Bà tiên nhiệm mầu

Totoro

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/12/2011
Bài viết
5.437
Có lẽ sẽ không ai phản đối nếu tôi nói rằng người phụ nữ Việt Nam có một sức chịu đựng phi thường đến kì lạ.

Tôi tự hào nói rằng trong mắt tôi, ngoại tôi là người phụ nữ kiên cường nhất trong những người phụ nữ kiên cường.

Cuộc đời ngoại là những chuỗi ngày cơ cực và thiếu thốn. Ngoại từng là một tiểu thư đài các, con nhà gia thế. Ngoại đã từng ngồi trên lầu cao ngắm chợ Bến Thành về đêm, từng chạy xe với bộ áo dài thướt tha đến sở làm. Nhưng nhiều biến cố xảy ra. Và như những gì người ta nói rằng phụ nữ tuổi Dần cao số lắm: ngoại trở thành goá phụ ở tuổi 29, cái tuổi đáng lẽ người phụ nữ đang được hạnh phúc bên gia đình êm ấm.

Từ một thư ký văn phòng, ngoại phải về quê cùng bà cố và tập làm người nông dân. Bà con làng xóm ai cũng bất ngờ khi thấy một cô gái thị thành cầm liềm đi cắt lúa. Vâng, ngoại đã tập và cắt thạo, cắt giỏi hơn những người nông dân chính cống.

Rồi những ngày bao cấp, thiếu thốn trăm bề, ngoại cùng bà út chèo xuồng từ Cửu Long ngược lên Mộc Hoá để đem hàng về bán lẻ kiếm thêm tiền. Một lần nữa ngoại lại vượt lên chính bản thân mình để làm quen với hoàn cảnh, ngoại tập chèo tập chống.

Những chiếc ghe hàng nặng trịch đã không thể làm cho thân hình nhỏ bé của ngoại nao núng, những con nước xiết đã không làm cho ngoại phải ngã tay chèo. Trong khi bạn hàng của ngoại đi coi cải lương, ăn uống, thì ngoại lại ki cóp từng đồng sau mỗi lần buôn bán để về lo cho mẹ, cậu và bà cố già yếu.

Bà cố mất đột ngột làm ngoại tôi suy sụp hoàn toàn, nhưng khi ngoại vừa gắng gượng thoát khỏi nỗi đau này thì cậu tôi đột nhiên phát bệnh tâm thần. Một căn bệnh kì lạ, làm cậu tôi chẳng nói chẳng rằng, cứ ù lì, nhưng cũng có lúc quậy phá. Bác sĩ sau nhiều lần chẩn đoán vẫn không tìm ra nguyên nhân.

Rồi ngoại tôi lại ngày ngày đem cơm nước cho cậu, dọn dẹp chỗ cậu ở. Dù cậu tôi có đập phá, chửi bới, nói nhảm gì thì ngoại tôi vẫn im lặng, sự im lặng của chịu đựng. Cậu đi lang thang, có khi bỏ lên tận Sài Gòn. Ngoại tôi vẫn lẳng lặng, âm thầm chờ tin của cậu, rồi theo xe lên rước cậu về. Tôi hỏi ngoại:

- Nếu sau này ngoại chết thì ai lo cơm nước cho cậu?

Ngoại nhìn tôi cười, nụ cười gượng gạo của nỗi buồn sâu vời vợi trong mắt bởi chính ngoại cũng không biết phải làm thế nào? Và ngày ngày, cái xóm nhỏ chứng kiến từng bước chân âm thầm của ngoại, đều đặn, chậm rãi như vòng quay của bánh xe đạp lẩn quẩn chưa biết hồi dừng.

Xóm giềng ai cũng thương cảm cho số phận của ngoại. Khi những người đàn bà buôn chuyện khi nhắc đến ngoại, họ không bao giờ nói xấu mà chỉ biết thở dài và buôn một câu trách:

- Ông trời thiệt bất công. Người hiền sao hay gặp chuyện dữ…

Bà con mang cho ngoại khi miếng đồ ăn, khi ly chè ngọt. “Người sống phải, sống ngay thì tất được người đời yêu quý” - ngoại nói thế.

Tôi lớn lên đã xa vòng tay của mẹ, những viên kẹo của cha. Mẹ và cha tôi cưới nhau vào lúc gia đình hai bên nội ngoại đều khó khăn nên ông bà phải đi làm ăn xa ở thành phố khi tôi lên 3 tuổi.

Một tay ngoại nuôi nấng, đỡ đần, chăm lo cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Tôi không nhớ rõ mình đã khóc bao lâu cho đến khi ngủ thiếp đi trên tay của ngoại đêm mưa đầu tiên xa mẹ.

