Cách để thay đổi thái độ trong công việc

Ánh Minh

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/10/2017
Bài viết
1.322
Thái độ đóng vai trò quan trọng trong năng suất và chất lượng làm việc của bạn. Thái độ tích cực đảm bảo thành công trong sự nghiệp còn thái độ tiêu cực sẽ đem lại kết quả trái ngược.

Đồng nghiệp cũng như khách hàng đều không muốn hợp tác với nhân viên có thái độ tồi tệ. Nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan cũng sẽ đem lại niềm yêu thích công việc và cảm giác tốt hơn về bản thân. Vì vậy, nếu thái độ làm việc chưa tốt, hãy thay đổi cách hành xử để cải thiện tình hình công việc của bạn.

I. Xác định nguyên nhân


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-1.jpg


1. Nhận biết thời điểm thái độ không tốt bắt đầu xuất hiện. Có phải đó luôn là thái độ làm việc của bạn? Có thể điều đó chỉ mới xuất hiện gần đây. Bạn có vừa bắt đầu một công việc hay vị trí mới không? Đồng nghiệp mà bạn yêu mến vừa rời khỏi công ty? Bạn có cảm thấy lạc lõng nơi làm việc? Cũng có thể công ty bạn đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Nhận biết thời điểm xuất hiện của thái độ làm việc tồi có thể giúp bạn xác định nguyên nhân đứng sau.

Nếu thái độ làm việc của bạn không phải lúc nào cũng tồi tệ, hãy xem xét khả năng vấn đề không hoàn toàn thuộc về bạn. Không ai có thể sống một mình và những yếu tố như cấp trên thô lỗ hay đồng nghiệp với tính tiêu cực có thể ảnh hưởng lớn đến bạn.

Nếu từng yêu thích nhưng giờ đây lại chán chường công việc, hãy xem xét những thay đổi đã và đang diễn ra. Bạn được chuyển đến một vị trí mới? Có thể bạn vẫn chưa cảm nhận được sự phù hợp của nhiệm vụ mới này. Bạn có đang ở một giai đoạn khác trong cuộc đời hay không? Chẳng hạn như, ở tuổi vị thành niên, có thể bạn yêu thích lĩnh vực bán lẻ. Thế nhưng, mười năm sau, bạn cần nhiều hơn những gì công việc bán lẻ hiện tại đem lại. Cảm giác không thỏa mãn, mất mục tiêu có thể dẫn đến thái độ làm việc tồi tệ.



cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-2.jpg


2. Viết nhật ký theo giờ. Hãy duy trì nhật ký về thái độ nơi công sở của bạn. Ghi lại nhật ký trong ngày, mỗi vài giờ hay tương tự. Bạn có nhận thấy xu hướng nào không? Bạn có khuynh hướng cảm thấy tồi tệ vào buổi sáng hay chiều muộn, khi đã trở nên mệt mỏi hay không? Tâm trạng của bạn có phụ thuộc vào người tham dự cuộc họp với bạn? Thái độ của đồng nghiệp cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến bạn. Chẳng hạn như, nếu phải họp với một đồng nghiệp có thái độ tiêu cực mỗi chiều, có lẽ người đó đã ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Nhận biết sự thay đổi trong tâm trạng hàng ngày có thể cho bạn biết khi nào và với ai, thái độ của bạn trở nên tồi tệ.

Nếu rơi vào trường hợp "suy sụp giữa ngày" và trở nên cáu kỉnh, bạn có thể xử lý một cách đơn giản như đi dạo ngắn hoặc ăn một món vặt tốt cho sức khỏe.

