Bộ phim “Be with you” chuyển thể từ truyện “Em sẽ đến cùng cơn mưa”

ngominhquynh

If you rest, you rust
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/10/2013
Bài viết
1.764
Điều khó khăn nhất khi làm phim chuyển thể từ tác phẩm văn học là nó dễ khiến khán giả có cảm xúc kém hài lòng. Cùng một câu chuyện nhưng thế giới của mỗi người tạo ra là khác nhau. Khi “dệt” lại bằng hình ảnh, chưa nói đến chuyện nội dung bị “nhẹ″ đi, chỉ cần tạo hình không giống trong tưởng tượng của người xem cũng đủ để họ thấy xa lạ.

Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của Be with you (Kề bên em), một trong số ít phim không chỉ truyền tải trọn vẹn cái hồn của tiểu thuyết, mà còn sáng tạo và nâng tầm nó thêm bằng ngôn ngữ riêng của mình.

Nên thơ


Be with you (Kề bên em) là bản phim chuyển thể từ tiểu thuyết Em sẽ đến cùng cơn mưa của nhà văn Nhật Ichikama Takuji. Chuyện phim kể về cuộc sống khó khăn của hai bố con Takumi và Yuji (6 tuổi), sau khi người vợ qua đời, một năm trước. Người vợ, người mẹ ấy hẹn rằng, một năm sau sẽ trở lại khi mùa mưa đến. Nghe có vẻ hoang đường nhưng cả hai bố con đều tin tưởng và chờ đợi, kèm theo nỗi thấp thỏm, vì Mio cũng nói rằng, cô sẽ lại biến mất khi mùa mưa qua.

Phim đẹp ngay ở phút đầu tiên. Những khung hình như những bức tranh sáng trong và mượt mà, kể lại câu chuyện từ trí nhớ của Yuji, nay đã là một chàng trai. Bản nhạc Beyond the time man mác, buồn bã, hòa hợp hoàn toàn với không gian phim. Hình ảnh gia đình ba người, dắt tay nhau đi trong mưa, đưa người xem vào cảm xúc dịu dàng và gợi nhiều ký ức.

Nếu phải chấm điểm 10 cho một yếu tố nào đó của phim, đó sẽ là bối cảnh. Khu rừng và nhà máy bỏ hoang hiện lên hệt như lấy ra từ trang sách. Ngôi nhà của gia đình Takumi thật ấm cúng và có hồn, dù là lúc lộn xộn bừa bãi ở đầu phim hay khi ngăn nắp dưới bàn tay của Mio.

Ngôi nhà với khu vườn có thể nhìn ra từ phòng ăn, bãi cỏ xanh sát lối đi vào, một hòm thư màu xanh có chữ “Aio” (họ của Takumi) ngộ nghĩnh, những hình vẽ của Yuji dán đầy tường, đồ dùng lỉnh kỉnh ở mọi nơi… thân thuộc và đầy hơi ấm. Khu phố họ sống, với những con đường mòn trồng hoa hay chạy ngang qua hồ, thật bình yên. Một làng quê yên tĩnh, một ngôi nhà nhỏ, một gia đình ba người giản dị, yêu thương và chăm sóc lẫn nhau.



Cuộc sống của hai bố con khá vất vả từ khi thiếu bàn tay người mẹ, người vợ. Takumi nấu nướng không giỏi lắm. Hai bố con thường phải ăn sáng với bánh mì cháy và trứng nát. Anh còn không mặc đúng áo mùa Đông hay mùa Hè đến nơi làm việc. Takumi hơi khù khờ nhưng hiền lành và chăm chỉ. Vấn đề lớn nhất là căn bệnh của anh khiến anh phản ứng thái quá rồi ngất xỉu mỗi khi ở trong đám đông hay quá căng thẳng. Nhiều khó khăn như thế nhưng hai cha con vẫn chăm sóc đỡ đần lẫn nhau và cùng chờ đợi Mio trở về.

Sáu tuần yêu thương


Mio trở lại thật, đúng như lời hứa, sau cánh cửa số 5 ở nhà máy hoang. Cảnh cô xuất hiện được thực hiện thật mềm mại, nhẹ nhàng, không chút khiên cưỡng. Mio hiện ra ở một góc sáng, mái tóc ướt đẫm trong làn mưa, hư ảo, yếu đuối. Từng cảnh quay, từng góc cắt cảnh, khuôn mặt và biểu cảm của Mio tạo cảm giác cô được gửi về thật sự, từ một tinh cầu Ký ức.

Từ đây, phim khắc họa song song hai mạch chuyện: Một là mối liên hệ giữa ba người, sự thay đổi trước và sau khi Mio trở về cũng như tình cảm gia đình ngọt ngào. Hai là chuyện tình giữa Takumi và Mio được kể lại từ thời trung học.

Phần đầu tiên, cảm xúc gia đình đọng lại từ hình ảnh nhiều hơn từ cách kể. Những hình ảnh được ghi lại như những bức tranh in vào trái tim. Hai bố con, bố Takumi mặc áo sơ mi công sở, bé Yuji đội chiếc nón màu vàng, chân đi ủng màu xanh, sáng sáng chào mẹ để đi làm đi học thật đáng yêu.

Hai bố con ăn uống kham khổ đã lâu, nay được mẹ nấu cho bữa đàng hoàng, vui mừng quá đỗi. Cảnh ba người chúc đầu giữa bàn cơm thật hạnh phúc, không có cách nào hiệu quả hơn để nói về gia đình bằng một bữa cơm. Nhưng càng đẹp bao nhiêu, càng nhói lòng bấy nhiêu khi biết rằng, nó sẽ không kéo dài lâu. Sáu tuần của mùa mưa là quá ngắn ngủi.

