Ai thấy CSGT chưa nghiêm, hãy gửi bằng chứng để chúng tôi xử lý

minhtan20xx

Nhân Viên Tư Vấn
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2012
Bài viết
2.256
Lãnh đạo Cục CSGT khẳng định việc xử phạt tài xế vi phạm độ cồn là nghiêm túc, khó có chuyện "cầu cứu" mà thoát.

10h ngày 7/5, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ và ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã trả lời trực tuyến trên VnExpress về giải pháp ngăn chặn lái xe uống rượu bia.

Trong hai tiếng, ba đại biểu đã trả lời được gần 20 câu hỏi của độc giả. Hiện còn khoảng 70 câu hỏi nữa chưa được giải đáp, do thời lượng có hạn.



Hơn 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 4 tháng

- Ba phụ nữ tử vong giữa trung tâm TP Hà Nội trong một tuần bởi các tài xế ôtô say xỉn khiến ông, bà suy nghĩ gì? (Lê Văn, 32 tuổi)

- Đại tá Đỗ Thanh Bình: Những vụ tai nạn thương tâm thời gian qua đã làm cả xã hội đồng lòng muốn tìm ra giải pháp đẩy lùi tình trạng này.

Với trách nhiệm của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông chúng tôi tích cực hoạt động, tuần tra. Riêng bốn tháng đầu năm, chúng tôi đã xử lý hơn 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 45% so với cùng kỳ 2018. Ngoài tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn, các loại vi phạm khác cũng được xử lý nghiêm khắc.

Trước khi đến đây, tôi đọc hơn 20 bình luận của độc giả và đồng ý rằng cả xã hội phải đồng lòng, trong đó có cảnh sát giao thông, để không xảy ra những cái chết oan uổng.

65b4ed7db36756390f76-7207-1557199070.jpg

Đại tá Đỗ Thanh Bình. Ảnh: Gia Chính

- Bà Phan Thị Thu Hiền: Hình ảnh hai phụ nữ trẻ gặp nạn ở hầm Kim Liên mới đây gây chấn động dư luận. Họ ra đi để lại những đứa con thơ không còn mẹ.

Số lượng người chết do tai nạn liên quan nồng độ cồn không phải lớn so với các vụ nghiêm trọng khác, như tai nạn xe khách, song vụ ở hầm Kim Liên là hồi chuông lớn, cảnh tỉnh những ai uống rượu bia vẫn cầm vô lăng. Sau vụ đó, tất cả bạn của tôi trước đây không quan tâm nhiều đến vấn đề giao thông thì nay đã treo status liên quan đến rượu bia, cho thấy tai nạn đó đã thức tỉnh đến người dân.

Chúng tôi xác định phải đồng hành, nghiên cứu giải pháp để hạn chế tai nạn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu tăng nặng mức xử phạt hành chính. Chúng tôi đang nghiên cứu, xin ý kiến người dân để thực hiện việc này.

5f1143dd1dc7f899a1d6-6504-1557199400.jpg

Bà Phan Thị Thu Hiền. Ảnh: Gia Chính

- Qua việc tuần tra xử lý vi phạm nồng độ cồn của cảnh sát, đại tá Bình đánh giá thế nào về việc chấp hành của tài xế hiện nay? (Hoàng Lê Toán, 21 tuổi)

- Ông Đỗ Thanh Bình: Chúng tôi xác định vi phạm nồng độ cồn chủ yếu là người sử dụng phương tiện cá nhân, khung giờ là sau giờ ăn trưa và ăn tối. Các khu đô thị và thành phố xảy ra vi phạm thường xuyên hơn cả. Khi tham gia một sự kiện như đám cưới, lễ tiệc, các bạn cũng thấy ở các khu nhà hàng, quán bia, bãi đỗ xe, người tham gia sự kiện phải đi phương tiện cá nhân rất nhiều.

Với người bình thường, tâm lý có thể dám làm dám chịu. Nhưng một khi đã uống rượu bia, các khả năng về cơ, mắt... đều suy giảm, nhiều người thể hiện thái độ chống đối cảnh sát. Để xử lý được một trường hợp, chúng tôi mất khoảng 30 phút, từ dừng xe kiểm tra, định tính về việc vi phạm, yêu cầu chấm dứt vi phạm, định lượng nồng độ cồn, lập biên bản, tạm giữ giấy tờ, chưa kể trường hợp chống đối còn mất thời gian hơn.

