Chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi đại học môn Sử

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Những mách nước của thầy Lương Ngọc Thành, giáo viên Sử trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) sẽ giúp sĩ tử thực hiện được điều này.

Có thể nói, trong ba môn thi ĐH - CĐ khối C thì môn Sử thường bị học sinh coi là “dễ sợ” và “đáng ngán” nhất. Do vậy, trong những năm gần đây, điểm thi môn Lịch sử của thí sinh thường rất thấp so với hai môn Ngữ văn và Địa lý. Tuy nhiên, với những bạn lựa chọn thi khối C thì phải có sự quyết tâm để vượt qua. Nếu biết cách ôn tập và làm bài thi môn Lịch sử, các bạn có thể dễ dàng biến “khắc tinh” này trở thành “trợ thủ” đắc lực trong việc kéo điểm số của mình lên trong kỳ thi tuyển sinh năm nay. Cùng nghe những chia sẻ của thầy Lương Ngọc Thành nhé!

Cấu trúc đề thi

Có hai phần:
Phần chung dành cho tất cả thí sinh (7 điểm): phần này thường có 3 câu và kiến thức chủ yếu thuộc phần Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919 – 2000.

Phần riêng (3 điểm) thí sinh chỉ được làm một trong hai câu: theo chương trình Chuẩn hoặc chương trình Nâng cao. Kiến thức phần này chủ yếu là Lịch sử thế giới giai đoạn 1945 – 2000.

Trong những năm gần đây, nhiều đề thi thường có những câu hỏi về mối quan hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam như ý nghĩa lịch sử của cách mạng tháng Mười Nga năm 1917; ảnh hưởng của chiến tranh thế giới (1939 – 1945) đối với Việt Nam... Chính vì vậy, chúng ta cần chú ý đến mối liên hệ giữa lịch sử Việt Nam với các kiến thức lịch sử thế giới có liên quan.

4380d6de-8728-400f-8e45-422808b74f8e.jpg
Thầy Lương Ngọc Thành​

Chuẩn bị tâm lý thoải mái
Chưa nói đến cách ôn tập và làm bài như thế nào được cho là tốt nhất, quan trọng là có được tâm lý tốt nhất. Hãy tạo cho mình tâm lý thoải mái khi bước vào phòng thi, như vậy những kiến thức về lịch sử xã hội mới "ở lại lâu" trong tâm trí của bạn.

Cách ôn tập
Đối với các bạn thi khối C thì còn gần 1 tuần nữa sẽ chính thức bước vào kì thi ĐH. Đây sẽ là những ngày ôn luyện "nước rút". Thầy Lương Ngọc Thành cũng đã có những chia sẻ rất hữu ích cho sĩ tử.

Biết coi trọng việc ghi chép:

Có hai dạng: một là ghi rất tỉ mỉ, chi tiết, ghi không kịp nghĩ và cũng không cần suy nghĩ; hai là, ghi chép rất sơ lược, đại khái. Hai trường hợp này đều không tốt, chúng ta cần phải ghi đủ những sự kiện tiêu biểu, cơ bản nhất vào tập vở trong khi ôn tập. Ghi theo một cấu trúc, hệ thống dàn ý đại cương, vị trí của bài trong sách giáo khoa theo tiến trình lịch sử. Có ghi chép thì chúng ta mới nhớ lâu các kiến thức, còn học thuộc thì đến lúc nào đó sẽ quên mau.

Biết sử dụng nội dung sách giáo khoa (SGK) một cách tốt nhất:
Trong quá trình ôn tập, học sinh thường xem nhẹ SGK vì cho rằng nó quá đơn giản, không quan trọng, mà quan niệm lệch lạc khi cho rằng thi ĐH – CĐ thì phải học những thứ cao hơn, phức tạp thì mới có cơ hội đậu cao. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng, các bài học trong SGK là tài liệu cơ bản nhất với câu chữ ngắn gọn, súc tích, chính xác nên phải đọc kĩ, nghiền ngẫm các sự kiện cơ bản. SGK trình bày theo cấu trúc có sự quan hệ giữa bài trước với bài sau nên rất quan trọng đối với ôn tập. Khi học trong SGK, chúng ta trả lời được các câu hỏi ở cuối mỗi bài, sau đó tìm tòi những câu hỏi, đề thi ĐH – CĐ đã ra trong các năm trước có liên quan đến các nội dung ấy. Cần tóm tắt các nội dung chính từng bài đã học theo kiểu đề cương vắn tắt, như vậy mới nhớ lâu và dễ nắm bài hơn.

