Bạo lực học đường - S.O.S!

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
7a637524c6d1dbb770077580643cbc05_L.jpg

Nhiều học sinh chọn cách đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn ở trường học. Ảnh: TL

Theo số liệu thống kê từ đường dây nóng được Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) công bố trong những ngày cuối năm 2012, so với 10 năm trở về trước, số vụ bạo hànhtại trường học tăng gấp 13 lần (trong khi bạo hành tại cộng đồng tăng bảy lần, bạo hành với trẻ tại gia đình tăng gấp ba lần). Bạo lực học đường hiện đang có xu hướng gia tăng, kể cả số lượng vụ việc lẫn tính chất nghiêm trọng.


MÁI TRƯỜNG THIẾU YÊN TĨNH


Bạo lực học đường không phải là điều gì mới. Nhưng sự gia tăng, bùng phát về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng của vụ việc mang màu sắc xã hội đen gần đây đã khiến xã hội hoang mang, lo lắng. Không chỉ xảy ra với đối tượng nhỏ tuổi, giờ bạo lực đã lan tới cả giảng đường đại học, nơi những trí thức tương lai và đều đã ở độ tuổi trưởng thành đang “dùi mài kinh sử”. Chỉ trong tháng đầu năm 2013, giảng đường đã phải chứng kiến tới ba vụ việc đau lòng. Một nam sinh viên ĐH Kinh doanh Công nghệ mất mạng chỉ vì câu nói bênh bạn. Một sinh viên trường Kỹ thuật công nghệ bị đâm chết vì can thiệp giải quyết mâu thuẫn cá nhân cho cậu em họ. Một sinh viên Cao đẳng Công nghệ và kinh tế Thái Nguyên bị chấn thương sọ não sau trận đòn “ma cũ bắt nạt ma mới” của “băng nhóm anh chị” trong trường.

Bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở những vụ xích mích, bắt nạt đơn thuần giữa học trò với nhau. Hiện chúng đang biến tướng với muôn hình vạn trạng, với cách hành xử nhuốm màu bạo lực, đậm chất giang hồ. Học trò vô lễ, dám tấn công cả thầy, cô giáo khi bị kỷ luật, nhắc nhở như vụ nam sinh đấm thầy giáo chảy máu đầu tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TP Hồ Chí Minh), nữ sinh tát cô giáo dạy nhạc tại trường THCS Ngô Chí Quốc (Quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), hay học trò của trường THPT Tôn Đức Thắng (tỉnh Ninh Thuận) hành hung giáo viên đến mức phải đi cấp cứu... Học sinh kết bè, kéo cánh thành băng nhóm, sẵn sàng đánh nhau, gây trọng thương, thậm chí sát thương nhau chỉ vì những lý do không đâu, chỉ nhằm mục đích ra oai, “dằn mặt”.

Điển hình là vụ một nam sinh lớp 9 Trường THCS Tân Hà (Lâm Hà, Lâm Đồng) dùng dao đâm thủng tim bạn chỉ vì mâu thuẫn trong giờ ra chơi, một học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) bị đâm chết ngay trước cổng trường vì tội dám “nhìn đểu”; một học sinh nam của trường THCS Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai) bị bạn cùng lớp cướp đi mạng sống chỉ vì tội “dám để ý” tới một bạn gái... Đau lòng hơn là những vụ việc thầy, cô giáo vì nóng giận đã hạ nhục học trò và gây ra những phản ứng rất xấu cho môi trường giáo dục vốn luôn đặt sự nghiêm cẩn trong hành xử lên đầu. Hệ quả là nhiều vị phụ huynh không kiềm chế được sự nóng giận, xót con đã lao vào trong trường, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với giáo viên ngay trước mặt học sinh, tạo nên hình ảnh rất phản cảm, phản giáo dục.

VẤN NẠN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

Theo điều tra của chuyên gia xã hội học, 80% số vụ xô xát giữa các em học sinh bắt nguồn từ xích mích nhưng thay vì tìm cách giảng hòa, các em đã chọn “nắm đấm” và nguy hiểm hơn là dùng hung khí. Thực ra lớp học, giảng đường là một phần và là tấm gương phản ánh trung thực xã hội bên ngoài, nơi bạo lực dường như đã trở thành một phương thức phổ biến, hữu hiệu để giải quyết mâu thuẫn.

Hậu quả để lại luôn rất nghiêm trọng. Với những nạn nhân là nỗi đau về thể xác và vết thương khó bề liền sẹo về tinh thần. Với gia đình là không khí căng thẳng, là sự đau đớn khi con cái bị thương tích, thậm chí mất mạng. Với trường học là cảm giác nặng nề, bất an luôn bao trùm.

