Áp lực học đường đang trở nên nguy hiểm vượt quá tầm kiểm soát

NguyễnViếtHoàngYên

Well,....
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/11/2021
Bài viết
61

CẢNH BÁO: KHÔNG LÀM THEO NHỮNG HÀNH ĐỘNG TRONG BÀI VIẾT

Câu chuyện của tôi: Áp lực học đường​

Mấy ngày gần đây, tôi có nghe nhiều về các vụ tự tử do áp lực học tập. Thú thực, trái tim tôi như quặn lại và tôi bỗng chợt nhớ về bản thân của nhiều năm trước.

Tôi sẽ không đề cập đến những câu chuyện đó, và cũng sẽ không phán xét vì tôi chỉ là một người ngoài cuộc. Tôi sẽ kể câu chuyện của tôi.

Tôi nhớ rất chính xác đấy là vào năm tôi học lớp bảy. Trường tôi khi ấy có tục là cứ đến lớp bảy thì sẽ chọn ba đội tuyển là Toán, Văn, Anh, còn khi lên lớp tám thì sẽ toả đi nhiều đội tuyển khác. Tất nhiên, đã là đội tuyển thì đều là hàng “tuyển” cả, không phải ai cũng được vào. Nhiệt tình đến mấy mà không có năng lực thì cũng không ai nhận cả. Người từ các đội tuyển Toán Văn Anh năm lớp bảy này sẽ nhận được một lợi thế khổng lồ đó là vào năm lớp tám, có thể được chọn môn mà mình muốn học, tức là bạn sẽ được quyền quyết định học môn gì chứ không phải là do giáo viên quyết định, trừ trường hợp hai bạn giải nhất huyện cùng muốn vào một đội tuyển, đến lúc ấy thì phải thương lượng, nhưng cái đấy thì kệ nó đi.

Hồi cuối lớp sáu thì bắt đầu diễn ra kỳ thi chọn đội tuyển. Tôi vốn dĩ định chọn đội tuyển Anh, không chỉ tôi, mà tất cả những ai quen biết tôi đều nghĩ tôi sẽ chọn Anh. Tôi học tiếng anh từ khi nào đến chính tôi còn không nhớ, và tôi dấn thân vào các cuộc thi tiếng anh – từ cấp trường đến quốc gia – từ khi tôi còn học lớp ba, đến tận năm lớp sáu là ba năm. Nếu như thế thì cũng chẳng có gì để nói, mấu chốt là mẹ tôi không thích thế. Lúc đó tôi ngạc nhiên lắm. Tôi dành nhiều thời gian, công sức như thế cho môn tiếng Anh, mẹ tôi cũng đầu tư nhiều tiền bạc cho tôi vào môn học này, nếu bây giờ không học anh thì học gì bây giờ? Mẹ tôi bảo: “Mày phải học Toán.”

Cho phép tôi không hiểu mẹ tôi nghĩ cái gì. Lúc thi đầu vào, điểm Tiếng Anh của tôi là 9.5, trong khi đó môn Toán như một trò đùa – 6.65. Nói thật, khoảng cách giữa điểm trung bình và điểm giỏi là như trời với đất. Tôi tức đến bật cười bảo mẹ: “Mẹ có còn tỉnh táo không đấy?”

Rồi mẹ tôi bắt đầu phân tích cho tôi: “Mày không được học những thứ mày thích, những thứ mày muốn, mà mày phải học những thứ xã hội này cần.”

Tôi càng khó hiểu: “Thế tiếng Anh mà xã hội không cần á?”

“Đây nhé, tao nói cho mày nghe để mày hiểu ra này. Tiếng Anh điểm cao, nhiều người học, nó bão hoà mất rồi, mày không thể kiếm sống bằng tiếng Anh nữa, nhưng học thì vẫn phải học để mày còn thi, còn sử dụng để giao tiếp với bọn Tây. Nhưng Việt Nam bây giờ đang phát triển, kĩ sư thiếu đến hàng triệu, mấy cái đấy không học tự nhiên thì học cái gì?”

Tôi nghĩ mẹ tôi còn có lương tâm. Ít nhất thì mẹ cũng phải đả thông tư tưởng cho tôi chứ không cưỡng chế đăng kí luôn.

Nhưng sau cùng thì tôi thấy không hối hận cho lắm.

Hoặc ít nhất là như thế.

Sau đó thì tôi đăng kí thi Toán.

Lúc tôi vào phòng thi, ai cũng nhìn tôi. Họ không cảm thấy tôi nên xuất hiện ở đây. Có đứa còn hỏi tôi: “Mày có vào lộn phòng không đấy? Phòng tiếng Anh ngay bên cạnh, đi thẳng, rẽ trái là đến, khỏi cảm ơn.”