Nếu nhận thấy tâm trạng thường không tốt sau khi tiếp xúc với ai đó, chẳng hạn như cấp trên hay đồng nghiệp, bạn cần tìm cách xử lý điều này. Tháo gỡ những ảnh hưởng tiêu cực nơi công sở có thể giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và làm việc hiệu quả hơn.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-3.jpg


3. Bộc lộ cảm xúc. Giờ đây khi đã xác định được thời điểm thái độ trở nên tồi tệ và thường xuyên trở nên tồi tệ, hãy nghĩ về cảm nhận thật sự của bạn trong những thời khắc đó. Viết lại cảm xúc khi tâm trạng trở nên tiêu cực. Có thể bạn cảm thấy thất vọng, mệt mỏi, chán chường hay không được nhìn nhận đúng khả năng. Xác định cảm xúc chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề của bạn.

Chẳng hạn như, tưởng tượng bạn đang đọc lại dòng nhật ký sau: "Sếp quát vào mặt mình vì đến trễ cuộc họp dự án. Mình cảm thấy thật ngu ngốc và đần độn". Nó cho thấy bạn nên nói chuyện và đề nghị cấp trên trao đổi một cách có tính xây dựng hơn với bạn. Đồng thời, bạn cũng nên nhớ rằng thi thoảng phạm lỗi không có nghĩa là bạn ngu ngốc.

II. Thoát khỏi sự tiêu cực


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-4.jpg


1. Chịu trách nhiệm với thái độ của bản thân. Dù hoàn cảnh có thể có ảnh hưởng nhất, thái độ được hình thành từ cách tiếp cận của chính bạn. Chỉ bạn quyết định cách phản ứng trước những tình huống cá nhân. Hãy biết rằng bước đầu tiên để cải thiện tâm trạng và thái độ chính là tự điều chỉnh bản thân.

Chẳng hạn như, kể cả khi có cấp trên tồi tệ hay một đồng nghiệp bi quan, chọn cách phản ứng tiêu cực hay tích cực là ở bạn. Liệu bạn sẽ góp phần làm trầm trọng hóa thêm vấn đề hay nỗ lực để cải thiện nó?

Sự tiêu cực có thể lan tỏa từ người này sang người khác. Đừng để bản thân trở thành vật lây truyền


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-5.jpg


2. Tránh những đối tượng châm ngòi cho sự bi quan. Bạn có luôn cảm thấy tiêu cực sau khi đọc một số tờ báo nhất định? Cũng có thể theo dõi thời sự buổi sáng khiến bạn xuống tinh thần. Một khi đã xác định được những đối tượng khơi dậy tâm trạng không tốt trong bạn, hãy cố giảm tiếp xúc với chúng.

Nếu không thể giảm tiếp xúc với những đối tượng này, hãy thay đổi phản ứng của bản thân. Khi đọc tin không tốt như bài viết về thiên tai, hãy nghĩ đến những điều bạn có thể làm để giúp đỡ. Bạn có thể ủng hộ gì - tiền, quần áo, thức ăn hay thời gian? Hãy cân nhắc những việc làm tích cực mà bạn có thể thực hiện.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-6.jpg


3. Giảm tiếp xúc với người tiêu cực. Nếu đồng nghiệp nào đó luôn khiến tâm trạng bạn đi xuống, hãy cố giảm bớt tiếp xúc với họ.Nếu không tránh được, hãy đặt những câu hỏi tích cực cho họ. Những điều tốt đẹp trong ngày làm việc. Những bộ phim yêu thích. Cố hướng cuộc trò chuyện vào những chủ đề tích cực.

III. Trao đổi với đồng nghiệp của bạn


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-7.jpg


1. Nói chuyện tử tế. Thảo luận vấn đề, đặc biệt khi đó là những vấn đề nghiêm trọng, rất dễ trở nên tiêu cực. Tuy nhiên, tiêu cực chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy thử dùng những chiến thuật dưới đây:

Thay vì dùng cách diễn đạt như: "Tin xấuchẳng tác dụng gì đâu", hãy dùng: "Tôi có một số lo lắng về điều đó. Bạn muốn biết không?".

