“Bà đỡ” của doanh nhân trẻ

Linh Nhi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2015
Bài viết
1.309
Biết tập trung đầu tư vào mục tiêu chính, mạnh dạn triển khai các ý tưởng mới..., Quỳnh Như đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua những khó khăn buổi ban đầu. Nhờ chị, hàng trăm sinh viên trẻ đã đạt được ước mơ trở thành doanh nhân cũng như giải quyết được những rắc rối về thủ tục pháp lý.

Không chấp nhận “chia sức”

khoinghiep-2.jpg

Rời Tiền Giang, Đinh Thị Quỳnh Như đến TP.HCM với mục tiêu dường như quá sức: lấy cùng lúc hai bằng đại học du lịch và đại học luật. Thành tích của Như ở cả hai trường đều khá, nhưng chiều sâu kiến thức ở mỗi ngành lại là điều khiến Như phải suy nghĩ. Liều bỏ qua ba năm lỡ đầu tư vào du lịch, Như tập trung vào chuyên ngành luật vì biết đó mới là sở trường của mình. “Tôi muốn toàn tâm để có thể làm tốt công việc mà mình đã chọn”, Như tâm sự.

Kết quả của cuộc “tổng đầu tư” ấy là tấm bằng loại ưu và việc làm ở một văn phòng luật sư lớn của thành phố. Vừa làm việc, vừa tích lũy kinh nghiệm, điều khiến Như băn khoăn là hiện nay, mọi văn phòng luật điều hướng đến hai loại hình là tư vấn và tố tụng. “Tất cả mọi hoạt động đều cần đến luật”, chị nhấn mạnh. Vậy là, chị đề xuất triển khai ý tưởng tư vấn và hỗ trợ những người mới thành lập doanh nghiệp, nhưng thật đáng tiếc, ý tưởng của Như không được ủng hộ.

Gom hết số vốn tích lũy được trong suốt sáu năm đi làm thuê, Như quyết định thành lập cơ ngơi riêng. Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn An Luật ra đời với mục tiêu giúp đỡ những người mới bắt đầu lập nghiệp.

Chị chia sẻ: “Tôi cũng trẻ, cũng có những khát khao, vì vậy, ngoài giúp doanh nhân trẻ trang bị kiến thức pháp luật cần thiết, tôi còn muốn khuyến khích họ ước mơ, dám nghĩ, dám làm”. Dịch vụ tư vấn khởi nghiệp đầu tiên do Như thành lập đánh đúng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, do tư vấn miễn phí cho các bạn trẻ nên văn phòng chỉ hoạt động cầm chừng.

Không chấp nhận đứa con tinh thần của mình kém phát triển như thế, vừa điều hành công việc, chị vừa đầu quân về Bitexco, đảm nhận vai trò luật sư cho đơn vị này. Chị cho biết, đây cũng là môi trường giúp chị có thêm kinh nghiệm cũng như có thể kiếm tiền “nuôi” văn phòng luật. Biết cách sắp xếp thời gian nên công việc ở cả hai nơi, Như đều hoàn thành tốt.

Thế nhưng, một lần nữa, việc “chia sức” lại khiến chị phải trăn trở. Rời bỏ công việc với mức lương “nghìn đô”, Như trở về văn phòng, tập trung nội lực đầu tư cho việc phát triển thương hiệu. Lúc này, Như mạnh dạn mở rộng đối tượng phục vụ. Song song với tư vấn khởi nghiệp, học hỏi mô hình từ Bitexco, An Luật đảm nhận cả dịch vụ tư vấn pháp lý trọn gói cho các doanh nghiệp và thực hiện các vụ tranh chấp, tố tụng... Với bước thay đổi này, hoạt động của An Luật mới bắt đầu khởi sắc.

Khởi nghiệp phải đúng luật

Làm việc nhiều với những người mới khởi nghiệp, Như cho biết, họ sai lầm nhiều nhất trong việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp. “Mỗi loại hình công ty đều gắn với những quyền lợi cũng như nghĩa vụ khác nhau. Mới bước vào kinh doanh, các bạn trẻ thường chú ý đến mục đích lớn như kế hoạch, đường lối kinh doanh mà quên cân nhắc điều này”.

Bên cạnh đó, những “tiểu tiết” như đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp, sao lưu hồ sơ... cũng gây nhiều rắc rối cho doanh nghiệp nếu không nắm được qui trình hợp thức hóa hoạt động của công ty. Như kể, nhiều lần chị chứng kiến một số doanh nghiệp vì các “tiểu tiết” đó mà phải nộp phạt, bị đình chỉ hoạt động nhiều ngày. Chị khẳng định: “Nhiều bạn trẻ than với tôi, thủ tục hành chính hiện nay rắc rối quá. Đúng là các thủ tục tại Việt Nam chưa rõ ràng, nhưng nếu như các bạn ấy chịu chú ý đến các quy định liên quan thì họ sẽ không mất nhiều thời gian như vậy”.

Sở hữu hai văn phòng luật sư và sắp thành lập văn phòng thứ ba, so với việc điều hành doanh nghiệp, Như cho biết, điều hành văn phòng luật đòi hỏi người làm chủ gần như phải có mặt trong tất cả các khâu, từ tiếp xúc với khách hàng cho đến phân bổ, xử lý hồ sơ... Bận rộn thế nhưng hễ rảnh tay là chị lại kết nối vào internet, đóng vai trò luật sư ảo cho các diễn đàn tư vấn pháp luật. Điều buồn cười là vị luật sư ảo này chỉ toàn được hỏi về... luật hôn nhân gia đình, chủ yếu là các trường hợp bị bạo hành. “Những bà vợ đáng thương ấy chẳng dám gặp luật sư thật, họ đến với chúng tôi để biết những quy định bảo vệ mình.Biết xong rồi lại ở nhà, chịu đựng tiếp”, giọng chị trầm buồn.

Sang năm mới, “bà đỡ” Quỳnh Như cho biết, chị đang cùng các đồng nghiệp triển khai các chương trình tư vấn pháp luật cho cộng đồng. Mỗi tháng một lần, nhóm luật sư này sẽ tổ chức một ngày gặp gỡ, tư vấn miễn phí cho mọi đối tượng. Ban đầu là ở địa bàn các vùng ven thành phố, sau sẽ về các tỉnh. “Hiện nay, phần đông người dân vẫn chưa hiểu và quen với việc áp dụng luật nên dễ phạm luật, và trong các tranh chấp họ luôn bị thiệt thòi. Sau các doanh nhân trẻ, đây là đối tượng tôi muốn giúp đỡ nhất”, chị tâm sự.


ĐẶNG QUÝ YÊN​
 
×
Quay lại
Top