Chạy bão

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Mỗi năm, miền Trung quê tôi đều oằn mình gánh không dưới mười cơn bão. Vào Sài Gòn học, cứ đến mùa lũ lòng tôi lại thấp thỏm. Và nỗi thắc thỏm mấy bữa nay khi nghe radio đã thành sự thật.

Tối qua, nhận được điện thoại của má: “Nước đang tràn vô nhà. Gió giật mạnh. Cả xóm phải chạy ra trường cấp hai trú bão con ơi!”, lòng tôi lại đau thắt. Nằm trằn trọc, tôi tưởng tượng cảnh xóm đang chạy bão vùng đất Quảng Nam. Ký ức những tháng ngày “sống chung với bão” lại hiện về trong tâm trí.


Ngày tôi được hai tuổi, trận lũ lịch sử khiến căn nhà tranh ẹo ọp của gia đình tôi bay theo gió. Ba bế tôi chạy sang nhà hàng xóm. Đi giữa đường gặp cây đổ, ba lấy thân mình che cho tôi. Sau trận bão ấy, cứ mỗi lần chuyển trời, lưng ba lại đau ê ẩm.

Khi tôi lớn hơn, mưa bão, nước ngập đầy đồng là ngày vui vô bờ bến với những đứa trẻ tinh nghịch. Ba má tôi lo lắng: khoai mỳ bị nước ngập sẽ thối, nước lớn sẽ làm ruộng vỡ bờ… Còn tôi và những đứa trẻ trong xóm chặt cây chuối, mang ván, trái dừa ra làm phao để bơi. Bơi chán, chúng tôi góp ván, bẹ chuối làm bè mang lên đầu cánh đồng thả trôi đến cuối cánh đồng, thử cái cảm giác được lên đênh biển cả.

Nhưng những cuộc vui khi mùa bão về đó dần dần thay bằng cảm giác lo sợ khi tôi lớn hơn, ý thức được sự tàn phá ghê gớm của nó. Đang ngủ, cả nhà tôi bị đánh thức bởi tiếng gió gầm rít dữ dội. Căn nhà tranh liêu xiêu, rung lên bần bật mỗi đợt gió lùa qua. Năm người chia làm hai, ôm chặt lấy hai cây cột cái trong nhà. Gió ngưng, má tôi lại mò mẫm trong đêm tìm cây gỗ chắc gia cố lại cánh cửa. Sáng ra, gió vẫn không ngừng thổi, mưa càng ngày càng nặng hạt. Má dắt tôi qua con suối lớn đến trường. Nước ngập lênh láng. Các thầy đang chồng bàn ghế lên cao, chúng tôi phụ các cô chuyển sách từ thư viện sang để trên bàn, phủ bạt cẩn thận. Làm xong, thầy và trò ai cũng ướt sũng. Về đến con suối lớn, má đã đứng đợi tôi tự lúc nào. Cơm mùa lũ chỉ có đĩa rau lang luộc và chén mắm cái. Vậy mà anh em tôi ăn ngon lành. Tối ngủ, nhường cho anh em tôi chỗ khô, má nằm chỗ ướt.


Ảnh: trandang.net
Vài mùa lũ nữa trôi qua. Nhà tôi cũng xây được căn nhà mới. Nỗi lo sợ bão không vì thế vơi đi. Bão càng ngày càng mạnh. Cứ bảy giờ tối, cả xóm lại tập trung quanh chiếc ti vi trắng đen, nín thở nghe dự báo thời tiết. Xong, ai lại về nhà nấy. Đài báo một đằng, bão đi một nẻo. Cả xóm không ai chuẩn bị. Bão đến, cây ngã, nước ngập, gia súc, gia cầm tháo chuồng trôi theo con nước dữ. Chỉ trong một đêm nhà sập, nhà tốc mái. Tài sản ba má tích cóp cả đời, giờ trôi sông đổ biển. Tôi không biết khóc nữa…

Tốt nghiệp cấp ba, mỗi đứa con vùng lũ chọn cho mình một ngành học để kiếm sống. Nhưng nhìn đi nhìn lại, đứa nào cũng chọn ngành học có thể… chống chọi với lũ. Đứa học Khí tượng thuỷ văn, đứa chọn ngành Báo chí, Xây dựng… Đôi lúc tôi nghĩ những cơn bão cũng có thể ăn vào tiềm thức, chi phối cả những lựa chọn đời người.