Thay vì gây hấn thụ động, che dấu suy nghĩ thực sự hay nói một cách mỉa mai, hãy trao đổi thẳng thắn. Chẳng hạn như, tránh cách nói: "Không, tại sao vấn đề lại xảy ra với tôi?" khi buồn bực. Thay vào đó, hãy dùng: "Vâng, tôi không vui về cách bạn nói với tôi trước mặt đồng nghiệp. Chúng ta có thể nói chuyện một chút được không?".

Buôn chuyện nơi công sở có thể đóng vai trò lớn trong sự hình thành của thái độ tiêu cực. Đừng tham gia vào những hoạt động đó.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-8.jpg


2. Biểu hiện tích cực. Vui vẻ chào hỏi người khác ngay cả khi bạn đang có một ngày tồi tệ. Cố đừng lan truyền tâm trạng u ám nơi công sở. Hiểu ý nghĩa của việc giữ mồm giữ miệng--ăn nói cẩn thận. Những gì bạn nói thể hiện cảm nhận và niềm tin của bạn. Hãy để đó là tiếng nói tích cực khích lệ tinh thần nơi làm việc. Thường xuyên mỉm cười, khen tặng và hỗ trợ người khác.

Nếu đang trải qua một giai đoạn khó khăn hoặc một sự việc đau lòng, hãy trao đổi với người quản lý trực tiếp hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy để họ biết rằng có thể bạn sẽ cần được hỗ trợ.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-9.jpg


3. Trao đổi với đồng nghiệp có vấn đề. Nếu tính tiêu cực của đồng nghiệp ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn, hãy trao đổi với người đó một cách lịch sự. Hoàn toàn có khả năng người đó cũng khiến những người khác không thoải mái, nhưng ai cũng ngại giải thích điều đó.

Hãy tập trung vào phát ngôn "tôi" trong cách diễn đạt của bạn như: "Tôi muốn trao đổi với anh về việc này. Tôi nhận thấy gần đây anh thường than phiền về những vấn đề với khách hàng. Tôi biết rằng tất cả chúng ta đều có những điều không thoải mái với khách hàng, thế nhưng liên tục để tâm đến mặt tiêu cực ấy thật sự khiến tôi khó giữ vững tinh thần và sức lực để làm việc. Anh có thể cho tôi biết điều gì đang diễn ra không?". Dùng phát ngôn "tôi" để tránh tính chất đổ lỗi hay phán xét cũng như để đồng nghiệp không cảm thấy bị công kích và chuyển sang trạng thái phòng thủ.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-10.jpg


4. Lắng nghe. Bạn không biết điều gì đang diễn ra với anh ấy, vì vậy hãy nghe anh giải thích. Có thể mẹ anh ấy bị bệnh và điều đó khiến anh dễ trở nên cáu kỉnh hơn. Có thể anh ấy lo lắng về những thể hiện không tốt trong công việc hoặc cảm thấy không được coi trọng như những thành viên khác trong nhóm. Hiểu nguyên nhân đằng sau có thể giúp bạn cùng nhau giải quyết vấn đề. Trong nhiều trường hợp, đồng nghiệp có thể sẽ vui mừng khi được lắng nghe.

Thể hiện sự đồng cảm, chẳng hạn như:"Có vẻ thật khó cho anh quá" hay "Tôi rất tiếc vì những gì anh đang trải qua".

Kể cả khi cuộc trao đổi không thuận lợi, ít nhất bạn đã cố gắng. Nếu cần nêu vấn đề với phòng nhân sự hoặc cấp trên, bạn có thể nói rằng bạn đã cố gắng trao đổi với người đó nhưng không đạt kết quả.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-11.jpg


5. Nhận biết dấu hiệu của việc có một cấp trên thô lỗ. Ai cũng có thể có một ngày tồi tệ, lúc này hay lúc khác. Thế nhưng, một số người chỉ đơn giản là kẻ bắt nạt nơi công sở. Nếu cấp trên của bạn thô lỗ hay thậm chí chỉ là không thật sự có tính xây dựng khi đưa ra chỉ trích, việc giữ thái độ làm việc tích cực sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Thô lỗ, gồm những thái độ không chấp nhận được: ham dọa, quấy rối, lừa lọc, sỉ nhục, chỉ trích cá nhân hay chửi rủa và ép buộc. Nếu thái độ trên được duy trì và có tính thù địch hay thô lỗ không thể bỏ qua, đó có thể là hành vi phạm pháp.

