Cây gian khổ có ngày sinh quả ngọt

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
(Dân trí) - Qua những gì mẹ kể, không thể hiểu hết nhưng con cũng mường tượng ra được những cơ cực bố mẹ từng trải qua.

201011quangot_ab9ab.jpg


Ông nội là đích tôn của một gia đình địa chủ giàu có, được chiều nên ông rất mải chơi. Khi cụ mất, các chị lấy chồng hết, ông càng phá tợn, mặc kệ sáu đứa con sinh ra một tay bà chăm bẵm, nuôi nấng.

Đất đai cụ để lại, đến căn nhà hương hỏa tổ tiên ông cũng mang nướng hết trên chiếu bạc. Đúng là không ai giàu ba họ.

Bà nội cùng các con vạ vật sống nhờ. Bố và các chú phải lao động từ sớm, cố mãi mới mua mảnh đất cho mấy mẹ con sống qua ngày. Mười sáu tuổi bố phải xuống bãi gánh đất về để đắp làm nền, dựng nên căn lều nhỏ, lợp lá, tránh gió tránh mưa. Mười bảy tuổi bố nhập ngũ, phụ mẹ nuôi các em, đã thế đi đâu cũng phải mang cái lý lịch con cháu địa chủ, bị kỳ thị, khinh ghét.

Còn ông nội mãi khi đã gối mỏi chân chồn, ngoài năm mươi tuổi mới tu tỉnh quay về lao động, trồng rau và cây ăn quả.

Mẹ là con út trong gia đình đông anh em, mẹ luôn bị các anh chị con bà cả ghẻ lạnh, ghen ghét. Ông ngoại mất năm mẹ mười lăm tuổi, chỗ dựa không còn, mẹ phải đi bế con cho các bác để được họ nuôi học tiếp. Mẹ cầu tiến, cố gắng vượt khó, ra trường mẹ xin về một trường dạy nghề cách quê hơn trăm cây số. Mẹ chịu khó tằn tiện dành tiền để cuối tuần về quê thăm nom bà ngoại.

Bố mẹ lấy nhau trong nghèo khó, chỉ có hai bàn tay trắng theo đúng nghĩa. Đám cưới thời bao cấp giản dị, không váy, không hoa, chỉ có chè và vài cái kẹo.

Bố về sống với mẹ trong khu tập thể của trường, cả dãy không ai đào giếng, toàn phải đi gánh nước bên dãy dành cho chuyên gia Nga ở. Thương mẹ sức yếu, bố lại ở xa chẳng ai gánh nước cho, bố quyết tâm đào giếng. Ngày ấy, chẳng đủ tiền, bố đành phải gán bộ quần áo rằn ri hơi mới cho ông thợ đào, giờ bố vẫn kể lại cười và kêu tiếc.

Năm sau anh cả chào đời, vất vả hơn vì khi ấy bố vẫn chưa chuyển được về gần, mình mẹ xoay sở với bao việc. Cuối tuần bố mới có thể kẽo kẹt đạp xe về, dù chỉ kịp giã bột cho con, chẻ củi, xem cái mái nhà bị dột…

Hai năm sau mẹ sinh con thì bố cũng xuất ngũ, xin về làm công nhân gần nhà, đó cũng là lúc mẹ bị phạt một năm không lên lương do đẻ dày. Mẹ lại gồng mình cố gắng, tăng gia sản xuất.

Mẹ bàn với bố quây ra thêm ngăn nữa để nuôi lợn. Đất đồi núi hoang phía sau nhà được mẹ phát cây, nhổ cỏ cùng bố cuốc xới, cấy rau ăn và trồng bạch đàn xung quanh lấy củi, gỗ, lá để đun nấu.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, cứ sau giờ làm tan tầm đón các con từ nhà trẻ của trường về là ai vào việc nấy. Người tắm rửa, nấu nướng, cho các con ăn, người đi tưới cây, hái rau, nấu cám cho lợn. Có lần rau lang nhiều đến nỗi ba con lợn ăn chẳng hết, mẹ lại lễ mễ gánh vào bán cho nhà bếp nuôi lợn, gà.

Dưới bàn tay khéo léo và sự chịu khó của mẹ vườn cây nào cũng xanh mướt và tươi tốt. Lợn con nào cũng béo núc, cứ đẻ con nào mẹ nuôi con nấy, một đàn lợn mũm mĩm, rộn ràng kêu ủn ỉn.

Bán lứa lợn đầu đủ để mẹ mua được mảnh đất, cứ thế “năng nhặt chặt bị” chỉ dám tiêu một suất lương, có tiền mẹ lại mua gạch xếp vào, mua sắt để đấy…

Sau bao nỗ lực của bố mẹ, mãi rồi cuộc sống cũng bớt khó khăn khi anh em con lớn dần. Bố mẹ xây được căn nhà. Đã có tuổi nên bố xin về hưu non, vay vốn mở cửa hàng, mảnh đất rẻ ngày nào giờ may mắn nằm gần con đường lớn.

Bố mẹ đã luôn ở bên nhau, cùng yêu thương, đoàn kết và chúng con cũng đã trưởng thành từ những khó khăn dạo trước, để từ đó rút ra bài học, không có việc gì khó, có gian nan mới tôi luyện con người mạnh mẽ, cứng cỏi hơn. Và cuối cùng cây gian khổ cũng có ngày sinh quả ngọt, chẳng ai khó ba đời.

Nếu yêu cầu một dòng mô tả về bản thân, con chỉ tự hào nói ngắn gọn, mình được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc.
TSL
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top