Các chuyên gia nổi tiếng khuyên thí sinh điều gì trước khi vượt vũ môn?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Trước ngày thi đại học, cao đẳng, các chuyên gia nổi tiếng và thủ khoa đại học đã chia sẻ “mẹo” giúp thí sinh đạt kết quả tốt.

Để giúp thí sinh có một tinh thần thoải mái nhất và đạt kết quả tốt nhất trước khi bước vào cuộc chiến thi đại học, cao đẳng, Báo Điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức buổi giao lưu “nóng” với các chuyên gia tư vấn nổi tiếng và các thủ khoa đại học năm 2012.

gltt-356b9.jpg

Các chuyên gia và thủ khoa chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra lời khuyên cho sĩ tử trước ngày thi đại học.
Rất nhiều câu hỏi được gửi về tòa soạn, chủ yếu thắc mắc làm thế nào để giữ bình tĩnh trong phòng thi mà không bị run hoặc quá hồi hộp? Làm thế nào để tránh những lỗi học sinh thường hay mắc? Các kinh nghiệm “xương máu” để làm tốt các môn thi?

“Mẹo” hay để làm bài điểm cao
Theo Tiến sĩ Lê Thống Nhất chuyên luyện thi môn Toán thì nhiều bạn mắc phải lỗi tính toán cẩu thả, lập luận thiếu căn cứ, viết tắt, tâm lý không ổn định và thường làm ra giấy nháp rồi mới chép vào bài.
ThayThongNhat1-2f729.jpg

TS Lê Thống Nhất tham gia tư vấn giúp thí sinh làm tốt môn Toán.
TS nhấn mạnh: Thông thường, với những gì các bạn viết ra ít khi bạn có thể tự nhìn ra sai lầm ngay trong phòng thi mà sau khi thi xong bạn mới biết. Từ đó bạn sẽ chép lời giải sai vào bài làm. Vừa mất gấp đôi thời gian làm bài vừa dễ sai lầm. Thậm chí, ở giấy nháp là lời giải đúng nhưng khi chép vào bài làm lại chép nhầm lẫn nên lời giải sai.

Vì vậy, đối với môn Toán những câu đã có đường lối giải thì bạn thực hiện đường lối vào bài là tốt nhất. Nguyên tắc chỉ sử dụng giấy nháp khi phải tìm đường lối giải hoặc thực hiện các phép tính phức tạp.

Còn khi gặp câu khó, Thủ khoa ĐH Ngoại thương Nguyễn Ngọc Thiện (29 điểm khối A) cho biết: Chỉ nên dành ra khoảng 15 phút để suy nghĩ cho mỗi bài, nếu không ra thì chuyển sang câu khác. Đối với các môn tự nhiên như Lý, Hóa nên tuân thủ nguyên tắc “khó làm trước, dễ làm sau”.

Với đề thi trắc nghiệm, nếu bạn “random” có hai kiểu: ngẫu nhiên hoàn toàn và ngẫu nhiên sau khi loại trừ đáp án sai. Với những câu anh phải "random" thì đã đều phải cố gắng hết sức để loại ra những đáp án mà mình cho là sai, như vậy xác suất đúng sẽ cao hơn.

Môn tiếng Anh, Thạc sĩ Nguyễn Văn Kỷ - Trưởng bộ môn Thực hành tiếng khoa Tiếng Anh, Trường Đại Học Hà Nội đưa ra lời khuyên: Thứ nhất, thí sinh cần bình tĩnh làm bài, nghiên cứu kĩ từng phương án trả lời trước khi khẳng định đáp án cuối cùng. Nhiều khi, thí sinh sẽ chọn ngay một phương án nào đó vì “cảm giác” đó là phương án đúng, song nếu đọc kĩ các phương án còn lại thì có thể sẽ còn có phương án “đúng hơn”.

Ngoài ra, thí sinh cần đọc kĩ hướng dẫn dành cho từng thể loại câu hỏi để tránh hiểu lầm yêu cầu của đề thi (ví dụ: câu hỏi tìm từ/cụm từ đồng nghĩa sẽ khác với câu hỏi tìm từ/cụm từ trái nghĩa).
Và theo kinh nghiệm của thủ khoa ĐH Luật thì vấn đề may mắn trong khi thi trắc nghiệm chỉ chiếm khoảng 5% thôi, hạn chế việc nhắm mắt khoanh bừa. Đối với các câu khó, bạn hãy đọc thật kỹ câu hỏi là nghiên cứu các phương án, chúng đều có mối liên hệ với nhau. Nếu không, hãy thử đoán nghĩa và dựa vào ngữ cảnh để chọn đáp án.