60043864-827378577631165-43661-2200-6580-1557199744.jpg

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Ảnh: Gia Chính

- Là cơ quan chủ trì sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt hành chính vi phạm giao thông, bà Thu Hiền đánh giá thế nào về mức phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn hiện nay? (Trần Văn Phúc, 29 tuổi)

- Bà Phan Thị Thu Hiền: Hiện nay, trong điều 5 Nghị định 46 chia các khung xử lý vi phạm nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất từ 16 đến 18 triệu đồng. Năm 2015, khi thảo luận để sửa đổi và đưa nội dung này vào Nghị định, nhiều người cho rằng đây là khung xử lý gây ấn tượng. Khi đó chúng tôi đi thăm dò dư luận, rất nhiều tài xế lo sợ, nhất là lái xe cá nhân. Sau thời gian dài đến nay, việc lái xe sử dụng rượu bia đã giảm.

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, lái xe sử dụng rượu bia có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, năm 2018 có 91.000 trường hợp và 4 tháng đầu năm là 50.000, cho thấy mức phạt đó chưa đủ sức răn đe. Có thể thấy mức xử phạt chỉ phù hợp với một giai đoạn nhất định, đánh giá chung là cần sửa đổi để phù hợp theo chiều hướng tăng nặng, để đối tượng phải lo sợ.

59913099-662085107579152-57206-3802-3128-1557199964.jpg

Bà Phan Thị Thu Hiền. Ảnh: Gia Chính

- Ông Đỗ Thanh Bình: Cũng như ý kiến của chị Hiền, mọi người đang quan tâm chế tài xử phạt người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe có đảm bảo răn đe không? Xét trên quy định, Việt Nam là một trong những nước có quy định nghiêm minh nhất trong khi các nước khác còn có giới hạn. Ở nước ngoài, người ta coi hành vi vi phạm nồng độ cồn là tiểu hình và quy định các biện pháp cưỡng chế kèm theo.

Ở Việt Nam, theo Bộ luật Hình sự 2015, hành vi vi phạm về nồng độ cồn dẫn đến vi phạm giao thông là tình tiết tăng nặng hình phạt. Nghị định 46 quy định mức xử phạt hành chính đã cao hơn tương đối, nhưng lại xử phạt theo lần. Chúng ta không kết nối các lần vi phạm trong hành chính, không có xử lý kỷ luật của cơ quan liên quan, phạt lần nào biết lần đó nên lúc phạt thấy xót xa, nhưng không tác động liên tục thì lại hay bị quên.

Các bạn nước ngoài nói với tôi, riêng rượu bia hay vi phạm khác cũng đưa vào lý lịch cá nhân. Còn chúng ta mới ghi nhận về vi phạm hình sự trong lý lịch.

Đã bao giờ ông/bà uống rượu bia khi lái xe?

- Nhiều lái xe nói rằng, biết uống rượu bia khi lái xe là sai, nhưng văn hóa ở Việt Nam không thể tránh được, ông Trần Hữu Minh nghĩ gì về văn hóa này? (Phạm Công Chức, 41 tuổi)

- Ông Trần Hữu Minh: Trong khảo sát cách đây 2-3 năm, tôi thấy tới 90% khách hàng tiếp tục lái xe sau khi uống rượu bia, dù biết là sai. Các thành viên trong gia đình thấy người nhà say nhưng vẫn không ngăn cản.

Nhưng những thói xấu trên không phải bất biến. Tại các quốc gia phát triển ở thập kỷ 70-80, lái xe say xỉn là vấn nạn rất lớn. Sau nhiều thập kỷ mạnh tay xử phạt đi kèm tuyên truyền rộng rãi, ý thức người dân mới thay đổi. Nhưng để có kết quả, chúng ta phải kiên trì và quyết tâm, không thể một sớm một chiều.

Văn hóa rượu bia là vấn đề tồn tại đã lâu, nhưng nếu chúng ta chỉ tập trung vào phần ngọn thì sẽ không thể giải quyết triệt để. Ta cần chăm chút phần gốc, thông qua việc đào tạo ý thức, tăng nhận thức về trách nhiệm xã hội, bình đẳng giới (để phụ nữ có tiếng nói phản bác hành vi rượu bia ngay nếu cần), kiểm soát tác hại rượu bia.