Với xã hội là sự lệch lạc của những quy chuẩn đạo đức, an ninh trật tự, an toàn xã hội bị đe dọa.

sos.jpg

Minh họa: NGỌC DIỆP​

Khá nhiều lý do được các cơ quan chức năng, các chuyên gia cùng giới báo chí mổ xẻ. Từ tác động xấu của một xã hội bên ngoài đầy nhiễu nhương tới sự buông lỏng trong quản lý của gia đình; từ ảnh hưởng độc hại của phim ảnh, văn hóa phẩm ngoài luồng đến thiếu hụt những kiến thức kỹ năng sống cần thiết; từ mối liên kết, phối hợp thành thế chân kiềng gia đình - nhà trường - xã hội còn lỏng lẻo...

Nhưng có một nguyên nhân khá quan trọng liên quan đến đặc điểm rất dễ rối nhiễu tâm lý lứa tuổi của các em nhỏ. Chúng đang trong giai đoạn hình thành, phát triển tâm lý và thể chất cho nên luôn hiếu động và tìm mọi cách thể hiện cái tôi bản thân. Và khi phải chịu nhiều áp lực căng thẳng gây nên những rắc rối trong đời sống tâm lý, nếu không nhận được sự khuyên bảo, chỉnh đốn kịp thời, các em dễ rơi vào những hành động quá khích, khó bề kiểm soát. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì có ba nhóm vấn đề mà học sinh hiện cần được tham vấn: nhóm liên quan đến học tập và thầy giáo, cô giáo; nhóm liên quan đến gia đình; nhóm liên quan đến bạn bè và giới tính. Trong khi đó, PGS, TS Nguyễn Hồi Loan (Trường ĐH KHXH &NV) lý giải: những rối nhiễu tâm lý ở học sinh chủ yếu xuất phát từ áp lực học tập. Sự học ở Việt Nam được xã hội đề cao. Trong khi đó, mỗi năm chỉ có khoảng 30% số học sinh có thể “vượt vũ môn” vào ĐH, CĐ. Điều này tạo áp lực quá căng thẳng đối với học sinh phổ thông ngày nay.

Thực tế, tới thời điểm này, tại các trường từ phổ thông lên đến đại học hầu như không có phòng tư vấn tâm lý chuyên biệt cho học sinh, sinh viên. Nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả Lê Thị Kim Dung, Lã Thị Bưởi, Đinh Đăng Hòe cho thấy gần 100% số học sinh các cấp phải học thêm, trong đó 17% số học sinh phải học thêm trên 5 giờ /ngày; 85% số học sinh luôn bị căng thẳng tâm lý do áp lực của việc học tập; 61% số trẻ luôn bị căng thẳng đối mặt với áp lực của các kỳ thi cũng như tần suất kiểm tra quá lớn; 65% số học sinh luôn gặp khó khăn trong học tập do khối lượng nội dung của các môn học quá cao.

Hậu quả của hành vi bạo lực học đường đang gây chao đảo trong đời sống tâm lý của học sinh, của gia đình, của nhà trường và xã hội.

Sẽ còn tốn nhiều thời gian, công sức, của cải để chúng ta giải quyết vấn nạn này, Tuy nhiên, để sớm làm được điều đó, cần có nhận thức sâu sắc, đúng đắn cũng như quyết tâm cao độ đẩy lùi bạo lực học đường của toàn ngành giáo dục, của các cấp liên ngành, của gia đình, nhà trường, của giáo viên và chính mỗi học sinh.

* Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong năm 2012, tình hình tội phạm do người chưa thành niên (từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi) thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%. Hành vi phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện.
* Nếu không nhận được sự khuyên bảo, chỉnh đốn kịp thời, các em dễ rơi vào những hành động quá khích, khó bề kiểm soát.


* Năm 2012, cả nước xảy ra 8.820 vụ vi phạm pháp luật (tăng 231 vụ so với năm 2011) do 13.300 trẻ em, người chưa thành niên gây ra. Trong đó, độ tuổi từ 14 đến 16 chiếm 31,9% và từ 16 đến 18 chiếm 61,1%; tập trung nhiều nhất ở bậc THCS (41,8%), sau đó là THPT (31,9%). Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong năm 2012 xảy ra hơn 5.000 vụ phạm pháp hình sự. Trong đó, người chưa thành niên chiếm tới 1.223 đối tượng, tăng 11,08% so với năm 2011.
Theo nhandan.org
 
×
Quay lại
Top