lầm thứ hai: các bạn mặc định việc phá thai hoàn toàn là trách nhiệm của MỘT MÌNH người phụ nữ!

Đúng như nhiều ý kiến phản kháng dự án, tại sao không phải là chiến dịch "Ba ơi hãy mang bao cao su" hay "Anh chị ơi chưa đủ ăn thì đừng đẻ em ra"? Ơ kìa, anh đang ở đâu đấy anh? Từ xưa đến nay có mỗi một mình mẹ của Thánh Gióng đi ướm dấu chân về rồi có thai "mình ên". Sau bà, lịch sử chưa hề lặp lại đâu đấy.

Thôi, thừa nhận đi nào, mặc dù đang kêu gọi bảo vệ trẻ em và phụ nữ nhưng sâu trong tư tưởng của các bạn, chính phụ nữ phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm về việc có thai và chấm dứt thai kỳ. Đàn ông vô can!


Đáng lo ngại hơn, tư tưởng này bám sâu đến nỗi chính các bạn không tự ý thức được điều đó. Do vậy, dự án của các bạn vừa rời rạc vừa trùng lắp, vừa định kiến vừa lỏng chỏng, không chỉ ra được những nguyên nhân thực sự của hiện trạng, cho nên bị phản đối trên khắp các mặt trận.

Vậy thôi, xin ghi nhận tấm lòng của các bạn, và chúc dự án không thành công.

Bài viết theo quan điểm của nhà báo Hoàng Xuân, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM

[LINH KID]
[PHẢN ĐỐI CHIẾN DỊCH CẤM NẠO PHÁ THAI "MẸ ƠI ĐỪNG GIẾT CON]

Với tư cách một người phụ nữ trưởng thành đã-có-gia-đình, có đầy đủ hiểu biết về sức khỏe sinh sản và t.ình d.ục, mình xin được phản đối chiến dịch này.

Với tư cách là một nhà hoạt động xã hội, mình xin được phản đối chiến dịch này, với các lý do như sau:

1. Sự hiệu quả:
- Theo VYAC - Vietnam Youth Action for Choice, các thống kê cho rằng: "Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong việc giảm tỷ lệ bỏ thai qua từng năm. Theo số liệu của ngành y tế, số ca phá thai từ 80 vạn ca năm 1988, tăng lên 1,2-1,3 triệu ca trong giai đoạn 1993-1997, giảm xuống 60 vạn ca trong giai đoạn 2006-2010 và 40 vạn ca trong giai đoạn 2011-2013; tỷ lệ tương ứng là 53‰ - 66‰ - 38‰ -27‰." do đó, nếu tuyệt đối cấm phá thai ở bất cứ hình thức nào, điều này sẽ dẫn đến việc "phụ nữ đối mặt với nguy cơ tiếp cận đến dịch vụ phá thai không an toàn."

Vì vậy, tỉ lệ phá thai đã giảm mà KHÔNG CẦN đến một luật cấm.

- Chiến dịch không giải quyết triệt để từ gốc, đó là giáo dục về sức khỏe sinh sản và t.ình d.ục. Người lớn vẫn không cởi mở khi nói về chủ đề này, cũng như rất ít người có hiểu biết về các biện pháp phòng tránh thai. Một chiến dịch chỉ giải quyết phần ngọn sẽ có rất ít hiệu quả.

2. Phân biệt giới tính, đánh tráo khái niệm và chĩa mũi dùi vào phụ nữ:
- Như các bạn đã thấy, chiến dịch có tên "Mẹ ơi đừng giết con". Phân tích sâu một chút, chúng ta thấy chiến dịch chỉ đề cập đến "mẹ ơi" mà không thấy "bố ơi", mà để sinh ra một đứa con cần cả 2 bên. Vậy là trách nhiệm hoàn toàn thuộc về người phụ nữ mà không nhắc đến người đàn ông nào ở đây.

- Nhiều trường hợp nạo phá thai là do người nữ bị bạn trai ép phá, gia đình bạn trai ép phá hoặc do bị bạo hành dẫn đến lưu thai và chết thai -> nếu không nạo thai sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người mẹ.

- "Đừng giết con" - Thế nào là giết? Và giết ai? Bào thai dưới 12 tuần tuổi còn rất nhỏ (dài khoảng 2-5cm, một số bào thai thậm chí chỉ nhỏ bằng hạt đậu, không khác gì một tế bào là mấy), và về cơ bản, trong tiếng anh đó gọi là fetus. Fetus không có khả năng cảm nhận đau đớn hay cảm xúc nhất là dưới 12 tuần tuổi (Các nhà khoa học khẳng định bào thai chỉ cảm thấy đau từ khoảng 27 tuần tuổi trở lên: https://www.livescience.com/54774-fetal-pain-anesthesia.html). Việc coi phá thai (nhất là thai dưới 12 tuần tuổi) là "giết" là một sự đánh tráo khái niệm rất lớn. Chiểu theo ý này, người nữ rụng trứng hàng tháng cũng có thể bị coi là "giết" hoặc người nam xuất tinh cũng có thể coi là "giết", vì theo logic thì nó cũng là 1 phần tạo nên fetus sau này -> đánh tráo khái niệm.

