Cải cách giáo dục từ trường sư phạm

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Chất lượng đầu vào thấp, thời gian thực tập ít, ra trường không xin được việc làm…, vòng luẩn quẩn của việc đào tạo giáo viên hiện nay đang khiến ngành sư phạm ngày càng giảm sức hút

“Nếu năm 2000 có 42.000 thí sinh đăng ký dự thi vào Trường ĐH Sư phạm (SP) TPHCM thì đến năm 2012 chỉ còn 18.500 thí sinh. Rõ ràng sức hút vào ngành SP giảm đáng kể. Rất ít học sinh xuất sắc, giỏi ở bậc THPT chọn ngành SP” - PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH SP TPHCM, nêu thực tế.

ImageHandler.ashx
Nghề giáo được xem là nghề cao quý nhưng đang giảm dần sức hút. Trong ảnh: Một lớp học tại Trường Tiểu học Đuốc Sống,quận 1 - TPHCM Ảnh: TẤN THẠNH .
Ngày càng ít trò giỏi, thầy giỏi

Những năm gần đây, điểm đầu vào các ngành SP ngày càng giảm. Tại Trường ĐH SP TPHCM, nếu so với năm 2010 thì năm 2012 ngành sinh học có điểm chuẩn từ 20,5 xuống còn 15,5 điểm; ngành ngữ văn 18,5 xuống còn 17,5; SP lịch sử 18 giảm còn 15,5; SP địa lý 15 xuống còn 14 điểm… Nhiều ngành những năm trước điểm xét tuyển nguyện vọng 2 thường cao hơn nguyện vọng 1 từ 1-2 điểm nhưng năm 2012, trường phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung nhiều ngành với mức điểm bằng nguyện vọng 1 nhưng một số ngành sinh viên nhập học chỉ đạt khoảng 80%.

Tại Trường ĐH An Giang, nếu như năm 2010 điểm chuẩn ngành SP vật lý, SP sinh, SP ngữ văn, SP lịch sử đều từ 16,5-17 điểm thì năm 2012 tất cả các ngành SP đều bằng điểm sàn là trúng tuyển. Tại Trường ĐH Đồng Tháp, năm 2012, các ngành SP như toán, tin, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn... điểm chuẩn đều bằng điểm sàn. Tại Trường ĐH SP - ĐH Huế, các ngành SP như tin học, vật lý, sinh học, ngữ văn, địa lý điểm chuẩn cũng bằng điểm sàn. Các trường ĐH Quy Nhơn, ĐH Quảng Bình, ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Nguyên… cũng trong tình trạng ngành SP có điểm chuẩn thấp dần.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng thu nhập thực của giáo viên hiện thuộc diện thấp. “Chỉ những người thực sự yêu quý, say mê, coi trọng nghề giáo, không đặt mục tiêu thu nhập thì mới chọn nghề này” - ông Hồng nói.
Theo ThS Tạ Quang Lâm, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH SP TPHCM, một trong những nguyên nhân khiến thí sinh không mặn mà đó là đầu ra ngành SP thời gian qua rất khó khăn. Số sinh viên ra trường không có chỗ dạy chiếm khoảng 30%. Nhiều sinh viên tốt nghiệp cho biết để có được chỗ dạy thì phải “chạy chọt”.

Không chỉ chất lượng đầu vào thấp dần mà các trường, khoa SP cũng dần mất sức hút đối với giảng viên, đặc biệt là giảng viên học vị tiến sĩ. Tại Trường ĐH SP TPHCM, Khoa Sinh học có 20 giảng viên thì chỉ có 2 tiến sĩ; Khoa Công nghệ Thông tin 23 giảng viên nhưng chỉ có 2 tiến sĩ; Khoa Địa lý 22 giảng viên, chỉ có 3 tiến sĩ... Tại Trường ĐH Cần Thơ, bộ môn lịch sử hiện có 14 giảng viên nhưng chỉ có 8 thạc sĩ (không có tiến sĩ)...