Chẳng hạn như, nếu cấp trên chỉ trích công việc của bạn: "Thật khinh khủng! Đến bà ngoại tôi còn làm tốt hơn!", đây là một thái độ thô lỗ. Tuy nhiên, có thể đó không đủ để kiện ra tòa.

Đôi khi, cấp trên chỉ đơn giản không có kĩ năng giao tiếp tốt. Chẳng hạn như, khi chỉ trích báo cáo của bạn rằng: "Thật khinh khủng. Sửa lại đi!", đó không nhất thiết đã là thô lỗ, dù hiển nhiên, nó chẳng giúp được gì. Đồng thời, điều đó còn khiến bạn cảm thấy tồi tệ về chính mình. Nếu cho rằng cách nói của cấp trên cần cải thiện, bạn nên trao đổi với cô ấy về điều đó.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-12.jpg


6. Trao đổi với cấp trên. Rất khó để có thái độ làm việc tốt khi dưới quyền người có tính thô lỗ, dù là thô lỗ với bạn hay với ai khác. Mặc dù việc trao đổi với cấp trên có thể khiến bạn e ngại nhưng cấp trên tiêu cực có thể thật sự đem lại cảm giác bất an và làm giảm hiệu quả công việc của bạn. Ý thức về động lực khi trao đổi với cấp trên. Hãy lịch sự, khôn khéo và tôn trọng.

Tiếp cận vấn đề một cách hợp tác. Nhớ rằng, cấp trên có thể thậm chí không ý thức được vấn đề của mình và không hề có ý làm tổn thương bất kỳ ai. Ví dụ như, bạn có thể nói: "Tôi nhận thấy bản thân đang gặp một số rắc rối trong công việc. Chúng ta có thể trao đổi để cùng tháo gỡ không?".

Tìm điểm chung. Chẳng hạn như, bạn có thể nói rằng: "Tôi biết chúng ta đều muốn dự án đạt chất lượng cao nhất" để cấp trên biết rằng đến cuối cùng, bạn và cô ấy đều có cùng mục tiêu.

Thẳng thắn và tôn trọng. Dùng phát ngôn "tôi". Bạn có thể nói đại loại như: "Thay vì những lời nhận xét chung chung, tôi nhận thấy mình có thể làm tốt nhất với những góp ý cụ thể và rõ ràng. Chị có thể cho tôi những phản hồi cụ thể hơn không? Tôi tin rằng điều đó sẽ giúp tôi điều chỉnh báo cáo và đưa ra sản phẩm tốt nhất có thể".

Hãy thành thật. Nếu cấp trên nói điều gì đó có tính coi thường, quấy rối hay xúc phạm, hãy trở nên rõ ràng nhưng đừng phán xét về điều đó. Chẳng hạn như, bạn có thể trình bày: "Tôi cảm thấy tổn thương khi chị quát tháo tôi trước mặt đồng nghiệp vào tuần trước. Sẽ tốt hơn cho tôi rất nhiều nếu chị có thể trao đổi riêng về những điểm cần cải thiện của tôi". Bằng cách trao đổi rõ ràng, thành thật nhưng lịch sự về cảm nhận của bạn, có thể bạn thậm chí đã giúp cấp trên biết cách làm việc với bạn hơn.