Việc các bạn gaslight phụ nữ bằng cách lồng cái tiếng "Mẹ ơi đừng giết con" trong khi bào thai chưa có cảm thụ/cảm xúc lên những người phụ nữ là nạn nhân của bạo hành, hiếp dâm, nghèo đói, thiếu giáo dục.. là có ý gì? Guilt trip họ?

3. Vô nhân tính:
- Với những nạn nhân của cưỡng bức, hiếp dâm, bạo hành t.ình d.ục (tức là họ KHÔNG MONG MUỐN), thì việc cấm phá thai với những trường hợp này là cực kỳ vô nhân đạo. Nạn nhân của tấn công t.ình d.ục thường mắc các rối loạn tâm lý như PTSD, trầm cảm, hoảng loạn và phải uống thuốc điều trị tâm lý lâu dài. Nhiều trường hợp nạn nhân đã tự sát. Bản thân họ còn rất không ổn định và bào thai này chính là bằng chứng của tội ác mà kẻ khác gây ra cho họ, vậy một khi sinh con ra liệu họ và đứa con sẽ còn thế nào? Cái này quá hiển nhiên rồi.

- Với những trường hợp nghèo đói, hoặc là nạn nhân buôn người, tảo hôn, hoặc không có phương tiện tiếp xúc với những phương tiện tránh thai.

- Với những trường hợp đã dùng biện pháp tránh thai nhưng vẫn dính. Vì các biện pháp tránh thai dù tỉ lệ cao, thì vẫn có 1-5% thất bại.

- Với những trường hợp gia đình đã chuẩn bị và đồng thuận, nhưng đùng một cái, nếu người mẹ phát hiện bị bệnh nặng và bệnh này có thể di truyền sang con sắp sinh; hoặc con mắc bệnh khi ở trong bụng mẹ. Hoặc chồng không may lâm bệnh hoặc tai nạn/mất sức lao động, mà người mẹ không có khả năng lao động hoặc không có nền tảng giáo dục. Đứa con khả năng cao lớn lên sẽ là nạn nhân của bạo hành hoặc bóc lột sức lao động trẻ em.

4. Trách nhiệm và quyền hạn:
- Bạn không phải người ta. Bạn không có quyền CẤM người ta làm gì hay không làm gì. Nếu nó không ảnh hưởng xấu đến bạn hay người khác.

- Bạn nói quả báo nhãn tiền hay kiếp nạn gì đó. Ok dù họ khổ hay không khổ thì cũng là việc của họ. Bạn đâu có phải chịu giùm.

- "Nhiều người hiếm muộn không sinh con được mà có những người lại muốn phá thai" - ủa, vậy người ta ko phá thai nữa thì những người hiếm muộn này sẽ có con hả?

- Khi người ta sinh con người ta ra, đó là cả một sự vất vả nguy hiểm khi vượt cạn. Gánh nặng về kinh tế, tài chính khi họ phải lo cho con họ. Bạn có lo cho họ đồng nào không mà bạn đòi cấm?

- Nếu bạn ÉP người ta sinh ra một đứa trẻ và bắt họ nuôi khi hoàn cảnh (sức khỏe, kinh tế) không cho phép, bạn có nghĩ rằng đứa bé sẽ thật sự hạnh phúc khi bố mẹ nó còn không muốn sinh ra nó?

- Bạn CẤM người ta phá thai, ok, thế bạn giải thích thế nào về việc mẹ không phá thai nhưng sinh con ra bỏ con ở ngoài đường hoặc ném con từ tầng 31 xuống?

- Bạn có thể bày tỏ là bạn không thích, nhưng tới mức CẤM và đưa nó thành LUẬT thì như vậy là bệnh hoạn.

Dưới đây là comment IQ vô cực từ BQT dự án. Mình cũng vừa bổ sung 1 dự án có mục tiêu rất nhân văn ở Sing, cap đọc ở ảnh ạ

47580513_10217248809510241_2972527031402627072_n.jpg


48367593_10217248809590243_8408379534054785024_n.jpg


48323901_10217255698242455_577942447301066752_n.jpg


P.S: Để giảm tỉ lệ nạo phá thai, các bạn có thể thành lập các dự án liên quan đến nâng cao nhận thức về giáo dục sức khỏe sinh sản, hoặc khi nào bớt trọng nam khinh nữ và sinh thai nhi theo giới tính, hoặc tham gia chiến dịch Bố ơi Nhớ đeo bao ‍♀️ (page này parody nhé mình nói cho vui còn bạn nào ko có khiếu hài hước hoặc ko biết thế nào là sarcasm thì miễn tiếp ạ)

À, tiện nữa là mình phản đối chiến dịch này, ko có nghĩa mình ủng hộ phá thai ạ. Suy nghĩ tránh lối mòn nhị nguyên, trắng-đen, đúng-sai ra nha
1f609.png
;)

Nguồn:
Chiến dịch: https://meoidunggietcon.com/

Kenh14: https://kenh14.vn/vi-sao-chien-dich...hai-va-cham-dut-thai-ky-20181211144121313.chn

Linh Kid [Nguyễn Khánh Linh]: https://www.facebook.com/LinhKid91/...7XOLZHvpKHX1f3PSGAXeBGPbfIpYKWf5gkoVNR0__hYlDojZY4kCdTUJ3EPtIHVRi9&__tn__=C-R
 
×
Quay lại
Top