- Cá nhân ông/bà đã bao giờ lái xe khi có hơi men trong người? (Lương Thành Công, 35 tuổi)

- Ông Trần Hữu Minh: Từ lâu tôi đã không còn lái xe sau khi uống bia vì ý thức được mình là người làm công tác an toàn giao thông, phải làm gương cho người dân. Lần cuối cùng tôi uống một cốc bia và lái xe, bị ngã khi đi qua bãi cát, đã cách đây 20 năm, khi tôi vừa tốt nghiệp đại học.

Tâm lý người say xỉn thường giống nhau, tự tin thái quá trong khi thực tế không như vậy. Khoa học chứng minh chỉ cần một ly rượu nhỏ, nồng độ cồn trong máu đã rất cao, phản xạ bắt đầu giảm đi đáng kể. Nếu tiếp tục uống, rủi ro va chạm rất lớn. Độc giả cần nhận thức được đúng đắn về ảnh hưởng của rượu bia.

59889452-610896089411682-77229-4628-6580-1557200773.jpg

TS Trần Hữu Minh. Ảnh: Gia Chính

- Ông Đỗ Thanh Bình: Trong cuộc sống có những lúc chúng ta tham gia uống rượu bia. Khi còn trẻ, tôi cũng có những sai lầm, nhưng đã nhận ra. Với trách nhiệm của cơ quan thực thi công vụ, chúng tôi luôn ý thức được rằng một khi đã xác định uống thì phải đi taxi hoặc xe ôm.

Uống rượu bia còn ảnh hưởng đến sức khỏe chung của xã hội. Chi phí chữa trị các bệnh liên quan đến uống rượu bia quá lớn. Bên cạnh đó là vấn đề an ninh trật tự, nhiều vụ ẩu đả và án mạng đã xảy ra.

Sử dụng rượu bia tham gia giao thông là vấn đề cần xác định trách nhiệm của cá nhân và cơ quan. Khi còn trẻ, bị ép uống, một người có thể uống với suy nghĩ để thể hiện bản lĩnh đàn ông. Tuy nhiên, càng trưởng thành, chúng ta càng cần có trách nhiệm với bản thân và gia đình.

- Bà Phan Thị Thu Hiền: Ở Việt Nam, trong các cuộc vui sử dụng rượu bia như điều đương nhiên, đặc biệt với đàn ông không có chai rượu thì sẽ giảm vui vẻ với người ngồi nói chuyện. Đấy là văn hóa phổ biến.

Là phụ nữ, tôi ấn tượng không tốt với người say rượu. Năm 2003-2004, một nghiên cứu về tác động rượu bia cho thấy người uống rượu bị giảm phản xạ, suy đoán và kỹ năng giữa mắt, tay, chân, làm cho anh mất tập trung, giảm tầm nhìn.

Năm 2008, chúng ta mới đưa ra Luật giao thông đường bộ cấm tuyệt đối khi điều khiển ôtô, còn người điều khiển xe máy có nồng độ nhất định. Năm 2015, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn mới ở mức độ cao, sau thời gian dài có tác dụng tốt thì từ đầu năm đến nay đã có 50.000 vụ vi phạm. Do đó, việc cần làm ngay là điều chỉnh pháp luật. Và trong khi chờ sửa luật, việc chúng ta có thể làm ngay, lại rất rẻ tiền là tuyên truyền cho bạn bè, người thân đã lái xe thì không rượu bia.

e6037f94d68e33d06a9f-8983-1557201084.jpg

Từ trái qua: Ông Đỗ Thanh Bình, bà Phan Thị Thu Hiền và ông Trần Hữu Minh.

Xử phạt lái xe uống rượu bia gặp nhiều khó khăn

- Xin hỏi đại tá Bình, những vướng mắc khi xử phạt lái xe uống rượu bia là gì? (Hoàng Thị Thủy, 29 tuổi)

- Ông Đỗ Thanh Bình: Cảnh sát giao thông chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là việc chứng minh vi phạm. Có máy đo mức độ vi phạm, nhưng nếu người vi phạm không đồng ý thì cảnh sát lại phải mời người chứng kiến, trong khi các nước chỉ phải chứng minh trước tòa.

Thứ hai, theo quy định phải yêu cầu chấm dứt vi phạm, thu phương tiện, nhưng không có nhiều tác dụng răn đe. Ở các nước, khi anh vi phạm vì sử dụng rượu bia thì sẽ bị khống chế, đưa về bằng xe khác, bao giờ nồng độ cồn ổn định mới được về nhà; phương tiện được đưa về trạm gần nhất. Trung Quốc quy định tạm giữ 15 ngày để người vi phạm suy nghĩ về hành vi say rượu, còn mình không có.

