Áp thấp lại tiến thẳng vào miền Nam sau đúng 20 năm bão Linda tàn phá làm hàng nghìn người bị thương

Sasaki Moriko

"Nếu bắt xe ôm chỉ mất mười nghìn mà."
Thành viên thân thiết
Tham gia
4/9/2017
Bài viết
1.533
Áp thấp nhiệt đới này được hình thành và hướng thẳng vào phía nam mũi Cà Mau đúng vào thời điểm cả nước đang tưởng niệm các nạn nhân bão Linda xảy ra 20 năm về trước.

2 áp thấp nhiệt đới cùng hướng thẳng vào miền Nam, đúng 20 năm sau cơn bão Linda lịch sử

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, vào khoảng 13h chiều ngày 1/11, vị trí áp thấp nhiệt đới cách Côn Đảo khoảng 150km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Áp thấp này tiến vào miền Nam vào thời điểm này khiến nhiều người bất an, lo sợ bởi đúng 20 năm về trước, vào năm 1997, bão Linda - cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Nam trong lịch sử 100 năm đã làm 778 người chết, 2.123 người mất tích và 1.232 người bị thương.


Bà Nguyễn Thị Mười khóc ngất khi phát hiện ra thi thể con trai từ vết sẹo và chiếc bông tai. Xung quanh bà người nào cũng có thân nhân chết và mất tích do cơn bão dữ - Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.

Đến rạng sáng 2-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng.

Sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động mạnh. Ven biển các tỉnh Nam Bộ cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-4,5m.

Từ chiều và đêm 1-11 đến hết ngày 2-11, ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.


Sơ đồ vị trí và đường đi của hai áp thấp nhiệt đới chiều 1/11 - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Trong khi đó một áp thấp nhiệt đới khác hình thành cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 680km về phía đông ngày 31/10 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km đang được dự báo nhiều khả năng mạnh lên thành bão.

Dự báo rạng sáng 2-11, bão sẽ vào Biển Đông trở thành bão số 12.


Vị trí áp thấp nhiệt đới thứ 2 sắp vào biển Đông và có nhiều khả năng sẽ mạnh lên thành bão - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Ám ảnh những thiệt hại sau cơn bão Linda
Vào đêm 31/10/1997, vùng áp thấp ở khu vực nam Biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6-7, di chuyển theo hướng Tây.

Đến trưa 1/11/1997, áp thấp nhiệt đới cách Côn Đảo khoảng 600km về phía đông chếch nam và mạnh dần lên thành bão- cơn bão số 5 có tên quốc tế là Linda. Bão Linda di chuyển với tốc độ 20km/h, mạnh lên cấp 8-10, gió giật cấp 10.


Sức mạnh của cơn bão Linda khi đổ bộ vào miền Nam năm 1997 - Ảnh: Internet.

Vào trưa ngày 2/11/1997, tâm bão Linda đi qua phía nam của Côn Đảo với sức gió đạt cấp 10, giật cấp 12.

Tối 2/11/1997, bão Linda đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9.

Sáng 3/11/1997, bão Linda đi sang vùng biển Cà Mau- Kiên Giang và đi về phía tây vịnh Thái Lan.


Thiệt hại sau bão Linda tại Cà Mau - Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi.

Cơn bão Linda đi qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau.


Qua thống kê, bão Linda gây thiệt hại 7.200 tỷ đồng cho 21 tỉnh thành phố khu vực Nam Bộ, khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương, 107.892 ngôi nhà bị sập.

Trong đó riêng tỉnh Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác; tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó là trên 2.700 tỷ đồng.

Bão Linda là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào miền Nam trong vòng lịch sử 100 năm tính đến thời điểm đó, cũng là cơn bão ám ảnh những người dân ở đây suốt cả cuộc đời.


Những người phụ nữ đổ ra bến ngóng tin và nhận xác người thân sau cơn bão Linda. Ảnh: FB Hoang Linh Hoai.



Gia đình ông Nguyễn Văn Trượng bên đống đổ nát của căn nhà sập. Ông có 4 người thân mất tích - Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi.




Sau bão Linda, cứ mỗi chuyến tàu từ biển trở về là hàng trăm người từ khắp nơi chạy ra cầu của đồn biên phòng ở Sông Đốc để dõi mắt tìm người thân - Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi.


Cụ bà Nguyễn Thị Thiệt ở lâm ngư trường Sông Trẹm (Thới Bình, Cà Mau) nghẹn ngào nói rằng hai con trai và hai người con rể đều mất tích cùng với chủ tàu - Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi.
 
×
Quay lại
Top