Biến đổi khí hậu hiện rõ ở Bà Rịa-Vũng Tàu

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Thực tế hơn mười năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chịu tác động khá rõ của biến đổi khí hậu (BÐKH) với hai cơn bão lớn kế tiếp (tháng 11-1997) và (tháng 12-2006) gây thiệt hại đáng kể về người và của mà theo thống kê trước đây, trung bình gần 100 năm Bà Rịa - Vũng Tàu mới có một cơn bão lớn.

Dải ven bờ dài 156 km (không kể Côn Ðảo) là khu vực hết sức nhạy cảm với tác động của BÐKH. Nước biển dâng cùng với triều cường, sóng lớn và gió bão, chỉ sau một đêm làm xói lở và biến mất cả một dải đồi cát cao từ ba đến bốn mét, rộng hàng chục mét và dài hàng trăm mét (khu vực cửa Lộc An năm 1997).

Biến động bất thường của biển đã từng gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với vùng ven bờ, bồi lấp luồng lạch các cửa sông, ven biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

vtau.jpg


Ảnh nguồn internet

Các khu vực đáng lo ngại nhất về xói lở và bồi lấp đã được nghiên cứu, xác định là khu vực Cửa Lấp thuộc TP Vũng Tàu và Phước Tỉnh- Long Ðiền; các khu vực cửa Lộc An, huyện Ðất Ðỏ, khu vực Hồ Tràm, Hồ Cốc và khu vực Bình Châu thuộc Xuyên Mộc.

Như vậy chắc chắn các ngành du lịch, nuôi trồng thủy hải sản và nghề đánh bắt ven bờ, các công trình xây dựng, cảng, đường giao thông và cư dân sinh sống ven bờ sẽ chịu ảnh hưởng lớn.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh không có nguồn tài nguyên nước phong phú, chỉ có hai con sông chính cung cấp nước ngọt là sông Dinh và sông Ray. BÐKH sẽ làm thay đổi lượng mưa, tăng nhiệt độ, có khả năng gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô, thiếu nước sạch cho tưới tiêu, sản xuất và sinh hoạt.

BÐKH cùng với nước biển dâng sẽ làm cho các nguồn nước ngọt sẽ bị nhiễm mặn, gây khó khăn cho cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp. Khi thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt dẫn đến việc khai thác quá mức và không thể kiểm soát việc khai thác nước ngầm.

Hiện tượng nhiễm mặn và ô nhiễm nước ngầm đã và đang xảy ra sẽ ngày càng tăng. Mỏ nước ngầm Bà Rịa, Tân Thành, nguồn cung cấp nước chủ yếu hiện nay của tỉnh có nhiều khả năng bị nhiễm mặn và tiến tới mất khả năng cấp nước.

Vì vậy, suy thoái tài nguyên nước do BÐKH sẽ tác động mạnh đến cuộc sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ sự phân tích nói trên, theo chúng tôi có ba giải pháp cần triển khai để ứng phó với BÐKH ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ nhất, giảm thải khí nhà kính. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có các hoạt động công nghiệp mạnh do khai thác và sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch (dầu khí). Nhất là việc gia tăng trong khu công nghiệp hàng loạt nhà máy cán thép, xi-măng, nhiệt điện...

Hầu hết đều là những nhà máy tiêu tốn nhiều năng lượng, phát thải khí nhà kính. Vì vậy, các cơ sở sản xuất này cần có các biện pháp hạn chế và chấm dứt cấp phép cho các ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng.

Các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, các cơ sở chế biến hải sản, các cơ sở chăn nuôi... cần có các biện pháp xử lý phát sinh khí mê-tan (CH4). Sử dụng các công nghệ có mức phát thải thấp trong sản xuất và sử dụng năng lượng, quản lý nhu cầu năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả để giảm tiêu thụ năng lượng.

Có các chính sách và biện pháp quản lý để phục vụ mục tiêu tăng cường bể hấp thụ khí nhà kính, phát triển và bảo vệ rừng, trong đó có các khu rừng ngập mặn gần các cửa sông, ven biển, khu vực thị xã Bà Rịa, TP Vũng Tàu. Trồng và tái trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Thứ hai, bảo vệ vùng bờ và các cửa sông ven biển. Giải pháp đê kè, là giải pháp quan trọng đối với các vùng ven biển để chống BÐKH và nước biển dâng.

Khu vực Nam cửa Lộc An, Bà Rịa - Vũng Tàu đã áp dụng giải pháp kè 'mềm' (Sở KH và CN đã thực hiện năm 2005). Giải pháp này không chỉ chống được xói lở, mà còn phục hồi bãi, đồi cát và đã ổn định hơn năm năm, được thử thách qua cơn bão lớn năm 2006 và phục vụ hiệu quả cho hoạt động du lịch cũng như làm đẹp cảnh quan, môi trường.

Một số khu vực khác có thể triển khai xây đê kè 'cứng' là hợp lý, tuy nhiên, cần được nghiên cứu thấu đáo. Cần cấm khai thác cát vùng cửa sông, ven biển dưới bất kỳ hình thức nào. Các nghiên cứu nhiều năm đã chứng minh đó là nguyên nhân trực tiếp gây xói lở nghiêm trọng trong mấy năm qua do mất cân bằng thủy động lực và dịch chuyển bùn cát ven bờ.

Những bãi bồi, vùng ngập nước ven biển nên trồng nhiều những cây ngập mặn để giữ đất. Cần bảo vệ nghiêm ngặt, không cho phá các dải đồi cát ven biển để xây dựng công trình hoặc lấy cát san lấp, nhất là khu vực TP Vũng Tàu.

Ðó là những lá chắn của tự nhiên bảo vệ thành phố khi xảy ra những biến cố bất thường của BÐKH, bão tố và sóng biển (thí dụ sóng thần). Cũng nên nghĩ đến việc di dân trước khi đất sạt lở ở một số địa điểm cần thiết.

Thứ ba, bảo vệ tài nguyên nước. Nước là nhu cầu không thể thiếu cho con người và phát triển. Nhu cầu ấy ngày càng tăng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp. Nhưng hiện nay nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm và quan trọng này của Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt do quản lý yếu kém, do khai thác quá mức và tác động mạnh của BÐKH.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không nằm ngoài tình hình chung này. Do vậy, việc bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước đối với chúng ta là cực kỳ quan trọng không chỉ trước mắt còn trong tương lai.

Bảo vệ tài nguyên nước thật ra không quá khó khăn nếu được sự đồng lòng của cả cộng đồng với tinh thần trách nhiệm cao của Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp. Quốc hội đã ban hành Luật Tài nguyên nước, các văn bản dưới luật cũng đã được hướng dẫn và ban hành rộng rãi.

Vì vậy mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp phải nêu cao ý thức sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước, tự giác thực hiện các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này, không khai thác tràn lan chỉ vì lợi ích nhỏ mà ảnh hưởng đến các thế hệ sau, đặc biệt là trước tác động phức tạp của BÐKH toàn cầu.


Bạn cần biết và nhận ra,Uh..Biến đổi khí hậu đag thể hiện và tác động trực tiếp tới môi trg quanh ta đag sống...Không chỉ riêng Bà Rịa -Vũng Tàu,mà rất nhiều tỉnh và vùng đất khác..đag chịu ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu...
Và chúng ta phải hành động!!
!:KSV@06:
 
×
Quay lại
Top