Địa Bí quyết ôn thi tốt nghiệp môn Địa hiệu quả

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố các môn thi tốt nghiệp THPT, trong đó có môn Địa lý. Vì là môn xã hội, phải nhớ nhiều sự kiện và số liệu nên các em thường lo lắng vì không thể nhớ hết toàn bộ kiến thức. Dưới đây là các kĩ năng giúp các em có thể học hiệu quả và nhớ môn Địa lý lâu hơn


Thứ nhất về phần lý thuyết, học sinh nên chọn cho mình một cách học phù hợp nhất để nhớ bài. Sau đây là một số cách: Nhìn tổng thể SGK Địa lý lớp 12 được chia ra làm 4 phần: Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, Địa lí kinh tế và Địa lí vùng kinh tế. Các phần này đều có mối liên hệ qua lại với nhau. Trước tiên, cần có kiến thức nền trong phần tự nhiên, dân cư, kinh tế và cuối cùng là tổng hợp trong Địa lí vùng kinh tế. Có thể hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy, bằng sơ đồ hình cây, bằng bảng hệ thống… Dù làm cách nào cũng đòi hỏi các em phải có sự đầu tư cho việc hệ thống hóa lại bài học.

9fa24310HDon.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sau khi đã hệ thống các bài, có thể đi vào chi tiết từng bài. Mỗi bài cũng có thể hệ thống lại xem có bao nhiêu nội dung chính, mỗi ý chính có bao nhiêu ý phụ... dùng bút màu tô đậm những phần quan trọng hoặc gạch dưới những ý chính. Làm theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể. Có thể ghi mỗi bài ra từng tờ giấy riêng rồi sau đó tập hợp lại, cũng là một cách để nhớ, mà không nhất thiết phải cầm cả cuốn SGK để học, vừa không gây cảm giác nặng nề mà còn giúp hệ thống bài học.

Sơ đồ hóa kiến thức của từng bài, từng chương nhằm dễ dàng hệ thống hóa kiến thức, nắm được trọng tâm nội dung của từng bài và dễ nhớ. Ví dụ, với địa lý các vùng kinh tế, chỉ cần sơ đồ hóa kiến thức theo các bước: Xác định vị trí địa lý của vùng, quy mô (lãnh thổ, dân số), nguồn lực phát triển (tài nguyên thiên nhiên, dân cư và lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, đường lối chính sách phát triển); các ngành kinh tế chủ yếu trong vùng (thế mạnh của vùng); hướng chuyên môn hóa và các sản phẩm hàng hóa.

Trong những năm gần đây, đề thi ĐH thường cập nhật thêm một số nội dung mang tính thời sự, ngoài việc học thuộc lý thuyết, nên tìm hiểu thêm một số vấn đề mang tính thời sự như biển đảo, kinh tế qua sách báo, Internet để phần làm bài có tính thuyết phục hơn.

Rèn luyện các kỹ năng về biểu đồ (cột, tròn, kết hợp cột và đường...). Đề của các kỳ thi tốt nghiệp thường yêu cầu thể hiện các dạng biểu đồ trên. Đây cũng là câu kỹ năng, thường chiếm 2 điểm. Thường, bản đồ dạng cột để nói về tình hình, bản đồ dạng tròn, đường…. nói về tỷ lệ, sự tăng trưởng của kinh tế, xã hội….

Ngoài ra có dạng biểu đồ miền kết hợp với đường: thường dùng biểu đồ này trong trường hợp đặc biệt: ví dụ tỉ lệ xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân xuất nhập khẩu, tỉ lệ sinh, tỉ lệ tử, tỉ lệ gia tăng tự nhiên…

Đối với phần nhận xét biểu đồ: cũng theo 3 phần là nhận xét chung, nhận xét từng phần rồi tổng kết lại. Câu nhận xét chung thường là: nhìn chung, tổng quan thì giá trị tăng hay giảm. Tùy theo số liệu có thể nhận xét tăng (giảm) liên tục hoặc tăng (giảm) không đều... Sau đó đi vào nhận xét từng phần, chú ý đến các giai đoạn có sự tăng giảm đột biến để nhận xét kỹ hơn (nhớ kèm theo số liệu). Cuối cùng, có thể tổng kết lại bằng cách nhận định xu hướng phát triển hoặc giải thích (tùy theo đề bài yêu cầu). Nếu không yêu cầu giải thích thì không làm.

Khai thác hiệu quả Atlat vì đây là nguồn cung cấp kiến thức, thông tin tổng hợp và có hệ thống giúp học sinh trả lời phần lớn các câu hỏi kiểm tra về địa lý; kết hợp với việc tái hiện kiến thức bằng hệ thống các bài tập, bài tự kiểm tra sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc ôn tập và nắm chắc, vững kiến thức.

Để sử dụng Atlat trả lời cho các câu hỏi trong quá trình làm bài thi tốt nghiệp, HS cần lưu ý các vấn đề sau:


  1. Nắm chắc các ký hiệu: HS cần nắm chắc các ký hiệu chung về khoáng sản, nông nghiệp, công nghiệp, lâm ngư nghiệp... ở trang 3 của quyển Atlat, vì một số bản đồ trong Atlat không in chú thích kèm theo bản đồ như bản đồ khoáng sản trang 8, bản đồ công nghiệp chung trang 21, nông - lâm nghiệp trang 18, 19...
  2. Biết rõ câu hỏi để có thể dùng Atlat: Tất cả các câu hỏi có yêu cầu trình bày về phân bố sản xuất hoặc yêu cầu nói rõ ngành đó ở đâu, vì sao ở đó... đều có thể dùng bản đồ của Atlat để trả lời. Các câu hỏi có yêu cầu trình bày tình hình phát triển sản xuất hoặc quá trình phát triển của ngành này hay ngành khác, HS cũng có thể tìm thấy một vài số liệu ở các biểu đồ trong Atlat.
  3. Biết khai thác biểu đồ có trong các bản đồ của Atlat: Thông thường mỗi bản đồ ngành kinh tế đều có từ 1 đến 2 biểu đồ (cột, đường, tròn...) bên cạnh thể hiện sự tăng, giảm về giá trị tổng sản lượng, về diện tích (đối với các ngành nông-lâm nghiệp) của các ngành kinh tế, HS cần biết cách khai thác các biểu đồ trong các bài có liên quan để đỡ phải nhớ nhiều số liệu trong phần lý thuyết.
  4. Với việc phân bố thời gian trong bài thi, thời gian nên chia theo thang điểm, câu nào điểm cao thì dành nhiều thời gian, câu nào điểm thấp thì ít hơn. Trong quá trình làm, cũng không vì quá mải mê với câu mình nắm rõ mà viết rông dài, tốn thời gian trong khi vẫn còn các câu khác mình chưa triển khai.
Điều chú ý tiếp theo đối với một bài thi Địa lý là lập luận phải chặt chẽ, dù là môn Địa nhưng thí sinh nên trình bày đầy đủ 3 phần tương tự như cấu trúc của một bài làm văn: có phần mở, phần nội dung và phần kết. Với phần nội dung, người viết phải có lập luận chặt chẽ, trình bày mạch lạc các ý lớn, ý nhỏ…

Từ những chia sẻ trên đây, hi vọng các thí sinh thi khối C trong kỳ tuyển sinh sắp tới sẽ có những kinh nghiệm quý giá để học tốt và đạt điểm cao đối với môn Địa lý.
nguồn:tinmoi.vn
 
×
Quay lại
Top