Vào Sài Gòn, mỗi mùa lũ, chúng tôi cũng dán mắt bên màn hình ti vi để theo dõi tin tức. Thấy cảnh nước ngập, nhà đổ ở quê trong lòng lại cồn cào. Những đứa quê miền Trung cứ nhìn nhau, không dám hỏi gì cả. Nhưng trong lòng đứa nào cũng lo sợ. Tôi chạy đi tìm điện thoại công cộng, điện ngay về nhà. Ở khu Bàu Cát (Tân Bình), người xứ Quảng tôi tập trung đông, phải xếp hàng rồng rắn. Bắt máy, má tôi cười: “Cả xóm không sao đâu con. Nhà nào năm nay cũng đào hầm trú bão. Đồ đạc mang hết xuống hầm…”. Tôi thở phào.

Năm nay bão dữ, dây điện thoại đứt không liên lạc được. Sau mỗi giờ đi học, tôi lại chạy về bến xe Phú Hoà (Tân Bình) hỏi thăm tin tức của những người ở quê vào. Trả lời vài câu, mấy chú cũng vội vã lên xe ôm về chỗ trọ. Cứ mỗi mùa mưa bão, dòng người từ miền Trung “Nam tiến” càng đông. Phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái, ruộng vườn. Đàn ông vào Nam kiếm tiền gởi về trang trải sinh hoạt. Cận Tết hết bão, họ lại về sum họp với gia đình.


Sáng nay tan bão, tôi gọi điện cho má. Qua điện thoại, tôi vẫn nghe được tiếng gió, mưa gầm rít tàn dư cơn bão đi qua. Giọng má vẫn tươi, lạc quan như ngày nào: “Nhà mình không ai bị răng hết. Cả xóm kéo nhau ra trường cấp hai trú bão, vui như mở hội”. Nghe giọng nói sang sảng của má, tiếng trẻ con vui đùa tung tăng sau cơn bão, tôi chợt nghĩ, có những cơn bão đi qua hung tợn cuốn phăng tất cả. Nhưng cũng nhờ có những cơn bão là “thuốc thử” giúp gia đình – làng xóm – đồng hương chúng tôi gắn kết với nhau hơn. Lớn lên trên một vùng đất phải đối phó với bão thường xuyên, tôi thấy mình may mắn có được tình thương, sự che chở của ba má. Và tôi học được cả sự lạc quan của con người quê mình – vẫn vui sống dù cuộc sống phía trước luôn đầy cam go thử thách.

Theo SVVN
 
Hồi tối này từ chỗ làm về nhà, mưa lớn quá Trời, trắng xóa màn nước, chẳng thấy đường chạy, còn kèm theo gió mạnh, rồ ga mà tiến lên vất vả, rùa bò, gió giật, gió tạt chông chênh, lệch cả hướng đi/tay lái. Mọi người ko dám chạy vì nguy hiểm, dàn hàng ngang trú dưới chân cầu vượt, lấn cả mặt đường, mình vượt qua chầm chậm mà cảm thấy rất sợ,vì có xe container phía sau. Cuối cùng,mình cũng phải dừng tấp vô lề bật xi nhan,đèn loạn xạ. Nhưng đứng một mình ở đó mình cũng hơi sợ nên đành chạy tiếp. Nhưng không thể nào chạy nổi trước trận mưa lớn kèm gió như vậy.Mình bắt chước mọi người ghé vào tiệm bánh Trung thu trú. Mấy cái cây gió bật, ngã rũ rượi, cành lá bay bay tấp xuống lòng đường.Rất sợ hãi lỡ cái cây nó ngã trúng mình. Đứng trú mưa, quần áo ướt, ba lô cũng ướt, kệ, thà chịu lạnh còn hơn. Một lúc sau, bớt gió, theo mọi người đi tiếp. Khúc cầu Bình Điền,nước ngập lênh láng, nước cống,rác lềnh bềnh. Người đông,nhiều xe chết máy, phải dắt bộ. Mình vừa hịn ga, hai chân lò dò giữ thăng bằng giữa làn nước ngập,sóng sánh,có lúc có cảm giác nước sẽ cuốn mất đôi giày búp bê....Chưa từng gặp đi đường mưa lớn như tối qua,vừa chạy xe vừa cầu Trời. Về tới nhà....Cảm giác lạnh run không còn là cái đáng sợ lúc ấy....Tự hỏi người đó có bị mắc mưa như mình không,nhưng tự nhủ chắc không vì anh tan sở trước mình cả tiếng....
 
×
Quay lại
Top