'Bố cháu có phải con cho đâu mà ông lại xích thế'

blackberry97

Banned
Tham gia
29/3/2012
Bài viết
76
“Ông nội ơi! Bố cháu có phải con chó đâu mà ông lại xích bố cháu thế?! Ông thả bố cháu ra đi ông!”… Những bức xúc hồn nhiên, những tiếng khóc nức nở của bé gái 4 tuổi như cứa vào tim gan của người lớn, trong đó có Tâm là bố của cháu – một người nghiện ma túy đã chục năm. Từ đây, đứa con gái nhỏ thương yêu ấy thực sự trở thành “thần dược” cai nghiện ma túy cho bố…


Quây quần trước tôi là 4 thành viên trong một gia đình hạnh phúc, hai vợ chồng trẻ, hai cô con gái xinh xắn và ngoan ngoãn. Trong câu chuyện của mình, không ít lần anh Nguyễn Văn Tâm (sinh 1973 ở phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) thốt lên:

“Nghiện ma túy đã gần 10 năm, em thật không ngờ mình lại được như ngày nay. Đây là công sức của cả hai bên gia đình, nhưng quan trọng nhất chính là cháu Tuyết Lan, con gái em đây!”

Sau khi xuất ngũ, ông Nguyễn Văn Hân (cha của Tâm) rời vùng chiêm trũng Ứng Hòa ra Hà Nội sinh sống. Tiếng là ra Hà Nội, nhưng vợ chồng ông Hân tất tả đủ nơi kiếm tiền nuôi 4 đứa con trai ăn học.

Nơi xa nhất, ông đã trú ngụ nhiều năm là tận Hát Lót – Sơn La. Nhờ sự tần tảo và năng động của bản thân cộng với sự giúp đỡ của anh em trong gia đình, nên “tứ tử” của ông bà được học hành và anh nào lớn lên cũng có việc làm ổn định.

Sinh 1973, là con thứ hai trong gia đình, Nguyễn Văn Tâm hoạt bát, nhanh nhẹn, ưa việc đi lại nên đến tuổi lao động là tìm học ngay nghề lái xe. Do yêu công việc nên Tâm nhanh thành thạo, chẳng mấy chốc anh đã ôm vô lăng xe tải rong ruổi trên khắp các tuyến đường miền Trung.

Lái xe đường dài, cabin ôtô lại chưa có hệ thống điều hòa như ngày nay mà cái nóng miền Trung thì như đổ lửa làm cho cánh lái xe rất mệt mỏi. Đầu những năm 1990, trong bạn bè tài xế có người rỉ tai Tâm:

“Cái này hay lắm! Cứ gọi là tuyệt vời. Dùng nó vừa khỏe mạnh, tỉnh táo lại không sợ cái nóng…”. Lúc đầu Tâm cương quyết không màng vì biết nó là thuốc phiện. Sau dần thấy mấy anh tài xế hơn tuổi cứ dùng đều mà chưa thấy ảnh hưởng gì rõ rệt nên Tâm cũng bắt đầu mon men.

Thế rồi Tâm hút thử. Lần đầu khó chịu đến phát nôn chứ nào có ngon gì. Thế rồi dần thành quen. Một tháng, hai tháng… thấy người tỉnh táo, không có cũng chưa sao thành ra chủ quan. Chỉ đến khi ngủ dậy mà chưa hút thì chân tay mệt mỏi, đầu óc âm âm, u u thì Tâm mới biết mình bị lệ thuộc vào cái thứ chết người này.

Tuy nhiên, do công việc lái xe nay đây, mai đó, lại có tiền nên gia đình chưa ai biết Tâm nghiện ma túy. Nhưng rồi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”, mặc dù số người nhìn thấy “cái kim” ấy lúc đầu còn rất ít. Và số ít người biết Tâm nghiện ấy không phải người trong gia đình.

Chuyện là thời gian này bố mẹ Tâm chuyển về sống ở Ba La, Hà Đông cho tiện đường đi lại về quê và gần gũi anh em. Là trai trẻ chưa vợ, Tâm mang lòng yêu Ngân – người con gái xinh xắn đang có nhiều chàng trai để ý.

Và có lẽ chính vì Tâm công khai tìm hiểu Ngân nên cái tin Tâm nghiện ma túy sớm được tung ra. Thấy thế, ông bà Tiến - cha mẹ Ngân - vô cùng băn khoăn và gặng hỏi con gái mình về Tâm.

