Các mối quan hệ ở trường Đại học

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Hoà nhập cùng môi trường mới, các bạn tân sinh viên (SV) cần hiểu rõ về các mối quan hệ rất đa dạng và mới mẻ này. Từ đó giúp các bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc học tập và sinh hoạt của mình dưới mái trường đại học (ĐH).


tinh%20ban%20SV.jpg


Bước vào cuộc sống SV, tức là một lần nữa bước qua một cái mốc của sự trưởng thành. Các bạn phải tự lo cho mình nhiều hơn, đặc biệt là các bạn SV xa nhà. Các mối quan hệ đóng vai trò quan trọng trong việc chu toàn các công việc của SV từ học tập đến việc trau dồi các kỹ năng khác.

Quan hệ bạn bè

Quan hệ bạn bè là mối quan hệ cần nhắc đến đầu tiên. Bạn bè ở ĐH có rất nhiều điểm khác biệt so với thời cấp 3. Có thể liệt kê sơ lược về bạn bè ở ĐH: bạn cùng lớp, bạn cùng khoa, bạn cùng phòng trọ, cùng ký túc xá. Có đứa người thành phố, có đứa người miền Trung, Nam, Bắc khác nhau, tình tình khác nhau, điều kiện kinh tế vật chất tinh thần cũng rất khác nhau. Bạn ở ĐH đa dạng hơn, nhiều hơn, khác nhau cả về giọng nói và tuổi tác. Vì vậy, hiểu rõ và chuẩn bị tinh thần làm quen với những người bạn mới này là điều cần thiết.

Đặc trưng cách học tập ở ĐH là phải tự học, không có thầy cô dạy kèm. Để học tốt, mỗi SV cần tìm cho mình những người bạn cùng gu để cùng chơi, cùng học. Có những vấn đề ở ĐH cần phải thảo luận, làm việc theo nhóm. Bài tập thầy cô cho cũng rất nhiều, làm cả chương, phải chia nhau ra giải rồi tổng hợp các dạng mới có thể hoàn thành được. Trường ĐH rộng lớn, các thông báo thường dán ở nhiều nơi, một mình SV không thể theo dõi hết các thông báo ấy. Có những thông báo rất hữu ích như các thông báo về việc làm thêm, học bổng, hay những thông báo cần kíp về lịch đổi thời khoá biểu, đổi phòng học. Có bạn bè thân thiết và rộng rãi để kịp thời nắm những thông tin ấy là điều cần thiết.

Có những người bạn tốt là điều rất đáng quý, đáng nhớ trong đời sống SV. Một nhóm bạn cùng nhau học tập, cùng nhau đá bóng, giải trí lành mạnh là sẽ làm quãng đời SV trở nên phong phú, nhiều kỷ niệm. Tuy nhiên, tình trạng SV kéo nhau sa đà vào những thú chơi không bổ ích cũng đang rất báo động. Những buổi ăn nhậu thâu đêm suốt sáng, kéo nhau lấy chuyện chơi đè bẹp chuyện học sẽ làm tiêu tan cả tương lai của bạn. Hiếu Học đã từng đề cập đến vấn đề: “Đậu ĐH không phải là cánh cửa an toàn bước đến thành công”, nhiều SV mới cũng vì chủ quan với tấm vé ĐH của mình mà ra khỏi trường bằng cổng sau lúc nào không biết.

Thầy – trò

Vào học ở ĐH, thầy cô là những người vừa dạy, vừa làm. Thầy cô không chỉ đơn giản là nhà giáo mà còn có những kinh nghiệm quý báu trong môi trường thực tế. Có những thầy cô mà kiến thức của họ còn hơn cả pho sách. Thầy cô có khi đáng tuổi ông bà của SV, học vị tiến sĩ, giáo sư, nhưng cũng có những thầy cô ngang tuổi, thậm chí nhỏ hơn cả người học. Mối quan hệ thầy – trò từ đó mà cũng rất khác biệt, có lúc xa vời, có lúc lại gần gũi như bạn bè.

Có được mối quan hệ tốt với thầy cô - những bậc cha chú, bậc đàn anh đàn chị đi trước ngay trong chuyên ngành của mình là điều thật sự tốt. Mối quan hệ thầy – trò ở ĐH nhiều khi rất xa vời nếu bạn chỉ xem thầy cô như những giảng viên đến lớp dạy rồi về. Thực tế thầy cô ở trường ĐH, nhất là các thầy cô trẻ luôn phụ trách các mảng hoạt động hội nhóm, câu lạc bộ. Hãy mạnh dạn tham gia những hội nhóm này để được trực tiếp tham khảo, học hỏi từ những bậc tiền bối này. Bạn sẽ nhận ra khoảng cách thầy trò không còn lớn như hồi phổ thông khi cùng thầy lắp ráp robot trong phòng thí nghiệm, chung tay cùng cô xây dựng một đề án kinh tế hay tán gẫu ngoài quán cafe. Những tài liệu, kinh nghiệm học tập, làm việc, kỹ năng ngay trong chuyên ngành bạn đang theo học mà thầy cô chỉ bảo sẽ giúp các bạn mau chóng có được thành công cho sự nghiệp sau này.

Nhìn chung, đời sống SV đa dạng và thay đổi so với thời phổ thông từ cách học tập, sinh hoạt lẫn tinh thần, tình cảm. Tình yêu thời SV cũng là điều khó tránh khỏi. Yêu đương cũng giống như quan hệ với bạn bè nhưng đặc biệt hơn, nếu biết giúp đỡ nhau trong học tập, trong cuộc sống xa nhà, gia tăng đời sống tinh thần để có thêm động lực phấn đấu là điều tốt và nên có. Nhưng điều chỉnh tình cảm, sắp xếp thời gian chơi, học, làm như thế nào để đạt kết quả tốt trong học tập thì không phải SV nào cũng làm được. Nắm rõ cách học tập, sinh hoạt ở ĐH để có những mối quan hệ phù hợp, sắp xếp thời gian tham gia những hoạt động Đoàn, Hội vừa để trau dồi kiến thức chuyên môn, vừa nâng cao kỹ năng mềm, vừa quen biết rộng rãi sẽ giúp bạn có những kỷ niệm đẹp thời SV và những nền tảng cơ bản để thành công trong tương lai.

Minh Đức
 
×
Quay lại
Top