Môn Văn, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết cho rằng thí sinh nên phân bố thời gian hợp lý nhất cho 3 câu trong đề thi là: Khoảng 20 phút cho câu 1, 50 phút cho câu 2, còn lại dành cho câu nghị luận văn học thời gian dài nhất - tối thiểu là 110 phút.

1_soha_vn-7d881.JPG

TS Văn học Trịnh Thu Tuyết tham gia tư vấn cho thí sinh.
Và trong câu nghị luận xã hội yêu cầu trình bày quan điểm của cá nhân về một sự việc, hiện tượng, một vấn đề nào đó của cuộc sống. Đáp án thường để một khoảng trống cho suy nghĩ cá nhân, bài sẽ đạt kết quả tốt nếu ý kiến của thí sinh hợp lý, hợp tình, không đi ngược lại đạo lý, thuần phong mỹ tục cũng như cách sống, cách nghĩ tốt đẹp của dân tộc mình.

Điều quan trọng áp dụng cho tất cả các môn thi đó là dành thời gian để xem lại toàn bộ bài làm của mình vào cuối giờ để rà soát lại bài làm xem có sai sót gì không.

Làm thế nào để giữ bình tĩnh trong phòng thi?
Từng có kinh nghệm thi cử, Nguyễn Ngọc Thiện bật mí, để bình tĩnh khi vào phòng thi, các bạn nên hít thở sâu, đừng nên ngồi 1 mình mà hãy trò chuyện cùng các bạn giúp mình thoải mái, đỡ căng thẳng cũng như không bị sức ép của cảm giác chờ đợi.

“Nếu trong khi thi mà mất bình tĩnh, em thường nhắm mắt lại, lấy tay "mát xa" nhẹ nhàng cho đôi mắt của mình. Làm như vậy giúp cho mắt và đầu óc được thư giãn (hai cơ quan phải hoạt động vất vả nhất trong khi thi), và chỉ cần thư giãn một chút thôi, em cũng sẽ cảm thấy sảng khoải và minh mẫn hơn rất nhiều, sẵn sàng cho những bài toán tiếp theo”, Thủ khoa Nguyễn Ngọc Thiện bật mí.

Còn đối với thủ khoa ĐH Luật thì chỉ cần tự tin vào kiến thức mình đã có và có bản lĩnh phòng thi thì sẽ chiến đấu một cách tốt nhất.

Nếu xảy ra sự cố trong phòng thi về tâm lý, chuyên gia tâm lý Khắc Hiếu đưa lời khuyên, các sĩ tử nên uống ngụm nước để trấn an, cười với người bên cạnh hoặc mát xa thả lỏng toàn thân thư giãn tinh thần và đặc biệt là hãy nghĩ đến những gì tích cực.

Chăm sóc sức khỏe như thế nào?

Trả lời câu hỏi của độc giả, Thủ khoa ĐH Luật 2012 Đặng Vũ Thùy Linh đưa ra lời khuyên, trước ngày thi thí sinh không nên học quá nhiều, chủ yếu xem qua những phần quan trọng và dành thời gian nghỉ ngơi. Đặc biệt là không học đêm mà cần đi ngủ sớm.

Theo Nguyễn Ngọc Thiện, nếu chỉ còn vài ngày đến ngày thi thì nên nghỉ ngơi và thư giãn, đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt nhất, vì ôn lúc này rất dễ khiến kiến thức chung bị loạn, nhớ được phần này có khi lại quên mất phần kia. Hãy tự tin với những gì mình đã có.

nguyen-hoang-khac-hieu-54c01.jpg

ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, chuyên gia tư vấn tâm lý.
Còn Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nói rằng, trong các kỳ thi như thi tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng khả năng của thí sinh chỉ chiếm khoảng 50 – 60% thành công, phần còn lại là sức khỏe tốt và tâm lý vững vàng.

Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý đảm bảo dinh dưỡng cho con em mình ở các bữa ăn hàng ngày trong suốt quá trình ôn luyện cho đến lúc đi thi.
“Các bậc phụ huynh nên cho con em mình ăn uống điều độ, không bỏ quên bữa sáng, không để con em thức cả đêm học tập vì như vậy sẽ gây mệt mỏi, giảm trí nhớ, khó tập trung…”, ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ.
Theo sohoa
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top