Biệt thự “ma” và chuyện “cấm trẻ con hư như người lớn”

Kimsmile.lie

Bão Càng To Gió Càng Mát
Thành viên thân thiết
Tham gia
6/1/2011
Bài viết
423
Phát ngôn & Hành động tuần này là tia vui ấm áp từ nghĩa cử cao đẹp của anh thợ hồ nhảy sông cứu người và đáp đền tiếp nối của rất nhiều người trong xã hội, là thoáng chua chát khi hàng nghìn biệt thự bỏ hoang khi hàng triệu người dân phải chui rúc trong những căn nhà bé tẹo, là tiếng cười hài hước chuyện "cấm trẻ con hư như người lớn".
Vẫn còn nhiều hành vi sống đẹp

Một cái tên được nhắc đến với nhiều cảm phục, trìu mến trong tuần qua là Nguyễn Vũ Trường Giang, chàng thợ hồ 21 tuổi quê ở Hòn Đất, Kiên Giang, đang tạm trú tại một căn chòi cất tạm bợ bên bờ sông Bà Hiện ở Q9, TPHCM.

Xuất phát từ mẩu tin ngắn trên báo Tuổi trẻ điện tử tối 26/2 với tựa đề "Dũng cảm cứu người nhảy cầu Thủ Thiêm tự tử", chỉ vắn tắt miêu tả Giang đã nhảy xuống sông, bơi ra dòng nước để cứu nạn nhân (được ghi tắt là chị N.T.K.P), rồi cũng chính anh bồng nạn nhân lên taxi đưa đi cấp cứu.

Nếu chỉ mẩu tin ngắn như thế, chắc chắn đã trôi đi giữa dòng thác lũ tin bài trên hàng trăm tờ báo hàng ngày, nhưng câu chuyện Nguyễn Vũ Trường Giang đã trở lại trên báo Tuổi trẻ sáng 28/2, dưới tít bài lặp lại cụm từ "Dũng cảm cứu người", và trên báo Công an nhân dân sau đó một ngày (1/3).

Đọc "hành trình" cứu người của Trường Giang, mới thấy đó là câu chuyện của không chỉ một người tốt, mà của nhiều người tốt, câu chuyện của cả những may mắn hội tụ (như sự xuất hiện kịp thời của chiếc ghe trên sông để quăng dây xuống, kéo Giang và cô gái lên), để đến một đoạn kết thật sự viên mãn: Cô gái được cứu sống.

Người tốt đầu tiên mà nếu không có anh, chắc chắn cô gái đã bỏ mạng, không ai khác là Nguyễn Vũ Trường Giang. Một chàng trai trẻ nghèo xác xơ, đã có vợ và con gái nhỏ, sẵn sàng quên mình cứu người bị nạn, không bỏ cuộc kể cả khi anh tiếp cận được cô gái ở giữa dòng sông thì cô đã ngừng thở. Giang không chỉ cực kỳ dũng cảm, mà anh phải là một CON NGƯỜI cao cả thì mới nỗ lực hết sức giữa đêm tối, giữa dòng sông để giữ cô gái đã ngừng thở ấy đến khi được đưa vào bờ, rồi cũng chính anh bế xốc ngược cô gái để nước trong bụng trào ra đến khi cô gái cử động lại, rồi cũng chính anh bồng luôn nạn nhân lên taxi đưa đi cấp cứu trong tình trạng lạnh run, không một đồng dính túi.

Người tốt thứ hai chính là chị Hứa Thị Lượm, vợ anh, đã không ngăn cản chồng mà còn "góp sức" khi khuyên chồng chạy đường vòng ra mé sông để bơi xuống cho an toàn hơn. Rồi vợ chồng anh sáng hôm sau lại có mặt ở Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn chăm sóc nạn nhân khi nghe tin không có thân nhân nào của cô gái đến thăm.

Người tốt tiếp theo là lái xe taxi của hãng Mai Linh đã lập tức dừng xe, hỗ trợ Trường Giang đưa cô gái vào thẳng phòng cấp cứu của bệnh viện Sài Gòn.