Nhưng chuyện tình Takumi và Mio mới là điều tuyệt vời nhất trong phim, dù khá tiếc nuối rằng, cảnh hai người xem pháo hoa trên mặt hồ và chở nhau trong cơn mưa tầm tã, một cảnh khá quan trọng trong sách, đã bị cắt. Nếu được làm tốt, đó sẽ là cảnh lãng mạn và giàu cảm xúc nhất. Bù lại, những đụng chạm vẫn giữ nguyên được sự tinh tế khi Mio gục đầu vào vai Takumi, “tư thế tốt nhất” đầy tin yêu, khiến người xem rung động.

Một chuyện tình trọn vẹn khi kết hợp với đoạn kết sáng tạo, miêu tả lại câu chuyện dưới góc nhìn của Mio. Phim trôi về những phút giây đầu tiên của tuổi học trò, rụt rè và sáng trong.

Không phải phim không có những điểm yếu. Nhịp phim đôi lúc kéo dài, cảnh chia tay chẳng hạn. Diễn xuất của các diễn viên ở mức đạt, không phải quá xuất sắc nhưng phim hay bởi những khung hình quá đẹp và một câu chuyện vốn đã đầy đặn cảm xúc. Nữ diễn viên Yuko Takeuchi, với nét đẹp dịu dàng giống với Mio, là người quan trọng nhất.

Một số cảnh cô diễn chưa thật sự thuyết phục nhưng phần lớn vẫn ổn. Đặc biệt là khi Mio đưa hai ngón tay lên và nói rằng “một chút cũng không” để an ủi Yuji. Đó là cảnh xuất sắc nhất của Yuko. Ánh mắt và tình cảm của cô lúc đó chân thành và tha thiết, đầy xúc động.

Bài học đầu tiên
Một trong những hình ảnh đọng lại trong tâm trí khán giả lâu nhất, là những con búp bê cầu nắng của Yuji. Chúng được gọi là “Teru teru bozu” mà cậu bé treo lên những thanh móc quần áo, nằm im trong cơn mưa lạnh. Đầu chúng đều chúc xuống để trở thành búp bê cầu mưa, vì Yuji mong rằng, mùa mưa sẽ kéo dài mãi mãi. Để mẹ Mio của cậu bé sẽ không bao giờ rời xa.



Người mẹ trở lại trong 6 tuần, như lời hứa của cô trước khi qua đời, rồi lại ra đi. Nó mang ý nghĩa gì, nếu gặp lại để rồi chia tay? Ở một khía cạnh nào đó, điều ấy giống như việc chịu đựng nỗi đau thêm một lần nữa. Nhưng bộ phim tiếp cận cái chết ở một ý khác: Mio trở về để xóa đi nỗi dằn vặt hằn trong trái tim non nớt của cậu bé, vì mình mà mẹ chết, để chuẩn bị cho hai cha con một cuộc sống mới không có vợ và không có mẹ, để nói với Takumi rằng, anh đã làm cô hạnh phúc. Đó là điều quan trọng nhất để anh có thể sống tiếp thật mạnh mẽ.

Những con Teru là bài học trong trẻo đầu tiên của cậu bé về cái chết. Cảm xúc, sự lo lắng chân thành, tình yêu không tì vết của cậu bé 6 tuổi đặt cả vào những mảnh vải nhỏ bé. Dù cho bộ phim quá ngắn ngủi để khắc họa sâu hơn tình cảm mà cậu bé dành cho mẹ, thì người xem vẫn cảm nhận được đầy đủ bài học có vẻ là quá sớm với Yuji: Những người ta yêu thương nhất rồi sẽ đến lúc rời xa ta nhưng hạt mầm tình cảm đã được gieo vào sẽ không bao giờ mất đi. “Con biết không, bố mẹ gặp nhau là để được gặp con”.

Một đứa trẻ sẽ hạnh phúc đến mức nào khi được nghe điều đó? Bộ phim mong manh trong từng khoảnh khắc, mỗi nụ cười đều chất chứa sự chia xa len lỏi. Nhưng nhờ vậy lại làm nên một mùa mưa đẹp chưa từng có, nhắc nhở mọi người trân trọng từng khoảnh khắc được ở bên cạnh người yêu thương.

Sau những ngày mưa là những ngày nắng. Cái chết cũng trở thành một niềm an ủi dịu dàng với Yuji, với Takumi. Họ sẽ hạnh phúc. Vì Mio không hề xa khỏi họ. Và tất cả chúng ta cũng thế. Chúng ta sẽ gặp lại nhau trên một tinh cầu lấp lánh, vì chúng ta sẽ không bao giờ lãng quên nhau.



Em sẽ đến cùng cơn mưa” là tác phẩm xuất sắc của văn học Nhật và là tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của nhà văn Ichikama Takuji. Quyển sách phát hành lần đầu vào năm 2003, nhanh chóng gặt hái thành công, được chuyển thể thành truyện tranh, kịch, phim truyền hình ở Nhật và điện ảnh tại Mỹ. Xuất bản ở Việt Nam vào đầu năm 2013, cuốn sách đã nhận được sự yêu mến của rất nhiều bạn trẻ.

Hai diễn viên chính trong phim, Yuko Takeuchi (vai Mio) và Shido Nakamura (vai Takumi) đã lập gia đình thật sự với nhau vào năm 2005, sau khi quay xong bộ phim “Be with you”. Tiếc rằng, cả hai cảm thấy không hợp và ly dị chỉ một năm sau đó.
 
đã ai xem phim này chưa ạ? cho em xin rì viu với
 
×
Quay lại
Top