Thứ ba là căn cứ xử phạt nguội. Chúng tôi đã trao đổi với ngành y tế, số liệu giữa cảnh sát và y tế không đồng nhất. Bên y tế chỉ thông tin có dấu hiệu vi phạm, còn vi phạm thì phải do công an xác minh. Chúng tôi đề nghị tới đây có người tới chữa trị nói bị tai nạn giao thông thì phải thông báo lực lượng chức năng tới kiểm tra, đo nồng độ cồn xem có vi phạm không, làm căn cứ để phạt nguội.

Ngoài ra, chúng tôi cần 8 chiến sĩ một ca trực để xử lý vi phạm, quân số hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu. Trao đổi kinh nghiệm với lực lượng cảnh sát các nước bạn, họ nhận xét cảnh sát Việt Nam có quá ít quyền để xử lý, cưỡng chế vi phạm, để người vi phạm không gây nguy hiểm cho chính họ và người khác.

- Quy định pháp luật hiện nay có gì khó khăn cho cảnh sát trong quá trình xử phạt? (Nguyễn Văn Anh, 30 tuổi)

- Ông Đỗ Thanh Bình: Theo quy định, nếu anh gây tai nạn hoặc có nồng độ cồn thì cấu thành định khung hình phạt cao hơn. Thứ hai như tôi đã nói, khoản 4 điều 260 Bộ luật Hình sự, những hành vi có nguy cơ gây tai nạn, đều liên quan đến nồng độ cồn cần có hướng dẫn.

Tới đây khi sửa Nghị định 46, chúng ta nên có tư duy mới, nên phạt theo lũy kế, theo lần vi phạm, theo nhóm hành vi, chứ giờ nghị định có quá nhiều nhóm hành vi. Mình chia thành mấy trăm hành vi là không thực tế. Trong luật, từ về giao thông quan tâm nhất là "an toàn" thì nay an toàn lại ẩn bên hết. Chúng tôi đề nghị sớm xây dựng Luật An toàn giao thông đường bộ, đường thủy riêng..., trong đó có các hình thức phạt, thẩm quyền của lực lượng chức năng được làm gì khi có vụ việc vi phạm nguy hiểm: gây tai nạn bỏ chạy, chống đối cảnh sát...

Như các nước riêng nồng độ cồn, ma túy là kiểm tra bất cứ khi nào, chứ không bị đặt câu hỏi là tôi vi phạm gì mà được kiểm tra. Nếu không sử dụng con người để chặn họ lại xử lý thì không phát hiện được. Hôm qua, tôi nhận được thư điện tử có người giới thiệu máy cưỡng chế người nghiện rượu. Ở Việt Nam máy đó không được sử dụng.

- Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cảnh sát giao thông nói việc chặn tài xế vi phạm nồng độ cồn trước quán bia là phản cảm, nhưng vẫn phải làm, còn ý kiến của đại tá Bình thế nào? (Nguyễn Tuấn Đạt, 25 tuổi)

- Ông Đỗ Thanh Bình: Cảnh sát giao thông chúng tôi chưa bao giờ lập chốt ngay trước nhà hàng mà địa điểm là trên một tuyến đường nhất định.

Hàng quán ở Việt Nam quá nhiều, chúng tôi không thể xác định tập trung vào quán nào. Khi lập chốt, chúng tôi cần tính toán để dừng phương tiện mà không gây ùn tắc, đảm bảo an toàn cho lực lượng thực thi và người tham gia giao thông. Chúng tôi không nhắm vào đối tượng vi phạm là chủ nhà hàng, khách hàng.

Có một cách hay là khi dừng đèn đỏ, chúng ta có thể kéo dài thêm thời gian đèn đỏ để cảnh sát kiểm tra ngẫu nhiên một số người tham gia giao thông, như một số nước khác đã thực hiện.