Sở dĩ tôi nhớ dai như thế là vì chuyện đấy chưa qua lâu. Năm nay tôi mới hai mươi, tức là chuyện đấy mới được 7,8 năm gì đấy.

Nếu một chuyện khắc sâu trong tâm khảm bạn quá, có chết bạn cũng không quên được.

Và thế nào ấy, tôi đỗ.

Không những thế tôi còn đỗ cao, tôi lọt top năm của khối.

Tôi còn tưởng tôi nghe nhầm.

Ý tôi là cái đề đấy tôi chẳng làm được cái gì cả, và ra khỏi phòng thi nhiều đứa bảo nó làm ngon ơ. Mấy đứa đấy chẳng được ai cao điểm hơn tôi. Tự hào.

Sau đó, tôi nghỉ hè.

Thôi cái đấy thì kệ nó đi, chẳng có gì để kể cả, cái chính là chuyện năm tôi học lớp bảy ấy.

Người ta vẫn thường bảo, nếu như sai từ lúc bắt đầu, vậy những thứ đằng sau, cho dù như thế nào thì cũng là sai.

Cũng như khi bạn làm toán ấy, sai từ đầu, mấy phần sau cho dù bạn có viết mười trang giấy thì cũng còn ai chấm cho bạn nữa?

Tôi thực sự rất mệt mỏi, và tôi than vãn cực kỳ nhiều.

Tôi nói với mẹ tôi cả tỉ lần, rằng tôi mệt lắm, tôi muốn nghỉ đội tuyển, xin hãy cho tôi ra khỏi đội tuyển đi. Tôi không thể nào học thứ tôi không thích, không hiểu, đến mức tôi căm ghét nó.

Mẹ tôi bảo: “Không hiểu thì cố mà học, học cho bao giờ hiểu gì thôi.”

Tôi không mấy khi cãi lời người lớn, một phần vì lễ phép, hơn nữa tôi là con người dĩ hoà vi quý. Nhưng lần này tôi đã gào lên: “Thế mẹ thử tăng ca mà không có lương thưởng gì xem, con đố mẹ muốn làm đấy.”

Mẹ tôi không nói gì nữa cả.

Mấy lần sau tôi than vãn, mẹ tôi cũng không nói gì nữa cả.

Tôi nghĩ chắc là do mẹ tôi chờ tôi rên chán xong thì sẽ thôi.

Nhưng cuối cùng người mất kiên nhẫn trước lại là mẹ tôi.

Tôi đương nhiên biết không chỉ tôi, mẹ tôi cũng đã rất cố gắng.

Thời điểm đó, tôi bị mất ngủ nặng nề.

Thử tưởng tượng mà xem, mỗi ngày thức dậy lúc năm rưỡi sáng, đi học đến hơn năm giờ mới về đến nhà, làm bài tập đến mười một giờ mới đi ngủ, đã thế lại còn mất ngủ.

Hồi ấy một ngày tôi còn không ngủ đủ sáu tiếng. Lên lớp, hai hàng mi lúc nào cũng vì nhớ nhau mà dính chặt lại. Đầu tôi ong ong, tôi không thể chịu đựng được. Những cơn đau đầu kéo dài bắt đầu xuất hiện, tôi thậm chí còn thấy ảo giác, nhiều khi, tôi còn cảm thấy mình đang bay lượn. Hai mắt tôi mờ hẳn đi, mà không phải kiểu mờ do cận, cứ như có một làn sương trước mắt tôi, nhiều lúc, tôi còn không khống chế được cơ thể mình, đang đi cũng có thể tuỳ thời mà ngã xuống được. Sau đó là một loạt hiện tượng kì lạ làm tinh thần tôi gặp khủng hoảng.

Tôi lúc nào cũng có cảm giác ai đó nhìn chằm chằm tôi đến mức mà tôi sợ không dám mở cửa, nhìn đúng vào gáy tôi, đứng sau lưng tôi. Còn đầu tôi thì lúc nào cũng có tiếng loảng xoảng, rơi vỡ, các tiếng nói kì lạ liên tục xuất hiện mà đến bây giờ tôi không thể nhớ nổi là đã nói những gì, nhiều khi tôi còn mơ thấy một vài chuyện y hệt chuyện hôm sau (vấn đề nằm ở chỗ là tôi còn nhớ được cụ thể và chi tiết giấc mơ của mình). Đã thế, đầu óc tôi cũng không tài nào tập trung nổi, nếu bây giờ tôi nghĩ đến cái bát thì giây sau tôi có thể nghĩ đến một thứ chẳng liên quan lắm – cái đèn, rồi ti tỉ thứ giời ơi đất hỡi gì đấy nữa, ấy thế mà tôi học bài thì vẫn vào đầu, còn nếu không là bắt đầu suy nghĩ vẩn vơ, các suy nghĩ như một thước phim tua nhanh ấy, xoành xoạch.