Và không chỉ có thế, còn rất nhiều người tốt đã nối tiếp câu chuyện đẹp của chàng thợ hồ có tấm lòng cao cả. Đó là những bạn đọc, dĩ nhiên không quen biết gì cả anh Giang và chị P, đã đến bờ sông Bà Hiện cũng như bệnh viện đa khoa Sài Gòn để chia sẻ niềm vui và hỗ trợ cho cả hai người. Đúng như chia sẻ của N.T.K.P khi đang nằm điều trị tại bệnh viện "


truonggiang.jpg


Gia đình anh Nguyễn Vũ Trường Giang, Ảnh Tuổi Trẻ

Khi trở về từ cõi chết, sao tự nhiên em lại thấy có nhiều người tốt quá!".

Để rồi, không chỉ vợ chồng Trường Giang được đề nghị những việc làm tốt hơn rất nhiều so với nghề phụ hồ mà cả hai đang vắt sức kiếm sống, mà cả P., cô gái vừa từ cõi chết trở về cũng có những chỗ mời về làm việc (một trong những lý do khiến P. tự tử là cô vừa bị mất việc làm), giúp cô gái thật sự vững lòng tin để tiếp bước.

Chắc chắn, Trường Giang không mảy may nghĩ đến tương lai tốt đẹp hơn cho anh và gia đình khi lao xuống sông cứu người bị nạn. Nhưng những niềm vui đến với anh sau đó, cả vật chất lẫn tinh thần, là những món quà mà cuộc sống trao cho chàng thanh niên dũng cảm.

Chợt nhớ đến bộ phim "Hãy cho đi" (Pay it forward - được tạm dịch ở Việt Nam là "Đáp đền tiếp nối") của điện ảnh Mỹ về một ý tưởng thật sự sáng ngời của nhân vật Trevor McKinney - cậu học sinh lớp 7: Em sẽ giúp 3 người làm những việc bản thân họ không thể tự làm được. 3 người đó, mỗi người sẽ giúp 3 người khác, thành 9 người. Cứ tiếp tục như thế để giúp 27 người nữa,... và thế giới sẽ tốt đẹp lên. Trong bộ phim, ý tưởng của Trevor McKinney đã được lan tỏa khắp nơi thành hàng ngàn điều tốt đẹp, dù những người làm điều tốt tiếp nối nhau kia hoàn toàn không biết người khởi nguồn "dây chuyền" này.

Cuộc sống không phải một bộ phim, cuộc sống vốn nhiều lo toan, căng thẳng, nhưng những điều tốt đẹp sẽ vẫn tiếp nối nhau, dù mạnh mẽ hay lặng lẽ. Câu chuyện của Trường Giang tiếp nối rất nhiều những tấm gương dũng cảm cứu người trước đây để thắp lên những ngọn lửa sáng, để cuộc sống thật nhiều những tấm gương "bạn đồng hành quanh tôi" (tên giải thưởng của Báo Tuổi trẻ trao cho Trường Giang ngày 28/2).

Biệt thự vẫn bỏ hoang, thưa Thủ tướng...

Thỉnh thoảng, có dịp đi về sân bay Nội Bài cùng những người bạn từ xa đến, lần nào cũng bị hỏi về những khu biệt thự bỏ hoang dọc trục đường Thăng Long - Nội Bài. Người hỏi, vì không biết chuyện nên thường "đổ oan" cho chủ đầu tư không biết chọn địa điểm, chọn thời điểm để xây dựng, khiến nhà xây xong mà chẳng ai thèm mua.