Hãy cung cấp bằng chứng cảnh sát vi phạm

- Thưa ông Đỗ Thanh Bình, có một thực tế nhiều cảnh sát giao thông không nghiêm, khi tài xế xin xỏ, hoặc "đút lót" thì cho qua, dẫn đến nhiều người có tiền, quyền không sợ. Ông suy nghĩ thế nào về hiện tượng này? (Lê Văn Luyện, 22 tuổi)

- Ông Đỗ Thanh Bình: Việc tuần tra của chúng tôi phải theo kinh nghiệm quốc tế, phương tiện giám sát đầy đủ, bạn nào nói chưa nghiêm hãy gửi bằng chứng để chúng tôi xử lý. Còn đây là hoạt động tập thể, không thể một cá nhân lợi dụng vi phạm được.

Còn thực tế xã hội có cầu cứu không? Có người cầu cứu, nhưng vẫn bị xử phạt. Khi xuống địa phương tôi thấy có chi tiết này, xử lý vi phạm hành chính, vi phạm giao thông không được công khai danh tính trong khi đồng nghiệp chúng tôi cho rằng nếu được công khai mức răn đe lớn hơn. Nếu người vi phạm có địa vị xã hội, nổi tiếng thì áp lực xã hội lớn.

Đối với vi phạm nồng độ cồn chúng tôi triển khai nghiêm túc nhất, đông nhất, phương tiện tiên tiến nhất.

- Nếu tôi nhìn thấy một người say rượu mà cố tình lái xe, bản thân lại không thể ngăn họ, tôi phải gọi đến đâu để nhà chức trách ngăn người này, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra? (Phan Bích Ngọc, 25 tuổi)

- Ông Đỗ Thanh Bình: Tôi rất mong có nhiều người quan tâm như thế này. Các bạn hãy gọi ngay đến số đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông chúng tôi theo số 069.234.2608 để nhận được sự hỗ trợ.

Ủy ban An toàn giao thông 'hoạt động tích cực nhất'

- Để giảm thiểu tai nạn giao thông, Chính phủ lập ra Ủy ban An toàn giao thông quốc gia giữ vai trò điều phối, tham mưu. Ông Trần Hữu Minh đánh giá thế nào về hiệu quả của các dự án, chiến dịch tuyên truyền do Ủy ban thực hiện? (Phạm Bình Minh, 40 tuổi)

- Ông Trần Hữu Minh: Các chương trình hoạt động của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về cơ bản bám sát chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, bao gồm 5 trụ cột mà Liên Hợp Quốc khuyến cáo. Do giới hạn thời gian, tôi đơn cử ví dụ: Năm 2014, khi thực hiện nghiên cứu độc lập với 100.000 mẫu thử, chúng tôi thấy tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm chỉ 25%, trong khi Việt Nam luôn được coi là hình mẫu trong việc chấp hành đội mũ bảo hiểm.

Sau đó, chúng tôi tuyên truyền sâu rộng kết hợp với xử phạt, đi cùng trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh. Sau nỗ lực đó, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm đã đạt 40%, thậm chí 70% ở một số khu vực. Con số này đã chứng minh hiệu quả của chương trình do Ủy ban thực hiện.

xu-phat-giao-thong-6723-154497-3243-5739-1557201961.jpg

CSGT xử lý trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Sơn Tuân

Ngoài ra, Ủy ban cũng đang triển khai các chương trình kết hợp với nhà hàng (như dán thông điệp đã uống rượu bia thì không lái xe tại bàn nhậu) với mục tiêu giúp cộng đồng nhận thức được họ có lựa chọn tốt hơn việc tự mình lái xe (như phương tiện công cộng, Grab).

Chúng tôi thấy sự tham gia của mọi người, đặc biệt là các nhà hàng rất tốt vì họ ý thức được trách nhiệm xã hội của mình, tỷ lệ người uống say rồi tự lái xe về được giảm đáng kể, chỉ còn 30-40%. Nếu kiên trì, những chương trình này sẽ có tác động lan tỏa, thay đổi nhận thức cộng đồng.

Phần lớn người dân đều không muốn uống rượu bia rồi lái xe. Họ làm như vậy như một sự đã rồi, bởi vậy việc hướng dẫn kỹ năng để người dân lên phương án đi lại an toàn (thời gian, địa điểm của sự kiện, cách thức đi....), đồng thời kiên trì phát triển các loại hình vận tải công cộng cung cấp nhiều lựa chọn đi lại sau khi sử dụng rượu bia là hết sức cần thiết để hỗ trợ, dẫn dắt quá trình thay đổi ý thức một cách nhanh hơn.

Ma-tuy-1749-1556175688-5659-15-9801-2111-1557202200.jpg

Đội CSGT số 7 kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe container trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Bá Đô.