Thấy sao, nói vậy, Ngân bảo, con có thấy anh ấy làm sao đâu? Chắc mọi người ghen tỵ thì xuyên tạc đấy thôi. Tuy vậy, ông bà Tiến khuyên Ngân nên thật cẩn thận với chuyện trăm năm của mình.

Thế rồi, tuy chưa bắt tận tay, day tận mặt, nhưng những dấu hiệu về Tâm nghiện ma túy cứ rõ dần và ông bà Tiến không muốn cho con gái mình “chung thân” với một anh nghiện.

Khuyên con gái không được, hôm nhà trai đến ăn hỏi, bà Tiến quá buồn và đã không có mặt ở nhà. Rồi như bao đôi trẻ khác, đám cưới được tổ chức năm 1999, Tâm và Ngân được bố mẹ chuẩn bị cho một căn nhà riêng.

Vợ chồng trẻ, có nhà riêng, gần ông bà nội ngoại hẳn là ước mơ của bao người. Thời gian này, Tâm vẫn ôm vô lăng vi vu nay đây mai đó trên khắp các tuyến đường. Cảnh nghiện ngập nhưng còn có tiền lại không bị quản lý trực tiếp nên cứ thế Tâm trượt sâu vào con đường tăm tối.

Năm 2000, họ có con gái đầu lòng đặt tên Nguyễn Thị Tuyết Lan. Vợ đẻ con gái đầu lòng, Tâm nghỉ ở nhà cùng hai bà nội ngoại chăm sóc vợ con. Trong cái mừng đến luýnh quýnh khi lần đầu tiên được nựng con, xưng bố, Tâm lại thon thót với những cái ngáp vặt cùng nước mắt, nước mũi chảy ra.

Rồi đến lúc chính Ngân biết chồng mình nghiện, nghiện nặng trong khi ông bà ngoại tưởng con rể trái nắng trở trời nên cứ tích cực thuốc thang cho Tâm. Ngân rất buồn và hoang mang nhưng không dám nói thật với bố mẹ.

“Ma túy ăn lên” điều đó người nghiện ai cũng biết. Thế nên chẳng bao lâu, việc nghiện ma túy của Tâm chính thức được gia đình anh xác nhận. Là một gia đình nề nếp, có nhiều anh em công tác trong ngành pháp luật nên bố mẹ, các cô chú ruột thịt cương quyết cai nghiện cho Tâm.

Những cơn vật vã do đói ma túy kéo đến hành hạ, nhưng nhờ có thuốc thang hỗ trợ, cộng với sự giúp đỡ, quản lý chặt chẽ của bố mẹ hai bên và nhất là tình yêu thương chăm sóc của người vợ trẻ nên Tâm đã cắt được cơn nghiền ma túy trong sự vui mừng của người thân.

Không khí đô thị hóa sôi động. Đất nông nghiệp được chuyển đổi, thu hồi, cộng với cái sự buôn bán đất đai vô tổ chức trong lúc tranh tối tranh sáng khi mấy xã vùng ven sắp chuyển về thị xã Hà Đông, nên không ít gia đình nông dân tự nhiên có nhiều tiền.

Và, từ đây, tệ nạn xã hội nảy sinh, biến khu vực Ba La, Hà Đông thời ấy thành một trong những điểm nóng về tệ nạn xã hội. Một lần nữa, Tâm quay lại tái sử dụng ma túy với liều lượng cao hơn…

Năm 2004, gia đình lại Tâm lại một phen quyết chiến với cái nghiện của anh. Ngân với cô con gái Tuyết Lan 4 tuổi ở lại căn nhà của mình. Tâm được đưa về nhà bố mẹ đẻ gần đấy để cai nghiện. Ông Tân dùng dây xích dài xích Tâm lại trong thời gian cắt cơn.

Các biện pháp chăm sóc y tế được hỗ trợ. Tâm vật vã trong cơn đói thuốc mà quằn quại mà kêu gào, nhưng ông Tân biết “vật ma túy không thể làm người nghiện chết được, nhưng nếu không vượt qua thì người nghiện mới chết dần, chết mòn mà thôi”.

