Bằng ‘rởm’ cao cấp - pháp luật chào thua?

Monmunmon

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
1/1/2012
Bài viết
4.527
Sự "nhân nhượng" của chính quyền đã trở thành liều vắcxin khiến cho nhiều kẻ dùng bằng "rởm" miễn dịch với pháp luật. Chúng đang ung dung tại vị, tranh thủ thời gian "chụp giựt".

Bằng ngoại "rởm", vấn nạn thật

Ngày 6/6/2013 kênh thông tin Chính phủ (Baotintuc.vn ) có bài viết với tiêu đề: "Nguy cơ bằng rởm ngoại tinh vi" liên quan đến tổ chức có tên là "Liên minh các viện hàn lâm quốc tế" (Международный Межакадемическая Cоюз - MMC), của Liên bang Nga. Bài báo viết: "Trong khi ở Việt Nam các cơ quan chức năng đang vật lộn với vấn nạn bằng giả nội địa thì đã xuất hiện mối nguy cơ khác - bằng giả được các tổ chức ngụy khoa học ở nước ngoài "chế biến" rất tinh vi, khó phát hiện".

Ngày 10/6/2013 báo Nhân Dân có bài: "Xử lý nghiêm việc dùng văn bằng "rởm" có nguồn gốc nước ngoài. Bài báo nêu kiến nghị: "Đề nghị Bộ GD& ĐT, các địa phương phải công khai thông tin về văn bằng chuẩn, nhất là các văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, kết hợp kiểm tra, xử lý nghiêm minh những kẻ đang dùng bằng "rởm" trong xã hội để trục lợi".

Ông Đinh Văn Quế, Nguyên Chánh tòa hình sự TAND tối cao, trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật TPHCM đã cho rằng: "Nếu một người sài bằng giả để lừa dối cơ quan, tổ chức và trên thực tế đã lừa được, thì phải xử lý hình sự".

Mua bán bằng giả ở Nga

Dư luận đã đề cập đến nhiều loại bằng "rởm" xuất xứ từ Mỹ, điều mới trong thông tin của Chính phủ và báo Nhân Dân là chỉ đích danh một tổ chức cung cấp bằng "rởm" (MMC) đến từ Liên bang Nga.


ImageHandler.ashx



Theo Luật liên bang về khoa học và công nghệ quốc gia số 29.12.2000 - 168-ФЗ do Duma quốc gia thông qua cuối năm 2000, tại Liên bang Nga, chỉ có Hội đồng chứng nhận tối cao thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học Nga là được quyền công nhận các hội đồng bào vệ luận án tiến sĩ hoặc tiến sĩ khoa học. Một tài liệu của Duma Quốc gia Nga cho thấy từ năm 2001 "Hội đồng chứng nhận học viên cao cấp BMAK" của MMC đã không còn được phép hoạt động. [5]

Cảnh báo trên cho thấy chuyện "bằng giả ngoại" không còn là nguy cơ mà đang trở thành vấn nạn. Còn nhớ chuyện bằng ngoại rởm của ông phó bí thư tỉnh và ông thứ trưởng nọ đã bị dư luận phanh phui, song cuối cùng thì "hòa cả làng". Ông phó bí thư không làm ở tỉnh thì về làm phó bí thư Ban cán sự, ông thứ trưởng thì "hạ cánh an toàn".

Không phải là không có các cơ sở pháp lý để xử lý người dùng bẳng "rởm" nhưng có vẻ như các cơ quan chức năng, cả hành pháp lẫn tư pháp đều ngại đụng chạm đến "nhóm lợi ích bằng giả" nên sự việc mới trở nên tồi tệ như hiện nay. Xin nêu một vài dẫn chứng:

Ngay từ năm 2001 Bộ GD& ĐT đã tiến hành thanh tra bằng giả, kết quả sau 04 năm đã phát hiện khoảng... một vạn bằng giả (https://vovgiaothong.vn/xa-hoi/2012/10/bo-lot-toi-pham-su-dung-ho-so-bang-cap-gia/).

Báo Lao Động có bài "Bộ GD& ĐT chưa thẩm định bằng tiến sĩ 06 tháng" trong đó dẫn ý kiến của ông Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng như sau: "Bằng cấp của người Việt Nam do các cơ sở GD nước ngoài cấp, về nguyên tắc không bị bắt buộc phải đến Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD để kiểm định và công nhận.

Chỉ khi cơ quan quản lý yêu cầu thì người được cấp bằng mới đến để thẩm định". [6]
Điều này có nghĩa là nếu cơ quan quản lý không yêu cầu thì người sử dụng văn bằng "rởm" cứ... ung dung tại vị. Nói cách khác nếu thủ trưởng cơ quan quản lý chính là người sử dụng bằng 'rởm" thì đương nhiên quần chúng sẽ buộc phải "kính thưa đồng chí ...chưa bị lộ".

Cũng từ câu trả lời của ông cục phó, một câu hỏi cần đặt ra là nếu người dân hoặc các tổ chức quần chúng tố cáo có người sử dụng bằng rởm để trục lợi, liệu Cục KT& KĐCL (Bộ GD & ĐT) có tiến hành thẩm tra hay cục chỉ thẩm định khi chính người có văn bằng yêu cầu?

Người viết không hoàn toàn có ý đổ lỗi cho Cục KT&KĐCL, tuy rằng đây là bộ phận được Chính phủ giao nhiệm vụ thẩm định văn bằng. Thực ra các chế tài và công cụ quản lý văn bằng ngoại hiện nay vừa thiếu vừa không đủ sức răn đe.