Tránh thái độ gây hấn thụ động. Dù nghiên cứu cho thấy điều đó có thể tốt hơn chẳng làm gì, chúng không truyền tải nhu cầu và mong muốn thật sự của bạn đến cấp trên.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-13.jpg


7. Xin lỗi người khác. Nếu thái độ tiêu cực của bạn ảnh hưởng đến những thành viên trong nhóm, hãy cân nhắc việc xin lỗi họ. Chia sẻ rằng bạn trải qua một thời kỳ khó khăn và đang nỗ lực để làm tốt hơn. Nhờ họ giúp bạn điều chỉnh. Mỗi khi nghe được điều gì tiêu cực từ bạn, họ có thể nhắc bạn dừng lại.

Chẳng hạn như, nói rằng: “Chào mọi người. Có thể các bạn đã nhận thấy gần đây tôi than phiền về công ty và thời gian làm việc rất nhiều. Tôi xin lỗi vì đã khiến văn phòng xuống tinh thần. Tôi biết rõ rằng công ty đem lại nhiều lợi ích và hỗ trợ chúng ta rất nhiều. Tôi rất biết ơn vì điều đó. Từ giờ, tôi sẽ làm hết sức mình để trở nên tích cực hơn!”.

IV. Nỗ lực để trở nên tích cực


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-14.jpg


1. Tìm một số giải pháp. Một khi đã tìm được nguyên nhân dẫn đến thái độ không tốt, hãy xác định những điều làm được để cải thiện chúng. Chẳng hạn như, nếu sự mệt mỏi ảnh hưởng đến tâm trạng, hãy cố ngủ nhiều hơn vào buổi tối. Hoặc bạn cũng có thể chợp mắt trong giờ trưa hay thời gian giải lao - chúng có sức mạnh vô cùng to lớn. Nếu công việc không đủ thử thách và gây nhàm chán, hãy đề nghị người quản lí trực tiếp giao cho bạn nhiệm vụ mới.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-15.jpg


2. Suy nghĩ tích cực. Cách suy nghĩ của bạn về điều gì đến sau cùng sẽ là cách bạn sẽ cảm nhận về điều đó. Nếu muốn kiểm soát thái độ, hãy lưu ý đến suy nghĩ của chính mình. Tập trung vào những suy nghĩ tích cực. Loại bỏ suy nghĩ tiêu cực bằng cách chủ động nghĩ theo hướng tích cực.

Ví dụ như, khi cảm thấy ngán ngẩm bởi ai đó chiếm quá nhiều không gian trên tàu, hãy nghĩ về sự may mắn khi có phương tiện giao thông công cộng. Nghĩ một cách tích cực về niềm hạnh phúc không phải lái xe đi làm trong điều kiện mưa giông hay bão tuyết.

Nhắc nhở bản thân suy nghĩ tích cực tại những thời điểm căng thẳng trong ngày. Chẳng hạn như, trước khi bắt đầu di chuyển hay trước một cuộc họp lớn, dừng lại và nhìn nhận những gì tốt đẹp đang diễn ra. Hãy cẩn thận với những ý nghĩ tiêu cực như: "Ồ, tôi chẳng hề trông chờ vào cuộc họp này. Trang luôn khó khăn với tôi". Thay vào đó, hãy cố nghĩ: "Tôi mong chờ góp ý của Trang. Tôi tin rằng ý kiến của cô ấy có thể sẽ rất hữu ích".

Suy nghĩ tích cực cần có sự luyện tập. Đừng nản lòng nếu tâm trí bạn thi thoảng lại trở nên tiêu cực.

Bên cạnh khuyến khích suy nghĩ tích cực, chủ nghĩa khắc kỷ cũng cho phép bạn hình dung những tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi suy nghĩ luôn hướng về những thời khắc u ám. Thông thường, bạn có khả năng chịu đựng tốt hơn bạn nghĩ rất nhiều. Hãy tham khảo bài viết về trở thành người khắc kỷ của chúng tôi để biết thêm thông tin.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-16.jpg


3. Bày tỏ sự biết ơn. Xem xét việc lập danh sách biết ơn. Liệt kê tất cả những tính cách và bạn bè mà bạn cảm thấy biết ơn. Tập trung vào những điểm khiến bạn biết ơn. Bày tỏ thành lời với họ. Cân nhắc làm điều đó trước khi đi ngủ, dựa vào những gì tốt đẹp diễn ra trong ngày.