Thực trạng biệt thự triệu đô bỏ hoang hàng loạt đã được báo chí đề cập liên tục trong 2 tháng qua. Thử google biệt thự bỏ hoang sẽ thấy 6.090.000 kết quả chỉ trong 0.10 giây, còn nếu để cả cụm từ "biệt thự bỏ hoang" cũng thấy tới 726.000 kết quả. Trong đó còn "lọt thỏm" cả bài viết từ giữa năm 2009 (báo Sài gòn tiếp thị) miêu tả "phố hoang" Quang Minh hay khối biệt thự thuộc dự án khu đô thị mới Cổ Nhuế trên chính trục đường Thăng Long - Nội Bài mà những người phương xa hỏi. Những bài viết từ cuối năm ngoái thì "điểm danh" nhiều hơn các khu biệt thự hoang vắng như thế, la liệt từ các lối vào thủ đô đến các khu đô thị trong lòng thành phố. Đến nỗi giờ báo chí gán thêm cho cái tên mới "khu đô thị ma", "biệt thự ma"...

Đọc cùng một lúc mới thấy cách viết cứ na ná nhau, liệt kê một vài khu biệt thư bỏ hoang, "cảnh báo" thực trạng trở thành chốn nương thân cho các tệ nạn xã hội như hút chích ma túy, mại dâm..., khẳng định đều là những biệt thự đã có chủ (nghĩa là chủ đầu tư chẳng có lỗi gì đâu vì họ xây những khu biệt thự và họ đã bán được cho khách), kèm thêm một vài ý kiến chuyên gia có tiếng như TS Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, hay ông Đặng Hùng Võ (Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường)... Các chuyên gia không ngại ngần "phân loại" chủ của những biệt thự bỏ hoang đó sẽ gồm những người có chút tiền nên mua để dành cho con, cháu chứ không để ở ngay, những người không đủ tiền nên mua xong thì không còn tiền để hoàn thiện, và tất nhiên, không thể thiếu những nhà đầu cơ "mua đi bán lại", kể cả những người mua để... rửa tiền.



bietthu2.jpg


Nhiều biệt thự bỏ hoang trong khi giá bất động sản lên từng giờ, Ảnh SGTT


Dĩ nhiên, các bài viết cũng không quên nêu bật nghịch lý được khẳng định là "hiếm có trên thế giới" của Hà Nội, nơi biệt thự có chủ bỏ hoang hàng loạt, còn người dân thì lũ lượt đi thuê nhà cấp 4, diện tích chỉ mười mấy mét vuông, thậm chí chỉ mười mấy mét vuông đó thôi nhưng cả gia đình chen chúc, hoặc chia nhau vài người cùng ở cho đỡ đắt đỏ.

Bởi thế, các chuyên gia cũng đã đề xuất những biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng bỏ hoang như "gia hạn trong một thời hạn ngắn chủ đầu tư phải hoàn thiện xong biệt thự xây thô bỏ hoang. Nếu chủ đầu tư không hoàn thành đúng tiến độ, thành phố sẽ tiến hành định giá và mua lại để làm nhà công vụ, cho thuê hoặc bán cho người có nhu cầu thực sự về chỗ ở".

TS Phạm Sỹ Liêm còn có một đề xuất rất thẳng thắn là "công khai danh tính chủ sở hữu các khu biệt thự bỏ hoang, thực hiện tính minh bạch trong đầu tư bất động sản. Dân ta "trăm mắt nghìn tai", đều có thể biết anh bỏ hoang biệt thự do đầu tư bị nhỡ nhàng, do đầu cơ hoặc rửa tiền bất chính. Họ sẽ thông cảm với những biệt thự bỏ hoang có lý do chính đáng và trong trường hợp ngược lại thì lên án cực lực".

Các biện pháp điều tiết bằng đánh thuế cao với nhà, đất đầu cơ cũng được nhắc nhiều, chỉ tiếc là Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp mới được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010 đã quyết định chưa đánh thuế với nhà ở, còn thuế với đất thì mức cao nhất chỉ là 0.15% nên hoàn toàn thiếu tính... răn đe.

Nhưng dù sao, với riêng đối tượng biệt thự bỏ hoang, báo chí với các ý kiến thẳng thắn của chuyên gia đã nêu rõ thực trạng và đề xuất giải pháp khả thi. Vấn đề còn lại chỉ là đến bao giờ chính quyền mới vào cuộc mạnh mẽ.

