Ba kịch bản phía sau thảm kịch MH17

angel1412

thiền thần năm xưa
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/10/2013
Bài viết
1.943
Phe ly khai bị nghi ngờ sử dụng vũ khí tối tân mới được hỗ trợ để bắn rơi MH17, trong khi đó, quân đội Ukraine cũng có thể là bên gây ra vụ việc bởi từng có tiền lệ bắn nhầm.

aircrash-2594-1405662654.jpg

Hiện trường tan hoang nơi MH17 bị rơi. Ảnh: ABC News

Khả năng máy bay MH17 rơi là do bị tên lửa bắn hạ hầu như là chắc chắn, vì thế câu hỏi lớn đặt ra lúc này là ai đã phóng tên lửa hạ chiếc Boeing với 298 người trên khoang.

Phe ly khai

Một vài nhà lãnh đạo trong chính quyền Ukraine đã cáo buộc phiến quân ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine bắn rơi MH17. Theo quan sát viên Zachary Keck của tờ Diplomat, xét trên nhiều phương diện, đây là phe có nhiều lý do để bị nghi ngờ nhất.

Trong một khoảng thời gian dài, quân ly khai ở đây đã tạo lập thói quen nhắm bắn tất cả những máy bay quân sự của Ukraine xuất hiện trong khu vực họ kiểm soát hoặc tranh chấp.

Thêm vào đó, dựa trên khả năng tình báo còn hạn chế, rất có thể phe này đã nhầm máy bay dân sự với một chiếc phản lực quân sự, và khai hỏa. Điều này đặc biệt đúng khi xem xét việc chiếc máy bay đã bay từ tây sang đông; nói một cách khác là từ vùng trời của phe Kiev sang phe ly khai.

Đáng chú ý, một thời gian ngắn sau tai nạn, một đoạn video được đăng trên Youtube cho thấy có cột khói bốc lên từ khu vực được cho là xảy ra vụ máy bay rơi. Trong đoạn video, dân làng ở miền đông Ukraine, những người trung thành với quân ly khai, đang reo mừng. Thậm chí một người còn hô to: "Nó cháy thật đẹp".

Rạng sáng ngày xảy ra sự việc, một trang web có mối liên kết với chỉ huy quân sự phe ly khai Igor Girkin đã đưa ra thông báo: "Quân ly khai đã bắn rơi một chiếc máy bay chở hàng". Đây như một tuyên ngôn hùng hồn của họ rằng "đừng bay trên vùng trời của chúng tôi". Thông tin này đã bị gỡ bỏ, tuy nhiên, nó phần nào củng cố giả thuyết cho rằng lực lượng ly khai đã bắn rơi MH17 vì họ nhầm nó với một máy bay quân sự Ukraine.

Câu hỏi đặt ra đối với giả thiết này là: phe ly khai có đủ khả năng để bắn hạ một chiếc máy bay như vậy hay không.

Trang tin tình báo toàn cầu Stratfor nhận định, căn cứ vào độ cao của máy bay, chỉ có những tên lửa đất đối không tầm trung hoặc tầm xa mới đủ sức thực hiện việc này. Trong khi đó quân ly khai gần đây thông báo họ sở hữu những vũ khí phòng không có đủ khả năng bắn hạ những chiếc máy bay ở độ cao khoảng 9.000 m. Độ cao hành trình tiêu chuẩn của máy bay dân sự thông thường, 10.000 mét, vượt mức có thể đạt tới của những vũ khí này.

Tuy nhiên, chính phủ Ukraine lại nói rằng Nga vẫn đang vận chuyển những vũ khí ngày càng tinh vi cho quân ly khai. Thêm vào đó, hôm 29/6, quân ly khai đã càn qua một căn cứ quân sự của Ukraine và thu được hệ thống tên lửa đất đối không cơ động gắn theo xe, hệ thống BUK-M2, với tầm hoạt động xa, hoàn toàn đủ khả năng vươn tới độ cao tiêu chuẩn của những chiếc máy bay thương mại.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine cũng cho hay phe ly khai một vài ngày trước đã hạ đặt hệ thống cấp điện cho tên lửa gần biên giới. Cách đây không lâu, phe này cũng nhận trách nhiệm về việc bắn hạ một chiếc máy bay tại địa điểm gần với nơi chiếc MH17 bị hạ.

Nga

Cũng theo quan sát viên Zachary Keck, giả sử quân ly khai ở miền đông Ukraine không gây ra vụ việc, liệu có khả năng Nga đã bắn hạ chiếc máy bay?

Nga trong những ngày gần đây lại liên tiếp tập trung binh sĩ gần biên giới với Ukraine. Hỏa lực từ tên lửa không đối không của Nga rất dồi dào. Moscow cũng có thể đã nhầm lẫn chiếc máy bay dân sự với một máy bay quân sự từ đối phương, xét theo hướng di chuyển của chiếc máy bay từ phía Ukraine về Nga.

Tuy nhiên, trên thực tế, Nga có hệ thống phân tích thông tin tốt hơn so với quân ly khai và do đó ít có khả năng nhầm lẫn MH17 với một máy bay quân sự Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga hôm nay đã bác bỏ nghi ngờ từ Kiev về khả năng Nga có bất kỳ dính líu nào. Ông Sergei Lavrov cũng kêu gọi mở cuộc điều tra khách quan, độc lập và cởi mở về thảm kịch.

Ukraine

Theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, quân đội Ukraine có khoảng 435 hệ thống phòng không tự hành. Hệ thống này có khả năng bắn hạ những chiếc máy bay ở độ cao lớn hơn rất nhiều so với độ cao tiêu chuẩn của máy bay dân sự. Bên cạnh đó, trong kho vũ khí của nước này, còn có rất nhiều vũ khí quân sự tối tân khác, tiêu biểu là S-300, một trong những vũ khí phòng không tinh vi nhất được phát triển từ thời Xô viết. Chính vì thế, chuyên gia Robert Wall và Alan Cullison từ tờ WSJ cho rằng không thể loại Ukraine ra khỏi vòng nghi vấn.

Ngoài ra, việc bắn nhầm máy bay dân sự từng có tiền lệ tại Ukraine. Năm 2001, trong một cuộc tập trận tên lửa đất đối không, nước này cũng đã bắn phải một máy bay dân sự trên lãnh thổ của mình. Tất cả 66 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Tuy nhiên, khả năng Ukraine là thủ phạm bắn rơi MH17 không nhiều. Theo lộ trình, MH17 bay theo hướng từ Ukraine tới Nga, không vì lý do gì mà quân đội hay chính phủ Ukraine lại ra lệnh bắn đối với một chiếc máy bay xuất phát từ phía lãnh thổ của mình. Ukraine cũng rất nhanh chóng kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế đối với vụ tai nạn.

Vũ Hoàng
 
×
Quay lại
Top