Thay thế thái độ không tốt bằng lòng biết ơn. Khi bỏ lỡ cuộc họp bởi công trình thi công trên đường, hãy thay đổi thái độ của bạn. Thay vì nản lòng với tình hình giao thông tồi tệ, hãy hướng đến biết ơn. Quan sát xung quanh và cân nhắc mọi thứ khiến bạn cảm thấy biết ơn. Chẳng hạn như, bạn có thể cảm thấy biết ơn vì có sức khỏe, cả tinh thần lẫn thể chất, gia đình và bạn bè hay cảnh đẹp thiên nhiên quanh mình.

Nhận ra sự nhỏ bé của bản thân trong thế giới này và sự kỳ diệu của được sống và tồn tại. Xem đó là một món quà chứ không phải là quyền lợi.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-17.jpg


4. Lặp lại những khẳng định tích cực. Trong suốt cả ngày, hãy sắp xếp suy nghĩ dựa trên những khẳng định tích cực. Xây dựng câu từ nói lên sức mạnh cá nhân, niềm tin và sự tự tin. Chẳng hạn như, bạn có thể nói: “Hôm nay, tôi sẽ dùng kiến thức IT của mình để cải thiện trang web của chúng ta. Tôi sẽ cẩn trọng, chăm chỉ và nỗ lực hết mình”. Khi lặp lại những khẳng định này vài lần mỗi ngày, bạn có thể tập cho bản thân hướng về suy nghĩ tích cực một cách vô thức. Gửi phản ứng tích cực đến tiềm thức, bạn sẽ khơi mào cảm xúc lạc quan dẫn lối hành động.

Tập trung khẳng định vào điều bạn có. Dùng khẳng định tích cực dựa trên hành động hay cách xử lý của người khác có thể sẽ không hiệu quả bởi bạn chẳng thể kiểm soát được cách hành xử của bất kỳ ai ngoại trừ chính bạn.

Ví dụ như, đây sẽ là một khẳng định không có giá trị: "Hôm nay, mọi thứ đều sẽ tốt đẹp!". Bạn không thể kiểm soát được điều đó. Một đồng nghiệp có thể sẽ có một ngày khó khăn. Một tập tin quan trọng có thể sẽ bị lỗi. Có thể bạn sẽ làm đổ bữa trưa lên người. Tuy nhiên, nếu bạn lặp lại khẳng định: "Tôi đủ mạnh mẽ để vượt qua điều sẽ đến trong hôm nay", tập trung vào điều bạn có thể làm sẽ hữu ích.

Với vài người, loại bỏ bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào cũng có thể khiến mọi việc trở nên tệ hơn.Trong những trường hợp đó, tốt nhất là hãy thừa nhận sự tiêu cực và tiến lên phía trước. Chấp nhận sự không hoàn thiện của bản thân và không ngừng tìm kiếm điều tích cực.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-18.jpg


5. Hình dung thái độ tốt hơn của bạn. Bạn sẽ trông thế nào? Bạn có đang mỉm cười hay thân thiện không? Nghiên cứu tâm lý về trải nghiệm đỉnh cao cho thấy với nhiều người thành công, chẳng hạn như Nelson Mandela, sự hình dung giúp cải thiện kỹ năng và tài năng của họ. Bằng cách hình dung thái độ tốt của bạn, bạn có thể bắt đầu tin rằng mình có thái độ đó.

Hình dung chi tiết hết mức có thể. Càng chi tiết, càng nhiều khả năng bạn sẽ dùng nó dẫn đường để đạt được mục tiêu.