Từ giữa tháng 1/2011, báo chí đã đưa tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố Hà Nội kiểm tra thực trạng hàng chục căn biệt thự tại cụm chung cư An Sinh, Mỹ Đình 2, Từ Liêm bỏ hoang đồng thời đề xuất biện pháp pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/2. Thời hạn đã qua, địa chỉ mà Thủ tướng đề cập trực tiếp chỉ là một cụm chung cư, cụ thể đến thế nhưng không biết Hà Nội đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chưa?
Thêm một thông tin "hứa hẹn", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng đã yêu cầu chủ đầu tư Khu đô thị mới Nam Từ Sơn và Khu đô thị mới Tiên Sơn, đều thuộc tỉnh Bắc Ninh, báo cáo việc sử dụng nhà ở tại dự án ngay trong 3/2011, tiếp theo đó sẽ là các tỉnh, thành khác.

Chợt nghĩ, báo chí mới chỉ "sờ gáy" các biệt thự bỏ hoang, biết đâu thực trạng ấy cũng đã kịp lan tới các chung cư cao cấp bỏ hoang, thậm chí chung cư chẳng cao cấp cũng bỏ hoang nốt, bởi cùng là hệ quả của mức lợi nhuận khổng lồ từ thị trường bất động sản mà thôi. Chỉ vì không "chình ình" như biệt thự, nên chưa gây cảm giác nhức nhối.

Cấm trẻ con hư như... người lớn?

Một "thử nghiệm" mới từ tháng 3/2011, khi 5 trường THPT "xịn" được Sở GD&ĐT Hà Nội chọn làm mô hình điểm triển khai quản lý sử dụng điện thoại di động trong và ngoài nhà trường, gồm: Kim Liên, Quang Trung - Đống Đa, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Việt Đức. Theo đó, nhà trường sẽ cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, tiết chào cờ, giờ kiểm tra, giờ sinh hoạt tập thể. Đặc biệt cấm và xử phạt nặng các hành vi dùng ĐTDĐ quay cảnh đánh nhau, cảnh nhạy cảm tung lên mạng...

Lại một lệnh cấm nữa được ban hành, dù mới chỉ trong phạm vi 5 trường trung học phổ thông, nhưng đã gây những bàn thảo sôi nổi. Người ủng hộ thì có hàng chục lập luận, kể cả chẳng cần lập luận gì, vì không gì dễ cho bằng cứ gật đầu đồng ý, khỏi phải mệt đầu nghĩ những lập luận phản biện, hay nghĩ ra những giải pháp tốt hơn thay thế.

Nhưng những người "cả nghĩ" thì không khỏi suy nghĩ miên man, vì sao phải có lệnh cấm này? Cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ trong giờ kiểm tra thì có thể hiểu được (vì các em có thể dùng điện thoại để tra mạng hoặc nhắn tin, gọi điện tìm kiếm câu trả lời), nhưng còn cấm sử dụng trong giờ học, tiết chào cờ, giờ kiểm tra, giờ sinh hoạt tập thể là vì sao?


hoc-sinh.jpg


Có nhất thiết phải cấm học sinh dùng điện thoại di động?


Nếu đó là những thời điểm, những nơi chốn cần sự im lặng, sự tập trung, nơi một cá nhân cần tôn trọng tập thể, thì cũng sẽ phải cấm người lớn sử dụng ĐTDĐ trong nhà hát, trong các hội thảo, các cuộc họp hay các sự kiện quan trọng. Nhưng hãy thử nhìn lại xem, người lớn chúng ta đã tôn trọng tập thể ra sao? Việc chuông điện thoại reo, rồi người lớn hồn nhiên nhấc điện thoại, trò chuyện "oang oang" giữa một buổi biểu diễn, một cuộc hội thảo đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Chả nhẽ người lớn chúng ta bắt con trẻ phải làm cái điều mà chính chúng ta không làm nổi? Hay vì chính chúng ta thiếu ý thức trong các tình huống công cộng nên chúng ta phải đề ra hết quy định này đến quy định khác để con cái chúng ta không trở thành thiếu ý thức như chúng ta?