Ngoại vừa là người cha, vừa là người mẹ của tôi. Mười lăm năm ngoại tảo tần vừa nuôi tôi khôn lớn vừa chăm sóc cho người cậu bị bệnh tâm thần của tôi. Gia đình thiếu thốn, tiền của cha mẹ tôi gửi về chẳng thấm vào đâu nên ngoại lúc nào cũng nhường miếng ngon cho tôi. Có khi ngoại nói dối rằng đã ăn cơm rồi để chừa đồ ăn cho tôi. Ngoại chưa bao giờ biết may cho mình một bộ đồ mới, chưa bao giờ đi uốn mái tóc để làm đẹp cho mình.

Ngoại lo đến phát khóc khi thấy tôi bỏ ăn, nóng sốt vì sốt xuất huyết, ngoại thức trắng cả đêm để đắp khăn, xát chanh cho tôi. Ngoại dạy tôi dạ thưa, dạy tôi cách ăn nói, dạy tôi học, dạy tôi làm người. Thế mà tôi đáp lại công ơn của ngoại bằng cách giấu tiền của ngoại để ăn bánh, nói dối ngoại để bỏ đi chơi với bạn hoặc trả treo với ngoại…

Lần nào ngoại cũng vậy, ngoại không đánh chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng với giọng buồn rười rượi và ánh nhìn đủ làm cho một người có lỗi như tôi hối hận đến nỗi tự thề với lòng sẽ không bao giờ tái phạm một lần nào nữa.



ba-va-chau-.jpg

Bà và cháu. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Khi mẹ tôi sinh em, ngoại lên chăm sóc mẹ, vì chậm nên bao giờ ngoại cũng bị bảo vệ bệnh viện đóng cửa không cho vào trong giờ quy định. Ngoại lại bị lãng tai nên mẹ thường hay cáu giận với ngoại, những lúc ấy ngoại thường im lặng, ngoại không trách vì ngoại biết phụ nữ khi sanh thường khó chịu. Ngoại bảo với cha tôi như vậy khi cha không hài lòng với thái độ cư xử của mẹ với ngoại.

Ngoại đọc kinh Phật vào ban đêm, để cầu bình an cho cha mẹ, cho tôi và em tôi nhưng tôi chưa thấy ngoại cầu gì cho bản thân mình. Ngoại cứ thế, chỉ biết quan tâm thông cảm cho người khác chứ chưa bao giờ đòi hỏi nhiều cho mình.

Nhưng ngoại vốn ít nói, hay đăm chiêu, trong những chiều suy nghĩ vô tận, nên ít ai hiểu ngoại ngay. Ngoại tin vào tiên vào Phật những vị thần thánh cứu thoát cho cuộc đời lắm đau khổ này nhưng ngoại có biết đâu, ngoại chính là một bà tiên huyền diệu, một bà tiên nhiệm mầu, giàu lòng nhân hậu của mẹ của cậu, của cuộc đời tôi.

Ngoại bảo tôi rằng ngoại sẽ cố gắng sống để thấy tôi thực hiện ước mơ của mình: được mặc áo blouse trắng với cái mũ chữ thập đỏ trên đầu, được dùng đôi tay để giành giật sự sống của con người với lưỡi hái của thần chết.

Nhưng tôi lo sợ điều đó sẽ không thể thành hiện thực khi mà thời gian trôi qua lại cay nghiệt hằn lên trán ngoại những nếp nhăn mới, và gieo lên th.ân thể vốn đã còm cõi của ngoại những căn bệnh già theo quy luật bất di bất dịch của đời người.

Tôi chỉ biết đền ơn ngoại bằng cách cố gắng học thật giỏi để mang về cho ngoại xem những tờ giấy khen với phần thưởng còn thơm mùi vở mới. Khi ấy, đôi mắt ngoại nheo lại để nhìn giấy khen cho rõ và trên môi nở một nụ cười, nụ cười hiếm hoi trong cả cuộc đời buồn như một vở bi kịch của ngoại.

Một lần mẹ về thăm nhà, ngồi nhổ tóc bạc cho ngoại, mẹ nói với ngoại rằng:

- Tóc má dạo này bạc nhiều quá!

Ngoại cười

- Ờ! Chắc tại già rồi!

Không biết từ bao giờ nước mắt tôi đã tuôn trào ra, ướt cả chiếc áo đang mặc. Nỗi lo sợ của tôi đã càng ngày càng rõ rệt: thời gian có thể lấy mất đi một món già vô giá không gì sánh được của cuộc đời tôi.

Tôi quay vội đi như trốn chạy cái sự thật đầy phủ phàng…

Lạy trời, xin trời cho ngoại con được sống lâu trăm tuổi với con cháu, để ngoại nhìn thấy con thành đạt như niềm an ủi cuối cho cả một cuộc đời đầy truân chuyên sóng gió, để con được báo hiếu trọn vẹn công ơn với ngoại, để con được nói thương ngoại mỗi ngày…

Theo Mực Tím
 
×
Quay lại
Top