Chia thành các bài học thành các giai đoạn, liệt kê các vấn đề chính của từng giai đoạn:
Đây cũng là cách để học và nhớ kiến thức dễ dàng mà nhiều người đã áp dụng thành công. Kiến thức thi ĐH – CĐ gói gọn trong hai phần lịch sử Việt Nam (1919 – 2000) và lịch sử thế giới (1945 – 2000), do vậy, khi học chúng ta nên chia nhỏ ra thành giai đoạn, vấn đề.

Ví dụ, lịch sử Việt Nam (1919 – 2000) có thể chia thành 5 giai đoạn nhỏ sau: 1919 – 1930, 1930 – 1945, 1945 – 1954, 1954 – 1975 và 1975 – 2000; lịch sử thế giới thì có 6 vấn đề chính: Quan hệ quốc tế sau CTTG II; Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 – 1991) và Liên Bang Nga (1991 – 2000); Các nước Á, Phi, Mỹ La-tinh (1945 – 2000); Sự phát triển khoa học – kỹ thuật sau CTTG II và xu thế toàn cầu hóa; Các nước Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản.

Trong từng giai đoạn hay từng vấn đề, khi ôn tập chúng ta cần phải nắm vững kiến thức trọng tâm của chúng, sau đó trong từng vấn đề thì có những vấn đề nhỏ liên quan. Ví dụ như, xoay quanh vấn đề Đảng cộng sản Việt Nam ra đời thì chúng ta đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như: Trình bày Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với Hội nghị; Nêu và nhận xét bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng; Sự khác nhau giữa Cương lĩnh chính trị đầu tiên và Luận cương chính trị (10/1930) của Đảng. Vì sao có sự khác nhau đó?... Như vậy, khi giải quyết một vấn đề lớn thì chúng ta đã thuộc và giải quyết rất nhiều vấn để nhỏ liên quan.

Tập làm quen với một số dạng đề thi

Khi đã ôn tập xong những kiến thức cơ bản, chúng ta có thể tìm tòi, sưu tầm các đề thi tuyển sinh ĐH – CĐ ở các năm trước và tập giải đề thi. Ban đầu, khi giải đề thi sẽ rất lâu vì chúng ta sẽ dễ bị “choáng ngợp” với cách ra đề và kiến thức cần phải vận dụng để hoàn chỉnh một câu hỏi, nên làm không kịp thời gian hoặc khi đối chiếu với đáp án thường thấy sai hoặc thiếu nhiều kiến thức.

Tuy nhiên, chúng ta không nên thấy vậy mà bỏ quan khâu quan trọng này vì đây là cách tốt nhất để vân dụng những gì mình học vào làm thử đề thi. Ông bà ta thường nói: “Văn ôn, võ luyện”, có ôn tập và luyện nhiều thì mới nhớ lâu và làm bài thi mới có kết quả cao nhất.

Cách làm bài
Dù cho chúng ta đã hiểu bài, thuộc bài “vanh vách” nhưng không biết cách làm bài thì cũng ảnh hưởng không tốt đến kết quả thi. Do đó, chúng ta phải nắm được phương pháp làm bài:
- Nắm thật vững kiến thức cơ bản thuộc phạm vi đề thi đòi hỏi.

Đọc thật kỹ đề, xác định rõ yêu cầu của đề: trình bày vấn đề gì? Liên quan đến sự kiện, giai đoạn lịch sử nào? Có hiểu đề thì mới tránh khỏi được tình trạng làm bài lạc đề, xa đề, lan man, dài dòng, không đi đúng vấn đề.

- Soạn dàn bài (theo dạng đề cương chi tiết) có cấu trúc gồm ba phần:
+ Đặt vấn đề: nêu rõ vấn đề cần trình bày
+ Giải quyết vấn đề
+ Kết thúc vấn đề: chốt lại các ý tưởng quan trọng nhất đã trình bày ở trên.
- Hình thức thể hiện, diễn đạt: mạch lạc, chữ viết đúng chính tả, rõ ràng.
Chúc các sĩ tử tâm lý vững vàng và thi thật tốt!
Theo tiin
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top