- Một số ý kiến cho rằng vai trò của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mờ nhạt trong việc giải quyết vấn nạn giao thông, thường lãnh đạo chỉ xuất hiện sau khi tai nạn xảy ra, không hoặc ít tổ chức các chương trình phối hợp phòng ngừa. TS Minh nghĩ sao về điều này? (Đạt, 25 tuổi)

- Ông Trần Hữu Minh: Các hoạt động của Ủy ban bám sát vào chức năng được Thủ tướng phân công. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tham mưu, giúp Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành địa phương thực hiện các chiến lược chương trình An toàn giao thông trên toàn quốc, thực hiện chức năng phối hợp liên ngành trong bảo đảm an toàn giao thông, tuyên truyền về an toàn giao thông và nhiều hoạt động khác.

5f36988d729797c9ce86-4838-1557204171.jpg

TS Trần Hữu Minh. Ảnh: Gia Chính

Khi còn có tai nạn giao thông thì đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông sẽ còn phải tiếp tục làm việc ở mức độ cao nhất, cống hiến cao nhất để hướng tới một hệ thống giao thông vận tải an toàn hơn cho người dân và việc này là một quá trình không có điểm dừng.

Theo đánh giá của người dân cũng như của các cơ quan chức năng, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là một trong những Ủy ban liên ngành hoạt động tích cực và hiệu quả nhất.

Sửa Nghị định 46 để tăng mức xử phạt

- Nhiều người đề xuất tăng mức phạt bổ sung như lao động công ích, phạt tù với lái xe say rượu, tước bằng lái vĩnh viễn, tịch thu phương tiện, ông/bà có ý kiến thế nào? (Nguyễn Đăng Cường, 32 tuổi, Hà Nội)

- Bà Phan Thị Thu Hiền: Tôi thấy độc giả bình luận rất sôi nổi, nhiều ý kiến đề xuất thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe, phạt tù... như các nước đã thực hiện. Anh, Pháp, Thụy Điển đều xử lý hình sự, phạt tù 2 năm với người sử dụng quá nồng độ cồn; Trung Quốc phạt tù 3 năm. Là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đang phối hợp các đơn vị liên quan sửa đổi Nghị định 46, theo hướng tăng mức xử phạt hành chính với vi nghiêm trọng nồng độ cồn, ma túy như chỉ đạo của Chính phủ.

Với vấn đề tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, việc này không chỉ nhìn nhận dưới góc độ Luật Giao thông đường bộ, ở đây giấy phép lái xe còn là giấy phép hành nghề. Hoặc chúng ta muốn phạt tù tài xế vi phạm nồng độ cồn thì phải có đủ hành vi. Ngoài ra, việc tịch thu phương tiện cũng đang được nghiên cứu.

Chúng tôi rất vui khi người dân đồng thuận nâng mức xử phạt vi phạm với vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, và sẽ nhanh chóng có dự thảo để đưa ra công luận góp ý kiến. Tôi nghĩ đây là các quy định ảnh hưởng đến đông đảo người dân, do vậy phải nhìn đa chiều, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

ae9c2d09c713224d7b02-3518-1557203389.jpg

Bà Phan Thị Thu Hiền. Ảnh: Gia Chính

- Có đề xuất thêm chế tài với các nhà hàng để có trách nhiệm đưa người say rượu về nhà, ông bà nghĩ sao? (Đạt, 25 tuổi)

- Ông Đỗ Thanh Bình: Chúng tôi tiếp thu, nhưng muốn xử lý tốt thì phải có hướng dẫn của các cơ quan, Hội đồng thẩm phán, có đánh giá tác động.

Xét trên góc độ hành chính, đầu tiên là đánh vào kinh tế. Luật pháp Việt Nam hiện nay chưa quy định nhưng các nước tước vĩnh viễn quyền kinh doanh. Ví dụ, anh được cấp giấy phép kinh doanh vận tải thì tước giấy phép trong thời gian nào còn tước vĩnh viễn thì chưa thấy nước nào có.

Một vấn đề nữa là quản lý cấp giấy phép lái xe sau kỳ vi phạm. Hiện chúng ta chưa tính đến. Các nước ngoài, nếu anh vi phạm kỳ này, sang năm kỳ đó cấp lại sẽ cấp nhưng ngắn hơn. Nếu vi phạm rượu bia thì phải xem lại ý thức. Hiện ở Việt Nam cứ cấp 5 năm một lần mà chưa xem lại kỳ trước có vi phạm hay không.