Chừng ấy thôi nhưng tôi cũng muốn phát thần kinh.

Lúc ấy máy tính tôi toàn danh mục tìm kiếm “Triệu chứng bệnh tâm thần”. Tôi thậm chí còn thấy bản thân giống với miêu tả.

Tôi cũng đã nói với bố mẹ tôi, tôi cảm thấy bản thân bị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực gì đó. Bố tôi không hay có nhà, lần đó tôi đã canh me bữa cơm đủ bốn người để kể, nhưng bố mẹ tôi còn chẳng thèm nghe. Lần thứ hai, tôi lại tiếp tục kể, vì tôi bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng.

Lần này thì bố tôi nghe, nhưng ông chỉ bảo: “Thế thì ra ngoài nhiều vào.”

Nếu vấn đề chỉ đơn giản như thế đã tốt. Vấn đề là ra ngoài rồi tôi cũng chẳng thấy làm sao ấy, chỉ thêm ngột ngạt, khó chịu.

Sau đó thì tôi đọc một bài báo y học, đại khái là một người sống trong một căn hộ, và cô ta thường gặp phải những chuyện lạ như những đồ đạc biến mất hay xuất hiện một cách bất thường, nhưng khi đến văn phòng thì cô ấy vẫn bình thường. Cô ấy nghĩ đó là hiện tượng siêu nhiên nào đó. Nhưng có người bình luận, bảo: “Có thể cô bị thiếu oxi, điều thường thấy trong mấy căn hộ chật hẹp ở thành phố.” Dù tôi không sống trong căn hộ chật hẹp nào, nhưng tôi thấy có lí nên làm theo hướng dẫn.

Quả nhiên tôi ngủ được thật, đã thế đầu cũng đỡ đau hơn, nhưng mấy cái ảo giác thì nó vẫn đấy.

Thế rồi cũng đến cái ngày định mệnh ấy.

Cái ngày mà tôi đã t.ự s.á.t.

Hôm ấy là tháng tư, trưởng tổ chức thi khảo sát đội tuyển để chọn học sinh đi thi huyện. Khi tôi về nhà, thứ tôi nhận được là câu hỏi tôi đã nghe mười hai năm qua: “Hôm nay làm bài như thế nào?”

Tôi mới bực bội nói: “Con có làm được bài đâu.”

Và sau đó là bài thuyết trình của tôi với mẹ, nói với mẹ rằng tôi không làm được bài, tôi muốn nghỉ đội tuyển, tôi muốn chuyển lớp, chuyển trường luôn cũng được.

Nhưng không như trước, lần này mẹ tôi quát tôi.

Mẹ tôi nói bằng những từ ngữ rất khó nghe.

Mày ra đâm đầu vào xe tải ấy cho nó nhẹ nhàng.

Vì quá bực tức, không như thường lệ đi nấu cơm, tôi quyết định vào phòng, nhìn chòng chọc cái bàn học, rồi tôi quyết định đi rửa mặt cho thanh tỉnh. Đang định đọc cái gì cho khuây khoả thì mẹ tôi gọi, ra vẻ gấp gáp lắm. Tôi tưởng có chuyện gì nghiêm trọng lắm, hoá ra…..

Mẹ tôi nói: “Nếu như mày không học được thì mày chuyển trường đi, hoặc là mày nghỉ học đi, đừng làm khổ tao nữa.”

Tôi không hiểu, rốt cuộc là ai làm khổ ai.

Ai đã ép tôi học Toán? Ai đã nằng nặc yêu cầu tôi chạy theo trào lưu? Ai đã lúc nào cũng ép tôi học thứ tôi không thích?

Tôi không hiểu mẹ tôi.

Mà tôi cũng không hiểu tôi luôn.

Sau đó, tôi lẳng lặng lên phòng.

Lúc ấy, chắc chắn, là tôi chẳng cảm thấy gì cả. Tôi trống rỗng. Tôi chẳng nghĩ được cái gì cả.

Tôi từng tự hỏi tại sao con người ta lại nhảy lầu, cắt cổ tay, treo cổ hay lao đầu ra đường cho đau ra, mà không mua thuốc ngủ mà uống, cứ ngủ rồi chết, hoặc mua hoa hồng rồi đóng cửa vào, đã chết rồi vẫn còn đẹp cơ.

Nhưng rồi tôi cũng hiểu.

Đơn giản là bởi vì không nghĩ được cái gì nữa.