Vẫn biết, trong giờ học, học sinh phải tập trung vào việc học, nên chiếc ĐTDĐ sẽ là vật cản khiến các em mất tập trung, nhưng cái cách cấm đoán mang nặng tính hành chính ấy sẽ không khiến các em tâm phục khẩu phục. Hơn nữa, chỉ cấm trong giờ học thôi, còn ngoài giờ học, học sinh sẽ vẫn sử dụng ĐTDĐ cho những hành vi xấu mà vì chúng, chúng ta đang muốn hạn chế các em sử dụng trong phạm vi nhà trường. Vậy là, vô tình hay cố ý, nhà trường đã đẩy trách nhiệm của mình về cho gia đình, cho xã hội, khi có cơ sở để lập luận rằng những hành vi xấu kia không diễn ra trong nhà trường.

Cũng với lập luận ấy, cấm và xử phạt nặng các học sinh có hành vi dùng ĐTDĐ quay cảnh đánh nhau, cảnh nhạy cảm tung lên mạng, mục đích thì ai cũng rõ, nhưng chỉ cấm như vậy đã đủ chưa, là chỉ cấm phần ngọn hay chính xác hơn là cấm cho có lệ. Nếu xảy ra tình huống xấu, học sinh quay cảnh nhạy cảm tung lên mạng thì nhà trường, chính quyền dễ ăn dễ nói với công luận: đã cấm rồi mà! Mà điều này rất khác với chuyện quản không được thì cấm đấy nhé; cấm ở đây chỉ là cấm nửa vời, cấm cho đủ trách nhiệm mà thôi. Giả dụ chúng ta cấm học sinh dùng ĐTDD quay cảnh nhạy cảm, cảnh đánh nhau, cấm tung lên mạng, vậy nếu người lớn như chúng ta quay rồi tung lên mạng cho các học sinh xem thì sao?

Chưa kể, cấm việc quay và tung lên mạng có thật sự hạn chế những hành động như thế diễn ra trong xã hội không? Hay chỉ là "khuất mắt trông coi" để dư luận không bức xúc, các nhà quản lý không đau đầu, còn học sinh thì vẫn đánh nhau như thường? Lại giả dụ tiếp, nhỡ học sinh không phục (đương nhiên rồi) và đưa ra lập luận: chúng em quay cảnh thầy cô đánh chúng em, chửi mắng chúng em để làm bằng chứng thuyết phục trước công luận và trên thực tế đã có nhiều vụ thầy, cô phải xin lỗi vì hành vi thiếu giáo dục như thế, nay cấm chúng em dùng ĐTDĐ có phải là để tránh bị phát hiện như thế không? Khi đó chúng ta sẽ trả lời ra sao nhỉ?
Đương nhiên, quay những cảnh nhạy cảm, những cảnh nữ sinh đánh nhau rồi tung lên mạng cho bàn dân thiên hạ xem chơi thì dù là người lớn hay học trò cũng đều không được phép, đều là phản văn hóa cả. Chợt nhớ truyện ngắn "Trẻ con không được ăn thịt chó" nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, giá như ông còn sống thì chúng ta sẽ có thêm một truyện ngắn hay nữa.
 
Việc cấm đt nói chung là khá bất cập. Ở Vn tồn tại 1 câu nói mà ai cũng biết :
" Cái gì ko quản được thì cấm ".
Chính sách nhà nước mang tính khá là chủ quan, cảm tính. Trước đây có đọc 1 bài báo nói về dự thảo về nghị định cấm Game online, 1 đoạn miêu tả trò chơi Gata City - tức Siêu quậy đường phố và gán cho nó cái tên " Game online bạo lực ", ko hiểu những người viết có tìm hiểu lĩnh vực mà mình viết hay ko nữa. Đến hài.
 
Vn mà :))~ toàn ra cái luật lố bịch :KSV@09:
 
Ko cấm mang là đc, chứ sv đây trong giờ học còn phải tắt đt nữa là, nhưng ít ai tắt, hihi. Ko để cho giáo viên biết là dc.
 
×
Quay lại
Top