Các hợp đồng bảo hiểm, hành vi vi phạm rượu bia không có bảo hiểm tự nguyện, chỉ có đền cho bên thứ ba. Còn các đề xuất khác chúng tôi cho rằng phải nghiên cứu. Tịch thu phương tiện cũng cần nghiên cứu vì phương tiện đó không có lỗi, người điều khiển mới có lỗi vì vậy phải tính trên phương diện đồng bộ. Chúng tôi đồng ý phải tăng mức xử phạt, tuyên truyền rộng đừng để biết rồi không thực hiện. Có luật Phòng chống tác hại của rượu bia quản lý người bán rượu bia tốt hơn. Mức độ xử phạt hành chính mang tính răn đe, cuối cùng là hình sự, trách nhiệm của người dân với xã hội.

Như tôi và anh Minh vừa đi Singapore về, trong xe đã có truyền thông, nếu người trong xe hút thuốc sẽ bị báo cảnh sát bắt ngay hay phạt đánh vào hầu bao. Cảnh sát chúng tôi mong giảm thiểu tai nạn giao thông, hình thành văn hóa giao thông Việt Nam.

59701703-1087910031418018-3953-9452-6150-1557204858.jpg

Ông Đỗ Thanh Bình và bà Phan Thị Thu Hiền. Ảnh: Gia Chính

- Nhiều độc giả đề nghị phạt tài xế vi phạm đi lao động công ích ở nhà xác bệnh viện để thấy nỗi đau sinh ly tử biệt, quan điểm của ông, bà như thế nào? (Đạt, 25 tuổi)

- Ông Trần Hữu Minh: Những đề xuất như vậy theo tôi đều có căn cứ. Chúng ta cần phải đa dạng hóa các hình thức xử phạt, đây là một nguyên tắc trong xử lý vi phạm hiệu quả.

Nếu nhìn vào các quốc gia phát triển, ta sẽ thấy họ có bốn công cụ xử phạt rất nhuần nhuyễn (hình sự, giáo dục, hành chính, kinh tế). Việt Nam ta mới chú trọng vào hành chính, trách nhiệm hình sự mới chỉ xử lý khi tài xế uống rượu bia gây hậu quả.

Theo tôi, về hình sự chúng ta cần xây dựng án lệ để xử lý những hành vi đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa có hậu quả. Về hành chính, chúng ta cần nghiên cứu có những mức phạt đủ mức răn đe.

Lao động công ích thuộc về hình thức giáo dục, ta cần chú ý người vi phạm cần phải học lại và thi lại khó hơn người thường để đảm bảo anh không còn rủi ro khi cầm lái. Về kinh tế, nước phát triển tăng mức tiền mua bảo hiểm dựa vào lịch sử lái xe, tôi thấy rất hiệu quả.

- Bà Phan Thị Thu Hiền: Tôi đọc rất nhiều giải pháp của độc giả VnExpress, xuất phát từ mong muốn không để xảy ra tai nạn giao thông. Các giải pháp này đang được nghiên cứu, trong đó có đề xuất về phạt lao động công ích.

Tổng cục Đường bộ và Cục Cảnh sát giao thông thường xuyên họp, tranh luận với nhau tìm ra "liều thuốc" cho vấn đề này.

- Khảo sát mới đây của VnExpress với 4 chế tài xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn như Phạt tù thời gian ngắn; Tăng phạt tiền; Tịch thu phương tiện; Tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, 38% độc giả chọn phạt tù thời gian ngắn và 32% bình chọn tước giấy phép lái xe vĩnh viễn. Ông, bà nghiêng về phương án nào và có suy nghĩ gì về sự lựa chọn này của độc giả? (Đạt, 25 tuổi)

- Ông Trần Hữu Minh: Nguyên tắc xử phạt là xử lý theo mức độ vi phạm. Theo tôi biết chưa có địa phương nào xử phạt hình sự được vi phạm nghiêm trọng về nồng độ cồn khi chưa gây hậu quả, mặc dù bản chất của vi phạm là tội phạm nghiêm trọng, là hành vi giết người chưa gây hậu quả.

Trong công tác kiểm tra, tôi thấy tỷ lệ chấp hành phạt rất tốt, nhưng có một số trường hợp không hợp tác, thậm chí hành hung lực lượng chức năng. Chúng ta cần sửa pháp luật để tăng quyền cho lực lượng chức năng, để nhận thức người chống đối cũng phải thay đổi.