Tâm cai nghiện sang ngày thứ tư thì ông ngoại đưa Tuyết Lan sang thăm bố. Cửa phòng vừa mở, Tuyết Lan ào vào và sững lại khi nhìn thấy bố mình bị xích. Và cứ thế, Tuyết Lan, đứa bé 4 tuổi kêu gào thảm thiết:

“Ông ơi! Sao lại xích bố cháu? Bố cháu có phải là con chó đâu mà bị xích… ông thả bố cháu ra đi…!” - cứ thế Tuyết Lan kêu khóc và đòi ông nội, ông ngoại thả bố mình ra…

Phản ứng bất ngờ, trong trẻo và quyết liệt của đứa bé 4 tuổi làm tất cả người lớn luống cuống. Biết giải thích thế nào cho cháu hiểu lý do bị xích của bố cháu đây? Không còn cách nào khác, Tâm được mở khóa, tháo xích để con gái vừa lòng.

Tâm bế con gái bé bỏng trong nước mắt. Và cứ thế, Tuyết Lan bi bô hỏi bố: “Tại bố hư nên bị ông xích hả bố?” Tâm trả lời con: “Đúng rồi! Tại bố hư.” “Thế thì bố đừng hư nữa bố nhé!”... - cứ thế hai bố con chuyện trò, còn hai người ông ngậm ngùi quay về phòng khách uống nước.

Từ hôm đó, Tâm thay đổi hẳn. Anh trầm ngâm chứ không ầm ĩ như trước. Phát hiện sự thay đổi ở Tâm, nhất là được chứng kiến giây phút cảm động ứa nước mắt khi đứa cháu 4 tuổi kêu khóc đòi tháo xích cho bố, ông Tiến bàn với ông Tân triệt để sử dụng tình cảm của đứa cháu 4 tuổi này vào việc cai nghiện cho bố nó.

Thế là, cứ 2 hôm, Tuyết Lan lại được ông ngoại đưa sang với bố Tâm. Chỉ có điều, trước khi sang, bố cháu đã được tháo xích. Thấy bố Tâm không bị xích nữa, Tuyết Lan hồ hởi sà vào lòng bố mà bi bô trò chuyện. Vài lần như thế, Tâm được tháo hẳn xích trong thời gian cai cắt cơn còn lại.

Nay kể lại câu chuyện này, Nguyễn Văn Tâm vẫn chưa nguôi xúc động. Anh cho biết, không thể diễn tả được tiếng khóc của con khi nhìn thấy Tâm bị xích. “Bố cháu có phải là con chó đâu mà ông xích”… - Cũng là câu ấy nếu phát ra từ một người lớn thì đối với người nghiện ma túy hẳn có lẽ chẳng thấm vào đâu.

Nhưng câu ấy lại phát ra từ miệng đứa con gái mới 4 tuổi của mình, nên anh thấy nó đau thì ít mà thương con thì nhiều. Câu hỏi ấy, tiếng khóc ấy như một luồng điện mạnh chạy suốt sống lưng, chạy lên tụ lại ở óc anh, rồi từ đó tỏa ra khắp cơ thể và biết thành sức mạnh giúp Tâm quyết tâm từ bỏ ma túy.

Chính Tâm từ chỗ nhận ra sức mạnh tình cảm này mà sau khi cắt được cơn nghiện, anh đã không rời con gái bé bỏng của mình nửa bước. Từ đấy, Tuyết Lan trở thành “thần dược” cai nghiện ma túy của bố Tâm.

Vài năm sau, khi Tuyết Lan đến tuổi đi học thì được chính bố Tâm giải thích nghiện ma túy tác hại như thế nào và việc bố bị xích ngày trước là do nghiện ma túy. Thế là Tuyết Lan càng thương bố hơn và giữ bố Tâm còn chặt hơn cả mẹ Ngân.

Bố Tâm có điện thoại là Tuyết Lan nghe và hỏi kỹ xem người đó là ai? Hỏi bố Tâm có việc gì? Nhiều khi Tâm dắt xe máy ra cửa là Tuyết Lan nhanh nhảu nhảy tót lên xe đi cùng bố... Ròng rã như thế cho đến hôm nay, Nguyễn Văn Tâm đã từ bỏ ma túy được 8 năm.

Nguyễn Văn Tâm khẳng định: “Không thể trông chờ vào một loại thần dược nào để cai nghiện ma túy. Thuốc thang chỉ là hỗ trợ giai đoạn cắt cơn và phục hồi sức khỏe. Còn cai nghiện thành công phải do bản thân người nghiện quyết tâm.

Hay nói cách khác, tư tưởng, của người nghiện quyết định, tình cảm gia đình là hỗ trợ quan trọng. Và trường hợp cai nghiện của chính tôi là một minh chứng”.

Lê Va


Nguồn : Phunutoday
 
×
Quay lại
Top