Nghiệp vụ sư phạm còn yếu

ThS Tạ Quang Lâm cho biết trong quá trình khảo sát sinh viên thực tập tại các trường THPT, trường nhận được phản hồi là sinh viên SP kiến thức tốt, chuyên môn tốt nhưng phương pháp SP còn yếu, thiếu tự tin khi đứng trên bục giảng. Có nghĩa là phần đào tạo về phương pháp giảng dạy trong trường ĐH chưa được như mong muốn. Trường đã biết điều này nhưng không thể tăng thời gian đào tạo về phương pháp giảng dạy và thời gian thực tập cho sinh viên bởi chương trình đào tạo hiện vẫn bị ràng buộc bởi chương trình khung của Bộ GD-ĐT.

Theo ông Lâm, hiện sinh viên năm thứ 3 mới học về phương pháp giảng dạy, trong khi năm thứ 2 các em đã về các trường kiến tập. Ngoài ra, thời gian thực tập khoảng 12 tuần là quá ít.
PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cũng cho rằng chất lượng giáo viên hiện chưa đáp ứng được là vì thời gian thực tập quá ngắn. “Các trường THPT thường ngại khi nhận nhiều sinh viên thực tập. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho sinh viên thực tập hiện rất lớn, chiếm khoảng 80% chi phí đào tạo nên trường không thể tăng thêm chi phí thực tập và thời gian thực tập cũng không thể kéo dài” - ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, hiện chương trình đào tạo 4 năm tại Trường ĐH Cần Thơ là 120 tín chỉ/4 năm học, trong đó có đến 8 tín chỉ về giáo dục thể chất, 6-8 tín chỉ về chính trị, ngoài ra còn tiếng Anh, tin học... nên thời lượng dành cho các môn cơ sở chuyên ngành vì thế mà hạn hẹp.
Trong lúc khó khăn này ở các trường đào tạo chuyên về SP chưa được giải quyết thì hiện nay nhiều trường ĐH không đào tạo SP nhưng sinh viên tốt nghiệp chỉ cần học thêm 1 khóa nghiệp vụ trong thời gian vài tháng (không có thời gian thực tập) là có thể trở thành giáo viên. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo viên.

Kéo dài thời gian đào tạo?

Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, nhiều ý kiến cho rằng bộ nên giao chỉ tiêu đào tạo SP cho các trường chuyên đào tạo giáo viên như Trường ĐH SP TPHCM, Trường ĐH SP Hà Nội và các ĐH vùng. Nếu trường địa phương nào cũng được cấp chỉ tiêu đào tạo giáo viên một cách dàn trải thì khó nâng chất lượng. “Nhiều trường CĐ mới được nâng cấp lên ĐH cũng xin chỉ tiêu đào tạo SP. Hiện việc cấp chỉ tiêu không gắn với nhu cầu mà chỉ dựa vào năng lực đào tạo của các trường là chưa phù hợp” - ThS Tạ Quang Lâm nói.

Một trong các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên ở trường ĐH, theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, đó là kéo dài thời gian đào tạo lên 5 năm. Giải pháp này cũng đã được Trường ĐH SP TPHCM đề xuất trong buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.

Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, đào tạo SP là đào tạo nghề nhưng thời gian dành cho thực tập SP hiện chưa đủ để sinh viên giỏi nghề. Trường cũng không thể cắt nội dung đào tạo “phần cứng” để tăng thời lượng thực tập SP, do đó ông đề xuất kéo dài thời gian đào tạo để tập trung đào tạo nghiệp vụ. Ông Hồng cũng cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường không chuyên về SP phải được đào tạo về nghiệp vụ 1 năm trước khi nhận nhiệm sở.

Theo PGS-TS Hà Thanh Toàn, đối với những môn học điều kiện như giáo dục thể chất, chính trị, tin học…, nên tách ra cho sinh viên học vào các học kỳ hè. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp tiên quyết để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên chính là chính sách đãi ngộ giáo viên.

Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, ngoài việc duy trì việc miễn học phí cho sinh viên SP, cần có chính sách đãi ngộ cụ thể như nhà ở công vụ, tăng lương cho giáo viên. “Cải cách giáo dục phải cải cách từ các trường SP. Hiện giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu nhưng thu nhập của người thầy lại ở mức hoàn toàn chưa tương xứng” - PGS-TS Hồng nói.
Theo Tienphong
 
×
Quay lại
Top