Một bằng thạc sĩ, tiến sĩ do cơ sở nước ngoài cấp có thể thật 100% với tên cơ sở và con dấu được đăng ký chính thức tại nước sở tại. Tuy nhiên nó lại "rởm" 100% vì nước sở tại không đưa văn bằng đó vào hệ thống văn bằng chuẩn quốc gia của họ. Nói cách khác những văn bằng "ngoài luồng" đó không được công nhận là văn bản hợp pháp để công dân được hưởng các chế độ mà văn bằng hợp chuẩn mang lại.

Một điểm chung mà các kênh thông tin đưa ra là thời hạn chờ đợi cho việc mua bằng tiến sĩ là 06 tháng, điều này dường như đã là "chuẩn quốc tế" vì các nguồn cấp văn bằng trong các tài liệu nêu trên, một là từ Liên bang Nga, một là từ Mỹ.

Xử lý thế nào?

Tư liệu liên quan đến bài viết mà kênh thông tin Chính phủ và báo Nhân Dân đề cập có thể tìm thấy tại địa chỉ https://psiram.com/ru/index.php/ Международный Межакадемический Союз, ngày 19/12/2012. Ngay những dòng đầu tiên bài báo viết: «Международный Межакадемический Союз» (ММС) является русской организацией, связанной с, продающим ничего не значащие академические звания и степени". Dịch sang tiếng Việt đoạn văn trên là: "Liên minh các viện hàn lâm quốc tế (MMC) là một tổ chức của Nga liên quan đến việcbán (продающим)các văn bằng vô giá trị (ничегонезначащие)".


ImageHandler.ashx




Một tài liệu khác là bài viết của nhà báo Nga Aleksander Emelianenko đăng trên Российская газета [7]. Bài viết có tựa đề: "Tôi mua ... không phải giò mà là luận án tiến sĩ"

Nội dung bài báo có đoạn: Khi điều tra việc bà Buzova Svetlana Vasil được nhận phụ cấp tiến sĩ, các nhà điều tra đã làm một bản sao bằng tốt nghiệp tiến sĩ của bà ta (do MMC cấp), và đặt câu hỏi "đây có phải văn bằng tiêu chuẩn nhà nước và nhờ nó mà được tăng lương?". Hội đồng Chứng nhận tối cao Bộ Giáo dục và Khoa học Nga - BAK đã trả lời "trong danh sách của chúng tôi không có tiến sỹ này. Do vậy việc tăng lương cho nữ công dân Buzova là không thể được..."

Có một nhận định chung là bằng rởm cấp thấp (bằng phổ thông trung học) đang ngự trị tại cơ quan cấp xã, huyện, bằng rởm cấp cao (thạc sĩ, tiến sĩ) thì ngự trị ở cấp tỉnh, bộ. Thậm chí trong ngành GD& ĐT cũng có rất nhiều người sài... bằng rởm, điều này đã được báo chí đề cập.

Để đảm bảo quyền lợi cho những người được đào tạo tại nước ngoài hoặc theo học các chương trình liên kết, Bộ GD&ĐT đã công bố quy định về việc thẩm định, công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp (quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT ). Bộ Tài chính cũng đã công bố dự thảo "Phí xác minh để công nhận văn bằng nước ngoài" [8], mức phí tối đa dự kiến là 500.000 đ.

Giải quyết "quốc nạn" bằng rởm như thế nào? Câu trả lời duy nhất lúc này là phải xử lý hình sự, phải có những hình thức răn đe để kẻ sử dụng bằng rởm biết sợ. Bằng rởm sinh ra quan chức rởm, quan chức rởm sinh ra tham nhũng thật, đấy là con đường tất yếu.

Nhà nước cần yêu cầu tất cả những người sở hữu các bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ do các cơ sở tư nhân nước ngoài cấp phải làm thủ tục thẩm định, công nhận. Những văn bằng không được công nhận sẽ bị coi là không hợp chuẩn và phải bị tiêu hủy.

Mua phải đồ rởm (kể cả bằng rởm) chưa cấu thành tội phạm và chưa bị xử lý, tuy nhiên biết bằng rởm mà vẫn mua thì phải xem lại tư cách đạo đức người mua. Chắc chắn họ không vứt tiền đi để rước về một thứ đổ rởm nhất là số tiền đó lên đến 6000-17000 USD.

Dùng bằng rởm để trục lợi thì phải xử lý, vấn đề là ai chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý và xử lý như thế nào. Rõ ràng là Cục KT&KĐCT - (Bộ GD& ĐT) không có quyền truy tố tội phạm. Đó là việc của bên tư pháp, nhưng nếu không có sự phối hợp thì việc chống tội phạm cũng chỉ dừng lại ở mức hô hào.

Hậu quả sẽ thế nào nếu kẻ dùng bằng rởm lại được quyền ký các bằng thật (trung cấp, cao đẳng, ĐH và trên ĐH). Liệu khi bị pháp luật xử lý, chữ ký của người đó trên các văn bằng đã phát có còn giá trị? Và hơn nữa quyền lợi chính đáng của hàng nghìn người cầm tấm bằng do kẻ mạo nhận ký sẽ giải quyết như thế nào?

Sự "nhân nhượng" của chính quyền đã trở thành liều vắcxin khiến cho nhiều kẻ dùng bằng "rởm" miễn dịch với pháp luật. Chúng đang ung dung tại vị, tranh thủ thời gian "chụp giựt". Hình ảnh méo mó của lãnh đạo dùng bằng rởm khiến cho nhiều người, nhất là thanh niên mất động cơ học tập. Phải chăng đã đến lúc cần phải xem nó là "quốc nạn" cũng như tham nhũng?

Dư luận chờ mong sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, dù bây giờ đã là quá muộn.

Theo VietNamNet
 
×
Quay lại
Top