Tôi vồ lấy cái kéo trước mặt, điên cuồng cắt cổ tay trái.

Nhưng chẳng có gì xảy ra cả.

Khi tôi xem trong phim, kéo giết được người đấy, nhưng thực tế nói cho tôi biết, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả.

Tôi thậm chí còn chẳng cảm thấy gì.

Cắt xong, tôi ngã ngồi xuống đất, nằm xuống sàn nhà lạnh lẽo, nhìn chằm chằm lên trần nhà, rồi sau đó tôi ngồi dậy, rửa tay, rửa mặt.

Lúc rửa xong tôi mới thấy đau. Đau kinh khủng, cơn đau lan truyền khắp cơ thể, không phải kiểu đau thể xác mà sẽ khóc, mà cả người đều đau, dù tôi chỉ cắt cổ tay thôi, đau đến mức tôi thấy khó thở.

Sau đó tôi chẳng còn nhớ gì nữa.

Tôi không nhớ chuyện xảy ra sau đó.

Khoảng mấy ngày sau, tôi đã tự tử lần nữa, lần này tôi không dùng kéo, cũng không dùng dao, mặc dù tôi biết dùng dao mới chết được.

Có lẽ tôi đã sợ chết.

Trước lần tự tử đầu tiên, tôi đã viết thư tuyệt mệnh.

Tôi vẫn còn giữ đây: “Nếu như một ngày nào đó con không còn trên cõi đời này, thì xin hãy coi như là cõi trần chỉ đơn thuần là thiếu đi một người mà thôi, xin hãy tiếp tục sống cuộc sống của mình, sống thật hạnh phúc, hãy quên đi một đứa trẻ yếu đuối đến mức đã không thể tự cứu được bản thân mình. Toàn bộ số tiền con tiết kiệm được, dùng làm gì cũng được, dù sao cũng không thể mang đi. Thật chân thành cảm ơn và xin lỗi tất cả mọi người. Xin hãy giữ gìn sức khoẻ.”

Thế nên tôi mới hiểu ai tự tử ấy không chỉ là bồng bột đâu, họ cũng đã nghĩ đến rất nhiều rồi.

Áp lực khiến họ không thở nổi, nhưng bạn biết đấy, thiếu oxi thì cũng phải ba phút mới chết được, trong ba phút ấy, chúng ta hẳn là đã giãy giụa, nhưng liệu có ai lắng nghe chăng?

Tôi đã hai lần cầu xin sự giúp đỡ từ bố mẹ tôi trong bất lực, nhưng dường như họ còn chẳng để tâm đến lời tôi nói.

Cơn đau từ lần tự sát thất bại ấy dường như đã tát một cái đau điếng vào mặt tôi, ép tôi phải tỉnh ra và nhìn vào hiện thực tàn khốc.

Chẳng ai yêu tôi đâu.

Người duy nhất xót thương cho tôi chắc chỉ có chính bản thân tôi mà thôi.

Chết là sự giải thoát, nhưng trong giây phút ấy, tôi đột nhiên không cam lòng. Tôi không muốn cứ thế mà chết đi, tôi ích kỷ lắm, bởi vì đến lúc chết tôi cũng chỉ nghĩ đến được bản thân tôi mà thôi.

Tôi chỉ đơn thuần là muốn gắng gượng mà sống, cho dù có mệt mỏi, bởi vì tôi biết chẳng ai thương tôi cả, nếu tôi chết, đón chờ tôi chỉ có nấm mồ lạnh lẽo, và làm bạn với giòi bọ.

Sau đó, ai nói gì tôi cũng không nghe nữa. Mấy lời mỉa mai gì đó về ngoại hình của tôi, tôi chỉ coi như là người nói ra câu đó bị thiếu hụt về đạo đức mà thôi. Dù thần kinh có bình thường hay không, đạo đức của tôi hoàn toàn là tốt. Mà người không có khiếm khuyết như tôi không đời nào chấp nhặt người có vấn đề về nhận thức, và đạo đức cả.

Yup.

Di chứng từ lần đó là mỗi lần muốn suy nghĩ gì tôi cũng đều phải nói ra miệng, thành ra tôi hay lẩm bẩm, và viết ra giấy những gì tôi nghĩ, nếu không tôi sẽ quên, và đương nhiên, tôi trở nên bàng quan với mọi thứ, đến mức mà nhiều khi tôi còn thấy mình dường như vô cảm, vì tôi biết, chỉ cần tôi quan tâm đến một chuyện của người khác, nó sẽ giống như lúc tôi cầm chai nước 500ml ấy, tuy rất nhẹ, nhưng nếu cầm cả ngày thì cánh tay sẽ rã rời….
 
×
Quay lại
Top