Về tước giấy phép vĩnh viễn, tôi thấy các nước cũng có nhưng áp dụng không nhiều, chỉ đối với hành vi đặc biệt nghiêm trọng và người vi phạm có thái độ coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng người khác. Ví dụ thay vì cứu chữa sau khi gây tai nạn, một số ít lái xe bỏ chạy hoặc cố tình cán qua người bị nạn. Những trường hợp như vậy nếu có bằng chứng rõ ràng là đã đủ căn cứ cấm vĩnh viễn. Dù không nhiều, nhưng ta vẫn cần có đủ hành lang pháp lý.

- Bà Phan Thị Thu Hiền: Các nước đã trải qua thời gian quá độ, không nước nào có nền giao thông tuyệt đối được. Văn hóa giao thông không phải ngày một ngày hai mà phải được xã hội đồng hành, tuyên truyền mỗi người trong gia đình phải nhận thức về vấn đề này.

- Ông Đỗ Thanh Bình: Nếu bảo là chọn một trong bốn chế tài thì tôi cho rằng là phiến diện. Theo tôi, những gì chúng ta có thể làm được theo quy định của pháp luật hiện nay, theo Luật xử lý vi phạm hành chính, đó là mức xử phạt. Mức xử phạt trong lĩnh vực giao thông cao nhất được phép đến 75 triệu đồng. Sửa Nghị định 46 là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, chúng ta có thể làm được ngay.

Cái thứ hai là liên quan đến hướng dẫn về Bộ luật Hình sự để xử lý đối với hành vi có khả năng xảy ra vi phạm, trong đó có nồng độ cồn, thì phải có hướng dẫn về định lượng và các tình huống. Hiện rất khó để hướng dẫn trên thực tế.

Thứ ba là các hình thức phạt bổ sung theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính trong đó có cải tạo lao động như độc giả đề nghị thì chúng ta cũng phải sửa luật. Nhưng trước hết hãy tập trung những thứ trong tầm tay, có thể tham mưu đề xuất được. Còn những cái kia chúng ta nghiên cứu vì liên quan đến Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ, rất nhiều văn bản mới thực hiện được.

59706762-860052590998565-91842-9422-8483-1557205427.jpg

Ông Đỗ Thanh Bình. Ảnh: Gia Chính

Chúng tôi lắng nghe tất cả giải pháp, tất cả đề xuất. Để cải thiện thực trạng, thứ nhất cần phòng ngừa, thứ hai là gắn chặt trách nhiệm của người điều khiển, thứ ba là tạo môi trường không dám vi phạm. Đó là cái quan trọng hơn. Chúng tôi chú trọng tuyên truyền, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh sinh viên, các hiệp hội tham gia giao thông, như thế mới sát thực tiễn được. Nếu chỉ chọn một chế tài thì là phiến diện, cần đồng bộ cả xã hội, cả hệ thống.

Hiện tại luật Việt Nam là cấm không được sử dụng rượu bia khi lái xe ôtô. Tuy nhiên, một số nước tiên tiến có cho tỷ lệ nhất định, chẳng hạn uống một chai bia, sau một tiếng là có thể điều khiển. Họ tính đến yếu tố văn hóa, hướng dẫn người dân rằng cơ thể bình thường bao nhiêu kg thì nên uống bao nhiêu, sau bao lâu thì đã đào thải được.

- Cục Cảnh sát giao thông nghĩ thế nào nếu có một cổng tập hợp hình ảnh vi phạm xử lý giao thông do người dân chụp, phát hiện được? (Dương Đình Việt, 29 tuổi)

- Ông Đỗ Thanh Bình: Nội dung này rất thú vị, Bộ trưởng Công an đã ký quyết định thành lập Ban nghiên cứu Đề án ứng dụng công nghệ thông tin mà tôi là thư ký. Chúng tôi sẽ có "app" để tiếp nhận mọi thông tin và chuyển cho lực lượng thực thi. Chúng tôi mong nhận được nhiều nhất các phản hồi.Thứ ba, tôi muốn nói thêm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cấm uống rượu bia giờ hành chính, nghỉ trưa thực hiện nghiêm, quản lý công chức phải được thực hiện nghiêm từ đó tạo hệ thống chế tài phòng ngừa.

Ban Thời sự
 
×
Quay lại
Top