V. Đưa thái độ của bạn vào công việc


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-19.jpg


1. Tiếp cận công việc một cách thực tế. Có bức tranh rõ ràng về mối quan hệ nên có của bạn. Chấp nhận rằng một số phần của công việc có thể không đem lại sự thỏa mãn bằng những phần khác. Đặt mục tiêu hoàn thành chúng với thái độ tích cực. Cân nhắc tự thưởng bằng một cốc cà phê hay điều gì khác sau khi hoàn thành nhiệm vụ dài và vất vả.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-20.jpg


2. Đặt mục tiêu cho bản thân. Cân nhắc điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ theo cách thức phù hợp với phong cách làm việc cá nhân của riêng bạn. Với mục tiêu lớn như hoàn thành một dự án lớn, hãy chia thành nhiều mục tiêu nhỏ. Bằng cách đó, mỗi lần đạt được một mục tiêu nhỏ sẽ đem lại cho bạn cảm giác thành tựu. Đến cuối cùng, chứng kiến mục tiêu trở thành kết quả sẽ mang lại lợi ích cho thái độ làm việc của bạn.

Chẳng hạn như, nếu một dự án lớn cần hoàn thành đang khiến bạn phiền não, hãy thử đặt ra những nhiệm vụ nhỏ hơn như "Nghiên cứu thông tin thị trường vào thứ Hai", "Tham khảo cố vấn doanh nghiệp nhỏ vào thứ Ba", "Viết đề cương vào thứ Tư", "Hoàn thành bản thảo đầu tiên vào thứ Năm" và "Chỉnh sửa vào thứ Sáu". Đó sẽ khả thi hơn nhiều so với một mục tiêu lớn và cho bạn cảm giác thành tựu tích cực khi đánh dấu hoàn thành.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-21.jpg


3.Gặp quản lý của bạn. Giải thích rằng bạn xác định được cách để làm việc tốt hơn. Yêu cầu được giao nhiệm vụ mới. Giải thích rằng bạn muốn hết mình với công việc. Trao đổi về khả năng thay đổi lịch trình hay cách thức làm việc. Có thể công ty cũng khuyến khích sáng kiến và thay đổi. Hãy hỏi người quản lí của bạn về việc tham gia.

Trao đổi với người quản lý, bạn đã cải thiện mối quan hệ và tạo ấn tượng về sự nghiêm túc với công việc. Bằng cách đó, bạn có thể có được những lợi ích tích cực trong công việc.

Đề nghị được hợp tác với người tạo cảm hứng cho bạn. Nếu ai đó có thái độ tốt, bạn có thể học để trở nên tích cực bằng cách dành thời gian làm việc chung với họ.

Hỏi quản lý liệu anh ấy có thể phân công lại nhiệm vụ mà bạn cho rằng làm ảnh hưởng đến khả năng duy trì thái độ làm việc tích cực của bạn. Nếu có thể, hãy điều chỉnh công việc sao cho chúng phù hợp hơn với những điểm mạnh cũng như mục tiêu nghề nghiệp của bạn.


cach-thay-doi-thai-do-trong-cong-viec-22.jpg


4. Xác định lại vị trí của bạn. Dù có thể công việc không thay đổi, hãy nhận định lại cách bạn nghĩ về chính mình. Thay vì tập trung vào chức danh hay tên gọi, hãy tập trung vào những điều bạn có thể làm tốt. Xác định lại cách nghĩ về công việc hàng ngày của bạn. Nếu là một trợ lý hành chính, dành nhiều thời gian viết email và trả lời điện thoại, hãy xem bản thân là người kết nối doanh nhân và hỗ trợ hoàn thành những giao dịch quan trọng. Vai trò của bạn là trở thành cầu nối chứ không phải là thực hiện những công việc bận rộn.

Đừng so sánh với người khác, những người dường như yêu thích phần việc mà bạn chẳng hề hứng thú. Nhớ rằng nhiều khả năng đồng nghiệp cũng không hề hào hứng với phần việc mà bạn yêu thích
Dịch bởi Kênh Sinh Viên
NGuồn: Wikihow
 
×
Quay lại
Top